Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bình bài thơ "Em ngồi gần lại đây" của Lê Lanh

Nguyễn Ngự Bình
Thứ sáu ngày 15 tháng 11 năm 2013 4:27 AM

EM NGỒI GẦN LẠI ĐÂY

Trong bếp gà xuống ổ.
Ngoài vườn hoa bưởi thơm.
Trên sân đàn trẻ nhỏ,
Nhảy dây quanh đống rơm.

Trống rền vang trường lớp.
Bình minh choàng vòm cây.
Trên cành chim xây tổ.
Em ngồi gần lại đây.
               
                 1985
                Lê Lanh

LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN NGỰ BÌNH: Có thể nói,tôi ít gặp những bài thơ “được mùa” về hình ảnh như bài: “ Em ngồi gần lại đây” của Lê Lanh.Gần như mỗi câu là một hình ảnh.Hình ảnh mà tưởng như không hình ảnh.Vì nó quá giản dị và gần gũi với đời sống thường nhật.Mỗi hình ảnh là một mầm sống,gợi cho con người hướng tới tương lại: Gà xuống ổ,chim xây tổ,đàn trẻ nhỏ, hoa bưởi thơm,… Hình ảnh“hoa bưởi thơm” gợi tình yêu con người trong thơ.Đó là chàng trai: “Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…”( Ca dao).Và hương bưởi “trong chiếc khăn tay” của cô gái đang có tâm trạng “bối rối”vì “bên ấy ngày mai có người ra trận”( Hương thầm – Phan Thị Thanh Nhàn)…Mỗi hình ảnh cứ như nâng hồn người bay lên.
 Nếu nhìn khái quát toàn bài ta thấy những hình ảnh được xếp đặt có tầng có lớp.Tầng thứ nhất là hình ảnh con người.Tầng này có hai lớp,Lớp một là: “Em ngồi…”và lớp hai là “đàn trẻ nhỏ…”Hai lớp có quan hệ nhân quả.  Nhân là “Em ngồi gần lại đây”và quả là “đàn trẻ nhỏ”...Tầng thứ hai có ba lớp.Lớp một là “gà xuống ổ”,trong phạm vi hẹp,còn ở tầm thấp.Lớp hai “chim xây tổ”,đã cao hơn và mở ra một không gian rộng hơn.Lớp ba là “vòm cây”,vòm xanh,vòm tương lai,hy vọng.Đến tầng thứ ba là tầng cao nhất,rộng nhất,là không gian,bầu trời,là chiếc áo bình minh được “mặc” từ trên trời cao xuống trái đất và “choàng”lên tất cả.
Bên cạnh những hình ảnh theo từng cấp độ đã nêu trên nhà thơ còn tận dụng những từ định vị trong không gian đa chiều( trên,dưới,trong,ngoài…)
để miêu tả sự vật,sự việc đã diễn ra,trường tương lai đang mở ra trong phạm vi rộng.
Về mặt kết cấu,bài thơ có tám dòng,nhưng chỉ có bẩy câu ( dòng ba và bốn là một câu).Sáu câu đầu diễn tả cuộc sống đang ở nơi xuất phát,đâm chồi,nẩy lộc.Câu cuối là cảm xúc của tác giả,tạo ra tình huống bất ngờ.Lối kết cấu này mang tính kế thừa,có sáng tạo từ loại thơ truyền thống.Bạn đọc có thể nhớ tới bài “ Dương phụ hành” của Cao Bá Quát.Bài thơ cũng có tám câu.Bảy câu đầu là cảnh sinh hoạt gia đình đầm ấm,hạnh phúc của người đàn bà phương Tây.Câu cuối cùng cũng là cảm xúc của tác giả. Nhưng là cảm xúc về nỗi cô đơn,lẻ loi trong hoàn cảnh phải xa quê hương (nghịch cảnh).Còn ở bài : “ Em ngồi…”là cảm xúc thuận chiều,đồng cảnh. Con người cùng với cảnh vật thiên nhiên tấu lên một bài ca tương lai hy vọng.
Nếu quan niệm thơ cần chân thực,giản dị và đại chúng thì bài thơ “Em ngồi gần lại đây” là một minh chứng.
Phụ bản- xin được giới thiệu bản dịch bài : “ Dương phụ hành”để bạn đọc tham khảo:
            Thiếu phụ Tây Dương áo trắng phau
            Tựa vai chồng dưới bóng trăng thâu
             Ngó thuyền Nam thấy đèn le lói
             Kéo áo rì rầm nói với nhau.
            
             Hững hờ cốc sữa biếng cầm tay
             Gió bể đêm sương thổi lạnh thay
             Uốn éo đòi chồng nâng đỡ dạy
             Biết đâu nỗi khách biệt ly này.
                                                               Lê Tự Thực dịch
                                                
 Đt - 01664896348