Ai đã một lần qua Bắc Ninh, nhất là vào mùa xuân, đều khắc sâu trong tâm khảm không khí hồ hởi của lễ hội, những làn điệu Quan họ ngọt ngào, đằm thắm như mời gọi, níu kéo, làm bịn rịn, xao xuyến tâm hồn bao lữ khách thập phương ! Bắc Ninh đẹp biết bao, nét đẹp của thiên nhiên ban tặng, nét đẹp của hồn cốt dung dị, nhân ái, nét đẹp truyền thống hào hoa, phong nhã, lịch thiệp ! Người Bắc Ninh sống cùng quê hương, đồng hành cùng quê hương, vui trong niềm vui của quê hương, và cũng có những phút giây trăn trở, xót xa, tiếc nuối về những khiếm khuyết, mất mát, khi chứng kiến những hành xử xa lạ với trầm tích văn hiến của một vùng đất cổ.
Từ một đô thị nhỏ nhoi, không có một ngôi nhà cao quá ba tầng, đường xá gồ ghề, lậy lội, có thời không điện, không nước máy, hai tiêu chí tối thiểu của một đô thị…giờ đây là thành phố, nhiều khu đô thị mới mọc lên, có những ngôi biệt thự, nhà vườn kiến trúc tân kỳ, xa hoa, hào nhoáng, những ngôi nhà lầu năm, sáu tầng tỏa bóng đè lên những mái che nhấp nhô, loang lổ mầu sắc, dấu tích của cuộc mưu sinh lam lũ, nhọc nhằn. Mỗi buổi bình minh, khi chưa ra khỏi giường ngủ đã nghe những tiếng rao thánh thót của các bà, các chị bán xôi, bán bánh, bán ngô, bán thịt, bán rau, đậu, hoa quả… trong đó phần đông là những người phải tìm kế sinh nhai bằng nghề bán rong, sau khi bất đắc dĩ nhượng lại đất đai cho những chủ nhân khu đô thị giờ đang bị hoang phế !
Thành phố đổi thay từng ngày, nếu đi xa thành phố vài năm, thậm chí vài ba tháng, trở lại đã khó nhận ra những phố sá cũ, những lối đi cũ. Dân thành phố giầu lên nhanh chóng. Đất nước đổi mới gần ba thập kỷ, nhưng Bắc Ninh thực sự đổi thay, thực sự giầu lên chỉ khoảng 10 năm gần đây. Nhiều người giầu lên bằng trí tuệ và sự mặn chát của mồ hôi, vật lộn trên thương trường, sản xuất và cung ứng cho xã hội những sản phẩm phục vụ dân sinh và xuất khẩu; có người giầu lên, trở thành những “đại gia” có trong tay hàng chục héc- ta đất, hằng ngày “hái ra tiền”, nhờ biết đầu tư tạo dựng mối quan hệ với những người quản lý các cấp và mua đi bán lại đất đai; có người giầu lên, nhà đất dư thừa nhờ sự “bật tường” của các đại gia, doanh nghiệp; không ít người giầu lên bằng những đồng tiền “lót tay” hoặc nhờ sự rủ lòng hảo tâm của thiên hạ, thậm trí bằng những thủ đoạn sách nhiễu, vòi vĩnh người dân và doanh nghiệp !
