Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"Mặt chữ điền" trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là mặt người đẹp đàng trong

Lương Duy Cán
Thứ tư ngày 9 tháng 1 năm 2013 6:57 AM

 

Trong các nhà thơ Việt Nam từ xưa đến nay, thật chưa hề có nhà thơ nào mà số phận lại bất hạnh cho bằng Hàn Mặc Tử. Đang giữa độ trẻ trung, say mê và sung sức sáng tạo, Hàn Mặc Tử bị quật một đòn chí tử: 25 tuổi bỗng thấy mình bị mắc bệnh hủi, một căn bệnh khủng khiếp vào lúc ấy và cho cả bây giờ, để rồi, chỉ hơn ba năm sau, mới 28 tuổi, Hàn Mặc Tử đi từ bệnh viện hủi mà ra nghĩa trang.
Bởi vậy, không có gì lạ khi tiếng thơ của Hàn Mặc Tử trở thành tiếng kêu đau thương nhất trên đời. Không có gì lạ khi trong thơ Hàn Mặc Tử có những câu thơ được gọi là thơ điên, thơ loạn, những câu thơ như những lời mê sảng. Nhưng không chỉ có thế. Vào năm 1938, khi mà chứng bệnh hủi nan y đã bắt đầu là nỗi kinh hoàng cho Hàn Mặc Tử, thì Hàn Mặc Tử vẫn còn đưa đến cho thơ Việt Nam không ít những bài thơ tuyệt hay, những bài thơ mà dù có khó tính đến mấy, ai cũng phải đặt chúng vào hàng những bài thơ hay nhất của thơ.
Đây thôn Vĩ Gia(1) là một trong số các bài thơ đó. Bài thơ không chỉ làm cho tác giả của nó nổi tiếng qua mấy chục năm nay, mà còn làm cho trở thành nổi tiếng cả một vùng đất, một làng quê, ấy là cái làng nhỏ Vĩ Giạ kề bên dòng sông Hương ở Huế. Bài thơ chỉ có ba khổ thơ, nghĩa là chỉ 12 câu thơ 7 tiếng, tổng cộng chỉ có 84 tiếng, nhưng sức mạnh thì thật là dữ dội.
Bài thơ bắt đầu khá bất ngờ, bằng một câu hỏi:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Người được hỏi là “anh”. “Anh” là ai đây? Là Hàn Mặc Tử, hay là một ai khác? Nguyên do là thế này: lúc ấy, Hàn Mặc Tử đang nằm nh chữa bệnh. Bệnh nhưng không dám tin, không muốn tin và cũng không thể tin rằng mình đã bắt đầu mắc cái thứ bệnh một trong tứ chứng nan y, Hàn Mặc Tử giấu giếm mà chữa bệnh. Nhiều người là bạn bè của Hàn Mặc Tử chỉ biết Hàn Mặc Tử đang chữa bệnh mà không biết rõ là bệnh gì. Trong những người ấy, có một cô gái Huế, nhà ở thôn Vĩ Giạ. Có lẽ cô gái ấy tuy không phải là người thân thiết nhưng cũng thuộc trong số những người mến mộ tài năng thơ của nhà thơ trẻ Hàn Mặc Tử. Phụ nữ Huế ngày trước có rất nhiều người yêu thơ. Cái việc tự nhiên mà cô ấy đã làm là gửi cho Hàn Mặc Tử mấy lời thăm hỏi. Không biết những lời thăm hỏi ấy có ý nghĩa như thế nào đối với cô gái Huế, nhưng đối với nhà thơ đang buồn vì tất bệnh thì đã có một ý nghĩa to lớn vô cùng. Hàn Mặc Tử phúc đáp ngay, không chỉ bằng thư, mà bằng cả một bài thơ, chính là bài thơ Đây thôn Vĩ Giạ này. Chắc chắn, với trí tưởng tượng dồi dào của nhà thơ, Hàn Mặc Tử đã coi những lời thăm hỏi ấy như một lời trách móc thân tình, một lời mời thân mật:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Trong câu thơ của Hàn Mặc Tử, hai tiếng “về chơi” thật là bình dị, mà thật là hay. Về, chứ không phải đến, mà về chơi, chứ không phải về thăm hay về ngắm thôn Vĩ. Về chơi, đó là cách nói dành cho bạn bè.
