1977 tôi từ Văn nghệ giải phóng ra làm việc tại báo Văn nghệ, người đầu tiên đến thăm tôi là nhà văn Vũ Bão, vì anh em đã gặp nhau trên đường Trường Sơn trong chiến dịch đường chín Nam Lào, nên thăm nhau không có gì ngạc nhiên. Nhưng người thứ hai đến thăm tôi là nhà thơ Hoàng Cát, chúng tôi chưa hề quen nhau
- Nghe tin em ở chiến trường ra làm vịêc anh quý lắm! Những người thực sự là lính lại cầm bút như anh em mình có là mấy, nên càng phải biết quý nhau.
Anh nói xong đôi ba lời, anh em trong phòng thơ và văn rút cả xuống gác. Lúc đó tổ thơ và văn cùng chung một phòng làm việc. Tôi biết lúc này cái án văn chương về “ Cây táo ông Lành” còn nặng lắm, nên có thể một đôi người tránh đi chăng? Hoàng Cát nói chuyện dài dài là thường nước mắt anh hay chạy vòng quanh, chúng tôi ngồi nói chuyện về văn thơ, về thời chiến tranh ở Tây Ninh . Khi trở về, tôi tiễn anh ra cầu thang, tiếng gót chân gỗ xoáy vào lòng tôi đau đớn. 1974, một nữ lái đò, chị là thương binh chở tôi qua bến Súc, tiếng gót chân gỗ trên mạn thuyền làm tôi đau như bị khứa vào tim. Đêm đó tôi đã viết một truyện ngắn “Chiếc xuồng cánh sen” sau này đăng đi đăng lại nhiều lần. Nhưng gót chân của Hoàng Cát xót xa lắm mà tôi không sao quên nổi tiếng gót chân ấy đã gõ trên sàn báo Văn nghệ. Một hôm đọc một bài báo thấy Hoàng Cát bị hàng xóm đánh vì mất con gà, anh phải nhập viên( sau đó con gà lại trở về)! Vì sao vậy? bởi anh không thương binh, không một đồng lương xương máu nên dân chỉ coi anh là một người què. Ngày 21-8-1991 anh đề tặng” Yêu quý tăng hai bạn… những người bạn thơ quý báu của tôi”( tập thơ” Tháng giêng dai dẳng” in xong thang 8- 1991, NXB văn hoá Hà Nội) Đầu tập thơ anh viết “trải hết nỗi đau đời ta gặp đạo, Sang hèn sướng khổ- thảy như nhau”. Nhưng khi giở đến trang 39 của tập thơ bắt gặp bài “ Ba nén hương”
Nén hương này, con thắp giỗ mẹ
Bom ập xuống, mẹ lìa cõi thế
Nén hương này, anh thắp giỗ em
Em ở lại Miền nam, không có mộ để anh tìm
Nén hương này tôi thắp giỗ chân tôi
Chiến tranh cướp đi hai chục năm rồi
Ba nén hương một mình tôi làm giỗ
Giỗ chân mình, giỗ mẹ, giỗ em tôi…( 1989)
Sự đồng cảm giữa người đọc và người viết, tôi đã khóc thương nhà thơ, bạn thơ giữa cái ngày nhận được tập thơ của anh. Gia đình tôi và gia đình anh có con gái sinh cùng năm, nên lúc nào cũng hỏi thăm: “Ngân ngoan không! Trang khoẻ không”, Ngân là con gái tôi, Trang là con gái anh. Bài thơ “ Tha cho ba” làm tôi khắc khoải và đau đớn suốt bao năm
“ con mười ba tuổi, ngây thơ
Nghỉ hè ngồi chợ từ trưa tới chiều
Nắng ròng dội xuống như thiêu
Nón cời che mặt, chẳng lều, chẳng phên
Bụi đường xe, gió thốc lên
Mà con vẫn phải ngồi yên bán hàng
Phải chi hàng hoá cao sang
Thùng kem, thùng đá- hơn ngàn bạc thôi!
…Con ơi đứt ruột, buốt tim
Ba đành nhìn tuổi thiếu niên con buồn!
Tha cho ba nhé, con!.....