Mỗi người Bắc Ninh đều cảm thấy tự hào về quê hương mình, mảnh đất sản sinh ra “một giỏ ông đồ, một bồ tiến sỹ, một bị trạng nguyên, một thuyền bảng nhỡn”. Từ ngày người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Bắc Ninh và hơn 30 năm thời kỳ Hà Bắc, số người có học vị trên đại học cả tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay, thế mà hơn 10 năm trở lại đây, ra ngõ đã gặp tiến sỹ, thạc sỹ ! Nếu sự tăng nhanh số người có học vị cao thực sự xứng tầm “nguyên khí quốc gia”, thúc đẩy quê hương, đất nước phát triển, thì đáng trân trọng, đáng quý biết bao ! Sự giầu có về vật chất và bằng cấp không đồng thuận với mức tăng trưởng trí tuệ, văn hóa, những chuẩn mức về đạo đức truyền thống, nét đẹp của một vùng văn hiến đã và đang mai một theo năm tháng. Nhiều người là công chức, viên chức, có học hàm, học vị… nhưng ra khỏi cửa nhà, gặp người láng giềng bằng tuổi, hoặc nhiều tuổi hơn mình, cũng thản nhiên như không quen biết. Ở nơi công cộng hoặc ngoài đường phố ít nghe thấy tiếng chào hỏi khi gặp nhau, lời cảm ơn khi được nhường nhịn, giúp đỡ, lời xin lỗi khi gây ra phiền toái cho dân phố hoặc vô tình va chạm xe cộ khi tham gia giao thông. Công viên Nguyên phi Ỷ lan hằng ngày đều có nhiều người đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh, đủ các lứa tuổi, vừa đi vừa nói chuyện râm ran, nhưng nhiều lúc thấy ngượng ngùng khi phải nghe những lời chanh chua, tục tĩu, chửi thề... Người địa phương khác đến đây chứng kiến sự ô nhiễm ngôn từ chắc họ sẽ nghĩ khác đi về những công dân sống trên mảnh đất vốn được vinh danh thanh lịch, hào hoa ! Kinh tế phát triển, đời sống của cư dân khá giả hơn, nhưng nét đẹp của tâm hồn, của cốt cách xứ Kinh Bắc xưa đã và đang bị biến thể, lối sống cơ hội, thực dụng, tiền bạc đâm toạc nhân cách, thủ đoạn xảo trá, đòn sóc hai đầu…xâm lấn vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, tạo môi trường nẩy nở và nuôi dưỡng những tâm địa tối tăm, bào mòn liêm chính.
Báo chí nói nhiều đến những lối sống kệch cỡm, vô cảm, cái xấu, cái ác luôn rình rập. Đi trên đường có bao điều làm lòng dạ lo lắng, bất an. Một va chạm nhỏ cũng có thể trở thành một hoạn nạn lớn; một kẻ ăn mặc bảnh bao ra dáng hào hoa bỗng chốc cũng có thể trở thành “Chí Phèo đời chót”, nếu chẳng may ai đó bị y quy kết là “nhìn đểu” (?) ! Chỉ vì một con vật cũng cướp đi một kiếp người ! Chữ "lễ", chữ "nhân" cứ chập chờn chao đảo; chữ "nghĩa", chữ "tín" trở nên xa lắc, mơ hồ. Một bộ phận không nhỏ trong lớp trẻ bây giờ rất sành sỏi về mốt đầu tóc, xăm trổ, rất am hiểu về xe cộ, thời trang, rất thạo mánh lới “chạy chọt”… nhưng lại ít hiểu biết về mảnh đất và con người nơi mình đang sống, kém kiến thức văn hóa, nghèo lòng nhân ái, thô thiển về đối nhân xử thế.
*
Thả hồn trên bàn phím một chiều xuân, lòng tôi rung cảm nghĩ về “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình…”, lời một ca khúc thường được vang lên trong những sự kiện quan trọng của tỉnh và trên làn sóng hệ thống phát thanh-truyền hình địa phương. Cám ơn nhạc sỹ Trần Tiến đã khơi dậy niềm tự hào và như một thông điệp, nhắn nhủ mỗi người Bắc Ninh hãy trân trọng, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống từ ngàn đời nay, nét đẹp vĩnh hằng của tâm hồn, cốt cách người Kinh Bắc !
Hồng Minh
---------------------------------------------------------------------
Địa chỉ kiên hệ: Hồng Minh
Số nhà 105, phố Nguyễn Huy Tưởng,
thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Điện thoại: 02413822782, 01673866136.
Email: ngolanminh@gmail.com