Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Sức sống của các nhân vật tích cực qua một số tiểu thuyết Nga tiêu biểu

PGSTS. Nguyễn Trường Lịch
Thứ bẩy ngày 1 tháng 12 năm 2012 8:37 PM

        
               Dù đứng ở góc độ nào cũng phải thừa nhận cuộc cách mạng tháng Mười Nga (1917) là một bước ngoặt vô cùng quan trọng không chỉ đối với nước Nga, mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội lớn lao đối với toàn nhân loại, đồng thời góp phần tạo nên một chuyển biến sâu sắc đối với nền văn học nghệ thuật thế giới, mà trước hết của bản thân nền văn hóa Nga.
      Ngay từ năm đầu thế kỷ XX, trong thư gửi Gorki, văn hào Sekhov (1860-1904) đã tâm sự với Gorki: “Tôi cảm thấy rằng, bây giờ cần viết không phải như vậy nữa, không phải về điều đó nữa, mà viết một cách khác đi thế nào đó, về một điều gì khác cho một người nào khác, nghiêm túc và trung thực” .
       “Một điều gì khác” theo điểm nhìn của Gorki (1868-1936)không phải là tiếp tục viết về “ lóp người nhỏ bé ”, “nặn cho hết chất nô lệ” bên trong họ-đối tượng chủ yếu trong hệ thống truyện ngắn của Sekhov. Bởi lẽ, một thời đại mới tự do đã bừng sáng, như Bà lão Iderghin tiên đoán. Đó là những con người mới  trong chiến đấu và lao động đã ra đời. Tuy đậm chất huyền thoại, câu chuyện bà lão kể cho Gorki về chàng dũng sĩ Đanko tự đốt cháy “ trái tim rực sáng như mặt trời” làm đuốc soi đường cho đoàn người vượt qua rừng rậm tối tăm, đầm lầy, thú dữ,  chết chóc, báo hiệu một hình tượng ngời sáng của nền văn hóa- văn nghệ mới Mỗi người cần có ước mơ và công trạng cho chính mình và cho xã hội.
     Đúng là “ thời đại anh hùng đòi hỏi một nền nghệ thuật anh hùng”. Thế là hàng loạt thơ ca, truyện, kịch…xuất hiện, bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống nóng bỏng của đông đảo quần chúng lao động được tự do đang hăm hở bước vào xây dựng xã hội mới, gắn liền với cuộc nội chiến quyết liệt chống bọn Bạch vệ phản động và bọn can thiệp nước ngoài. Chính quyền cách mạng đang ngàn cân treo sợi tóc. Từng ngày, từng giờ, mọi thứ mới, cũ, xấu, tốt lẫn lộn xuất hiện. Những người cầm bút hướng về cuộc sống mới, không thể đứng ngoài, mà phải mò mẫm tìm đường. Từ chỗ miêu tả con người trong cách mạng, họ chuyển dần sang biểu hiện con người của cách mạng. Đây chính là đặc trưng mới mẻ, nổi bật của văn nghệ xô viết, mà nhìn rộng ra, rất hiếm thấy trên văn đàn các nước khác ở Âu, Mỹ…
     Trong bão táp đấu tranh, hàng vạn con người mới ra đời, mà nổi bật nhất là
các chiến sĩ Hồng quân. Tiếp bước văn hào Gorki từ tiểu thuyết Người mẹ (1906), hình ảnh của họ đã bước vào văn thơ, nhạc, họa, điện ảnh. Trước hết có thể kể đến hình tượng Sapaev trong cuốn truyện ký sự khá dày dặn cùng tên “Sapaev” (1923-bản tiếng Việt-1962) của Furmanov. Đó là sư trưởng sư đoàn quân Codăc, tình nguyện chiến đấu theo ngọn cờ của Lênin. Người chính ủy sư đoàn Klưskov vốn là tác giả nói rõ: “ Tiểu sử Sapaev dường như là một câu chuyện bình thường, chẳng có gì đáng chú ý, nhưng cứ hãy nhìn cho kỹ, anh sẽ thấy tất cả mọi hoàn cảnh, mọi nhu cầu và biến chuyển trong đời tư đều đẩy anh đến chỗ bất mãn và phản kháng. Từ trước đến nay, cuộc đời đối với anh ta là   “một mụ dì ghẻ cay nghiệt ”. Vì thế. con đường đi theo cách mạng của Sapaev mang ý nghĩa điển hình; ông trở thành người đại biểu cho khối quần chúng nghèo khổ bị áp bức bóc lột nặng nề dưới chế độ phong kiến Nga hoàng.
