Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tôn giả A Nan và bức tranh thiền

Huỳnh Văn Úc
Thứ tư ngày 4 tháng 9 năm 2013 3:58 PM

 

Người họa sĩ sống trong ngôi nhà hai tầng ở Ngõ Xã Đàn  năm nay tuổi đã ngoài thất thập nhưng vẫn còn ham vẽ lắm. Ông là học trò của những người thầy trong nhóm tứ kiệt của làng hội họa Việt Nam: Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái. Những khi không vẽ tranh ông thường đọc và nghiên cứu về Đạo Phật và phong thủy. Xưởng vẽ trên tầng hai thoáng trông có chút bừa bộn, ngổn ngang giá bút, giá vẽ, hộp sơn màu. Lẫn trong những bức tranh thủy mặc màu sắc tươi sáng là một bức sơn dầu đen trắng khổ 65x120 cm vẽ một nhà sư đang ngồi thiền trong tư thế kiết già, bên cạnh nhà sư là một cô gái khỏa thân. Họa sĩ để nhiều tâm huyết vào bức tranh và vẽ nó với một niềm đam mê hiếm thấy. Do một manh mối tình cờ, ông Greg Rushford-một ký giả người Anh đang có mặt ở Hà Nội trong chuyến công tác kéo dài hai tháng có sự quan tâm đặc biệt đến bức vẽ đen trắng này, muốn sở hữu nó và một buổi sáng đẹp trời tìm đến nhà họa sĩ.

Ông Greg Rushford biết chút ít tiếng Việt, người họa sĩ già của chúng ta nói được tiếng Anh, trong câu chuyện  họ dùng lẫn cả tiếng Việt và tiếng Anh để hiểu nhau. Vừa bước vào xưởng vẽ ở tầng hai, đôi mắt vị khách bị cuốn hút ngay vào bức tranh. Nhà sư ngồi trên bồ đoàn, hai chân khóa vào nhau, bàn chân phải đặt lên đùi trái, bàn chân trái đặt lên đùi phải, bàn tay trái để lên bàn tay phải, mắt nhìn thẳng. Bên cạnh nhà sư là một thiếu nữ khỏa thân trong tư thế đứng hơi nghiêng, đôi mắt hướng về nhà sư, hai tay đưa về phía nhà sư như mời, như gọi. Tôi mạo muội mượn mấy câu thơ của thi sĩ Bích Khê để tả nàng:
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương
Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đủa ngọc
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
Vài chút trăng say đọng ở làn môi.
Khách hỏi chủ:
- Xin ông cho biết nhà sư là ai và thiếu nữ là ai?
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm (tiếng Phạn là Suramgama Sutra) chép rằng: Nhà sư là Tôn giả A Nan, một trong thập đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi ngài còn tại thế. Tôn giả là con của Bạch Phạn Vương, xuất gia năm hai mươi tuổi. Trước khi xuất gia vương tử A Nan rất đẹp trai nên đã làm xiêu lòng biết bao công nương trong hoàng tộc. Sau khi xuất gia, khi đã là một Tỳ kheo, ngài vẫn còn dáng vẻ thanh tú nên trong tăng đoàn có nhiều ni cô đem lòng thầm yêu trộm nhớ. Một hôm Tôn giả A Nan đi khất thực trong thành Xá Vệ, đang độ mùa hè nóng nực oi bức làm ngài thấy khát nước. Đến bên giếng nước có cô gái đang kéo gàu nước từ dưới đáy giếng lên ngài đến xin nước uống: “ Xin thí chủ từ bi vui lòng cho tôi gáo nước”. Nàng ngoảnh mặt lại, bốn mắt gặp nhau. Tôn giả A Nan nổi danh là đệ nhất đa văn, sau mỗi lần Đức Như Lai thuyết pháp, ngài đều ghi nhớ và chép lại không sót một câu một chữ. Học rộng, biết nhiều nhưng thờ ơ không xem trọng việc tu dưỡng định lực nên khi đối diện với nữ sắc làm ngài mất tự chủ, tâm ngài xao xuyến. Từ đó hình bóng nàng Ma Đăng Gia (tiếng Phạn là Matanga)-người con gái cho ngài uống nước cứ lởn vởn trong tâm trong trí của ngài kể cả khi ngài ngồi thiền định. Nàng Ma Đăng Gia chính là cô thiếu nữ trong bức tranh. Đó là một bức tranh thiền.
- Xin ông cho biết cái kết của câu chuyện này.
- Phật giáo Đại thừa chủ trương không phạm giới ngay cả trong ý thức. Vậy mà trong tâm tưởng của Tôn giả A Nan  khởi ý niệm tà dâm là đã vi phạm giới luật rồi. Tôn giả A Nan bị vô minh ái dục chợt đến bất ngờ làm cho mất tự chủ vì tâm của ông không định nên đang ngồi thiền mà tâm vẫn nghĩ đến nàng Ma Đăng Gia. Chỉ đến khi được Bồ Tát Văn Thù đem thần chú hóa giải thì vô minh mới biến mất, ái dục mới tiêu tan. Theo ý tôi đây là một cái kết có hậu.

Một cái kết khác cũng có hậu là ông Greg Rushford đã mua được của người họa sĩ già bức tranh thiền mà ông tỏ lòng ngưỡng mộ. Có lẽ rồi bức tranh sẽ được treo ở một chỗ trang trọng trong phòng khách của ông để ông và những người bạn của ông thỉnh thoảng lại ngước mắt chiêm ngưỡng những nét kiều diễm trên thân thể ngọc ngà của người con gái phương đông và cái tư thế ngồi thiền mà không thiền của Tôn giả A Nan.