Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đôi điều trao đổi với nhà văn Cao Duy Thảo

Nguyễn Huy Thông
Thứ tư ngày 18 tháng 9 năm 2013 8:23 PM

Trên Tạp chí Thơ số 5-2013 vừa qua đã đăng bài “Nhân một bài trao đổi về thơ Tố Hữu” của tác giả Cao Duy Thảo. Trong bài viết này, ông Thảo đã phê bình một số nhận xét của tôi trong bài “Mấy ý kiến về việc thưởng thức, đánh giá thơ Tố Hữu”, đăng trên Báo An ninh thế giới giữa tháng số 62, 3 - 2013. Với tinh thần xây dựng, trọng lẽ phải và học thuật, tôi muốn trao đổi với ông đôi điều sau đây:
1. Ông Thảo cho rằng tôi hay dùng các cụm từ mà theo ông là “ca ngợi đến như thế cũng là hết lời”, “để làm chỗ dựa cho lập luận của mình… phản bác lại ý kiến của nhà thơ Vũ Quần Phương về “đôi bài thất bại của Tố Hữu”. Ông dẫn ra 5 cụm từ của tôi dùng “quanh các bài thơ ấy” (tôi hiểu đó là bài “Đời đời nhớ Ông” và bài “Bài ca tháng Mười”). Thực tế là trong 5 cụm từ này chỉ có 2 cụm từ nói về 2 bài thơ đó, còn 3 cụm từ nói về các bài thơ khác của Tố Hữu. Cụ thể là:
- Cụm từ 3 “…được đông đảo công chúng cả  nước mến mộ…” là để nói về tác dụng to lớn của các bài thơ như: Bác ơi!, Theo chân Bác, Việt Nam máu và hoa, Nước non ngàn dặm, Vui thế hôm nay…
- Cụm từ 4 “… nói đúng ý nghĩ và tình cảm của đồng bào, chiến sĩ, của các tầng lớp nhân dân ở nhiều vùng đất nước…” là để nói về thành công đáng kể của bài thơ dài Nước non ngàn dặm.
- Cụm từ 5 “…. được lớp lớp độc giả nước ta từ người bình thường, trình độ học vấn thấp đến những bậc trí thức say sưa cảm thụ” là để nói về tác dụng truyền cảm sâu sắc của bài thơ Bầm ơi.
Tác giả chụp cho tôi cái mũ “hơi ngoa ngôn và thiếu căn cứ khách quan khoa học”  mà không có chứng minh cụ thể. Nhưng tôi rất tin là công chúng bạn đọc đánh giá đúng về những lập luận, nhận xét của tôi, kể cả 5 cụm từ vừa nêu xem tôi có phải là người mà ông Thảo quy kết như thế không.
Trong bài viết của mình, tôi đã cố gắng phân tích, diễn giải một cách chính xác, có lý có tình, nhằm góp phần vào việc thưởng thức, đánh giá thơ Tố Hữu sao cho khách quan, công bằng. Tôi rất tôn trọng và rất muốn nói đúng sự thật về những giá trị thành công và hạn chế, những tác dụng và ảnh hưởng không nhỏ của một số bài thơ của Tố Hữu đối với đất nước và sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Tôi không đề cao, ca ngợi quá mức, không đúng về thơ ông. Tôi đã viết: “Công bằng mà nói không phải bài thơ nào, câu thơ nào của ông cũng toàn bích”. Tất cả 5 cụm từ nói trên của tôi đều có cơ sở thực tế và căn cứ khoa học khách quan. Tôi chỉ xin nêu một ví dụ để nói rõ thêm về cụm từ thứ 5  mà ông Thảo nêu. Nhà thơ Hữu Thỉnh kể rằng, người mẹ kính yêu của  ông lúc gần đất xa trời, sắp ra đi, giọng cụ đã hụt hơi, nhưng vẫn nhớ rành rọt nhiều vần thơ của Tố Hữu trong các bài Bầm ơi, Bà bủ, Việt Bắc. Rồi nhà thơ xúc động viết: “Thế đấy, ơi anh Lành! Đời anh đã được nhận bao nhiêu vinh dự. Nhưng có một vinh dự hiếm hoi mà anh không kịp nhận. Một bà mẹ 92 tuổi, ở một vùng trung du xa khuất, trong lúc hấp hối vẫn còn nhớ và đọc thơ anh” .
Qua chi tiết này càng chứng tỏ bài Bầm ơi cũng như nhiều bài thơ khác của Tố Hữu đã được các thế hệ người Việt Nam ta say sưa cảm thụ. Tố Hữu – nhà thơ của nhân dân rất xứng đáng được nhận phần thưởng vô giá, quý báu đó. Vậy thì cụm từ thứ 5 của tôi là đúng chứ, chả có gì là “ngoa ngôn”  và “ca ngợi hết lời”.
2. Ông Thảo viết rằng tôi đại diện cho “tuyệt đại đa số người đọc”  để khen cả bài thơ “Đời đời nhớ Ông” . Chắc là ông đọc không kỹ bài viết của tôi nên mới có sự nhầm lẫn và trích dẫn cụt như vậy. Nguyên văn câu văn ấy của tôi như sau: “Tôi cũng như tuyệt đại đa số người đọc đều hiểu ở câu thơ trên” (tức câu “Nhân loại chưa thành người” trong bài thơ Bài ca tháng Mười- N.H.T), nhà thơ muốn nhấn mạnh….” Như vậy rõ ràng là tôi chỉ nói đến Bài ca tháng Mười, chứ không nhắc, không khen Đời đời nhớ Ông.
3. Điều đáng nói nữa là ông Cao Duy Thảo đã khẳng định ở ta, các khái niệm “quần chúng”, “nhân dân” “cứ luôn trở thanh cái bình phong cho bao kẻ lợi dụng”. Chúng tôi không hiểu ý ông muốn ám chỉ ai ở đây. Xin hỏi “bao kẻ” là gồm những ai và lợi dụng gì, lợi dụng như thế nào? Theo chúng tôi, rất không nên viết mập mờ, không rõ ý và dễ làm cho người đọc hiểu rằng viết như thế là miệt thị người khác.
Trong bài viết này, chúng tôi chưa thể nói với ông Thảo vài điều khác cần trao đổi nữa, nhân việc ông phê bình bài viết của tôi đăng trên Báo An ninh thế giới.

1- 7- 2013
N.H.T

  Hữu Thỉnh: “Thơ Tố Hữu – sinh mệnh của cách mạng, sinh mệnh của con người”. Tạp chí Thơ số 1 & 2 -2013, trang 53-54.