Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nghĩ gì qua một vụ án

Nguyễn Văn Thịnh
Thứ sáu ngày 14 tháng 12 năm 2012 5:14 AM


Các trang mạng Tin Tức, VN express, Tuổi trẻ online, Dân Trí đưa tin với tựa đề: “Cô ôsin giết ông chủ nhà dâm đãng”, “Ôsin đè chết ông chủ”…
  Chuyện như sau: Từ năm 2010, anh Phạm Văn T. (ở Từ Sơn, Bắc Ninh) mướn người giúp việc tên Vũ Thị Vân (sinh năm 1984, đã có hai con (3 và 6 tuổi) ở Phúc Lai, Hòa Phong, Mỹ Hào, Hưng Yên) với công việc hàng ngày là đưa đón hai con anh đi hoc, dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn. Cha anh là ông Phạm Văn S. sinh 1942 ở chung nhà. Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 25/7/2012, để hai con nhỏ ngủ trong phòng, vợ chồng anh T. đi ra khỏi nhà. Ôsin Vân sau khi dọn dẹp xong các phòng từ tầng một lên tầng hai, ba và đang thay drag trải giường ở tầng bốn thì ông Phạm Văn S. bất ngờ xuất hiện. Khóa trái cửa phòng lại, ông đòi Vân trả lại 2 triệu Đ. là tiền do con trai cho nhưng chưa có yêu cầu sử dụng nên ông gửi oshin giữ hộ(!). Cô Vân nói rằng đã đưa lại cho anh T. rồi. Ông S. không chịu và yêu cầu cho ông “quan hệ” để trừ nợ! Cô Vân nói: “Cháu coi ông như bố, cháu không đồng ý đâu”! Ông S. đòi bằng được. Hai người giằng co, ông S. đẩy ôsin ngã ngửa trên giường và nằm đè lên, sờ xoạng khắp người cô. Không chịu để bị bức hại, Vân quyết chống lại. Hai bên vật lộn. Cuối cùng cô gái 28 tuổi lật được ông già dê 70 tuổi sấp mặt xuống giường, ngồi đè lên, lấy tấm drap chùm bít lên đầu ông và giữ chặt. Ông già ngợp thở không chịu nổi. Thấy ông S. nằm bất động, Vân lật ngửa lại và nhận ra ông ta đã chết! Cô hoảng hốt vội vàng dọn dẹp, lau sạch mặt cho ông rồi chỉnh đốn tư trang, xuống nhà dưới lấy xe đạp tới đồn công an trình báo sự việc.
  Ngày 27/11, tòa án nhân dân huyện Từ Sơn đưa ra xét xử. Vũ Thị Vân bị kết án 3 năm tù vì tội “giết người trong tình trạng bị kích động mạnh”.
  Trước những hung tin tội ác cũng như các chuyện lố lăng xảy ra hàng ngày đầy rẫy trên các báo mạng, số đông người chỉ đọc lướt qua và nghĩ bản án này hợp lý bởi “giết” một mạng người mà chịu án 3 năm tù là đã có sự khoan dung.   Tất nhiên, nhận định một vụ trọng án mà chỉ dựa vào bản tin tổng hợp khoảng 20 dòng ngót 400 chữ thì thật là bất cập. Tuy nhiên nếu suy nghĩ sâu xa, vụ án này gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ về tính công bằng, nghiêm minh và nhân đạo của luật pháp.
  Trước hết trong việc đưa tin đã không có sự công bằng khi dấu tên ông Phạm Văn S. chính là người thủ ác trong khi lại đưa đầy đủ họ tên của người phụ nữ Vũ Thị Vân bị ông ta đẩy tới bước đường cùng phải ra đứng trước vành móng ngựa! Phải chăng vì ông S. là người có danh phận? 
Hỏi rằng trong vụ án này ai là người bị hại và ai thủ ác?