Còn vợ, người bạn đời của nhà thơ:
“Trời đầy anh với văn chương
Mình em nuôi cả chồng con- nuôi mình”
Năm 1996 anh lại ra tập thơ “ Ngôi sao biếc” NXB Văn Học trong đó có bài “Khao khát”
Anh khao khát- dẫu chỉ là khoảnh khắc
Quên được chiến tranh, quên cuộc sống tật nguyền
Được thả góc giày dịu nhẹ bên em
Không làm vỡ ánh trăng, không làm tan hương hoa
Giản dị thế thôi, mà em ôi không thể nữa
Một chiếc giày đã không ở chân anh…”
Nhưng với Hoàng Cát anh vẫn tự hào anh là người lính
“Nghèo. Thất học. Buồn. Nhưng tôi không xấu hổ
Bởi tuổi trẻ tôi, tôi trải dọc chiến trường
Vẫn biết mình thiệt thòi kém thua bè bạn
Tôi âm thầm gắng viết những trang văn”
Một ngày mùa thu đẹp trời, Hoàng Cát sang Văn nghệ gặp tôi, anh hăm hở khoe
- Anh đã gặp anh Lành, hai anh em nói chuyện thoải mái, anh Lành hiểu anh và thương anh, còn anh thấy anh ấy như một người anh!
Chất người lính trong Hòang Cát là vậy, anh là con người thích đi tới tận cùng của sự đau khổ, sướng vui, hờn giận. Con người anh thế nào thì thơ Hoàng Cát thể hiện như thế. Anh em nhà văn đau xót nói với nhau: Hoàng Cát bị thương ở chiến trường và bị thương ở “ Cây táo ông Lành”, nhưng cái án “ văn chương” xưa cứ một đồn thổi mười, để đến lúc một nhà thơ không có công ăn việc làm, không thẻ thương binh, không đồng lương quân ngũ. Chúng tôi vì quen anh đã lâu nên luôn luôn nghĩ như chúng tôi đã nợ Hoàng Cát, chúng ta đã nợ Hoàng Cát quá nhiều, nợ cả gia đình Hoàng Cát, người vợ bệnh tật bao năm, nuôi một người chồng là chiến sỹ không lương, không bổng với một chân thương tật. Chúng ta nợ cả gia đình Hoàng Cát, em trai hy sinh không có mộ, mẹ chết vì bom thù, còn tác giả:
“Về nhà mình chuyện với mình
Lưng trần quần cộc quẩn quanh trong nhà
Trời ơi chân giả tháo ra
Cò cò lết lết như là trẻ con
Trói duyên thơ phú văn chương
Đêm ngày ngồi xổm trên giường với Văn
Khi đọc khi viết khi ngâm,
Nghe trong gan ruột âm thầm trong ta..
Gần đây đọc trên báo Văn nghệ, anh có bài “ Bão tan” viết sau một cơn đột quỵ, cả gia đình chúng tôi nghi là anh không được khoẻ lắm, nhưng mong anh khoẻ mãi để còn làm thơ. Tập thơ mới nhất ra đời, anh vẫn hay đề tặng bạn thơ và cả tên hai đứa con của tôi. Khi đã ở tuổi trên sáu mươi hay nhìn lại, Hoàng Cát đã nhìn lại cuộc đời mình phong trần, lam lũ mà vẫn sống kiêu hãnh. “Cảm ơn vỉa hè” NXB Hội Nhà văn, 2006, một lần nữa chúng ta mắc nợ nhà thơ Hoàng Cát. Anh tồn tại để làm thơ, còn ca ngợi cuộc sống này là nhờ khuôn viên của vỉa hè, những cuộc sống bình dị mang lại thơ cho anh, mặc dù sự hy sinh ở chiến trường của anh chẳng được đền đáp lại. Bây giờ
“ Ta như ngọn đèn dầu, như cây nến lạp
Năm tháng cạn vơi, giọt nắng tâm hồn
Sợi bấc ngắn dần, mờ phai độ sáng
Giờ một ngọn gió xoàng cũng nghiêng ngả chênh chao”
(Cây nến lạp)
Một lần nữa chúng ta phải làm gì khi ngọn nến Hoàng Cát chưa tắt, đừng để ngọn lửa đã tắt chúng ta mới có những lời điếu văn hay, mới phục hồi lại tất cả những gì người sống đã bị mất. Không thì những người ở chiến trường như chúng tôi nợ Hoàng Cát, chúng ta nợ nhà thơ Hoàng Cát, nợ cả gia đình anh