Thi nhân bao giờ cũng giàu trí tưởng tượng. Vả lại, khi người ta đang đau ốm và thất vọng, người ta có quyền tưởng tượng ra như thế. Còn chuyện tưởng tượng ấy có đúng hay không lại là chuyện khác, là chuyện riêng của cô gái ấy. Có hay không thì có nghĩa lý gì tới chuyện văn chương!
Tuy vậy, tưởng tượng thì cũng phải có giới hạn. Hàn Mặc Tử không thể tiếp tục tưởng tượng rằng cô gái ấy mời mình tới nhà chơi, mà là về chơi thôn Vĩ. Thôn Vĩ có bao nhiêu nhà và bao nhiêu người, chứ có riêng gì của một người. Bởi vậy, câu thơ tiếp theo khá là bất ngờ:
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Người đọc nhận ra ngay nhà thơ đang tìm cách nén lại một điều gì đó, muốn nói mà không thể nói, hay là không dám nói. Chẳng lẽ người ta mời một người từ xa đến chỉ để làm một việc là nhìn nắng. Nhưng với Hàn Mặc Tử, thế thì cũng đủ rồi. Vả lại, cái nắng này không phải là thứ nắng bình thường, mà là nắng nơi thôn Vĩ. Cho nên cái nắng ấy quý giá lắm, đẹp lắm. Nắng là “nắng hàng cau”, và là “nắng mới lên”. Thế là Hàn Mặc Tử đã tạo cho thôn Vĩ một thứ nắng riêng, để nhìn và để yêu thương.
Đến đây thì tâm trí nhà thơ như đã nhập vào thôn Vĩ, để cho những bước chân trở về thôn Vĩ, từ xa mà đến gần:
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Từ “mướt” là một từ rất Huế. Từ  “mướt” giống với từ “mượt” nhưng lại có chỗ khác vơí từ “mượt”. Mướt là mượt nhưng mà trong hơn, mềm hơn, dịu hơn, và đặc biệt là có cái lấp lánh mà từ mượt không có. Đã mướt, lại còn mướt qua, niềm say mê của nhà thơ dành cho cái vườn này đã thật rõ ràng. Không chỉ thế, cái vườn này còn có một màu xanh đặc biệt, xanh đến độ tuyệt đẹp, tuyệt vời: xanh như ngọc. Cái vườn nào mà đẹp và xanh đến thế? Có vẻ như Hàn Mặc Tử không biết là vườn nhà ai. Ai là một từ mang ý nghĩa phiếm chỉ, nhưng ở đây thì lại rõ ràng vô cùng. Còn vườn ai vào đây nữa: chỉ có một cái vườn ấy thôi, cái vườn nơi ngôi nhà ấy thôi, mới có thể mướt quá và xanh đến như thế. Như vậy, trong câu thơ tả vườn, ta đã thấy thấp thoáng hình bóng một con người. Chả là người ta vẫn thường như thế mà:
Yêu nhau yêu cả lối đi.
Con người thoáng hiện trong câu thơ này cuối cùng đã phải xuất hiện trong câu thơ tiếp theo:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Cả câu thơ sáng bừng hẳn lên và khổ thơ cũng xao xuyến hẳn lên vì sự xuất hiện của một khuôn mặt chữ điền. Đã có rất nhiều học giả bàn luận về “mặt chữ điền”, nhưng có lẽ không ai giải mã được mặt cô gái “chữ điền” sao lại được Hàn Mặc Tử chọn , mà không phải “mặt trái xoan” ? Cũng cần phải nói cho rõ rằng, từ rất lâu, đối với người nơi đất đế đô này, một khuôn mặt đẹp phải là một khuôn mặt chữ điền. Mặt chữ điền, chứ nhất định không phải là mặt trái xoan! Ngày trước, người Huế không thích những tiêu chuẩn đẹp quen thuộc của xứ đàng ngoài. Các đời vua triều Nguyễn ngày trước không bao giờ tuyển người đẹp xứ bắc vào cung. Không một bà hoàng hậu hoàng phi nào được yêu vì mà là người xứ bắc cả (1). Chỉ có người đàng trong mới có khuôn mặt đẹp chữ điền, đẹp mà kín đáo, phúc hậu và trang trọng, quý phái. Trong câu thơ của Hàn Mặc Tử, khuôn mặt chữ điền lại càng thêm kín đáo vì có cái lá trúc che ngang. Xưa nay, có chiếc lá trúc nào mà mọc ngang bao giờ đâu. Cái lá trúc của nhà thơ sao mà hữu tình đến thế!
