Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Xã tắc và lửa Nguyễn Bá Thanh

Bùi Văn Bồng
Thứ sáu ngày 4 tháng 1 năm 2013 9:08 PM


1- CHỐNG THAM NHŨNG LÀ MỘT MẶT TRẬN

Đúng 1 năm, cũng vào thời điểm này, Hội nghị Trung ương 4 bế mạc. Sau 4 ngày Hội nghị quan trọng cấp bách này bế mạc, liền xảy ra vụ kinh thiên động địa, thẳng tay “tấn công nền dân chủ” bằng vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng). Người ta xôn xao lên rằng: “Có lẽ ai đó đã cố tình phá ngang kết quả Hội nghị Trung ương 4” (!?).
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và Nghị quyết Hội nghị trung ương 6 khóa XI, ngày 28/12/2012, Bộ Chính trị đã ban hành các quyết định về việc thành lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương; các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hai ban này. Bộ Chính trị cũng ban hành các quyết định phân công ông Nguyễn Bá Thanh giữ chức Trưởng ban Nội chính; ông Vương Đình Huệ làm Trưởng ban Kinh tế.
Bình luận về thực trạng, mức độ và “quy mô” nạn tham nhũng ở Việt Nam, hãng Thông tấn Reuters đưa ra chính kiến: Tham nhũng là một yếu tố làm giảm hiệu năng hoạt động của chính quyền Việt Nam, bên cạnh các vấn đề như thiếu giải trình, thiếu minh bạch, và guồng máy hành chánh quan liêu cồng kềnh. Hiện nay, tiến trình cải tổ kinh tế Việt Nam cũng như chính sách cải tạo các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu năng, có nguy cơ bị các nhóm bảo thủ và đặc quyền đặc lợi phá hoại nhất là khi chính quyền đặt trọng tâm nhiều hơn đến khía cạnh an ninh. Mặt khác, theo một số nhà phân tích chính trị, các cuộc ‘đấu đá nội bộ’ có thể làm cho tiến trình cải tổ bị tê liệt phần nào...
Ban Nội chính Trung ương là cơ quan chuyên trách của Trung ương Đảng, chịu trách nhiệm chính trong việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phòng-chống tham nhũng. Ban Nội chính, Ban Kinh tế Trung ương qua mấy chục năm hoạt động có hiệu quả, năm 2007, ông Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư, ông Trương Tấn Sang làm Thường trực Ban bí thư, không hiểu lý do gì lúc đó lại nhất trí thu nhỏ biên chế, thu hẹp nhiệm vụ của hai ban này, nhập vào thành cấp vụ thuộc Văn phòng Trung ương Đảng, ở các tỉnh, thành phố cũng vậy. Cơ cấu, mô hình này mới thực hiện được 5 năm, người ta thấy quyền lãnh đạo của Đảng, quyền của Chủ tịch nước về nội chính - pháp chế, chỉ đạo và quản lý kinh tế bị mất hiệu lực. Theo đó, hai lĩnh vực này được gia tăng quyền lực cho Chính phủ, Đảng và Nhà nước bị mất quyền lãnh đạo, quyền quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát.
Được chính thức thành lập ngày 5/1/1966 (với tên gọi ban đầu là Ban Pháp chế TW), 40 năm qua, Ban NCTW đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Gần đây nhất, trước khi sáp nhập, là sự kiên quyết đưa vụ Năm Cam và một số vụ tham nhũng lớn ra ánh sáng pháp luật. Vụ án Năm Cam (chuyên án Z5.01) là vụ án lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều cán bộ cao cấp ở Trung ương và ngành công an, cùng một số bộ, ban, ngành, nhưng Ban Nội chính Trung ương quyết tâm cao, kiên quyết, vẫn làm được (phát hiện 1995, phá án 5-2001, xét xử 2-2003).Tính đến 2006, Ban Nội chính Trung ương ra đời và hoạt động suốt 40 năm.

2 - BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG ĐÃ LÀM ĐƯỢC NHỮNG GÌ?

