Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Trường ca Nguyễn Anh Nông và tâm thế thời cuộc

Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải
Thứ năm ngày 3 tháng 1 năm 2013 8:00 PM


Ngày thơ Việt Nam lần thứ X tại sân “thơ trăm miền” ở Văn miếu Quốc Tử giám, khi tôi đang ngồi một mình, ngẫm nghĩ về câu thơ “tôi dựa vào tôi lặng lẽ bước qua đường” của Hữu Thỉnh thì Hải Thanh đến, “kéo” đi gặp Nguyễn Anh Nông cũng đang ngồi gần đó.
Gặp lại người bạn sau bảy, tám năm xa cách, vì “tật bệnh” và nhiều lí do khác nữa, thấy anh khỏe, tôi thực sự mừng cho bạn. Mừng hơn, khi được Nguyễn Anh Nông cho biết, anh vừa viết xong hai trường ca Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn” và “Lập Thành”, tặng gia đình nhà thơ Đỗ Trọng Khơi. Vậy là sau  bảy tập thơ tập thơ và hai trường ca (trường ca Trường Sơn và trường ca Gửi Bill Gates và trời xanh), Nguyễn Anh Nông lại tiếp tục mang đến cho bạn đọc những cảm giác mới lạ ở một thể loại mà nếu không “trường hơi”, không đầy ắp vốn sống và sự trải nghiệm, cũng như tài năng, thì không dễ gì có thể “đụng” tới này.
Đã có rất nhiều bài giới thiệu của các nhà phê bình, các cây bút quen thuộc trên thi đàn Việt Nam viết về trường ca “Trường Sơn”, và trường ca “Gửi Bill Gates và trời xanh”. Nhưng dường như vẫn còn “thiếu” một cái gì đó, mà theo tôi, có thể là “hồn cốt” của hai trường ca này, chưa được đề cập tới một cách thấu đáo. Việc ấy, cần ở sự tiếp tục khám phá của các nhà nghiên cứu, của giới phê bình văn học. Với cảm nhận của một người làm thơ, tôi cho rằng ở trường ca Trường Sơn, việc gọi ra những con người, những sự kiện, những đớn đau mất mát chỉ là một cái cớ để Nguyễn Anh Nông gửi gắm một thông điệp “hãy đừng quên quá khứ” và Trường Sơn chính là một bức “phù điêu” của lòng yêu nước mãi là lời cảnh tỉnh về sự khốc liệt của cuộc chiến, dù thắng hay thua thì cũng phải chịu chung sự phán xét của thời gian và lịch sử. Bức phù điêu ấy được Nguyễn Anh Nông viết bằng nước mắt, viết trong nước mắt. Câu chữ không bạo liệt, nhưng không kém phần khốc liệt về chiến tranh. Chúng ta thắng Mĩ trong rất nhiều lí do, có một lí do mang tính quyết định là đế quốc Mĩ không hiểu hết về con người, lịch sử và văn hóa của chúng ta – của dân tộc Việt Nam. Điều này được Nguyễn Anh Nông gửi gắm ở vỉa sâu sau từng câu chữ, mà nếu không đọc chậm, đọc kĩ, chúng ta không dễ gì cảm nhận được. Cuộc chiến đã lùi xa, nhìn về cuộc chiến ấy, trước Nguyễn Anh Nông đã có rất nhiều trường ca, trong đó có những trường ca từng một thời gây “sửng sốt” cho bạn đọc như: “Những người đi tới biển”, hay “Đường tới thành phố”,… nhưng dường như thi liệu và thi hứng của những trường ca thời ấy còn nghiêng bút chủ âm về phía “tụng ca” (như một nhận định của nhà phê bình  Chu Văn Sơn). Đến lượt mình, Nguyễn Anh Nông với bản chất của một người lính, một nhà thơ trưởng thành sau năm 1975, đã có một cái nhìn đau đáu hơn về bản chất của cuộc chiến, nhất là ở những câu, những đoạn viết về người lính đào ngũ, ở từng chân dung con người nơi tiền tuyến cũng như hậu phương. Anh không đào bới vào mất mát để xoáy thêm đau thương mà chỉ mượn sự khốc liệt ở Trường Sơn để cắt nghĩa về sự hi sinh, để rút ra những bài học về cuộc chiến. Và như thế trường ca Trường Sơn phải được xem như là một bức tranh bi tráng về chiến tranh, mang nhiều gợi mở, cảnh tỉnh và thức tỉnh.