     Tác giả không muốn để tên thật của mình- vốn là một sinh viên sắp tốt nghiệp đại học Bách khoa, sớm giác ngộ - được đảng Cộng sản Bonsêvich điều vào quân đội làm chính ủy với sứ mệnh vinh dự, mà hết sức khó khăn là làm sao có thể giúp đỡ lôi cuốn được viên Sư trưởng đoàn quân Codăc tự do vô chính phủ này tình nguyện hướng theo ngọn cờ của Đảng, bởi ông chỉ biết sùng kính mỗi Lênin, chứ không hiểu gì cách mạng. Sapaev từng đi ở đợ đến 9 tuổi, rồi bị chủ ném ra đường kiếm sống, chưa hề biết chữ, ngoài cái chữ ký ngoằn ngoèo như con giun! Vị sư trưởng khét tiếng khiến bọn Bạch vệ phải khiếp sợ này dần dần bớt nóng tính, ít xử sự bằng súng với lính tráng, mà nghe lời bàn bạc phải trái của chính ủy, đến mức gắn bó tình nghĩa với chính ủy, tôn trọng kỷ luật của Hồng quân. Tác giả muốn xây dựng một chính ủy điển hình của Hồng quân đương thời giữ vai trò hết sức quan trọng về bước đường thành công của cách mạng. Hai nhân vật tích cực ấy vừa mang nhiều nét chân thực, vừa có nhiều nét hư cấu, vừa dồi dào ưu điểm, nhưng cũng còn không ít nhược điểm. Đã không ít lần hai người cãi nhau vì bất đồng ý kiến, thậm chí có khi họ nổi khùng, đến mức cùng rút súng ra; nhưng họ lại tự trấn tĩnh được, rồi cùng tra súng vào bao! Điều hấp dẫn là trong tính cách hoang dã, đậm nét tự nhiên của thảo nguyên mênh mông, vị Sư trưởng hồn hậu, trong sáng, quyết liệt đã thật sự giác ngộ, trung thành với cách mạng và chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Câu chuyện về người anh hùng huyền thoại này hy sinh dưới làn đạn địch giữa dòng thác chảy xiết trong một trận giáp chiến không cân sức, đã được dựng thành bộ phim điện ảnh cùng tên, nổi tiếng một thời. Về mặt nghệ thuật, nét đáng qúy là tác giả khắc họa cả  hai nhân vật trung tâm không ở trạng  thái tĩnh, mà luôn luôn vận động
theo bước tiến của lịch sử đất nước Nga.
      Bàn về văn học xô viết, không thể không nói đến Paven Korsaghin trong truyện Thép đẫ tôi thế đấy (1934) của N.Ôxtrovxki. Tác giả không kể lại bằng các tư liêu cụ thể, mà biết nắm bắt những bước ngoặt quan trọng trên quá trình hình thành tính cách của nhân vật vừa thực vừa hư cấu. Từ đấy hình tượng người thanh niên xô viết hòa vào lòng nhân dân và đồng đội luyện rèn “qua lửa đỏ và nước lạnh” đạt từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chả thế mà nhân dịp nhà văn được tặng Huân chương, một đội Thiếu niên đến chúc mừng cứ hồn nhiên Kính chào đồng chí Paven Korssaghin!
   Đang nằm trên giường bệnh, nhà văn liền giơ tay ra hiệu,hãy nói lại:
          - Kinh thưa đồng chí Nikolai Pavlôvich. Ôxtrovxki  quý mến! 