Nhìn lại nửa chặng đưỡng sau, cách đây hơn 20, thực hiện nghị quyết Trung ương Đảng khóa VII, khắc phục tình trạng: “Nhiều đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, phai nhạt lý tưởng, không phát huy được vai trò tích cực trong quần chúng. Tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm các nguyên tắc quản lý hoặc lợi dụng những sơ hở trong cơ chế quản lý để lấy cắp của công, ăn hối lộ, buôn lậu, làm giàu bất chính, vi phạm đạo đức, lối sống cách mạng có chiều hướng tăng lên, nhất là trong cán bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý nhà nước và ngay cả trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan đảng và đoàn thể”, Ban NCTW được giao chức năng, nhiệm vụ mới theo Quyết định số 17-QĐ/TW ngày 23-12-1991, do ông Đào Duy Tùng ký. 
Theo quyết định này, Ban NCTW là cơ quan tham mưu giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên những mặt công tác như: Giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực xây dựng pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; Nghiên cứu đề xuất và theo dõi việc thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng thành pháp luật nhà nước; Theo dõi việc lập và thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Nhà nước; Chuẩn bị để Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về những vấn đề thuộc quan điểm trong các dự án luật, nhất là các dự án luật liên quan trực tiếp đến thiết chế chính trị, an ninh chính trị, trật tự xã hội và quyền công dân; Cùng các ban ngành có liên quan, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhằm tăng cường ổn định chính trị và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; Nghiên cứu đề xuất và thẩm định những đề án về an ninh chính trị có liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương để Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét quyết định; Nắm tình hình của các cơ quan trong hoạt động bảo vệ pháp luật, nhất là hoạt động chống và phòng ngừa tội phạm, bảo đảm theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng; Đặc biệt, đối với một số vụ án quan trọng có ảnh hưởng chính trị rộng hoặc có liên quan đến cán bộ cao cấp mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần cho phương hướng chỉ đạo thì Ban Nội chính Trung ương có trách nhiệm theo dõi, chuẩn bị ý kiến đề xuất; đồng thời giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở các ngành: kiểm sát, toà án, tư pháp, thanh tra, hải quan, trọng tài kinh tế nhà nước, Hội luật gia… 
Và, cũng theo quyết định quan trọng này, Ban NCTW có trách nhiệm thẩm tra những đề án về chủ trương, phương hướng hoạt động của các ngành trên trình ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Theo dõi, kiểm tra hoạt động của các đảng viên là cán bộ lãnh đạo ở các ngành trên trong việc thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng; phối hợp với đảng uỷ khối theo dõi và hướng dẫn hoạt động của các tổ chức đảng ở các ngành này; Nắm tình hình công tác cán bộ; thẩm tra và chuẩn bị cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định bố trí nhân sự chủ chốt ở các ngành trên. 
Đối với Bộ Nội vụ (tên gọi Bộ Công an khi đó), Ban có trách nhiệm giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo dõi việc chấp hành đường lối, quan điểm của Đảng trên lĩnh vực giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, hoạt động chống và phòng ngừa tội phạm, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương thẩm tra và đề xuất ý kiến về việc bố trí, đề bạt cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Ban Nội chính Trung ương có trách nhiệm nắm tình hình, hướng dẫn công tác lãnh đạo trên lĩnh vực nội chính của cấp uỷ địa phương. Các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương cần có Ban Nội chính để giúp cấp uỷ theo dõi hoạt động của các ngành nội chính, phối hợp các ngành này trong việc nghiên cứu đề xuất những vấn đề về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có liên quan chung và giúp nắm các cán bộ thuộc diện cấp uỷ quản lý. Bộ máy Ban Nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ cần tinh gọn. Những địa phương chưa có điều kiện lập ban, cần có nhóm chuyên viên giúp cấp uỷ về công tác nội chính. 
         Ban Nội chính Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương có văn bản hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ. Quyết định này thay cho Quyết định 38-QĐ/TW, ngày 6-1-1988 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. 
Với chức năng, nhiệm vụ như trên, Ban NCTW từ chỗ mới tham gia chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, Ban đã nâng tầm tham mưu cho Đảng về đường lối, chính sách bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. 
Những năm đầu trong công cuộc đổi mới đất nước, Ban NCTW đã có nhiều đóng góp to lớn: tham mưu, nghiên cứu, trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư ban hành các Nghị quyết, chỉ thị quan trọng, như Nghị quyết 08-2/1/2002 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư pháp”; Chỉ thị 09-6/3/2002 “Về một số việc cần thực hiện trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay”; Nghị quyết 49-2/6/2005 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”… 
Những nghị quyết, chỉ thị này đã và đang nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới. Với những đóng góp to lớn, nhân dịp 40 năm thành lập, Ban Nội chính TW đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. 