Ở đây, người bị hại chính là kẻ thủ ác! Và bị can chính là người bị hại! Việc ông S. đưa 2 triệu Đ. nhờ cô người ở giữ hộ không thể coi là chuyện bình thường. Thực sự đó là mưu mô được tính toán như một sự “nhử mồi” để cá cắn câu. Nếu đúng là cô Vân đã đưa lại số tiền đó cho anh T. rồi có nghĩa cô có ý thức cảnh giác, biết nghi ngờ hành vi khác thường của ông chủ già và báo động cho con trai ông biết. Ở tuổi anh T. không thể vô tâm để không có một lời khuyên với bố nhằm cảnh tỉnh ông. Khi ông S. đòi tiền đột xuất nghĩa là ông chủ ý dồn cô người ở vào thế bí vì chẳng lẽ lúc nào cô cũng giữ 2 triệu Đ. trong mình để khi ông chủ hỏi sẽ có để trả ngay! Dù sự việc đúng sai thế nào thì trong tình thế ấy, cô Vân phải kiếm cớ “hoãn binh” để giữ được nguyên mình. Ở tuổi “thất thập” nhiều người vẫn còn đòi hỏi nhu cầu sinh lý nhưng khi bị đối tượng “không cân xứng” khước từ với lời cầu xin hợp lý thì phải biết lảng đi đúng lúc là cách vuốt mặt để cứu lấy giá trị của mình. Nhưng phần “người” trong ông S. đã biến đi để cho phần “con” mặc nhiên chế ngự. Phải chăng đây là cơ hội để ông chủ già thực hiện hành vi đồi bại đã mưu toan kỹ… nên ông “cố đấm ăn xôi”! Trong sự quyết liệt giữ mình, cô ôsin đã thắng. Cái chết của ông S. nằm ngoài ý muốn của cô Vân. Nạn nhân trong tư thế ngồi trên lưng đối thủ hung hăng phải ráng đè đầu ông xuống và chiếc drag trải giường chỉ là vật hỗ trợ giúp người đàn bà khống chế không cho đối thủ vùng lên hãm hại mình. Một điều cần xem xét nữa là ở tuổi “cổ lai hy”, sau một hồi vật lộn mất sức tất nhiên sinh sự trục trặc về tim mạch. Đó là nguyên nhân tán trợ quan trọng cùng với sự ngợp thở đã đưa đến cái chết nhanh chóng ở một người già không biết lượng sức mình.
Cái chết của ông Phạm Văn S. hoàn toàn do lỗi của ông. Ông có ý thức dùng tiền và quyền để thỏa mãn dục vọng buộc cô người ở biết giữ phẩm giá phải vùng lên quyết liệt. Trong trường hợp này chẳng những ông S. tự tìm đến cái chết tai tiếng mà còn làm liên lụy tới thân phận một người đàn bà tội nghiệp!
Giả như ông S. không chết và hành vi dâm đãng của ông không thực hiện được thì chắc chắn là cô Vân nếu không mất việc thì cũng phải bỏ việc thôi! Cô Vân có thể tố cáo ông S. về mưu toan cưỡng bức nhưng có gì làm bằng chứng? Cùng lắm chỉ được coi như chuyện “quấy rối tình dục” có thể hòa giải được. Nhưng cả chủ già lẫn trẻ với ôsin còn mặt nào nhìn nhau nữa?
Hoặc giả nếu như cô Vân vì yếu sức hoặc vì sợ uy thế của ông chủ, đành chịu thua sự cưỡng bức ấy thì hệ quả có thể xảy ra là: 
- Hoặc vì quá uất ức và tủi nhục, cô Vân tự tìm đến cái chết, gia đình cô tan nát mà ông S. thì nhởn nhơ vô tội!
- Hoặc là cô Vân buộc phải ém nhẹm đi vì sự mưu sinh thì suốt đời cô mang mặc cảm tội lỗi thất tiết với chồng và mất phẩm giá của người mẹ với con!
- Hoặc là một dịp nào đó người chồng phát hiện ra chuyện này, tất nhiên là hạnh phúc gia đình cô sẽ không còn!
- Hoặc khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” rồi, cô ôsin sẽ biến thành kẻ bán dâm trước hết là cho ông S. và sau đó là những ai khác nữa? Phẩm hạnh của cô tất nhiên hoen ố mà không ai hiểu được căn nguyên khởi từ đâu?
Vậy là từ việc làm đồi bại của ông S. mà dù ông ta sống hay chết cũng gây tai họa không chỉ cho một người phụ nữ mà cả một gia đình đặc biệt là với hai đứa trẻ thơ!
