Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nghĩ về thơ Haiku tiến Việt

Nguyễn Đăng Minh
Thứ ba ngày 8 tháng 1 năm 2013 8:42 PM
Theo như lịch sử về phố cổ Hội An thì nước ta và nước Nhật Bản có quan hệ buôn bán từ thế kỷ XV, còn theo lịch sử dạy học sinh phổ thông thì được biết nước Nhật qua hoạt động cách mạng của cụ Phan Bội Châu. Đến năm 1973 nước ta và Nhật Bản đặt quan hệ ngoại giao, 40 năm qua người Việt Nam thường xuyên biết đến Nhật Bản qua hàng hóa và vốn ODA dành cho các công trình xây dựng nhất là các công trình giao thông ở Việt Nam. Năm 2007, Lãnh sự quán Nhật Bản ở Thành phố Hồ Chí Minh có cuộc thi sáng tác thơ Haiku bằng tiếng Việt Nam – Đây là dấu mốc đầu tiên chính tắc thơ Haiku xuất hiện trong đời sống văn nghệ nước ta.
Theo các tài liệu phổ cập ít ỏi trên các báo không chuyên văn nghệ và các trang mạng xã hội thì chưa xuất hiện một bài dịch thơ Haiku từ tiếng Nhật Bản sang tiếng Việt Nam bởi một nhà thơ trong Hội nhà văn Việt Nam, nên các bạn đọc hâm mộ thơ Haiku vẫn chưa được tận hưởng cái gốc thực của loại thơ mà người ta ca tụng là thể thơ có cấu trúc và âm tiết ít nhất thế giới (gồm 3 câu với cấu trúc 5-7-5 và tổng cộng 17 âm tiết). Nhưng thực tế những bài thơ Haiku dịch sang tiếng Việt thì thường ít hơn 17 âm tiết và không theo trật tự các âm tiết trong mỗi câu:
Nơi im lặng thẳm sâu
Thấu xuyên muôn trùng đá
Tiếng ve sầu                        (bài gốc của nhà thơ Masaoka Shiki)
Và một bài thơ rất nổi tiếng của Basho:
Ao cũ
Con ếch nhẩy vào
Mặt nước vỡ xôn xao
Trong 6 năm thơ Haiku sáng tác bằng tiếng Việt Nam đã nở rộ ở nhiều câu lạc bộ thơ trong miền Nam, ngoài miền Bắc, bên cạnh đó có nhiều nhà thơ đã Việt Nam hóa thơ Haiku và đặt tên là thơ ba câu hoặc thơ ngắn, có tiêu đề của từng bài, khác với thơ Haiku là không có tiêu đề. Như vậy, thơ Haiku đã có sự lan tỏa trong nền văn nghệ nước nhà; song không ít những nhà thơ tên tuổi trong nước tỏ ra không khoái và có những lời trào lộng cùng võ đoán thơ Haiku không có đất mầu mỡ ở Việt Nam (!)
Khi tiếp cận với thơ Haiku sáng tác bằng tiếng Việt, tôi rất có cảm tình với thể loại thơ ngắn mà gửi gắm rất nhiều cảm xúc và thông điệp về cuộc sống đến bạn đọc và tôi đã sáng tác theo cấu trúc: 5-7-5 tổng cộng có 17 âm tiết:
Bài 307
Mẹ về thăm quê ngoại
Cửa khép hờ gỗ mòn lời gió
Ngõ trăng tiếng gậy mòn
Ví dụ thêm một bài nữa:
Bài 387
Mặt trời tròn úa đỏ
Chấm vào hoàng hôn chia ly
Ngắt câu ngày thương nhớ
Có nhiều bạn hỏi tôi là lý do gì mà thích Haiku, tôi trả lời rất đơn giản là thơ Haiku không có tiêu đề nên không định hướng người đọc theo hướng của tác giả mà để người đọc thỏa mãn với tư duy theo dòng suy nghĩ rộng mở của mình về nhiều chiều khác nhau và có thể bày tỏ tiếp theo dòng chảy của riêng mình nhờ một gợi mở nào đó trong  ý bài thơ gốc. Thêm vào nữa là cấu trúc 3 câu với sự sắp xếp chặt chẽ với khuôn hình 5-7-5 âm tiết chọn lọc mà trong đó vang lên âm nhạc, sắc màu của hội họa; có thể nói một bài thơ Haiku là chắt lọc từ một bài thơ diễn giải dài dòng mà chúng ta hay gặp trong các bài thơ Việt, điều này làm người đọc mệt mỏi và chiếm nhiều thời gian, chiếm nhiều diện tích trên sách, báo viết và báo mạng. Còn người ta nói thơ Haiku là thể loại thơ ngắn nhất thế giới thì nên xem xét lại khi Việt Nam ta có thể thơ Lục bát, với cấu trúc hai câu 6-8 tổng cộng có 14 âm tiết đã thành một bài thơ hoàn chỉnh; thực tế đã có trong ca dao tục ngữ, như:
Cô kia tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Còn trong Tuyện Kiều của Nguyên Du, sẽ có được rất nhiều bài thơ ngắn hoàn chỉnh và hình như truyện Kiều là tập hợp gắn kết với nhau bởi những bài thơ Lục bát ngắn hay mà thành kiệt tác:
Vầng trăng ai sẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường
Thêm nữa:
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Giá như nền văn nghệ Việt Nam biết khai thác và định hướng sáng tác ra hai câu Lục bát thành một bài thơ ngắn thì nước ta là nước số một thế giới về  bài thơ ngắn.
Sự hấp dẫn của thơ Haiku tiếng Việt đối với tôi là sự chắt lọc từ bình diện bao la ngữ điệu của ngôn ngữ được thu gọn lại đến đơn giản tinh tế và kinh tế để chuyển tải một thông điệp đa phương đến bạn đọc mà ở mỗi phương đều có dư âm dịu dàng thâm túy của âm nhạc và sắc mầu ấm áp hoặc rực rỡ, u buồn… Tự cảm nhận cho riêng mỗi người đọc.

Hà Nội, 01/01/2013
Nguyễn Đăng Minh