3 - TIẾP CẬN TIÊN TIẾN, NÂNG CAO HIỆU QUẢ

Gần 11 năm sau, ngày 15-7-2002, Bộ Chính trị lại ra Quyết định số 40-QĐ/TW quy định lại chức năng, nhiệm vụ của Ban NCTW, do ông Phan Diễn ký. Theo quyết định này, Ban NCTW bị thu hẹp bớt một số nhiệm vụ và một số quyền, nhưng nghiêng về tham mưu, phối hợp, giúp việc, đề xuất ý kiến, hướng dẫn những chủ trương chính sách rất chung chung, nhất là các quyền về pháp chế không còn như Quyết định số 17-QĐ/TW ngày 23-12-1991, do ông Đào Duy Tùng ký.
Riêng nhiệm vụ thứ 5 của Ban NCTW còn có liên quan đến pháp chế như: Thực hiện một số nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư uỷ quyền: Chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp về chính trị, kinh tế, xã hội; các vụ tham nhũng, các vụ án có liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Phối hợp với các cơ quan liên quan có ý kiến chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án do Ban Bí thư giao; Thực hiện nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp và những công việc khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư. giao. 
Từ đầu năm 2002, ban NCTW đã ký với Thụy Điển “Dự án Nghiên cứu đấu tranh chống tham nhũng”. Cơ quan thực hiện: Ban Nội chính Trung ương. Cơ quan tài trợ: Sida - Thuỵ điển. Giám đốc dự án: Nguyễn Văn Quyền, Phó giám đốc/quản đốc dự án: Lê Văn Lân. Cố vấn trưởng: Alf Persson (Địa chỉ liên hệ: Văn phòng dự án Sida - Ban Nội chính Trung ương, Số 5A, Nguyễn Cảnh Chân,Hà Nội, ĐTl: 08044291, 7340914, Fax: 08045575, Email: banqldatw@ hn.vnn.vn). Ngân sách: Tổng: 891.190 USD ODA: 721.190 USD. Vốn đối ứng: 170.000 USD. Thời gian: 2002-2005.       
+ Mục tiêu chung: 
- Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX về tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị, ở các cấp, các ngành, từ Trung ương đến cơ sở. 
- Góp phần vào thắng lợi của công cuộc cải cách hành chính ở nước ta. 
- Góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. 
          + Mục tiêu cụ thể:
- Nghiên cứu tổng thể về tham nhũng, thực trạng tình hình tham nhũng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian qua; chỉ ra những nguyên nhân của tham nhũng và nguyên nhân dẫn đến cuộc đấu tranh chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao ở Việt Nam, từ đó đề xuất với Đảng, Nhà nước Việt Nam một số giải pháp cụ thể để hạn chế tham nhũng và nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong giai đoạn 2005-2010. 
- Nâng cao trình độ, kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng cho cán bộ một số cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương.
Vào thời điểm tham nhũng bắt đầu mọc lên như nấm sau mưa, mọi người đang đặt nhiều kỳ vọng vào “Dự án Nghiên cứu đấu tranh chống tham nhũng” đã ký kết giữa VN-Thụy Điển thì xảy ra thực trạng ngay từ Đại hội IX và X người ta đã buông lơi cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Đáng phải nhận diện sự kiện không mấy bình thường, đến ngày 11-4-2007, Ban NCTW được hợp nhất cùng Ban Kinh tế, Ban tài chính-quản trị thành Văn phòng TW Đảng. Như vậy, từ một Ban có nhiều quyền lực và nhiỆm vụ trọng yếu thể hiện vai trò khá quan trọng ở Trung ương Đảng, ban NCTW coi như bị giải thể chỉ bằng sự “gộp lại”, trở thành bộ phận thuộc Văn phòng Trung ương Đảng. Dư luận (đây chỉ là dư luận – để tham khảo) cho rằng khi đó (tháng 4-2007) ông Trương Tấn Sang làm Thường trực Ban bí thư, phải chăng có ý định chuyển quyền từ Đảng sang Chính phủ, không biết đàng sau đó có hướng ông Sang sẽ làm Thủ tướng chăng, vì đến 26-7, ông 3 Dũng mới nhậm chức Thủ tướng do Quốc hội nhất trí? Chuyện đó thuộc "bí mật cung đình", không ai muốn lạm bàn nhiều! 

