Hai năm trước tôi được một người chưa gặp mặt bao giờ tặng tập thơ mới của anh. Người tặng thơ vẻ rụt rè chứ không ra dáng “tự đắc” ta đây là nhà thơ. Tôi biết đây là người tự trọng. Say thơ nhưng chưa tin tưởng lắm vào thơ của mình sẽ được bạn đọc đón nhận ra sao. Tôi mừng vì có bạn thơ mới. Đó là anh Nguyễn Văn Vượng ở xã Trạm Lộ cùng huyện. Tập thơ “Lục bát cựu chiến binh” của anh in ở Nhà xuất bản Thanh Niên, do nhà thơ Phan Xuân Hạt giới thiệu ở đầu sách và nhà báo Thu Hương giới thiệu ở cuối sách. Nhận sách tôi chỉ biết cám ơn dành đọc và góp ý sau.
Tuy nhiên khi đọc xong toàn bộ cuốn sách tôi chỉ còn mừng một nửa. Anh Vượng mới chỉ đang ở mức độ người yêu thơ, say thơ thôi chứ chưa đạt tới mức là tác giả bạn thơ. Quan niệm thơ của anh đang rất lạc hậu, nặng về tuyên truyền chung chung, thiếu hẳn cá tính sáng tạo. Khi gặp lại tôi đem hết suy nghĩ của mình ra trao đổi thẳng thắn với anh. Anh Vượng có vẻ buồn nhưng ánh mắt dường như có quyết tâm làm nên một điều gì đó. Tôi hi vọng lời nói thật như muối xát lòng này sẽ giúp anh nhận rõ đường đi hơn và sẽ có thành tựu nay mai.
Quả nhiên mấy tháng sau gặp lại anh khoe đã có thơ “in vung” ở nhiều báo khác nhau. Thật mừng cho anh. Người say thơ lại nhận rõ đường đi thì thơ nhất định sẽ đến. Nhưng với anh Vượng thì thật bất ngờ với tôi hơn nữa khi mới đây anh trao bản thảo tập thơ “Hương nhãn đảo xa” nhờ góp ý giùm. Tập thơ mỏng, chỉ 36 bài nhưng đáng đọc và không chỉ góp ý, tôi còn hăm hở viết hẳn thành lời nhận xét này. Niềm vui có bạn thơ mới thúc đẩy tôi tự giác làm như vậy.
Với số lượng 36 bài tôi hiểu hàm ý 3 + 6 = 9 của anh là ngầm tự khẳng định thơ đã là thơ rồi. Quả vậy, câu chữ đã nhuyễn hơn, cá tính sáng tạo đã nét hơn ở từng bài từng bài suốt cả tập thơ. Tôi tạm chia cảm xúc của anh thành từng nhóm đề tài để dễ nhận xét.
Ở đề tài lãnh tụ và đất nước có 5 bài. Bài “Tên gọi thiêng liêng” anh lồng hình ảnh lãnh tụ với đất nước: “Việt Nam ta thành hoa thế giới/Hồ Chí Minh tên của muôn nhà”. Bài “Dạo bước Quảng Ninh” sau khi liệt kê một số địa danh nổi tiếng anh kết luận: “Vùng quê non nước tình yêu/Lòng người muôn nơi gửi lại”. Bài “Hưng Yên” anh nêu nét đặc trưng héo léo: “Mộng mơ trên bến dưới thuyền/Nhãn lồng mật ngọt làm duyên cho đời”. Bài “Thăm Lạng Sơn” anh cũng có nhận xét tinh tế về nàng Tô Thị: “Chờ chồng đến mỏi mòn dần/Dãi dầu quên cả tấm thân của mình”.Bài “Cửa Lò” anh có câu thơ viết về cảnh tắm biển khá đẹp: “Một phao hai trái tim quê/Dập dềnh sóng nước thỏa thuê vui vầy/Khiến anh phó nháy ngất ngây/Ghi hình kỉ niệm sóng đầy ánh dương”.
