• Vũ Quốc Túy
- Chào bạn blogger ! Xin cho hỏi, động cơ nào khiến bạn ham viết bờ-lốc đến thế? Có ai định hướng và tài trợ kinh phí để bạn làm việc này không?
- Tuyệt nhiên không! Tôi viết bờ-lốc, bờ…leo đơn giản chỉ vì coi đây là một thú chơi, một môn “thể thao trí tuệ”, một sinh hoạt văn hóa. Viết để rèn luyện, nâng cao nhận thức về những điều được nhiều người quan tâm. Mặt khác, còn để dãi bày tâm sự, xả bớt những bức xúc cá nhân nhằm chia sẻ thông tin, chia sẻ với cộng đồng cư dân mạng về muôn mặt đời sống…
- Và cả đánh bóng tên tuổi nữa chứ ? Bạn bỏ công sức, thậm chí cả tiền bạc nữa mà chả thu về được gì, có khi lại còn phải chịu nhiều hệ lụy nữa.
- Không hẳn thế! Những điều mình viết ra có kẻ khen, người chê, người đồng thuận, người không…Cứ loạn xị, vô số lời tục tĩu, thiếu văn hóa. Tuy nhiên, nếu tỉnh táo, bình tĩnh, sàng lọc …với ý thức khiêm nhường và cầu thị, có thể rút ra được những điều hơn lẽ thiệt mà tu tâm dưỡng tính.
- Với người viết bờ-lốc, có lẽ cũng cần xác định rõ mình là ai, tầm trí tuệ, nhận thức của mình ở trình độ nào để tránh kiêu căng, tự mãn, cứ cho mình là nhất, thiên hạ chẳng ai bằng. Chỉ khoái chê người khác, còn khi người ta quay lại phê mình thì chưa suy xét gì đã vội nổi đóa lên xúc phạm lại người ta.
- Văn hóa của blogger là ở chỗ đó. Nếu dùng bờ-lốc làm phương tiện để xúc phạm, bôi nhọ danh dự và nhân phẩm người khác, thậm chí đụng vào những chỗ “nhạy cảm”, có khi còn bị pháp luật “sờ gáy” nữa ấy chứ. Tuy nhiên quyền “mở miệng” của mọi người dân là quyền “dân chủ” đã được chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa.
- Viết bơ-lốc quả là gặp nhiều hệ lụy. Tưởng mình được tự do, thỏa sức vẫy vùng trên sân chơi do chính mình tạo ra, nên cứ nói vung xích đế như ở chỗ không người, coi giời bằng vung, mà đâu có biết rằng mọi chi tiết phát ngôn đều được cả thế giới theo dõi chặt chẽ và những sơ sểnh luôn bị cư dân mạng rình rập “ném đá”.
- Cho nên một vấn đề tối quan trọng là đừng có say sưa quá đà, đến nỗi rơi vào thảm họa không đáng có.
- Vâng, đúng thế!
VQT