4 - VAI TRÒ CỦA ĐẢNG BỊ MỜ NHẠT TRONG CUỘC CHỐNG THAM NHŨNG

Theo quy định thì Văn phòng Trung ương sẽ có 20 đơn vị trực thuộc trong đó có vụ Pháp luật và vụ Nội chính. Hơn 10 ngày sau, ngày 24/01/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2007/CT-TTg quy định về thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và Quy chế hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi là Văn phòng Ban Chỉ đạo). Văn phòng Ban Chỉ đạo là cơ quan hoạt động chuyên trách, giúp việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi tắt là Trưởng Ban Chỉ đạo); có chức năng tham mưu, tổ chức phục vụ các hoạt động của Ban Chỉ đạo và Trưởng Ban Chỉ đạo. Văn phòng Ban Chỉ đạo có trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội; có tư cách pháp nhân, có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; được sử dụng con dấu hình Quốc huy theo quy định của pháp luật.
Theo Quyết định số 79-QĐ/TƯ ngày 21/8/2007 của Bộ Chính trị do ông Trương Tấn Sang ký về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Văn phòng Trung ương Đảng, có 14 Vụ, 5 Cục, trong đó có Vụ Nội chính, Vụ Pháp luật và cải cách tư pháp - Vụ Quản lí đầu tư và xây dựng. Nhưng đến Ngày 10-4-2012, sau Hội nghị Trung ương 4 được hơn 3 tháng, Bộ Chính trị lại ban hành Quyết định số 80-QĐ/ về Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Văn phòng Trung ướng Đảng (không hiểu lý do gì mà cùng là quyết định của Bộ Chính trị, nhưng quyết định này do ông Lê Hồng Anh ký lại trùng số với QĐ 80-QĐ/TƯ do ông Trương tấn Sang ký ngày 28-8-2007 về Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban Tuyên giáo Trung ương). Quyết định 80 –QĐ/TW quy định lại nhiệm vụ Văn phòng Trung ương Đảng biên chế tổ chức còn 11 Vụ, bỏ bớt đi 2 Vụ là Vụ Quản lý đầu tư và xây dựng và Vụ Thư từ - tiếp dân. Hai nhiệm vụ này của Vụ Nội chính còn gắn với kinh tế-xã hội bị lược bỏ luôn. 
Tại Hội nghị Trung ương 5 (bế mạc ngày 15 tháng 5 năm 2012) đã quyết định lập lại Ban Nội chính Trung ương có chức năng một ban Đảng và có chức năng là cơ quan thường trực phòng chống tham nhũng trên cơ sở Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Khi thành lập Ban Nội chính theo Nghị quyết Trung ương 5, phục vụ chống tham nhũng, nên đưa 2 Vụ: Nội chính và vụ Pháp luật của Văn phòng Trung ương không còn nữa mặc dù không nhất thiết phải quy định chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng nhưng đáng lẽ ra Bộ Chính trị nên dừng việc quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Trung ương lại thì hợp lý hơn. Và nhất là cần căn cứ theo Quyết định số 17-QĐ/TW ngày 23-12-1991, do ông Đào Duy Tùng ký, một quyết định đã đem lại hiệu quả hoạt động có chất lượng cho Ban NCTW, để chọn lọc lại những nhiệm vụ trong quyết định này phù hợp nhiệm vụ mới hiện nay.
Ban NCTW đã trải qua nhiều bước thăng trầm, biên chế đi, tổ chức lại, sau gần 5 năm bị sáp nhập vào Văn phòng Chính phủ, cơ quan nội chính của đảng lại có cơ hội để khẳng định vị trí độc lập tương đối của mình. Hơn lúc nào hết, đảng cần đến Ban Nội chính, không phải chỉ với tư cách tham mưu như trước đây, mà cùng với Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng, đây là những vũ khí sắc bén còn lại cho cơ hội để đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); chú trọng cả phòng và chống, cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống lãng phí.