   Bởi có lần trong một cuộc hội thảo, nhà văn đã tâm sự:“-Cuốn truyện của tôi trước hết là một tác phẩm nghệ thuật, trong đó tôi đã mạnh dạn sử dụng quyền hư cấu và tưởng tượng của mình.Tôi chỉ có nguyện vọng là làm sao cho hình tượng người chiến sĩ trẻ trong truyện cũng là hình tượng người thanh niên thế hệ chúng tôi.Tất nhiên tôi đã đặt vào hìnhtượng này một phần cuộc đờì mình”…  
      Từ tác phẩm quý giá này, hàng ngàn vạn thanh niên Việt Nam đã mang hình tượng Paven lên đương ra trận vượt Trường Sơn chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt trong cuốn Nhật ký của Đặng Thùy Trâm, ngay trang đầu, nữ bác sĩ đã trang trọng viết tấm gương sống cao đẹp của người thanh niên Nga: “ Cái quý nhất của con người là cuộc sống.Người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao để khỏi xót xa ân hận vì những năm đã sống không mục đích, để khỏi hổ thẹn vì quá nhỏ nhen, ti tiện..., và để khi chết đi, có thể nói rằng cả đời ta, cả sức ta, ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời-sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.”(N.Oxt.-Moskva-1935-bản chính)
       Điều thú vị là trong dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của bác sĩ  Thuỳ Trâm, cuốn Nhật ký có lửa ấy đã được dịch ra tiếng Nga- tiếng lòng của Paven - và làm lễ ra mắt trước đông đảo bạn đọc tại Thủ đô Hà Nội. Điều đó nói lên sức lan tỏa vang xa của những tấm gương cao đẹp và sức cuốn hút sinh động của cuốn tiểu thuyết xa mà gần ấy. 
      Trong hệ thống tác phẩm viết về các nhân vật tích cực thì tiểu thuyết “Đội cận về thanh niên” (1946) của Fađêev( tiếng Việt-4 tập) là thành công hơn cả. Câu chuyện nói về 57 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu bí mật chống bọn phát xít Đức tại vùng mỏ bị tạm chiếm, từng được Nhà nước Liên xô truy tặng Huân chương và 5 người trong ban chỉ huy được truy tặng danh hiệu anh hùng vào năm 1943. Tác giả muốn viết với khả năng “chính xác tối đa” nhằm tưởng nhớ công lao các liệt sĩ. Tuy thế, ông vẫn nói thêm về ý  tưởng  cấu trúc:  - “ Tôi không viết lịch sử Đội cận vệ thânh niên, mà viết một tác phẩm nghệ thuật, trong đó bên cạnh những người thật, việc thật, còn có những nhân vật và sự kiện hư cấu ”.
     Sức hấp dẫn của câu chuyện dài dài diễn ra suốt ba năm kể từ khi bọn phát xit giẫm đạp lên vùng mỏ quê hương, các nhân vật đang ngồi trên ghế trường phổ thông trung học, ở tuổi mộng mơ, lãng mạn tràn đầy khát vọng đẹp đẽ của lứa tuổi học trò.Tình mẹ con, tình bạn, tình đồng đội, tình yêu nam nữ đan xen diễn ra thường ngày vừa hồn nhiên, vừa nên thơ. Song tất cả bị vùi dập dưới làn đạn của quân thù. Ngay cả khi cận kề cái chết, tâm hồn trẻ của họ vẫn dạt dào cảm xúc yêu đời. Chẳng thế mà Kosevoi, người chỉ huy Đội cận vệ vẫn âu yếm nhớ về bàn tay mẹ thương yêu và thì thầm gọi mẹ: “Mẹ ơi1Mẹ! Con nhớ đôi bàn tay của mẹ ngay từ khi con có ý thức về sự sống. Mùa hè tay mẹ rám nắng, sang đông màu rám vẫn chưa phai (..) Mẹ ơi! Mẹ! Mẹ tha thứ cho con, vì chỉ có mẹ, trên đời chỉ có mẹ mới biết tha thứ…! ”
      Đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật hòa quyện vào lời tác giả đến độ khó lòng phân biệt, vừa sâu sắc, vừa bi tráng. Cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi đồ sộ, khắc họa một chặng đường lịch sử đấu tranh hoành tráng của lớp thanh niên gắn bó cùng toàn dân quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Tác phẩm thấm sâu vào lòng bạn đọc như một bản trường ca trữ tình lãng mạn, vừa thấm đượm tinh thần lạc quan cách mạng .
