Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ngày xuân nói chuyện câu đối

Nguyễn Bá Thính.
Thứ sáu ngày 14 tháng 12 năm 2012 10:16 PM

   Cậu bé ra vế đối làm khó cho danh sĩ Lý Điều Nguyên.
 
 Lý  Điều Nguyên, một danh sĩ đất Ba Thục, sinh ra khoảng giữa đời nhà Thanh Trung quốc tại một miền quê phong cảnh tuyệt vời ở chân núi Long Vân bên dòng La Giang nổi tiếng của tỉnh Tứ Xuyên
 Lý Điều Nguyên cùng với cha mình là Lý Hóa Nam và hai người em là Lý Đình Nguyên, Lý Ký Nguyên lần lượt đỗ tiến sĩ, rồi cả ba anh em họ lại cùng vào viện hàn lâm, để lại câu ca danh tiếng vùng La Giang là “Một nhà bốn tiến sĩ, ba anh em vào viện hàn lâm”. Thời kỳ ấy, các văn nhân của vùng La Giang đua nhau xuất hiện, tranh tài với nhau, chiếm một địa vị vô cùng quan trọng trên văn đàn tỉnh Tứ Xuyên. Chính vì vậy, nhiều áng thơ văn và giai thoại của Lý Điều Nguyên còn lưu lại đến ngày nay.
 Lý Điều Nguyên từng giữ chức Quảng Đông học chính. Hàng ngày, trên đường đến nhiệm sở và trở về nhà, ông đều phải đi qua một cây cầu đá. Một hôm, Lý Điều Nguyên ngồi trên kiệu đi qua cây cầu đá đó, gặp một cậu bé đang xếp đá chơi ở trên cầu, người phu kiệu vô ý đá đổ cây cầu xếp bằng ba hòn đá của cậu bé. Cậu bé liền túm áo anh chàng phu kiệu nằng nặc đòi: “Xếp đền cầu cho tôi đi! Đền cầu cho tôi đi!” Người phu kiệu xẵng giọng: “Buông tay ra cho người ta đi! Không biết ngài học chính đang ngồi trong kiệu đây à?”
 Cậu bé thấy nói vậy lại càng níu áo chặt hơn, càng lớn tiếng hơn: “ Ông học chính thì hay quá rồi! Nghe nói ông ấy đối câu đối giỏi lắm, tôi sẽ ra một vế đối, hễ mà ông ấy đối được thì tôi để cho đi, đối không được, thì phải đền cầu cho tôi !” . Ngồi trong kiệu nghe thấy thế, Lý Điều Nguyên vội vén rèm ló đầu ra nhìn thấy trước kiệu của mình là một cậu bé chừng mười một mười hai tuổi, tuy vẻ mặt còn non nớt, nhưng tỏ ra rất thông minh lanh lợi, bèn ôn tồn bảo: “ Này cháu! Cháu hãy cứ ra vế đối đi!”. Cậu bé nói: “Cháu cứ lấy cây cầu của cháu làm đề tài vế đối được không ạ?”. Lý Điều Nguyên tươi cười nói: “Được! Được chứ!”. Cậu bé đảo tròng mắt, không cần nghĩ ngợi nhiều, đọc luôn ra vế đối: “Thích đảo lỗi kiều tam khối thạch” (踢倒磊桥三块石) nghĩa là “ Đá đổ cầu xây ba tảng đá”. Ở đây, cậu bé thông minh này đã chơi chữ ở chỗ chữ  “lỗi”trong tiếng Hán vừa đồng âm vơi chữ “lũy”(垒)nghĩa là chồng lên , xếp lên, nhưng về cấu tạo, thì chữ “lỗi” lại do ba chữ “thạch”(石)chồng lên nhau, mà nửa sau của vế đối lại vừa vặn có ba chữ “tam khối thạch”, cũng có ý là ba chữ “thạch” trong đó.Cậu bé đã làm khó cho ngài học chính. Lý Điều Nguyên thì thấy cậu bé này đáng yêu, nên mới bảo cậu ra vế đối, những tưởng là trò đùa với con trẻ mà thôi, nhưng vừa nghe xong vế đối, ông chợt ngẩn người ra, suy nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra vế đối lại, đành phải khất với cậu bé: “Để ta về suy nghĩ thêm, sáng mai trên cầu này nhất định trả lời cháu, được không?”. Cậu bé nhìn vẻ mặt tươi cười đáng kính nhưng cũng có phần bẽn lẽn của ngài học chính, bèn gật đầu đồng ý.
 Về đến nhà, Lý Điều Nguyên nghĩ tới nghĩ lui mãi, đứng ngồi không yên mà vẫn chưa tìm ra được vế đối thích hợp. Phu nhân của Lý Điều Nguyên là  Hồ Tiểu Bích đang ngồi may quần áo thấy vậy liền hỏi chồng rằng có điều gì buồn phiền như vậy. Lý Điều Nguyên liền kể lại với vợ mình đầu cuối câu chuyện  đối lại vế đối của cậu bé ở trên cầu. Hồ Tiểu Bích lặng im suy nghĩ một lát rồi nói: “Có gì khó đâu, thì cứ đối rằng: “Tiễn khai xuất tự lưỡng trùng sơn”(剪开出字两重山) - nghĩa là “cắt chữ xuất ra thành hai trái núi”-là xong chứ có gì đâu!”. Ở đây, phu nhân của Lý Điều Nguyên cũng đối lại vế đối của cậu bé bằng cách chơi chữ, bởi chữ “xuất”(出)cắt ngang sẽ thành hai chữ “sơn”(山) nghĩa là hai trái núi, đối với nửa vế trên là ba tảng đá, thật là chỉnh cả chữ lẫn nghĩa.