5 - NAY TÁI LẬP, HOẠT ĐỘNG RA SAO?

Theo ông Trần Đại Hưng, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính T.Ư: “ Chúng ta thấy rằng lâu nay công tác PCTN nói chung chưa đạt được yêu cầu "ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng", việc để ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị là một trong những giải pháp cần thiết. Như vậy, trên thì có ban chỉ đạo ở cấp cao nhất của Đảng, dưới có cơ quan thường trực hoạt động chuyên trách, tránh được cách làm theo lối kiêm nhiệm, họp hành theo định kỳ và phần nào đó bị hành chính hóa. Việc quyết định tái thành lập Ban Nội chính T.Ư lần này vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo là hợp lý, vì Ban Nội chính có chức năng tham mưu cho Đảng về tổ chức, hoạt động của các cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm, bao gồm cả tội phạm tham nhũng. 
Việc thu nhỏ nhiệm vụ, biên chế, sáp nhập hai ban (Nội chính, Kinh Tế) không nghiên cứu, phân tích kỹ, không xem xét khách quan, toàn diện, nay lại thấy cần phải tái lập, thêm mang tiếng là cuộc đấu đá nội bộ phân chia quyền lực! 
Ông Hưng cho biết: Qua kinh nghiệm công tác cho thấy hoạt động tố tụng thường rất phức tạp, quá trình điều tra, truy tố, xét xử thuộc chức năng của các cơ quan khác nhau tùy theo từng công đoạn cụ thể. Nếu các cơ quan đó hoạt động trong điều kiện có Ban NCTW thì ban này sẽ tham mưu cho Đảng để nắm tình hình hoạt động của các cơ quan tố tụng, đồng thời phát hiện, đề xuất sự phối hợp khi cần thiết.
Nhưng ông Hưng cũng cho rằng không thể giữ nguyên mô hình của Ban NCTW trước đây, cần phải có sự đổi mới, phát triển. Trước hết phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính lần này là gì, tổ chức ra sao và họ pơhair có thực quyền, chịu trách nhiệm trước nguyên tắc điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước. Trước đây cũng có lúc này lúc khác Ban NCTW làm chưa đúng chức năng, can thiệp quá sâu vào công việc của các cơ quan chuyên môn. Ban Nội chính được tái lập lần này phải đi vào nghiên cứu, tham mưu cho Đảng những quyết sách lớn về xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật cũng như hoạt động của các cơ quan tư pháp. Ban Nội chính lần này vừa kế thừa được những chức năng quan trọng trước đây, đồng thời đảm bảo không làm thay cơ quan nhà nước, nhưng phải được giao quyền rõ ràng, nên chăng phải giao cho Ban NCTW có quyền quyết định những vụ việc nổi cộm, cấp bách, không chỉ làm tham mưu đơn thuần rồi lại chờ “tập thể lãnh đạo”. Khi đã giao như vậy thì người ta phải có lực lượng và được áp dụng biện pháp tố tụng, đụng chạm đến "cỡ bự" như Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ chính trị... Ở nước ta lâu nay chưa có một cơ quan trực tiếp làm như vậy, nhưng chúng ta có sự lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp, các ngành. Theo mô hình tới đây, khi Ban NCTW tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị để có sự chỉ đạo đối với các tổ chức Đảng ở các cấp, các ngành thì hoàn toàn có thể xử lý những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. 
Chúng ta không thiếu cơ chế giám sát, trong đó có quy định về giám sát trong Đảng. Bản thân các ngành khi thấy Ban NCTW hoặc cá nhân nào trong Ban NCTW làm không đúng, họ sẽ phản ảnh ngay. Ví dụ như Ban NCTW xuống ngành kiểm sát mà chỉ đạo sai, người ta sẽ phản ảnh rằng anh làm như thế là sai chức năng. Điều quan trọng ở đây là chống sự thỏa hiệp. Chẳng hạn với một vụ án phức tạp, Ban NCTW xuống làm việc với ngành tòa án, giữa hai bên mà thỏa hiệp với nhau làm sai thì cái đó rất nguy hiểm. Ở vị trí của Ban NCTW cần phải hết sức công tâm, trong sáng mới làm việc được.

