Báo chí đang bàn nhiều về vấn đề giám sát quyền lực ; xin mạn phép góp một tiếng nói nhỏ.
Mọi quyền lực đều nhất thiết phải được kiểm soát, giám sát, kiềm chế một cách hữu hiệu — đây là một nguyên tắc tuyệt đối cần thiết mà bất cứ thể chế chính trị nào cũng phải tuân theo nếu không muốn quyền lực đó đi ngược lại lợi ích của nhân dân.
Tại sao phải làm như vậy ? Đó là do mọi dạng quyền lực đều có xu thế bản năng là bành trướng, lạm dụng quyền lực, lộng quyền, không muốn bị kiểm soát, giám sát. Hậu quả không tránh khỏi là gây thiệt hại cho quần chúng nhân dân, trước hết tước bỏ quyền làm chủ của họ, tức tước bỏ kết quả cuộc đấu tranh họ giành được bằng sự hy sinh vô cùng to lớn, lâu dài. Mọi thể chế bỏ qua hoặc coi nhẹ giám sát quyền lực, hoặc giám sát một cách hình thức giả dối đều đem lại hậu quả tai hại tới mức không thể tưởng tượng nổi.
Hãy xem hai bài học lịch sử vô cùng bi thảm. Quyền lực của đảng Quốc gia Xã hội chủ nghĩa Đức (Quốc Xã) do Hitler đứng đầu do không bị giám sát đã trở thành chuyên quyền độc đoán tới mức biến thành chủ nghĩa phát xít, gây ra cuộc Thế chiến lần thứ hai tàn sát hơn sáu chục triệu người. Quyền lực của Mao Trạch Đông do không bị giám sát đã dẫn tới sai lầm phát động cao trào Đại Nhảy Vọt làm mấy chục triệu nông dân chết đói, sau đó « Cách mạng văn hóa » làm xã hội đại loạn, kinh tế, văn hóa sụp đổ, chưa bao giờ con người lại thể hiện những hành vi phi luân thường đạo lý không thể tưởng tượng được như con tố cha, vợ tố chồng, đồng bào đồng chí vô cớ đánh đập chém giết nhau, tới mức chính người Trung Quốc không bao giờ muốn nhắc lại thời kỳ đau thương ấy. Hai quyền lực tưởng chừng như hùng mạnh vô song nói trên đã bị chính nhân dân hai nước đó vứt vào sọt rác lịch sử.
Các bậc khai quốc công thần của nước Mỹ đã sớm thấy trước hậu quả khủng khiếp của quyền lực không bị giám sát, kiềm chế, vì thế năm 1787 khi dự thảo bản Hiến pháp đầu tiên và duy nhất của nước Mỹ, họ kiên quyết đòi thiết lập một cơ chế phân quyền kèm theo cơ chế kiểm soát, giám sát và kiềm chế quyền lực nhà nước. Nhờ đó họ đã xây dựng nên chế độ nhà nước cộng hòa dân chủ hoàn hảo chưa từng có, khởi đầu một xu hướng tiến bộ phổ biến của xã hội loài người. Vì vậy Các Mác khen ngợi «Những nước như Bắc Mỹ là những nước bắt đầu ngay bằng một thời đại lịch sử đã phát triển thì sự phát triển diễn ra rất nhanh …Thí dụ hoàn hảo nhất về nhà nước hiện đại là nước Mỹ. » [1]. Thực tế cho thấy đúng như Mác nói, nước Mỹ phát triển rất nhanh, từ đầu thế kỷ XX trở thành quốc gia mạnh nhất thế giới và giữ địa vị ấy cho tới nay. Nhưng giả thử không có cơ chế phân quyền và kiểm soát quyền lực hợp lý như Hiến pháp 1787 quy định, có lẽ rất có thể từ lâu siêu cường Mỹ đã trở thành siêu cường phát xít, như vậy thì thảm họa nhân loại phải hứng chịu sẽ lớn tới đâu ?
Nói giám sát quyền lực tức là nói thực hiện dân làm chủ. Mọi ý định hạn chế dân chủ, về lâu dài đều chỉ là sự tự hủy hoại thành quả cách mạng, tuy trước mắt đem lại lợi ích cho kẻ nắm quyền lực, thí dụ vơ vét đầy túi tham cho mình và cho gia đình, người thân.
Lịch sử cho thấy, không ít nhân vật anh hùng từng dũng cảm làm cách mạng giành độc lập tự do dân chủ cho dân tộc sau khi trở thành người lãnh đạo một thời gian lại lạm dụng quyền lực, tự suy thoái biến chất, cuối cùng bị nhân dân lật đổ.
