Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Dằn lòng không uống bùa mê

Lý Thanh Thảo
Thứ tư ngày 18 tháng 9 năm 2013 8:30 PM


Làng lúa Cao Thọ nằm mãi gần cuối huyện Gia Bình, cách bến sông Bình Than không xa. Từ làng lúa này có một chàng trai cày biết yêu, lấy vợ, sinh con và an phận bới đất láy cơm ăn. Nhưng từ khi biết yêu thì men say ấy cứ ủ chín mãi trong lòng. Rượu yêu chứa chất đã tìm được đường ra khỏi cái cơ thể ngùn ngụt men yêu ấy bằng… thơ. Vâng, bằng thơ. Bởi chàng trai cày ấy đã tìm thấy sức mạnh của thơ nó làm cho người ta lớn lên ngang bằng với đấng Sáng Tạo. Thơ là sáng tạo thì thi sĩ chính là nhà sáng tạo còn gì.
Hãy xem cái vụt lớn của con người qua thơ của chàng trai cày ấy:
Cứ ngỡ mảnh trăng vỡ
Rơi nghiêng bên đồi thông
Rưng rưng vòng tay núi
Ôm lấy trăng vào lòng
(Hồ Côn Sơn)
Sở dĩ chàng trai cày có thể ôm được trăng vào lòng cũng là bởi cái sự si tình, trăng là người yêu tri kỉ của mọi hồn thơ nói chung và tất nhiên không ngoài hồn thơ của chàng trai cày làng Cao Thọ của chúng ta. Chàng trai ấy có họ tên đầy đủ rất ấn tượng: Đinh Văn Y. Cái đinh hình chữ Y không phải là đinh thường, không phải là hạng năm phân, mười phân mà là đinh thuyền, đinh cái đấy.
Con người có thể ôm trăng vào lòng thì sẽ làm được nhiều điều phi thường:
Xé đêm làm áo quấn thân
Một mình chân đất đầu trần lội bơi
Trải trăng lên cát vàng chơi
Lắm khi nằm đếm sao trời nhẩn nha
(Làm người của dân)
Nhưng thơ là đường ra của men yêu thì đấy cũng là thơ yêu. Tập thơ “Người trong mộng” của Đinh Văn Y bước đầu định hình một giọng thơ tình riêng, dung dị, nồng nàn, đắm đuối. Mở đầu tập thơ là bài “Tung nhớ lên giời” cho thấy cái men yêu lúc nào cũng bốc hỏa trong con người thi sĩ:
Bao phen tung nhớ lên giời
Chỉ đường cho chúng sang người mình yêu
Ô kìa nàng chẳng biết điều
Lại kêu quá tải đổ liều sang đây.
Ô kìa, hình như men yêu ấy ngấm luôn vào người bạn đọc để mê hoặc mọi người cùng đắm chìm trong cảm xúc yêu của thi sĩ. Cùng cảm xúc. Cùng yêu. Cùng say đến si mê người tình trong mộng của mỗi người. Nỗi nhớ nhung cứ gửi đi bằng đường vô hình như thế vẫn không thấy vơi, chàng trai yêu đành đánh liều “xé rào” theo bước chân Thúy Kiều:
Thôi đành mang nhớ tận nơi
Nhờ em giữ hộ mong vơi chút nào
(Vỡ bờ)
Nhưng cái khoảng cách tình cảm hai người tuy xa mà gần tuy gần mà xa ấy đâu dễ để cho chàng mang nhớ đến tận nơi được, thế nên:
Cái khoảng cách tôi mải mê san lấp
Bao thắng ngày chẳng sợ uổng công
(Khoảng cách)
Khoảng cách tình cảm chưa thể san lấp thì chàng trai bạo gan tạm lấp bằng khoảng cách thực khi “lợi dung” cơ hội cùng leo núi Tam Đảo đầy mây phủ thế này:
Thình lình chạm phải tay nhau
Tại mây dầy quá phải đâu cố tình
Cúi xin em chớ bất bình
Bắt mây xin lỗi chúng mình giải oan
Yêu quá hóa liều lại còn khéo đổ cho mây để hai bên giải oan. Oan chưa giải đã kết thành đôi “chúng mình”. Kẻ yêu cứ hay vơ vào như thế.
Trong khi chưa san lấp được khoảng cách thì nàng vẫn ối kẻ vào ra. Chàng trai ghen không biết làm thế nào quay ra làm cái việc ác trong tưởng tưởng để hể hả một mình:
Tôi chẳng thể nào tìm được một lời khuyên
Nên cứ đành để em với nụ cười hồn nhiên chia đều cho tất cả
Rồi lặng lẽ đếm xem những kẻ điên rồ gục ngã
Những kẻ si tình hóa đá quanh em
(Vô tình)
Rồi lại tự tưởng tượng ra cảnh em đã ‘chết” dưới tình anh:
Để anh lồng lộng lên ngôi
Tự nhiên em hóa bề tôi trung thành
Thề rằng độc chiếm lấy anh
Cho dù lâm nạn chiến tranh tương tàn
(Độc chiếm lấy anh)
Chưa lấy được nàng thì ta ghen với nàng, khi lấy được nàng ắt nàng phải ghen với ta. Thiên hạ ối kẻ đánh ghen đấy thôi. Chàng trai si tình cứ lấy việc đời để mà gán cho nàng như thế cho bõ ghét.