Chùm bài về biển đảo anh có mấy bài thể hiện tấm lòng yêu nước của nhân dân với chủ quyền đất nước khá đậm nét. Anh khẳng định: “Trường Sa khoảng cách tuy xa/Lòng người dân Việt mãi là kề bên” (Lính đảo Trường Sa) và “Biển của ta/Đảo của ta/Dù bao nhiêu xa/Vẫn trong lòng Tổ quốc” (Chung lòng). Từ sự khẳng định ấy mà tình cảm đất liền, tình cảm quê hương luôn gửi gắm hết ra đảo với người thân của mình để các anh có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn sóng gió: “Tình em vượt qua ngàn trùng/… Giọt mừng giọt tủi mưa rơi ướt nhòa/… Quê hương tình cảm đậm đà/Lòng cha lòng mẹ cũng ra thăm cùng” (Thư ra đảo). Đặc biệt anh còn hình dung ra cảnh quê hương gửi tặng cây nhãn lồng ra đảo để người thân chăm sóc, thấy cây như thấy đất liền, như thấy quê hương. Qua đó anh muốn kêu gọi gửi cây ra đảo như cả nước đang gửi đá ra đảo vậy: “Từ miền đất ngọt Hưng Yên/Nhãn lồng cất cánh đậu trên đảo nhà/Xanh thêm cát đảo Trường Sa/Bền thêm tình đất quê nhà nơi đây/… Tình nồng tỏa bóng sum suê/Thấy cây là thấy dáng quê hương mình”. Thơ mới có sự liên tưởng như vậy và nó có tính dự báo cao. Rất có thể nay mai cả nước có phong trào mới gửi cây ra đảo như tâm nguyện bài thơ này.
Đề tài quê hương có lẽ không ai làm thơ không nhắc đến. Với anh Vượng cũng có chùm bài trong tập thơ này. Quê hương hiện lên qua một số hình ảnh mang tính biểu tượng như đình làng, nhà thờ họ, cửa thiền… Bài “Đình làng” anh thấy đó là ước vọng cha ông truyền lại, đó là truyền thống, là hồn cốt dân tộc nên kẻ thù dân tộc bao phen dội bom, phóng hỏa nhưng “Gạch ngói dù tan vẫn vứng khí phách Tiên Rồng”. Đặc biệt là hình ảnh con trâu của miền quê nông nghiệp truyền thống bao đời xưa là đầu cơ nghiệp, nay trâu sắt thay thế nhưng “Còn đâu đủng đỉnh đi về/Dáng hình trâu mãi bên lề quê hương” (Con trâu). Con trâu ấy còn mãi trong tâm trí người dân Việt.
Đề tài gia đình anh có loạt bài về cha, mẹ, vợ, con đầy cảm xúc. Người thân nguyên mẫu dung dị đi vào nhân vật trữ tình đủ làm rung động mọi người. Đó là “Mẹ tôi hiền dịu dễ thương/Dáng cao da trắng mắt tường chân nhanh” (Mẹ). Đó là người mẹ hoa khôi không ham gia thế mà chỉ ham người chân chất lấy làm chồng, nay ông bà song toàn con cháu hạnh phúc (Song toàn). Đó là người mẹ có chồng là liệt sĩ một tay nuôi con nên người nhờ tình yêu “gói trọn với người mình thương” (Tấm lòng). Tình cảm với người vợ, người yêu tuy riêng tư nhưng bao giờ cũng là nơi thổ lộ nhiều nhất. Bởi đó là men say tình yêu cuộc sống. Hình ảnh người con gái hiện lên làm đẹp cả miền quê thế này: “Gió vờn với gió rung cây/Em tôi soi bóng dáng gầy trên đê/Thu vàng óng ánh miền quê/Nhởn nhơ mấy áng mây lê ngang trời”. Vậy mà người ấy đã lấy chồng không phải là mình, nên: “Nhặt tìm kỉ niệm xót xa/Vương vào sợi nhớ để mà nâng niu” (Em). Câu thơ thi sĩ nên đọng mãi trong lòng người đọc nỗi day dứt xót xa như chính mình mất người yêu vậy.
Có lẽ cảm xúc ấy đã biến người say thơ thành nhà thơ chăng. Hãy xem người ta tự nói về mình: “Ba hồn lúc mộng lúc mơ/Bảy vía tư lự ngẩn ngơ sớm chiều/… Tâm hồn giăng mắc tơ vương/Giật mình sực nhớ con đường đang đi” (Tơ vương). Hắn ta còn tương tư với thơ nữa, thơ chứ không phải người yêu bằng xương bằng thịt, một thứ tương tư rất thi sĩ thế này: “Tương tư chả thiết làm gì/Ra đường nhặt gió, gió đi mất rồi/Nhặt mây, mây mải miết trôi/Thôi về nhặt nắng mà ngồi tương tư” (Tương tư). Bài “Tương tư” cũng là bài kết thúc tập thơ. Đọc xong hẳn mọi người cũng đồng ý với tôi, anh Nguyễn Văn Vượng đã chuyển biến từ người say thơ thành nhà thơ rồi.
Phạm Thuận Thành
Thường Vũ – An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh