Văn hóa ứng xử và ứng xử văn hóa...
Văn Công Hùng
Chủ nhật ngày 15 tháng 9 năm 2013 5:39 PM
Cái gốc rễ của văn hóa là sống đẹp, sống tốt với nhau, sống vì nhau đang bị tha hóa. Bây giờ người ta chỉ sống cho mình. Sự hy sinh nhường nhịn rất ít, sự yêu thương đùm bọc cũng hiếm. Bằng mọi cách người ta làm giàu và phô phang chuyện giàu. Có những kiểu giàu mà có khi ngay người trong cuộc nằm vắt tay lên trán cả năm, thức cả năm để tính thì vẫn không biết tại sao mình… giàu?
Nhớ cái thời nhường cơm sẻ áo, gửi chìa khóa cho nhau, giao nhà cửa cho nhau, hy sinh quyền lợi cho nhau, và hy sinh cả sinh mạng mình cho người khác sống… giờ có vẻ nó chỉ như cổ tích.
Người ta tha hóa từ những cái đơn giản nhất.
Nhà tôi ở trước một trường mẫu giáo. Thường thì trên đường chở con đi học bố mẹ hay mua đồ cho con ăn, và đến gần cổng trường thì chúng… hoàn thành nhiệm vụ, đưa vỏ hộp hoặc giấy gói cho bố mẹ chúng. Và bố mẹ chúng thản nhiên… thả ngay xuống đường, đến nỗi có nhiều đứa con phải túm áo bố mẹ cương quyết bắt bố mẹ xuống nhặt chỗ rác họ vừa vất xuống ấy, hoặc là mang bỏ đúng thùng rác, hoặc là mang theo đến cơ quan mà bỏ…
Đến to hơn, như đã bỏ mặc chiếc tàu bị nạn suốt 6 tiếng đồng hồ trên biển để rồi có đến 9 người chết. Nếu người ta dũng cảm, ngay từ đầu đã báo tin một cách trung thực, hoặc 2 chiếc tàu đi cùng cố gắng tối đa, không dửng dưng chạy qua như thế, có thể số nạn nhân sẽ ít hơn, tai nạn sẽ bớt thảm khốc hơn.
Hoặc Bộ trưởng bộ Y tế chịu khó chạy xe thêm mấy chục cây số khi mà mình đã có mặt ở Quảng Trị để chia buồn với gia đình của 3 cháu bé tử vong do tiêm Vắc Xin, thì dẫu cho các cháu không thể sống lại, nhưng nỗi đau có lẽ cũng sẽ được xoa dịu phần nào…
Điều gì đã làm cho con người hôm nay lạnh lùng vô cảm đến như thế? Điều gì đã khiến cho cái ác ngày càng ác hơn như thế?...
Có lỗi ở cả văn hóa ứng xử và ứng xử văn hóa.
Người ta chú ý tới những cái to lớn, cái vĩ đại, mà quên đi những cái tưởng nhỏ nhặt vụn vặt, nhưng lại là gốc rễ của văn hóa.
Những sự kiện rất to rất lớn được tổ chức, những kỷ lục được lập, nhưng từng số phận con người lại bị bỏ quên. Có ai ngờ ở ngay Hà Nội, thủ đô hòa bình, một trong mấy thủ đô to nhất thế giới lại có một ông bố ăn ở trong cống để tiết kiệm mỗi tháng vài trăm bạc nuôi 4 đứa con ăn học. Cũng ở ngay Hà Nội ấy, có một cụ bà với cái làn trong tay, trong ấy là mấy bộ quần áo và di ảnh ông chồng là một cựu chiến binh (cụ này cũng là cựu binh), và chỗ nào sạch sẽ thì bà lại dựng ảnh ông lên để thờ, để cúng ông. Đây là một đoạn đối thoại giữa phóng viên với bà cụ sống “Cuộc sống “cơm niêu nước lọ” ngay tại Hà Nội, đi lang thang “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”:
“PV: Thế bây giờ mà trời đổ mưa thì bà căng cái bạt lên à?