Còn ở trường ca Gửi Bill Gates nhiều nhận định cho rằng: đây là bức thông điệp về bình đẳng, về ý nghĩa to lớn của văn hóa và những giá trị tinh thần. Cuộc đối thoại giữa một nhà thơ và một nhà tỉ phú sẽ chẳng đi đến đâu, chẳng cắt nghĩa được điều gì nếu như sa đà vào những điều vụn vặt. May sao, Nguyễn Anh Nông trong rất nhiều lời thoại tưởng như chẳng có gì ăn nhập với nhau đã thể hiện rất rõ tâm thế của một nhà thơ, tâm thế của một dân tộc, của một nền văn hóa. Khi Việt Nam đang muốn làm bạn với cả thế giới thì chỉ bằng vào việc đối thoại “tớ - cậu” này, Nguyễn Anh Nông cũng đã thành công trong việc thông qua một nhân vật tỉ phú, để nói với cả thế giới rằng: chưa hẳn vật chất đã quyết định được ý thức, một khi ý thức ấy đã trở thành vật chất (hồn cốt) của một dân tộc. Và như thế có thể xem như Nguyễn Anh Nông trong tư cách một nhà thơ đã đường hoàng một tư thế khi thông thương mở cửa với bên ngoài là đại diện của dân tộc, của văn hóa, anh đã góp phần thức tỉnh cho những sự tự ti và khẳng định rõ hơn một chân lí như cha ông từng khẳng định: “sông núi nước Nam vua Nam ở” (tuy không rõ nhưng tôi hình dung thấy điều đó và đã gặp điều đó).
Sẽ là không hiểu gì nếu coi cuộc đối thoại giữa Nguyễn Anh Nông và Bill Gates chỉ là cuộc độc thoại của một nhà thơ (đại diện cho một nền văn hóa) với một nhà tỉ phú (đại diện cho một nền văn hóa khác). Để tôn vinh thơ, tôn vinh những giá trị tinh thần, có nhiều cách và cả thế giới này ai chẳng hiểu, chẳng biết: “thơ ca chính là biểu đồ sức khỏe của một dân tộc”. Lạc vào mê cung đó là đi lại con đường đã đi, nói lại những điều người ta đã nói. Do đó mà Nguyễn Anh Nông chỉ đưa thơ ra như một cái cớ để nói với thế giới vật chất về một điều khác, điều ấy là lối sống, đạo đức, là lịch sử, văn hóa và cao hơn cả là một tâm thế, tư thế khi bước vào hội nhập.
Với hai trường ca Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn và Lập Thành, vì mới xuất hiện, chưa có đủ độ lùi về thời gian để phẩm bình về những đóng góp mới của Nguyễn Anh Nông trong thể loại này. Nhưng trước hết ghi nhận ở Nguyễn Anh Nông một tấm lòng với bạn bè, với thơ, với thế hệ ngày mai của non sông đất nước. Tôi cũng là một độc giả rất yêu quý Đỗ Trọng Khơi, trân trọng những câu thơ anh viết, nhưng trân trọng hơn trước nghị lực vượt khó của anh. Tuy chưa gặp Đỗ Trọng Khơi lần nào, nhưng xem vào những bài thơ, những lời đề tựa của anh cho hai trường ca “Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn” và “Lập Thành”, biết anh là người chu đáo và rất cẩn trọng. Và như thế tôi càng tin hơn tình bạn giữa Nguyễn Anh Nông và Đỗ Trọng Khơi cũng chẳng kém gì tình bạn giữa Huy Cận và Xuân Diệu (dù mỗi thời mỗi khác).
