Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Kí ức buồn thức dậy

Phạm Xuân Trường
Thứ sáu ngày 4 tháng 1 năm 2013 9:17 PM

(Đọc “Chín người mười làng” - Tập truyện ngắn 
của Đoàn Thị Tảo - NXB Hội Nhà văn 2012)

Nói đến nhà thơ Đoàn Thị Tảo là người ta có thể khẽ hát “Thế là chị ơi! Rụng bông hoa gạo”... Bài thơ Chị tôi được nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc. Bài hát mà bất kỳ nhiều lứa tuổi cũng thuộc để một mình lúc buồn thì thầm đôi ba câu. Da diết và day dứt đến lạ kỳ. Bài thơ thành ca từ dung dị, tin rằng sẽ sống mãi cùng năm tháng cho dù cuộc đời bể dâu đắp đổi.
Đã xuất bản ba tập thơ “Lá rụng”, “Lỡ”, “Thu biển”. Nhưng thơ không đủ chuyển tải những éo le, trắc trở, trớ trêu của cuộc đời. Không đủ diễn giải những ưu tư, những số phận mà Đoàn Thị Tảo đã gặp. Nên Đoàn Thị Tảo đã bước vào địa hạt của văn xuôi. Tự tin như làm thơ. Âm thầm và lặng lẽ viết. Những truyện ngắn đã in rải rác ở các báo, tạp chí hơn chục năm nay, tập hợp lại để ra mắt bạn đọc với tựa đề “Chín người mười làng”. Tập truyện ngắn do NXB Hội Nhà văn vừa xuất bản quý 3 năm 2012 còn thơm mùi mực. Với 14 truyện ngắn xinh xẻo. Người làm sao văn chương làm vậy (mọi ví von có thể đều khập khiễng). Với Đoàn Thị Tảo thì tôi thanh thản nói rằng: Chơi với Đoàn Thị Tảo không sợ bị tị hiềm, đố kị, ngoa ngoắt và thủ hiểm. Đoàn Thị Tảo sống chân thật, đôn hậu, nhường nhịn, thật thà. Một đời chỉ biết tận tâm cho mẹ, chị rồi đến các cháu. Chẳng kêu ca phàn nàn gì. Lứa cháu con chị gái - nhà văn Đoàn Lê gọi Đoàn Thị Tảo bằng dì lớn lên trong vòng tay ấm áp của Tảo, như những cánh chim đủ lớn bay vào cuộc đời. Rồi từ đấy chúng lại tha rác làm tổ, những đứa con của chúng như bầy chim non vàng mép chập chững bay chuyền lại được ấp iu trong vòng tay của người bà, nhiều hơn là mẹ. Bây giờ có cháu đã bước vào giảng đường đại học. Tảo như con thoi, hết Hà Nội lại đến Hải Phòng. Người ta nói “giầu con út, khó con út”. Tảo là người con áp út sinh ra trong gia đình chín, mười anh em. Bố làm nghề cắt thuốc bắc, bố mất còn lại mẹ, bà cụ tuổi ngày một cao lại đau yếu, các anh chị đã yên phận cả. Tảo lặng lẽ chăm sóc mẹ mà “lỡ” một đời người. Từng là một cán bộ kỹ thuật trung cấp giao thông, Tảo đã lang bạt khắp nẻo đường thời chiến tranh phá hoại mà điểm dừng lại không có một đồng bảo hiểm. Không một cắc lương hưu. Khi xưa cô em út theo chồng đi tị nạn, tháng tháng chắt chiu gửi tiền về giúp đỡ Tảo cùng với các chị và các cháu ở trong nước. Bây giờ “ngân hàng” ấy không còn. Người em út mắc trọng bệnh đã vĩnh viễn ra đi, hồn lơ lửng ở xứ người. May mà còn vài đồng gửi tiết kiệm của ngày xưa, của em và các cháu cho. Tảo tồn tại bên cạnh chị gái Đoàn Lê. Hai bóng cô lẻ nương tựa vào nhau. Khi mà tuổi tác và bệnh tiểu đường rình rập hành hạ hai chị em... Hai ngôi nhà nhỏ nép mình bóng núi giữa vườn cây xum xuê đầy bóng mát. Hoa ngọc lan theo từng cơn gió tràn vào nhà, phủ đầy hương thơm dìu dịu. Bây giờ đã là đầu đông, chị Lê đi Hà Nội chữa bệnh và trông nhà cho con (cháu Lụa theo chồng đi đại sứ ở Niu-di-lân). Tảo lại một mình cơm niêu nước lọ. Vườn nhà tràn ngập lá rụng, cong queo khô nỏ. Trên vòm cao những chiếc lá vàng lắt lay níu vào cành đu đưa chờ đến lượt mà tôi chợt nghĩ đến kiếp con người. Ngoài kia bãi biển thưa người, những con sóng lần lượt chờ đến lượt mình xô bờ để tan thành bọt.
Hình như thơ không đủ để nói hết những vui buồn, đau khổ. Tiềm ẩn trong ký ức những người sinh ra, lớn lên ở ngõ phố. Là chứng nhân của những nhân vật mà người Hải Phòng không dễ gì quên. Đó là “Huyền thoại người điên”, “Tân điên”, “Trác điên” và những người đàn ông “chở ba đứa con bằng một cái cũi buộc ở gác-ba-ga và một địu ở trước ngực. Rong xe khắp phố và luôn mồm chửi: Tiên sư tập đoàn bí mật chúng mày ơi”...
Hầu hết truyện ngắn của Đoàn Thị Tảo đều là ký ức buồn như muối lắng ở đáy cốc. Từng số phận của nhân vật là những hệ lụy của kiếp làm người. Ẩn chứa những bất lực, Đoàn Thị Tảo đã mượn cõi tâm linh để lý giải và tự an ủi mình chăng? “Bà hàng xóm của bố tôi”, “Nhẫn”, “Duyên âm”... Những truyện như “Cô xẩm”, “Ông cai ơi” xót xa và chua chát. Những ký ức của một thời mà những người sinh ra và lớn lên từ ngày Hải Phòng giải phóng không dễ gì quên. Riêng truyện “Những cái kết” như tự thú của Đoàn Thị Tảo bước vào nghề viết. Dí dỏm và hay. 
Với lối viết nhẹ nhàng, thủ thỉ như kể chuyện, đó là một trải nghiệm mới của Đoàn Thị Tảo với nghề viết của mình. Văn phong đôn hậu, chân thật như tính cách của Đoàn Thị Tảo không lẫn vào ai.

Phạm Xuân Trường