Bà Loan: Không, chả căng. Mặc áo mưa mà ngủ thôi, nóng tí cũng phải chịu. Khổ nó quen rồi.
PV: Mấy giờ bà mới sang bên mái hiên nhà bán mũ bảo hiểm kia để ngủ?
Bà Loan: Phải 11 - 12 giờ, giờ ấy họ mới đóng cửa, mới dọn hết hàng vào.
PV: Thế thì bà tắm rửa, giặt giũ ở đâu ạ?
Bà Loan: Bà mua 5 nghìn 1 can nước, giặt bộ quần áo với lau người thì 2 can là 10 nghìn, 1 ngày 2 bịch trà đá cũng là 10 nghìn. Khoai lang thì ăn vài miếng, vẫn còn bỏ trong kia kìa. Mà hôm nay mưa, bà chả tắm, tắm hôm qua rồi còn gì, mai kia tắm luôn thể.
PV: Giữa phố thế này, nhà cửa không có, nhờ đợ không có ai, bà tắm kiểu gì?
Bà Loan: Tắm thì tối người ta về, có cái cô bán nước chè vỉa hè, từ tối đến 4 giờ sáng góc kia kìa. Bà vào đấy tắm nhờ. Ngày xưa ông chồng bà còn sống, cô ấy còn nấu cả cháo gà để mang cho ông đấy, thương ông lắm. Bà tắm xong bà giặt quần áo, phơi lên cái xe máy dọc đường. Nó cứ để ở đây thì mình cứ phơi, sạch sẽ. Mày xem, bà rất sạch sẽ mà.
PV: Bà ăn uống thế này thì không đủ chất đâu!
Bà Loan: Bà thề với chúng bay từ ngày lên đây bà chưa biết bát phở là cái gì. Sáng ra bà mua hai nắm cơm 10 nghìn thì ăn cả ngày, muốn ăn rau gì thì mua rồi tự nấu lấy.
PV: Bà nấu ở đâu ạ?
Bà Loan: Bà bắc hai hòn gạch ở đây (gần vườn hoa Hàng Đậu). Muốn đun chỗ nào thì đun. Bà mua 10 nghìn thịt rang khô nó lên ăn 2-3 ngày, mua 10 nghìn mỡ để rán, phải tận dụng chứ. Bà chả biết bát phở là cái gì. 25 - 30 nghìn bát phở thì tiền đâu ra mà ăn.
PV: Bà đi vệ sinh ở đâu?
Bà Loan: Kia, đái kia, ở bốt điện kia kìa, tất cả mọi người ở xe ôm đều đái ở đấy. Còn đi “đồng” (đại tiện) thì đi vào cái túi nilon, buộc lại rồi vứt. Bà ngủ bên kia, sáng sớm dậy thì bà đi đồng vào túi nilon rồi vứt đống rác.”…
Tất nhiên, không phải không có người tốt. Rất nhiều nữa là đằng khác. Họ tự nguyện và âm thầm. Như chương trình “Cơm có thịt” của anh Trần Đăng Tuấn, chương trình sách cho nông thôn của anh Nguyễn Quang Thạch, chương trình Vì ta cần nhau của chị Thanh Chung, và rất nhiều, nhiều nữa, từ hành động rút ví khi gặp các hoàn cảnh thương tâm, đến nồi cháo lặng lẽ khiêm tốn ở những góc sân bệnh viện, đến những chương trình dài hơi cho cộng đồng. Nhưng cảm giác đấy chỉ là những hành động tự phát…
Cái chính là, có vẻ như chúng ta thiếu một cái nền vững chắc cho văn hóa phát triển. Hay chính xác hơn, cái nền ấy đang bị lung lay.
Thánh thần bị buôn bán, niềm tin bị đổ vỡ, người trên, người lớn không làm gương, những điều không thật thì lên ngôi còn sự thật bị rẻ rúng.