Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cảm nhận khi dọc bài thơ "Ngày giỗ mẹ" của Minh Phúc

Vũ Ngọc Tiến
Thứ sáu ngày 28 tháng 12 năm 2012 5:54 AM

Lạ thay cái duyên kỳ ngộ!... Tôi vừa làm xong bộ phim DVD 30 phút về đời người- đời văn của nhạc mẫu vào dịp mừng sinh nhật cụ lần thứ 93 thì có hai thi nhân ghé chơi: Nhà thơ Minh Phúc đi cùng Gia Dũng đến thăm và tặng tôi tập thơ “Nắng giữa muộn mằn” do NXB Văn Học ấn hành (5/2010). Tôi đọc một mạch 46 bài trong tập thơ của Minh Phúc lâng lâng cảm xúc trước tứ thơ dung dị, lời thơ mộc mạc chân quê, nhưng có sức nặng bởi cái tình người thơ gửi vào trong đó thật đằm thắm, da diết một nỗi niềm ưu thời mẫn thế, dù là thơ thế sự hay thơ cảm hoài…
Trong tập thơ có những bài khá ấn tượng như “Ao làng”, “Tình quê”, “Mây trắng”, “Thương trường”, “Tìm đâu bùa lá”, “Nghĩ về Ức Trai”…, song tôi cứ nhẩn nha đọc kỹ bài “Ngày giỗ mẹ”, bồi hồi xúc động.  Bài thơ mở tứ rất dung dị bằng hình tượng nồi xôi gấc thảo thơm lòng mẹ năm xưa đồ xôi giỗ người chồng liệt sĩ chống Pháp và hôm nay đứa con lại đồ xôi ngày giỗ đầu của mẹ: 
Giỗ cha, mẹ đồ xôi gấc
Con reo trước ngõ sau nhà
Ngày ấy biết đâu lòng mẹ
Buồn như mưa gió chan hòa…

Hôm nay con đồ xôi gấc
Dẻo thơm theo cách mẹ làm
Bùi ngùi đặt mâm cỗ cúng
Thế là vắng mẹ tròn năm!
Thơ hay ở tứ, lời nặng ở tình chứ đâu nhất thiết phải là hình tượng to tát, câu chữ cầu kỳ, bóng bẩy. Huống chi đây là thơ viết về người mẹ nghèo Việt Nam trọn đời ở góa, một dạ thờ chồng nuôi con qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt. Từng hạt nếp cái hoa vàng của đồng đất La Giang nhuộm thắm màu trái gấc cứ ngào ngạt tỏa hương, dẫn ta vào cõi lặng, ngẫm suy về đất nước và những phận người:
Chắc ở nơi cha đón mẹ
Giặc còn đen bóng sông xa
Cha chết vì quân xâm lược
Lòng thêm yêu nước thương nhà

Con dại, mẹ dàu bóng chiếc
Loạn ly, đồng đất, nắng mưa
Con lớn lại đi đánh Mỹ
Mẹ như lận đận đến giờ!
Bài thơ kết thúc bằng những câu hỏi làm ta bỗng dưng chơi vơi, hụt hẫng như vừa mất đi những gì quý giá nhất, thương tiếc mà không bi lụy, nuôi lớn trong ta khát vọng dâng hiến để làm tròn đạo hiếu với cha mẹ tổ tiên, với non sông đất nước này:
Sực tỉnh…
                 Đài vương hương khói
Đĩa xôi, mâm cúng còn nguyên
Cực lạc là đâu hở mẹ?
Trời xanh con chợt nhìn lên…
Mây trắng bay vào thinh lặng
Con bơ vơ giữa lối mòn
Mẹ ơi, ở đâu bóng mẹ?
Sóng sông ngọn gió cuối đông…
Tạng thơ Minh Phúc có lẽ chỉ hợp với thể thơ lục bát hoặc thơ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ vì nó mang đậm chất tự sự. Tứ thơ không mới, hình tượng dung dị, lời thơ thô mộc mà vẫn ám ảnh người đọc thì theo tôi là điểm mạnh chứ đâu phải là điểm yếu của anh- một hồn thơ dân giã, chân quê. Thơ anh cái tình nằm sẵn trong cái tứ, cái tình làm nên nhạc điệu, cái tình bật lóe minh triết để làm người tử tế ở đời.

Cám ơn cái nhân duyên đưa hai anh Minh Phúc, Gia Dũng đã ghé thăm tôi vào một chiều đông lạnh giá! Đọc bài “Ngày giỗ mẹ” của Minh Phúc khiến tận thẳm sâu trong tôi lại nôn nao hiện lên khúc dạo đầu bộ phim DVD tôi vừa hoàn thành với giọng đọc lời bình ấm ngọt của NSUT Kim Tiến:  “Ai trong đời cũng có một người mẹ để khi gần ta tôn kính, đêm ngày phụng dưỡng và khi xa ta khắc khoải nhớ nhung. Đạo Nho viết chữ Hải gồm chữ Mẫu đứng bên cạnh bộ Thủy là bởi lòng mẹ bao la như biển cả. Đạo Phật có lễ Vu Lan báo hiếu mẹ- người đã cho ta hình hài, chăm bẵm ta lớn khôn, dìu dắt ta những bước đi đầu đời, sẵn sàng hy sinh tất cả cho ta được hạnh phúc. Kinh Lăng Nghiêm có đoạn: Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ thương nhớ con. Ca từ Trịnh Công Sơn có câu bất hủ: Tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ. Tạ ơn chim chiều hát cho cha…” Vâng, tôi dùng lời bình mở phim này kết thúc đôi điều cảm nhận về bài thơ ấy, bởi mỗi bài thơ, điệu nhạc, thước phim về mẹ của mỗi chúng ta đều nói lên chân lý giản đơn rằng, mẹ là mẹ chung của tất thảy, là biểu trưng cao đẹp nhất của tâm hồn, phẩm giá, nhân cách Việt Nam…

Hà Nội 25/12/2012
VNT