Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Con Mi Na

Lê Đức Đồng
Thứ năm ngày 13 tháng 12 năm 2012 8:46 PM

Tháng 12/ 1975, đơn vị chúng tôi (Tiểu đoàn 307, Trung đoàn U Minh, QK 9 ) về đóng quân tại Thị trấn Ngã Bảy (Cần Thơ). Nơi này có bảy con sông đổ về, tạo nên một chợ nổi trên sông khá sầm uất và càng nổi tiếng hơn với bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” với lời ca ngọt ngào, say đắm lòng người:“ Hò ơ… Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm. Công tôi cực lắm, mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu. Tìm em không gặp… Hò ơ… Tìm em không gặp, tôi gối đầu mỗi đêm?/ Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao người con gái năm xưa chẳng thấy ra … chào?”.
Từ Doi Chành, đơn vị chuyển qua doi Hai Miểu bên kia sông đóng quân. Văn phòng Đại đội 2 ở trong nhà chị Hai ngay đầu ấp. Nhớ ngày chúng tôi mới đến, cả đàn chó phốc bốn con chạy ra cửa ầm ĩ. Chị Hai gọi chúng vào nhốt lại và soạn sửa nơi nghỉ ngơi cho các chú bộ đội. Anh Hai Quang, quê Trà Vinh là đại đội phó. Sau mấy ngày làm quen, anh ngỏ lời xin một chú chó con và được chị Hai đồng ý. Được lời như cởi tấm lòng, Anh Hai mang về và đặt tên nó là Mi Na.
Mi Na có bộ lông trắng muốt, mõm nhọn và mũi luôn ướt. Giống này đánh hơi cực thính và khôn lắm đây. Quả thực, hàng ngày cho ăn, khi thì miếng bánh bò, khi thì thẻ lương khô, anh Hai đều tập cho Mi Na những bài “căn bản”. Nào bò thấp, nào đứng lên đưa hai chân về trước – chừng nào làm bằng được thì mới được ăn nên Mi Na mau chóng “thuộc bài”. Tôi là văn thư đại đội, được anh Hai tin tưởng “uỷ quyền” chăm sóc cho Mi Na những lúc anh đi họp xa. Vẫn theo “bài” của anh Hai; tôi mua bánh bò hoặc mẩu lương khô cho Mi Na ăn . Theo phản xạ, Mi Na khi thì bò sát mặt đất, cách thức ăn cả thước để đến ăn; khi thì nhảy thật cao để vồ mồi… Tôi và Mi Na trở nên thân thiết. Tôi ngủ trưa nó đến nằm cạnh bên. Đêm đến, nó ngủ dưới chân mùng của tôi, có lúc còn lấy chân cào nhẹ vào chân tôi. Tôi tắm rửa, bắt rận cho Mi Na. Nó tỏ vẻ khoan khoái, biết ơn khi hai mắt lim dim và ngoan ngoãn nằm yên…
Bỗng đơn vị nhận được lệnh hành quân gấp, không thể mang Mi Na theo, anh Hai đành mang đến nhà chị Hai gởi lại, hẹn có ngày trở lại đón Mi Na về.
Cuối tháng 4/1977, chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra ác liệt. Đơn vị chúng tôi hành quân đánh quân Pôn Pốt từ vùng này qua vùng khác; từ Tịnh Biên qua Núi Dài, Nhà Bàng, Hà Tiên, Phú Châu … Cả hai năm trời vẫn chưa có dịp về Ngã Bảy thân thương, nơi có con Mi Na nhỏ nhắn .
Hết chiến dịch, đơn vị hành quân về đồng Cờ Đỏ làm lúa. Giữa cánh đồng mênh, cỏ man nào là chuột đồng và cá trong ao đìa, kinh rạch. Một ngày chủ nhật, tôi xin phép anh Hai về Ngã Bảy thăm lại những gia đình ngày trước đóng quân. Gặp nhau ai cũng hỏi thăm anh Hai, anh Ba, thằng Năm, thằng Tám… Người dân chân chất, hiền lành luôn nhớ những người chiến sĩ mốt thời “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” nay “đi dân nhớ, ở dân thương”.
Trời chiều, tôi từ giã các gia đình và qua cầu, sang bến xe bên kia sông để trở về đơn vị. Xe nổ máy và chuẩn bị rời bến. Bất ngờ có tiếng ai đó kêu lên: “- Có con chó nhà ai nè?” Có tiếng một người khác: “ - Của chú bộ đội ngồi phía sau đó!” Tôi chưa kịp nhìn ra thì một con chó trắng lách giữa rừng chân người, chạy vào rúc đầu vào chân tôi, thở hổn hển. “Trời ơi, Mi Na!” – Tôi kêu lên và ôm nó vào lòng. Không thể trở lại trả chị Hai vì xe đã chuyển bánh. Xe dừng ở chợ Tân Hiệp ( thuộc Rạch Giá1) và men theo kinh Thầy Ký, tôi ôm con Mi Na về nơi đơn vị đóng quân giữa cánh đồng.
Đến một cây cầu khỉ, tôi đặt Mi Na xuống nghỉ một chút để qua cầu. Bất ngờ, một đàn chó nhà dân gần đó đánh hơi thấy mùi lạ, chúng xồ ra cắn và Mi Na hoảng sợ chạy trốn vào lùm cây gần đó.
Tôi nhờ người dân đuổi đàn chó và gọi Mi Na nhưng nó không trở ra. Thôi, thế là mất Mi Na rồi. Tìm tiếp xuống một đoạn bờ sông cũng không thấy. Trời nhá nhem tối, tôi đành lên cầu, trở về đơn vị vừa đi vừa tiếc cho Mi Na. Tôi thầm tự trách mình chi vì một chút sơ sảy mà để nó chạy lạc mất giữa chốn xa lạ trên đồng này.
Khi về gần tới nơi, tôi nghe tiếng sột soạt dưới bờ sông mỗi lúc một gần. Dừng lại và nghe ngóng. Trơi ơi, Mi Na mình ướt sũng, run lẩy bẩy từ bờ cố bò lên theo tôi. Thì ra khi bị lũ chó dữ đuổi chạy vào lùm cây, Mi Na nhảy ùm xuống nước và bơi dọc bờ sông theo tôi gần cả cây số. Cũng may gặp con nước ròng, chảy xuôi hướng về đơn vị nên Mi Na thả mình theo dòng nước… Người thì đi trên bờ, Mi Na thì thả theo dưới nước mà vẫn không hay biết. Tôi ôm nó lên và mừng khôn xiết. Thật như trong mơ bởi Mi Na bằng xương bằng thịt đây rồi.
Vừa bước vào lán, Mi Na vội nhảy xuống và nhào tới anh Hai vừa trong nhà ăn bước ra. “- Ủa, sao có con chó nhà ai đến đây?” Tôi chạy tới và nói: “ - Anh Hai, con Mi Na nhà chị Hai Ngã Bảy hồi cuối 75 đó! Anh có còn nhớ không?”.
Tôi kể lại câu chuyện từ lúc lên xe, Mi Na chạy theo thế nào, dọc đường ra sao và vui vẻ “bàn giao” Mi Na cho anh Hai “quản lý”…

Đồng Cờ Đỏ, tháng 4/1977
Sóc Trăng, cuối tháng 10/2012


        LÊ ĐỨC ĐỒNG