6 - QUYỀN VÀ HÀNH ĐẾN ĐÂU?

Việc chuyển giao Ban Chỉ đạo PCTN từ Chính phủ sang Trung ương Đảng là đúng với tư tưởng của đường lối “Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện”, là việc cần thiết xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, lấy lại niềm tin của nhân dân. Nhưng nếu Ban NCTW chủ yếu là người phát hiện, báo cáo tiêu cực lên TBT để xem xét xử lý, lại họp tập thể cân nhắc, “nâng lên đặt xuống”, rồi xem xét kỹ lại vụ việc theo sự cẩn tắc quá mức: “nguyên nhân, lịch sử-hiện tại, tương lai, thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập”, rồi thì “cân đối, tổng hòa các mối quan hệ”, lại phải tính toán “khách quan, biện chứng”… thì cũng khó mà đưa các vụ việc cùng người phạm tội ra ánh sáng pháp luật một cách công minh. Vì thế, trong tình hình hiện nay, nên chăng cần mạnh dạn giao thực quyền như kiểu “Thượng phương bảo kiếm” trao cho Ban NCTW, tự chịu trách nhiệm trước nguyên tắc, điều lệ Đảng và Pháp luật Nhà nước, có quyền kịp thời tạm đình chỉ chức vụ trong đảng từ cấp ủy trở xuống và báo cho Tổ chức, chính quyền biết để tạm ngưng chức vụ bên phía chính quyền trong quá trình điều tra để có kết luận đúng sai, tránh những vụ như Dương Chí Dũng và một số trường hợp khác đã xảy ra! Nhiều vụ đã “ngâm lâu cho trầu khô úa”, "để lâu cứt trâu hóa bùn", rồi dẹp qua luôn, cuối cùng để cho vụ việc cho dù tày đình đến mấy cũng được đặc ân “chìm xuồng”, ù xọe hòa cả làng. 
Về vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Vũ Quốc Hùng, cho rằng đây là sự thay đổi sáng suốt và tích cực. Nhưng có người lại cho rằng việc chống tham nhũng hiện nay đầy gay go, phức tạp, chưa hẳn Ban chỉ đạo Phòng-chống tham nhũng do ai nắm mà có thể tin vào hiệu quả được. Đảng đứng ra kiên quyết vào cuộc lãnh đạo chống tham nhũng mà như Hội nghị Trung ương 6 mới rồi thì cũng coi như "hòa cả làng", chỉ là "cảnh báo, cảnh tỉnh, giáo dục, răn đe" là chính; vẫn là dĩ hòa vi quý: "trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ".... Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thảo luận Luật Phòng-chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, cho rằng cần phải có Ban Chỉ đạo PCTN, nhưng dứt khoát không phải do cơ quan hành pháp thực hiện. Nhưng đề nghị này khi đó đã không được chấp thuận. Việc chuyển đổi mô hình từ trực thuộc Chính phủ sang thuộc Bộ Chính trị là coi như cuộc thay đổi "mã đáo", như chạy một vòng quanh sân vận động, nay lại trở về chỗ cũ.
Sang đầu năm 2013, câu hỏi: “Bao giờ Ban nội chính Trung ương tái lập, ai sẽ giữ chức Trưởng ban?” đã rõ. Ông Nguyễn Bá Thanh đã được giao nhiệm vụ chính thức làm Trưởng ban Nội chính Trung ương năm thứ 41, sau khi gián đoạn 5 năm. Ông Nguyễn Bá Thanh (59 tuổi), quê huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, từng là Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), Chủ tịch UBND Đà Nẵng và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ông hiện là Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói với cử tri Hà Nội sau kỳ họp Quốc hội vừa qua rằng lý do phải tái lập lại Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương, cho dù vừa được giải tán, là vì "Đã sinh ra quyền lực thì phải có cơ quan giám sát quyền lực ấy"..