Khổ thơ của Hàn Mặc Tử kết lại với mấy tiếng mặt chữ điền, thế là đã đến với ngọn nguồn cảm xúc. Còn gì để có thể nói thêm nữa. Nói thêm nữa thì lộ hết tất cả. Chính vì thế, đến đây, nhất định nhà thơ phải lùi lại. Quả nhiên, sang khổ thơ sau, Hàn Mặc Tử không nhìn vào vườn ai, mà cũng chẳng dám nhìn cho rõ mặt chữ điền. Nhà thơ phải nhìn lên trời, nhìn xuống đất. Nhìn lên trời để thấy:
Gió theo lối gió mây đường mây
Một bầu trời thênh thang, mặc sức cho mây bay và gió thổi, nhưng bầu trời sao mà trống vắng quá, hững hờ lạnh lẽo quá. Lẽ ra gió phải đưa mây và mây thì theo gió, chứ sao lại mây gió mỗi thứ một đường!
Nhìn lên trời rồi nhìn xuống đất, để thấy:
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Một dòng nước chẳng thơ mộng gì, lại còn buồn đến độ “buồn thiu”, không chút động đậy, không một chút sức sống. Đã thế, hình ảnh “hoa bắp lay”, xơ xác, vật vờ đến tội nghiệp.
Thế mà, trong khoảng giữa bầu trời và mặt đất ấy, xuất hiện một hình ảnh tuyệt đẹp:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó.
Có thể nói: đây là một trong những câu thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử, một câu thơ mang dấu ấn riêng của Hàn Mặc Tử, một trong những câu thơ hay nhất của thơ Việt Nam. Có lẽ chỉ có Hàn Mặc Tử, cái hồn riêng của Hàn Mặc Tử, cảnh ngộ riêng của Hàn Mặc Tử mới viết ra một câu thơ như thế. Đã từng có bao nhiêu dòng sông trong thơ, bao nhiêu đêm trăng, bao nhiêu vầng trăng trong thơ, thế mà chưa bao giờ từng có một dòng sông được gọi là “sông trăng”. Đã “sông trăng”, lại còn “bến sông trăng”, rồi còn thêm “thuyền đậu bến sông trăng”. Cảnh thật hay là cảnh ảo? Cảnh của đời hay cảnh trong ảo mộng?
Có lẽ là cảnh mộng bởi vì câu hỏi trong thơ cũng là câu để hỏi người trong mộng:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Thuyền chở trăng về đâu, mà nhà thơ lo nó về kịp hay không về kịp? Một nỗi âu lo mơ hồ mà lại rất mãnh liệt đã luôn luôn có sẵn trong tâm hồn nhà thơ Hàn Mặc Tử. Một cái gì đó, một giấc mơ tuyệt đẹp, một hạnh phúc, một tình yêu, sẽ không còn kịp đến.
Nỗi âu lo càng trở nên mênh mang hơn trong đoạn thơ tiếp theo của Hàn Mặc Tử:
 Mơ khách đường xa khách đường xa
 Ao em trắng quá nhìn không ra
Cô gái trong tấm ảnh mà Hoàng Cúc gửi tặng Hàn Mặc Tử mặc áo trắng đứng giữa trời mà chụp ảnh cho nên áo càng trắng thì hình càng không rõ. Đó là chuyện rất bình thường. Thế nhưng, từ cái sự thật bình thường ấy, Hàn Mặc Tử đã tạo ra một câu thơ tuyệt hay, não nùng như thân phận con người, tội nghiệp như những giấc mơ lãng mạn ở đời. Có một cái gì đó thật là đẹp, thật là quý, nhưng càng đẹp thì càng khó nhận ra, càng khó nắm bắt, càng vụt xa ra khỏi tầm tay. Mơ thì “mơ khách đường xa”, lại chỉ mơ khách đường xa; áo thì trắng quá đến nhìn không ra, thật thương cho nỗi thất vọng của Hàn Mặc Tử. Cuộc sống đẹp thế nhưng lại không phải là của Hàn Mặc Tử, hoàn toàn không thuộc về Hàn Mặc Tử.
