TÔI ĐÃ BIẾT GÌ VỀ NHÀ VĂN NHẤT LINH
ĐÔNG HỒ
(Nhân dịp kỹ niệm 50 năm ngày mất của nhà văn lớn Nhất Linh 07/7/1963 – 7/7/2013 có góp nhặt : 2 bài viết về nhà văn Nhất Linh ,mà lúc còn nhỏ cũng như lúc lớn lên hiện nay tôi luôn kính phục và kính trọng . TRỊNH KIM THUẤN ).
(…) Về sau, sau năm 1951, khi tiếp xúc gần với Nhất Linh, tôi thấy anh không phải là người thích trào lộng, ưa cười cợt. Trong khi xử thế tiếp vật vẫn phong nhã khả ái. Có lẽ trong khoảng thời gian mười năm khói lửa, trải qua bao nhiêu biến cố lớn của lịch sử, làm cho tâm tính con người thay đổi khác xưa.
Về văn tiểu thuyết – tôi lặp lại : văn, tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn. Công trạng to lớn của Nhất Linh là ở điểm nầy. Sự nghiệp của Nhất Linh ở đây là một sự nghiệp đáng kể mà tôi tưởng đương thời và hậu thế cũng đều công nhận. Chủ trương Tự Lục văn đoàn, kết nạp những tay bút cùng khuynh hướng, đã gây nên được một trào lưu văn học mới mẻ, sáng tạo nên được một lối văn vui vẽ nhẹ nhàng sáng sủa, chấm dứt lối văn trang nghiêm trịnh trọng của văn phái Nam Phong là văn phái đại biểu cho lối văn kinh điển nho gia, nền nếp có thừa, mà sinh khí thì chưa đủ làm cho xã hội phấn khởi.
Từ sau khi Tự Lực văn đoàn xuất hiện, chẳng những văn học Việt Nam sinh sắc trẻ trung , mà mọi người trong xã hội đều thấy cảm hứng bừng dậy, tâm hồn cởi mở theo các nhân vật trong truyện.
Lối văn tiểu thuyết này, trước Tự Lực văn đoàn, không phải tuyệt nhiên là không có, đã có một hai nhà bắt đầu, như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, như Cánh thu di hận của Dương Tự Nguyên, thêm một số truyện ngắn, truyện dài đăng rãi rác ở các báo chí chẳng hạn ; nhưng mà không gây thành một văn phái, một tư trào phổ biến rộng rãi như Tự Lực văn đoàn. Ảnh hưởng Tự Lực văn đoàn thật là to lớn. Giới giáo dục đã nhìn nhận đó là xứng đáng. Cứ xem một việc sách của Tự Lực văn đoàn in đi in lại rất nhiều lần, cho đến hiện nay, số tiêu thụ vẫn còn trội hơn những sách mới sáng tác, thì biết. Từ xưa đến nay, ở Việt Nam chưa có văn phái nào chinh phục được nhiều cảm tình chung thủy của độc giả đông đảo, trước sau như một, cho bằng Tự Lực văn đoàn.
Công trạng sự nghiệp đó phải qui cả về cho người chủ trương chỉ huy nó là Nhất Linh (…)
ĐÔNG HỒ ( 10/3/1906 – 25-3-1969 tên thật là Lâm Tấn Phát . Hà Tiên, ông là thành viên của nhóm “Hà Tiên tứ tuyệt” gồm : Đông Hồ, Mộng Tuyết (cũng là vợ của ông), Lư Khê và Trúc Hà ) Dẫn theo Bách Khoa số 180, S ngày 01-7-1964.
Bài thơ GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG
Cảm đề truyện ĐOẠN TUYỆT của Nhất Linh .
‘Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta đến thế thôi.
Đã quyết không mong sum họp mãi,
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi ?
“Non nước đang chờ bước lãng du,
Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu.
Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc,
Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ.
“Anh đi vui cảnh lạ đường xa,
Đem chí bình sinh dãi nắng mưa,
Thân đã hiến cho đời gió bui5,
Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ ?
“Rồi có khi nào sương gió lạnh,
Chiều thu đưa lại gió heo may,
Dừng chân trên bến sông xa vắng,
Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây.
“Xin anh cứ tưởng bạn anh tuy.
Giam hãm thân trong cảnh nặng nề,
Vẫn để hồn theo người lận đận,
Vẫn hằng trông đếm bước anh đi “
Lấy câu khẳng khái tiễn đưa nhau,
Em muốn cho ta chẳng thảm sầu,
Nhưng chính lòng em còn thổn thức,
Buồn kia em giấu được ta đâu ?
Em đứng nương mình dưới gốc mai.
Vin nhành sương đọng lệ hoa rơi,
Cười nâng tà áo đưa lên gió,
Em bảo : hoa kia khóc hộ người.
Rồi bỗng ngừng vui cùng lẳng lặng.
Nhìn nhau bình thản lúc ra đi,
Nhưng trong khoảnh khắc ơ thờ ấy,
Thấy cả muôn đời hận biệt ly.
Năm năm theo tiếng gọi lên đường,
Tóc lộng tơi bời gió bốn phương.
Mấy lúc thẩn thờ trông trở lại,
Để hồn mơ tới bạn quê hương.
Hôm nay tạm nghĩ bước gian nan.
Trong lúc gần xa pháo nổ ran.
Rũ áo phong sương trên gác trọ,
Lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang.
Lòng ta tha thiết đượm tình yêu,
Như cảnh trời Xuân luyến nắng chiều,
Mắt lệ đắm trong miền cách biệt,
Phút giây chừng mỏi gối phiêu lưu …
Cát bụi tung trời – Đường vất vả.
Còn dài – Nhưng hắn tạm dừng chân.
Tưởng người trong chốn xa xăm ấy,
Chẳng biết vui buồn đón gió Xuân.
THẾ LỮ (06/10/1907 – 03/6/1989 Nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch)
05/7/2013 TRỊNH-KIM-THUẤN góp nhặt.