Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhìn cát thấy người

Phạm Xuân Nguyên
Thứ bẩy ngày 5 tháng 1 năm 2013 7:48 AM

(Thay lời tựa)

Cát trọc đầu của Nguyễn Quang Vinh là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc chiến đã qua. Trần trụi, nóng bỏng, khủng khiếp. Không chỉ là thực tế của bom rơi đạn nổ chết chóc đau thương. Mà là những số phận người, sự tráo trở của anh hùng và hèn nhát, nhân văn và độc ác, sự khuất lấp và đánh tráo những giá trị thực và giả. Đọc theo từng con chữ của tác giả là nóng như cát nóng, bỏng như cát bỏng, rát như cát rát, cứ từng trang từng trang quất liên hồi vào mặt người đọc thực tế của chiến trường, thực tại của cuộc chiến. Cách viết của tác giả là kể, kể tuần tự, kể cụ thể, phơi bày trần trụi việc và người, tung ra dồn dập các sự kiện, chi tiết, có những chi tiết khủng khiếp, từ đó phơi bày những nhân vật con người trong cuộc sống chết với bom đạn. 
Nhưng Cát trọc đầu nghĩa là sao? Tác giả, nhà văn Nguyễn Quang Vinh, cho biết:
- Mới đầu,trong bản thảo thứ nhất, tôi đặt tên là Vú Cát,với ý định triển khai một không gian tiểu thuyết rộng lớn, tập trung vào giai đoạn chiến tranh chống mỹ trên đất Quảng Bình khới lửa. Sau đó,tôi thu hẹp lại, thay đổi tên sách thành Cát trọc đầu, tập trung mô tả trong không gian tiểu thuyết giữa hậu phương và mặt trân đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh để có điều kiện khắc họa kỹ hơn các số phận nhân vật. Với quyết tâm cần phải dựng lại không khí, số phận chiến tranh một cách trung thực nhất có thể, Cát trọc đầu không ngại ngần đi sâu vào những nhân vật "tiêu cực", có tư chất khốn nạn, cơ hội trong chiến tranh, mà thời đó cho đến sau hậu chiến, loại nhân vật này ít được nhắc tới, hoặc miêu tả một cách hời hợt, chiếu lệ. Cát trọc đầu như là một hình dung cụ thể về địa hình của các mỏm cát làng quê Quảng Bình, nó như những cái đầu trọc thời trẻ con chúng tôi, về ý nghĩa nào đó, tôi muốn qua sự hình dung này, để gửi một thông điệp rằng, đây là cuốn tiêu thuyết viết thẳng, cọ xát, trung thành và phô diễn hết mọi thứ tôi biết, tôi cảm về chiến tranh,không vòng vo, không giấu giếm, nó trọc như thế, trần trụi như thế, để từ đó, người đọc nhận diện rõ ràng cả về vẻ đẹp và những xấu xa của những con người trong cuộc chiến.
Thực tế trong tiểu thuyết là chiến tranh, nhưng kẻ thù giấu mặt ở trên cao, còn trên mặt đất là những con người chống chọi với sắt thép dội xuống, gian khổ hy sinh đã đành, nhưng họ còn phải chống chọi với sự thoái hóa nhân cách của những kẻ lợi dụng chiến tranh để trục lợi cho mình. Nhân vật Nguyễn Hữu Bá được tác giả mô tả trong suốt quá trình lợi dụng chiến tranh như vậy. Cuốn tiểu thuyết kết thúc khi Bá, sau bao mưu mô ở chiến trường tìm cách bảo mạng và chiếm đoạt công sức xương máu của đồng đội thanh niên xung phong, đã trở về hậu phương trong ánh hào quang giả tạo, vay mượn của người từ mặt trận về. Hậu phương không biết sự thật của ánh hào quang ấy. Người có thể xé toang ánh hào quang ấy thì đang ngần ngại. Và người đọc lo lắng, băn khoăn, hoảng sợ nữa, khi nghĩ tiếp quá trình tiến thân của nhân vật này.