Thời gian gần đây, ông Nguyễn Bá Thanh là nhân vật được truyền thông chú ý nhiều sau những thông điệp khá thẳng và mạnh liên quan tới tình hình kinh tế xã hội của đất nước. Dư luận trong nước cho rằng so với nhiều chính khách "không nói cũng không làm", "nói mà không làm", hoặc "nói X, nhưng làm Y", thì ông Nguyễn Bá Thanh là một lãnh đạo biết tạo ấn tượng cả qua lời nói và việc làm. 
Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Bá Thanh 'xoay trở', chí quyết, vũng lòng để hoàn thành được “đại trọng trách” này quả là không dễ. Đã ở ương vị mới giữa thời điểm "nước sôi lửa bỏng" của mặt trận chống tham nhũng và chỉnh đốn Đảng, mong sao ông Thanh sẽ làm được như ông đã nói: "Vấn đề là phải có người chịu trách nhiệm cá nhân chứ không thể cuối cùng rồi hoà cả làng...  Miễn sao biết đội xã tắc lên đầu, một lòng vì dân. Làm thì phải có lửa! Ai mệt quá thì giơ tay xin nghỉ!". Không biết sắp tới 'xã tắc và vì dân' được ông đội trên đầu như thế nào? Và cái 'lửa' của ông tại Ban Nội chính Trung ương 'mã đáo' lần này có độ nóng và tỏa sáng đến đâu? Từ đây, cả nước đang xem-nghe-nhìn-bình phẩm... ông Thanh thể hiện quan điểm, tư tưởng, bản lĩnh, tâm và tầm, trách nhiệm trước dân trước Đảng đến đâu? 
Trước sự kiện ông khỏa sóng sông Hàn, rời sân Chi Lăng ra sân Mỹ Đình, trang blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập chiều 3-12 đã có sự chia sẻ, ‘cạnh khóe’ và nhắc khéo rằng: “Cố lên ông Thanh! Làm vài quả thủng lưới bọn tham nhũng nhé. Nhưng hãy cẩn thận và tỉnh táo, đừng mắc bẫy việt vị của chúng nó. Sân Mỹ Đình không dễ chơi như sân Chi Lăng, ông rất khó có cơ hội một mình một bóng. Nhất là trọng tài cũng phải cảnh giác. Trọng tài sân Mỹ Đình nếu không gian cũng lú thì rất khó chơi đấy ông Thanh!”. 
   Nhìn xưa lựa nay thì thấy cái thực quyền trong xã hội không thuộc người có tâm có tài, mà thực quyền nhất vẫn là túi hầu bao cá nhân, là thủ đoạn ngang ngược, liều lĩnh  đầy tội ác và sự cố kết phe nhóm bất tuân pháp luật, coi người như rác. Suy cho cùng, tình thế hiện nay cái ghế Trưởng ban Nội chính cũng chẳng thực quyền và chẳng có vai trò gì nếu mọi sự chung quanh vẫn vậy. Với chủ kiến, tính khí và phong cách Nguyễn Bá Thanh làm cái việc nội chính lúc này quả là trần thân cơ lược, nhất là trừng mắt trước “cả bầy sâu chúa sâu chùm lâu năm đã  đã thành tinh hóa quái”.
   Đối trận trước cả “rừng họng súng phản pháo” của "một bộ phận không nhỏ” quả là không đơn giản chút nào. Ban Nội chính “mã đáo”, nhưng thành công được bao nhiêu, phát huy vai trò, nhiệm vụ, quyền hành và hiệu quả thế nào có lẽ ai cũng phải chờ.  Chờ đợi những kết quả tốt đẹp, có hứa hẹn tin cậy, được nhân dân đồng thuận. Tức là: "Hãy đợi đấy! Hồi sau sẽ rõ”!
BVB