Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Vui buồn cùng "Đại gia"

Nguyễn Khắc Phê
Thứ sáu ngày 6 tháng 9 năm 2013 9:39 AM


Cuốn sách vừa bị Cục Xuất bản ra lệnh “đình chỉ phát hành” là bộ tiểu thuyết 2 tập “Đại Gia” dày trên ngàn trang của nhà văn Thiên Sơn (NXB Lao động & Alpha Books liên kết xuất bản).
Bài này, tôi đã viết tuần trước, nhưng cố chờ cho qua những ngày lễ trọng của Đất Nước, cũng chờ xem các “cơ quan chức năng” có phán quyết gì khác không và các nhà phê bình tên tuổi có ai lên tiếng gì không?  
Hẳn sẽ có bạn hỏi: Một tác phẩm văn học bị cấm sao lại vui? Thế mà có đấy! Hơn nữa, lại nhiều niềm vui. Cái vui trước hết là lần này, Cục xuất bản cho công khai quyết định của mình (xem báo "Tuổi trẻ" ngày 27/8/2013) với tên người ký là Cục trưởng Chu Văn Hóa, chứ không như cách đối xử với các tác phẩm “Chuyện kể năm 2000” hay “Thời của thánh thần”…; gần hơn là cuốn “Chuyện trang trại” hay là “Trại súc vật” chi chi đó, chỉ “nghe đồn” rằng bị cấm! Điều vui nữa là nhà văn trẻ Thiên Sơn được dịp nổi tiếng! Chuyện văn chương ở cái “nước Nam mình” - trừ một vài người, như Nguyễn Nhật Ánh chẳng hạn - hễ có sách bị cấm, thu hồi là nổi tiếng ngay! Đi liền với niềm vui này là một loạt tay chuyên làm sách nhái, rồi nhiều cửả hàng sách vỉa hè thêm dịp hốt bạc! Thì chẳng phải “Chuyện kể năm 2000” hay “Thời của Thánh thần” nghe nói đã bị làm nhái, phô-tô đến hàng vạn bản đó sao! Chưa hết! Theo như công văn của Cục xuất bản, thì tiểu thuyết “Đại Gia” có nội dung “miêu tả những mối “quan hệ”  làm ăn kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cấp cao của Nhà nước và những hủ đoạn mánh khóe trong công tác tổ chức cán bộ. Cùng với đó là sự tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng của bộ máy quan chúc các cấp từ Trung ương đến địa phương…” (Dẫn theo "Tuổi trẻ" 27/8/1013). Như vậy, chứng tỏ nhà văn ta không chỉ biết “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, xa rời hiện thực cuộc sống của đất nước như ai đó lo ngại, mà ngược lại, đã có gan xông vào những điểm “nóng” mà toàn xã hội đang rất quan tâm. (Ở đây, chưa nói đến chuyện nghệ thuật “hay-dở” của tác phẩm). Vẫn chưa hết! Điều vui nữa là hôm qua vào trang phongdiep.net có bài viết về nhà văn Thiên Sơn, có nhắc đến công phu của anh khi viết cuốn sách này – không phải là bài “lăng-xê” tác giả trẻ này nhưng cũng gần như thế. Mà vui nữa là bài viết đó lấy từ báo “Công an nhân dân” nhé! (Chứ không phải các báo “lề trái vớ vẩn” đâu!) Thôi, kể từng đó, bạn thấy là đáng vui chứ!
Còn buồn thì tất nhiên rồi! Một tác phẩm hơn ngàn trang, nhà văn mang nặng đẻ đau suốt 5 năm trời, rồi công phu biên tập in ấn… đáng ra là một sự kiện văn hoá được lên truyền hình quốc gia với rất nhiều lẵng hoa chúc mừng, thì lại bị “giam cầm”. Trớ trêu thay, chuyện buồn này lại đúng vào lúc Chủ tịch nước ký lệnh ân xá cho cả vạn tù nhân trong dịp Quốc khánh 2/9! Điều buồn nữa là công văn của Cục Xuất bản ký ngày 31/7/2013 (nhân đây, nói cho rõ ràng thì công văn ghi “đình chỉ phát hành để tổ chức thẩm định nội dung” – nghĩa là mới bị “tù treo”!), mà đến nay, chưa thấy Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Lý luận phê bình TW – hai cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc thẩm định các tác phẩm văn học nghệ thuật – rồi các cây bút phê bình danh tiếng phán xét gì cả! Thiết nghĩ, với tiểu thuyết “Đại Gia”, việc thẩm định không cần quá nhiều thì giờ. Hay vì công văn của Cục Xuất bản, với kết luận “Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập một số vấn đề “nhạy cảm” hiện nay với tính chất cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giá chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”, đã như án “chung thẩm” rồi? Hay chính vì “vấn đề nhạy cảm” nên đành… vô cảm, coi như không biết? Nếu quả vậy, thì đáng buồn quá! Buồn vì sự vô cảm với nỗi đau của đồng nghiệp; buồn vì văn chương mà tránh né “nhạy cảm”, chỉ viết những chuyện đã “trơ lỳ” thì còn ai muốn đọc; và nếu không “cường điệu” thì chẳng có Mác-két và Mạc Ngôn. (Ờ, biết đâu có những người chẳng thích Việt Nam ta có loại nhà văn như thế, dù họ được thế giới trọng vọng, tặng giải Nobel!)
Hẳn là sẽ có bạn hỏi: “Ông đã đọc chưa mà nói vậy?” Tất nhiên là tôi đã đọc. Còn sách ở đâu ra ư? Cứ ra phố Nguyễn Xí ở Hà Nội mà hỏi! Tiếc là không có ai “đặt bài”, chứ tôi sẵn sàng có ít nhất một ngàn chữ đánh giá về bộ tiểu thuyết này trong vài ngày chứ không cần đến 1 tháng “nghiên cứu”. (Nhắc chuyện “đặt bài”, chợt nhớ cuối năm 2005, khi ở Cà Mâu có chiến dịch “đánh” Nguyễn Ngọc Tư, thì theo đề nghị của báo "Tuổi trẻ", tôi lập tức có bài – và hình như đó là bài đầu tiên ủng hộ Nguyễn Ngọc Tư trong “vụ” đó! Già rồi, khoe một chút thế để “tự sướng”! Bạn có cười càng vui!) Cũng buồn cho bạn đồng nghiệp Thiên Sơn, không biết đã kịp lấy được đồng nhuận bút nào chưa? Và rồi hàng vạn bản sách in, phô-tô lậu, bạn cũng chẳng được xơ múi gì!
Buồn vậy, nhưng chợt nhớ “Chuyện Nghề” của đạo diễn Trần Văn Thủy vừa xuất bản đã kể lại hai cuốn phim bị cấm, sau đó được “cặp mắt xanh” ở cấp cao “OK” rồi được Giải thưởng quốc tế, nên cứ hy vọng. Biết đâu…