Nếu không đọc hai trường ca này không thể biết Lập Sơn và Lập Thành  là hai cậu con trai thông minh, tuấn tú, đầy hi vọng của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi. Thật mừng cho Đỗ Trọng Khơi, cũng mừng cho cả Nguyễn Anh Nông, vì là chỗ thân tình của nhau mà có được hai trường ca rất đáng công nhận và ghi nhận này.
Ngẫm về tình bạn sâu nặng của các anh, lòng không khỏi trạnh buồn khi nghĩ đến mình.Đến nay và suốt đời tôi hẳn khôngcó được một tình bạn nào đẹp như tình bạn của các anh.Khi bắt gặp được một tình bạn chân thành và cảm động giữa Nguyễn Anh Nông và Đỗ Trọng Khơi, tôi không khỏi xúc động, chỉ tình bạn ấy đã đủ dựng nên tư cách một nhà văn. Và như vậy hai trường ca “ Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn” và “Lập Thành”của Nguyễn Anh Nông viết về, viết cho gia đình nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, đâu chỉ là viết cho vợ chồng và hai cậu con trai của Đỗ Trọng Khơi mà là viết cho tất cả chúng ta, viết để nhắn gửi về tình đời, tình người, viết cho các nhà văn biết trân trọng và quý mến nhau hơn, thương nhau hơn, chăm chút đến nhau hơn ngoài câu chuyện văn chương chữ nghĩa.
Đến với trẻ thơ là đến với bình minh. Đến với thế giới ấy để mà trong trẻo lại mình, để mà hiểu thêm ý này, biết thêm ý khác, cũng là cái cách để Nguyễn Anh Nông làm lạ đi, làm mới lại mình.
Tôi rất tâm đắc với Đỗ Trọng Khơi khi anh nhận định: “Giá trị nghệ thuật thơ - trường ca của tập “Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn và Lập Thành”, hẳn phải còn chờ sự thẩm định của thời gian, bạn đọc, của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học mới có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá đầy đủ, sâu sắc. Trong quan niệm của tôi, nghệ thuật thơ có ba ngưỡng cần đạt tới, là: mới, lạ, hay, cũng gần quan niệm về tính – khí – thần – cái ngôi Tam Bảo của cõi sống thơ ca. Để đạt được ba yếu tố nghệ thuật trên là vô cùng khó khăn. Ấy là con đường của các bậc đại gia, con đường của loài gió chuyển mùa, vô hình tướng mà đi tới đâu để lại khí sắc mùa màng riêng biệt tới đó. Thơ Nguyễn Anh Nông qua trường ca “Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn và Lập Thành” khá mới, có yếu tố lạ và có những câu, trường đoạn hay”.
Như vậy, thêm một lần nữa khẳng định Nguyễn Anh Nông đã làm một cuộc bứt phá ngoạn mục mấy mươi năm trước còn là tác giả chưa được chú ý lắm thì nay với bảy tập thơ và bốn trường ca ra đời, anh đã thực sự là một tên tuổi “đáng gờm” trong lực lượng vũ trang cũng như trên thi đàn cả nước. Riêng với những đóng góp ở thể loại trường ca, anh xứng danh được tôn vinh là người “khởi xướng” của việc đi tìm cái đẹp trong quá khứ và những vẻ đẹp thuộc về phía ngày mai. Thơ, trường ca của anh đã và đang nghiêng bút và can dự sâu hơn vào tâm thế thời cuộc./.
     Việt Trì, tháng 3/2012
                                     N.H.H
(*)Bài đăng báo Giáo dục & Thời đại số đặc biệt cuối tháng 12 năm 2012