Khổ thơ khép lại bằng hai câu thơ như là hiện thân của thuyệt vọng:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Ở đây là ở đâu? Nói là ở đây nhưng thật ra cũng chẳng biết là ở đâu. Là ở Vĩ Dạ? Hay ở nơi tấm ảnh này? Hay ở chính tâm hồn cô gái xứ Huế này? Trách móc mà chẳng dám trách móc. Bởi có quyền gì mà trách móc? Câu hỏi của Hàn Mặc Tử thật ra là một lời trách móc rất đắng cay. Nhưng mà ai trách, và trách ai? Điều rất đáng lưu ý trong bài thơ này, Hàn Mặc Tử dùng đến bốn từ “ai”, từ nào cũng hay. Trên kia là “vườn ai”, rồi “thuyền ai”. Nhưng đến hai từ “ai” ở câu thơ này mới thật là hay, hay đúng theo cái cách Nguyễn Du đã từng nói:
  Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!
Ai biết, mà biết gì: tình ai. Thế là muốn hỏi mà không dám hỏi, không thế hỏi. Muốn tỏ bày mà không dám tỏ bày, không thể tỏ bày. Tình yêu là điều không thể không nói ra. Không nói ra thì đau khổ lắm. Nhưng nói ra thì sợ thất vọng, càng đau khổ gấp trăm lần. Thế thì cứ nói ra mà như không nói. Cứ hy vọng và cứ hoài nghi. Tình yêu của Hàn Mặc Tử là thế đấy, lúc nào cũng cứ mong manh như một làn sương. Con người sao mà đau khổ: đến cả một niềm hi vọng cũng không dám có!
Một làng quê nhỏ giữa thành phố Huế, bao nhiêu người đã từng sống ở Vĩ Giạ, hay từng đến, từng làm thơ về Vĩ Giạ. Thế mà đến hôm nay, nếu nhắc tới Vĩ Giạ thì hầu như ai cũng phải nghĩ đến đầu tiên, một bài thơ của Hàn Mặc Tử, bài Đây thôn Vĩ Giạ. Có lẽ bởi, đến với Vĩ Giạ, không ai có được cái tình như cái tình của Hàn Mặc Tử, cái hồn như cái hồn Hàn Mặc Tử, niềm say và nỗi đau như Hàn Mặc Tử.
        
( Bài viết do tác giả gử
(1) Có một câu chuyện cũ ở Hà Nội: vào thời vua Tự Đức, vị vua thứ tư của triều Nguyễn, nghĩa là đã khoảng năm chục năm sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, lần đầu tiên mới có một cô gái từ Thăng Long (chắc chắn là cô ta rất đẹp) được tuyển để tiến dẫn vào cung. Mỏi mòn chờ đợi hơn mười năm thì cô gái đất Bắc này mới được nhà vua sực nhớ, cho gọi vào. Tuy nhiên, vua Tự Đức còn truyền theo một cái lệnh kì quặc: đi vào gặp vua, cô gái phải bị bịt kín mắt. Thế nhưng, vì quá khao khát được nhìn thấy “mặt rồng”, cô gái đã lén hé dải lụa đen để nhìn trộm. Dù đang ở một thời điểm “trọng đại” như thế, vua cũng phát hiện ra ngay, đã tức khắc tống cô gái ra khỏi phòng, còn hạ lệnh đuổi cô về quê. Cô gái này đã sống những năm còn lại của mình bằng cách tụng kinh gõ mõ trong cái am nhỏ được dựng ở cuối vườn nhà mình, trong làng Tây Hồ ven bờ Hồ Tây, Hà Nội bây giờ.
 Rõ ràng là con gái đất Bắc, mà một tiêu chuẩn đẹp là “mặt trái xoan”, không bao giờ có thể là người nằm trong lý tưởng thẩm mỹ của hoàng gia xứ Huế. Vả lại, “mặt chữ điền” đã tuyệt đẹp rồi, còn tìm vẻ đẹp khác làm gì nữa!
 Ở đây còn có chuyện này: một số người suy đoán rằng “mặt chữ điền” mà HMT nói, không phải là một khuôn mặt người, mà chính là bức bình phong hình chữ nhật thường thấy ở sân trước các ngôi nhà cổ. Thử nghĩ: theo mạch cảm xúc của nhà thơ, nhìn Vĩ Giạ từ xa đến gần, càng lúc càng mãnh liệt, càng lúc càng đắm say, cuối cùng lại đập mặt vào cả một đống gạch vôi, chán chết!