Vì sao có sự lạ đời như vậy ? Đó là do quyền lực làm hư hỏng con người, thậm chí hư hỏng cả một đảng cách mạng dù vĩ đại đến đâu. Tổng kết lịch sử các loại quyền lực trong xã hội loài người, sử gia và nhà tư tưởng chính trị Lord Acton (1834-1902), một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất nước Anh thế kỷ XIX rút ra một kết luận bất hủ: Quyền lực thì có xu hướng suy đồi và quyền lực tuyệt đối thì suy đồi tuyệt đối [2].
Suy đồi tức là biến chất, suy thoái, đồi bại mà biểu hiện đồi bại phổ biến nhất là tham nhũng. Thời nay là thời của chính quyền dân chủ nhưng phần lớn các chính quyền đều có tham nhũng.
Trong bất cứ xã hội nào có giai cấp, quyền lực đều nằm trong tay giai cấp thống trị, cụ thể là bộ máy nhà nước, tức chính quyền. Thông thường giữa nhà nước cai trị với kẻ bị trị là nhân dân bao giờ cũng tồn tại những mâu thuẫn nhất định làm nên mầm mống bất ổn xã hội. Tất cả các cuộc nổi dậy, cách mạng đều là do tầng lớp bị trị muốn lật đổ chính quyền giai cấp thống trị.
Đó là lý do vì sao Thomas Jefferson (1743-1826), nhân vật chính dự thảo Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ nói : Nhân dân có hai kẻ địch là tội ác và chính quyền.[3]
Nhưng Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln lại nói : Một chính quyền của dân, do dân, vì dân thì sẽ mãi mãi tồn tại cùng trái đất [4]. Nghĩa là chính quyền dân chủ thì không phải là kẻ địch của nhân dân, bởi lẽ nó ít có hoặc không có mâu thuẫn với dân, nhờ thế chính quyền sẽ được ổn định bền vững ; ngược lại, chính quyền thiếu dân chủ thì sẽ có mâu thuẫn với dân và do đó sẽ không bền vững.
Đối nghịch với dân chủ là chuyên chế độc tài, tức quyền lực tập trung tuyệt đối. Thomas Jefferson nói : Khi nhân dân sợ chính quyền của họ thì nơi đó có sự chuyên chế; khi chính quyền sợ nhân dân thì nơi đó có tự do. [3]
Trong chế độ dân chủ, quyền lực không tập trung tuyệt đối vào một thực thể nào mà được giao cho toàn thể nhân dân. Điều 1 Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1946) viết : Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Điều 2 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2001 viết: Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Rõ ràng, nếu thực hiện đúng Hiến pháp thì chính quyền nhà nước sẽ không có mâu thuẫn với dân. Nhưng việc đó đòi hỏi quá trình lâu dài, có thể không bao giờ đạt được 100%.
Trên lý thuyết, toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân nhưng trên thực tế, nhân dân trao quyền đó cho nhà nước do mình bầu ra. Như đã nói, quyền lực bao giờ cũng có xu hướng lạm quyền, muốn áp đặt sự cai trị của mình, muốn chuyên chế, muốn làm quan chứ không muốn làm « đầy tớ dân ». Chính vì thế, nhân dân phải thực hiện quyền làm chủ của mình bằng cách tiến hành giám sát, kiểm soát, kiềm chế quyền lực nhà nước.
Đây không phải vấn đề gì mới. Từ lâu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm thấy sự cần thiết tối quan trọng này. Người nói : Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình chính phủ. Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ. [5]
Hiện nay chúng ta đang hô hào học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Thiển nghĩ trước hết nên thực hiện lời dạy nói trên của Bác chứ đừng nói tới những gì cao xa.
Hồ Anh Hải
[1] Tuyển tập Mác-Ăng-ghen tiếng Việt, tập I, tr. 364
[2] http://www.phrases.org.uk/meanings/absolute-power-corrupts-absolutely.html (Power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely. Great men are almost always bad men.)
[3] http://jpetrie.myweb.uga.edu/TJ.html (The two enemies of the people are criminals and government) (When the people fear their government, there is tyranny; when the government fears the people, there is liberty).
[4] http://showcase.netins.net/web/creative/lincoln/speeches/gettysburg.htm (government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth. Diễn văn đọc tại nghĩa trang liệt sĩ Gettysburg 19/11/1863)
[5] http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-12-23-quyen-duoi-day-to-cua-dan