Người đọc có đôi điều thắc mắc về nhân thân của cô Vũ Thị Vân:
- Một là trong hai năm đi ở cho vợ chồng anh T., cô Vân có biểu hiện gì xấu như gian dối? hoặc lẳng lơ mồi chài ông chủ?
- Hai là việc ông già S. gửi 2 triệu Đ. con trai cho nhờ cô Vân giữ hộ (!). Khi ông S. đòi, cô nói là đã đưa lại cho anh T. rồi, có đúng là sự thật?
Nếu hai câu hỏi trên được xác minh không có điều chi khuất tất, có nghĩa cô Vân là một người nghèo hoàn toàn lương thiện. Việc cô chủ động tìm tới cơ quan bảo vệ pháp luật tường trình sự việc xảy ra là một hành động đường đường chính chính của người biết giữ nhân cách và hiểu biết pháp luật chứ không thể coi như để “tự thú về hành vi tội phạm” như tin đưa ra công luận. Người ta có thể kết cô vào tội “tự vệ quá mức cần thiết” chứ không thể kết cô vào tội “giết người trong tình trạng bị kích động mạnh” bởi vì hành vi bảo vệ phẩm tiết của cô dù dưới áp lực nào cũng là đức hạnh truyền thống của người phụ nữ Việt Nam rất đáng trân trọng.
Giữ gìn phẩm giá cũng quan trọng như giữ gìn tính mạng. Hành động của ông S. không chỉ là việc bức ép  “quan hệ” đơn thuần mà trong thực tế nhiều khi gây nguy hại cho tính mạng người phụ nữ. Trong tình thế cấp bách, trước sự hung hăng của một tên tội phạm, người cảnh sát được quyền dùng hung khí để khống chế đối tượng. Chẳng may lỡ phạm vào chỗ hiểm thì không thể quy người cảnh sát vào tội giết người. Ông chủ ở tuổi 70 mà xô đẩy được người mẹ trẻ hai con nghèo khổ ngã ngửa trên giường và nằm đè lên khua khoắng thì không thể coi là người già sức yếu. Trong trạng thái búc xúc, tấm drag trải giường trước mắt cô Vân chỉ như vật hỗ trợ khống chế đối thủ đang lúc hung hăng và cô không kịp nghĩ nó như một hung khí để diệt trừ đối tượng.  
Cái chết của ông già S. không gây nên sự thương cảm cho ai mà bản án dành cho cô Vân chưa thật sự thuyết phục bởi tính công bằng, nghiêm minh và nhân đạo. Giá như gia đình ông S. thể hiện sự khoan dung bằng lời bãi nại cho cô Vân trước tòa hẳn nhiên sẽ xóa đi ấn tượng không hay mà người quá cố đã gây nên.
Tưởng như bản án đã là nhẹ nhưng xem ra có điều chưa được phân minh. Hành vi xấu xa của kẻ thủ ác dù là đã chết không bị lên án mà hành động tự vệ chính đáng của người bị hại lại mang án phạt với hậu quả rất nặng nề. Không chỉ một người phụ nữ vào tù mà kéo theo hai đứa trẻ đang tuổi ấu nhi lẽ ra không đáng lâm vào cảnh bơ vơ mất mẹ! Và khi cô Vân dù đã hết hạn tù thì bản thân cô vẫn bị mang điều tai tiếng là một người đã gây ra án mạng và các con cô suốt đời mang mặc cảm có người mẹ từng lãnh án tù giam về tội giết người mà không ai nghĩ tới điều chỉ vì người đàn bà đáng thương ấy biết giữ gìn phẩm giá.
Trong khi dư luận xã hội đang rất bức xúc trước những vụ việc có tính nhậy cảm hiện nay. Mong có sự “động lòng” của các đoàn thể quần chúng cũng như các vị luật sư, các nhà hoạt động xã hội hãy quan tâm tới một thân phận “con ve cái kiến” mà thỉnh cầu được đưa ra tòa phúc thẩm xem xét lại. Nếu như không thể tuyên bị can Vũ Thị Vân trắng án thì cũng cho cô được hưởng án treo.

     
TP. HCM ngày 10/12/2012