Thế rồi cái khoảng cách tình cảm lấp mãi cùng đầy, có công mài sắt có ngày nên kim. Khi yêu thì người yêu ta đẹp nhất. Nếu người yêu ta một mắt thì thiên hạ sẽ đều là xấu khi phải mang một con mắt thừa. Khi yêu thế giới đều màu hồng và nhạc từng bừng:
Tình yêu ăm ắp dâng đầy
Dệt thêu cho thế gian này thêm xanh
Thế rồi em thế rồi anh
Sợi nào vương vấn mà thành một đôi
(Mấy lần em dọa chia tay)
Kẻ si tình nhìn đời cái gì cũng thấy gắn với tình. Lên đỉnh Côn Sơn đánh cờ tiên mà lại thấy cảnh: Khi ra trận đối phương là phái đẹp/Thì lần nào cũng chưa đánh đã tan (Đánh cờ trên đỉnh Côn Sơn).
Tuy nhiên chàng trai cày đã có vợ con nên lòng luôn dặn lòng không uống bùa mê. Vậy mà chỉ tưởng tượng ra tiếng cười tận đỉnh Tam Đảo mây mù cũng vội đi tìm Tiếng cười như vẫn còn vương/Làm tôi háo hức tìm đường tới nơi thì không biết lòng dặn lòng có gì đảm bảo chắc chắn không đây:
Biết mình không uống bùa mê
Mà sao chẳng muốn về quê nữa rồi
(Không uống bùa mê)
Nhưng người trong mộng không bằng người thực. Bởi đỉnh cao của tình yêu là hôn nhân. Hôn nhân mới có hạnh phúc. Tình cảm chàng trai cày dành cho người vợ thật ấm áp:
Cả hai ngập trong hạnh phúc
Nổi lên mấy đứa con bồng
Xuôi dòng thời gian mải miết
Lên bờ đã thành lão nông
(Cổ tích)
Thậm chí chàng trai cày còn nói quá lên chuyện đã đi qua ngưỡng cửa chầu trời nhưng chưa chết được chỉ vì Vợ tôi như thế lẽ nào tôi đi (Rưng rưng).
Tuy đắm đuối trong mảng thơ tình ướt át như thế nhưng Đinh Văn Y vẫn luôn dành cho mình một khoảng lặng nhìn đời. Trước hết là việc san sẻ gian truân việc bới đất kiếm ăn ở làng quê Cao Thọ:
Ta lớn lên mang cho mẹ niềm vui
Gánh giúp mẹ những đau thương vận hạn
Dẫu bao nhiêu chưa thể là trọn vẹn
Khi mẹ còn mang nặng lo toan
(Con kênh ta đào)
Và chia sẻ nỗi truân chuyên của những người vợ một thời xa chồng ra trận, một thời xa chồng vùng vẫy kiếm ăn mà vẫn trọn lòng thủy chung:
Người đi lấp biển đào sông
Làm trai cho xứng làm chồng cho danh
Để người mòn mỏi tàn canh
Giọt thương giọt tủi chất thành Vọng Phu
(Hoa dại)
Anh cũng chia sẻ ssau sắc với những em nhỏ tật nguyền được Công ti Chân Thiện Mĩ nhận vào làm (Giàn hoa giấy), đặc biệt là những cô gái trẻ sa chân lỡ bước Còn trong vòng tay cha mẹ/Ước mơ có cánh có chân thế rồi Tự tay vơ về bệnh tật/Gặm mòn nhan sắc tuổi xuân. Nhưng anh tin tưởng chút thiên lương còn lại trong người để cô gái tỉnh ngộ: Đâu rồi tháng ngày lam lũ/Bỗng thèm được đổ mồ hôi (Làm lại cuộc đời). Đúng vậy, chỉ có lao động chân chính mới làm nên con người. Muốn làm người phải biết “thèm lao động”. Cô gái trẻ kia biết thèm lao động tất sẽ vá lại được cuộc đời của mình. Chính vì bao ước muốn thoát khỏi lao động mà dẫn đến sa chân lỡ bước. Và nhà thơ kết luận một câu đúng cho muôn thuở:
Chẳng làm bà chúa ông hoàng
Tảo tần với xóm với làng làm dân
(Làm người của dân)
Người trong mộng là tập thơ thứ ba của Đinh Văn Y nên nghệ thuật đã già dặn hơn nhiều và giọng thơ tình từ “Quán xiêu”, “Lửa gần rơm”, “Khoảng trời riêng”… từ trước đó đã được khơi thành dòng mạch mạnh mẽ trong tập thơ này. Đó chính là chút hương sắc riêng của anh đóng góp cho vườn thơ đất nước.
Lý Thanh Thảo