- Cát trọc đầu khép lại trang cuối nhưng mở ra một nội dung khác mà tác giả vẫn đang tiếp tục, theo đuổi số phận các nhân vật của mình sau hòa bình, và chắc chắn, với sức viết luôn đưa ra những con chữ nóng bức sự thật, với khả năng thu hút đọc giả, Cát trọc đầu phần tiếp theo sẽ mang đến cho độc giả một bối cảnh mời, hòa bình nhưng khốc liệt của cuộc sống hôm nay, để cuối cùng, cuộc chiến đấu với cái ác vẫn tiếp tục...
Phải, một cuộc chiến sau cuộc chiến, để thanh lọc những kẻ ăn bám chiến tranh, để phơi bày sự thật cay đắng, khủng khiếp của chiến thắng được đổi bằng máu xương của bao nhiêu triệu con người thầm lặng, họ ra trận khi đất nước lâm nguy như việc bình thường trên đồng ruộng nương rẫy, không đao to búa lớn đại ngôn về những điều trọng đại lớn lao, không màng hào quang chói lọi, họ chỉ muốn được về với mẹ, và khi mẹ không còn thì những gian khổ phải chịu đựng ở chỗ cái chết luôn thường trực bủa vây đối với họ là vô nghĩa. Cát đã thành biểu trưng của họ. Cát im lìm nhưng sục sôi. Cát phẳng lặng nhưng nóng bỏng. Quảng Bình, quê hương của tác giả, dải đất thắt eo hẹp nhất trên thân hình chữ S Việt Nam, lại là vùng cát, xứ cát, nơi thử thách con người tột cùng, cũng là nơi cho con người bộc lộ hết mình. Cũng như người anh của mình, nhà văn Nguyễn Quang Lập, cát Quảng Bình không chỉ là cát hiểu theo nghĩa địa hình nơi quê hương của nhà văn, cát thành văn hóa sốn, văn hóa đời, văn hóa cảm, văn hóa văn chương.Miền cát trắng Quảng Bình có hai anh em ruột, viết rất nhiều về cát,trưởng thành từ những trang viết về cát, nổi tiếng khi viết về cát, và chung thủy suốt đời cầm bút bằng những trang văn viết về thân phận con người trên cát trắng.
Một địa hình khắc nghiệt, một thực tại khắc nghiệt, nhưng là một miền quê cho văn chương, khi cứ đào sâu vào cát, tôn cao cùng cát, sẽ thấy được những mạch ngầm cuộc sống. Dưới cát bỏng là nước mát, dưới những trang văn quyết liệt, dữ dội của Nguyễn Quang Vinh là lòng nhân ái, là sự bao dung, là tình cảm thương yêu vô bờ bến giữa người với người, và đây chính là nguồn cội, là rường cột, là chí hướng để con người vươn tới, đạp qua mặt cái ác, trưởng thành, tự tin, vóc dáng, tạo nên những chân dung nhân vật hết sức dung dị mà cao cả, hết sức gần gũi mà như biểu tượng trong tiểu thuyết Cát trọc đầu. Có một điểm của Nguyễn Quang Vinh ở cuốn tiểu thuyết này, mà có lẽ không chỉ ở cuốn này, là giọng văn có tính hài hước, tính dân gian ở những đoạn khắc họa tính cách nhân vật, nó khiến người đọc có lúc bật cười, để rồi khi đã cười thì ngậm ngùi và chua chát. Tôi nghĩ, sự hài hước như vậy là một thế mạnh của tác giả, một nét riêng, nó có tác dụng tăng cảm nhận cuộc sống ở những chiều kích khác, và như vậy Cát trọc đầu càng đọc càng bức bối, muốn hét to lên sao thực tế lại thế, đâu là sự thật và lẽ công bằng cho những người chịu đựng lịch sử, bị thiệt thòi bởi lịch sử, nỗi bức bối đó được giải tỏa bằng những tiếng cười đôi khi giữa cảnh ác liệt chiến trường, và rồi người đọc sẽ ngấm hơn tính bi kịch của chủ đề tác giả đặt ra trong tác phẩm của mình.
Có lẽ, từ bây giờ, đọc xong cuốn truyện này của Nguyễn Quang Vinh, tôi sẽ nhìn cát như những đứa trẻ trọc đầu lầm lụi chiếu vào những ai đi trên cát, đi vào cát, một cái nhìn nhức mắt nhức tâm can.

12. 2012