 Sáng hôm sau, khi gặp lại cậu bé trên cầu, Lý Điều Nguyên đã đọc cho cậu bé nghe vế đối lại của mình. Cậu bé nghe xong vỗ tay cười lớn: “Ơ hơ! Rõ không biết xấu hổ! Vế đối này dứt khoát không phải là ngài học chính tự nghĩ ra rồi!”. Lý Điều Nguyên giật mình, vội hỏi: “ Làm sao cháu biết không phải là ta tự nghĩ ra?”. Cậu bé đáp ngay: “ Bởi vì ngài thì làm gì dùng đến kéo mà “cắt”, chắc hẳn là phu nhân của ngài nghĩ dùm chứ gì?”. Thấy cậu bé có sức liên tưởng khác người như vậy, Lý Điều Nguyên tỏ lòng vô cùng yêu mến, bèn cặn kẽ hỏi cậu bé tên gì, bao nhiêu tuổi, nhà ở đâu v.v... Cậu bé đã thật thà lần lượt trả lời.
Tối hôm ấy trở về nhà, Lý Điều Nguyên rất hào hứng kể lại với Hồ Tiểu Bích câu chuyện về cậu bé. Nghe xong, Lý phu nhân cũng tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và thán phục. Cơm tối xong, hai người đã tìm đến nhà cậu bé. Thấy hai người đến nhà, cậu bé hết sức vui mừng, kính cẩn mời khách vào nhà. Nhà cậu bé rất nghèo, cha mẹ cậu một chữ bẻ đôi không biết. Họ kể rằng cậu bé có một người cậu họ xa đỗ tú tài, thấy cháu mình thông minh ham học, đã nhận dạy giúp cháu học được khá nhiều chữ nghĩa, rất tiếc mùa xuân năm nay, ông cậu tốt bụng ấy chẳng may ốm chết, thế là cậu bé đành phải bỏ học. Sau khi nghe kể về tình cảnh của cậu bé, Hồ Tiểu Bích tỏ ra hết sức thương cảm, bước tới trước mặt cậu bé, đưa tay xoa lên mái tóc bù xù của cậu, rồi lại nhẹ nhàng cầm lấy tay cậu bé nói: “Cháu thông minh lắm! Vế đối ấy chính là ta nghĩ ra. Bây giờ ta cũng có một vế đối, cháu hãy đối bằng một vế khác, được không?”. Cậu bé ngước đôi mắt đen láy của mình lên, chớp liền mấy cái và nói: “Vâng ạ!”. Hồ Tiểu Bích chỉ ra phía xa, nơi có một cây cổ thụ gốc lớn tới hai người ôm không xuể và đọc lên vế đối: “Lão thụ thiên niên”(老树 千 年), nghĩa là  “cổ thụ ngàn năm”. Cậu bé ứng khẩu đối ngay: “Huyền hoa nhất kiến”(悬花一现),nghĩa là “hoa treo một đóa” . Thấy cậu bé quả thực thông minh khác người như vậy, cả Lý Điều Nguyên lẫn Hồ Tiểu Bích đều vui mừng khôn tả, lập tức sai người lấy ra trăm lạng bạc trao cho cha mẹ cậu bé, để họ lấy tiền cho con tiếp tục đi học và tỏ ra tin rằng sau này cậu bé sẽ nên người.
 Sau khi Lý Điều Nguyên được điều chuyển về kinh, hai vợ chồng luôn luôn nhớ tới cậu bé thông minh đó. Do yêu cầu công chuyện, Lý Điều Nguyên từng có hai lần xuống Giang Nam. Lần nào Hồ Tiểu Bích cũng không quên dặn ông thế nào cũng ghé qua Quảng Đông để đến thăm cậu bé và cho thêm ít tiền. Lần ấy, Lý Điều Nguyên đến nhà cậu bé mới hay tin một năm trước đó cậu bé đã chẳng may mắc bệnh chết yểu. Lý Điều Nguyên vô cùng thương xót, thân chinh đi viếng  mộ cậu bé và viết một đôi câu đối nối vào hai vế đối năm trước gửi gắm niềm thương xót của mình: “Huyền hoa nhất kiến,liên nhĩ hữu tài thiên tảo thệ.Lão thụ thiên niên,quy ngã vô năng khước hậu điêu”(悬花一现,怜尔有才偏早逝 。老树千年,愧我无能却后凋) nghĩa là “Hoa treo một đóa, thương cháu có tài mà sớm mất. Cổ thụ ngàn năm,thẹn ta kém cỏi lại tàn sau./.
.
          Nguyễn Bá Thính 

Địa chỉ liên lạc : Nguyễn Bá Thính Tổ 55 P. Tương Mai Q. Hoàng Mai
 Số nhà 44/39 ngõ 190 Hoàng Mai.Tel: 0436624150 và 0912151657
 Email:ruanboting09@yahoo.com.vn