      Bản thân Fađeev, từng làm chủ tịch Hội Nhà văn Liên Xô, khi được hỏi về kinh nghiệm, đã bộc lộ với các bạn viết trẻ: “ Những đội viên cận vệ thanh niên tất nhiên là những người tiên tiến, nhưng đồng thời cũng là những nam nữ thanh niên Xô viết bình thường giản dị. Như chúng ta đều biết, cuộc sống sinh động hay bị bôi nhọ bởi những sự việc nhỏ nhen và những chuyện ngẫu nhiên không đâu. Những thứ đó hoàn toàn không bắt buộc nhà nghệ sĩ phải phơi bày ra, hòan toàn không bắt buộc. Nhất là những lúc cần mô tả con người trong giai đoạn phức tạp gay go của cuộc sống, khi mà những mặt anh hùng của họ thể hiện ra nhiều nhất.(..)Điều đó không có nghĩa là che giấu khuyết điểm trong con người ấy, mà có nghĩa là cần tìm phương pháp mô tả sao cho những thiếu sót đó không ngăn cản được người đọc mến yêu nhân vật trong truyện”.( Fađeev-Thư từ)             
      Nhân dân Nga làm sao có thể quên được câu Chuyện một người chân chính
(1946-bảndịch-1961) của Boris Polevoi. Trong một trận không chiến với kẻ thù ngay trên bầu trời quê hương, phi công Alecxei Maretxev đã bị thương nặng, rồi rơi xuống tận rừng sâu băng tuyết, phải 18 ngày nhịn đói, vừa phải chiến đấu với thú dữ và lê mình tìm về với nhân dân.May mà được một cậu bé vào rừng kiếm củi phát hiện, rồi được cấp cứu về bệnh viện. Bị cắt cụt phía dưới của cả hai chân, song anh vẫn ra sức luyện tập để xin trở về với đội ngũ và chính anh đã tiếp tục bay lên diệt được ba máy bay của địch. Câu chuyện đậm chất huyền thoại ấy không chỉ gây ngạc nhiên cho các đồng đội, mà còn khiến cho nhà văn phải tìm đến để viết nên cuốn sách đầy hấp dẫn.” Tôi cố gắng thuật lại một cách chân thực những điều mà chính Maretxev và các đồng chí của anh từng kể lại cho tôi nghe”…Nhà văn Polevoi kể tiếp: “ Câu chuyện kỳ lạ của anh làm cho tôi say mê đến nỗi tôi đã cố gắng ghi thật đầy đủ chi tiết. Tôi nghĩ có lẽ đây là một câu chuyện thần thoại đầy thi vị, nếu như chính người trong chuyện không phải đang nằm ngủ bên cạnh tôi và cặp chân giả của anh không nằm sóng soãi dưới đất mờ ướt vì hơi sương, và bóng dáng của anh nổi rõ trong ánh sáng mờ mờ của ban mai…” Trở về hậu phương người anh hùng Maretxev được bầu làm chủ tịch Hội cựu chiến binh Liên Xô. Rõ ràng ở đây người chiến sĩ và nhân vật tích cực của tiểu thuyết là một hình tượng ngời sáng sẽ mãi mãi sống với thời gian và trong lòng bạn đọc. 
      Quá trình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc chống phát xít Đức (1941-45), sát cánh với Hồng quân còn có hàng ngàn văn nghệ sĩ, nhà báo ra trận, trong số đó có đến 270 người anh dũng hy sinh. Họ luôn có mặt trên các chiến trường, kịp thời phản ánh sức mạnh chiến thắng của Hồng quân. Hình ảnh Tổ quốc- Nhân dân Xô viết cùng các nhân vật tích cực nơi tiền tuyến gắn kết với hậu phương được thể hiện đậm nét qua các tác phẩm văn, thơ, nhạc, hoạ.
      Hình ảnh Tổ quốc nổi bật xuyên suốt cuộc trường chinh hòa vào máu thịt của  mỗi người lính, biến thành lẽ sống và hành động theo khẩu hiệu cháy bỏng:  “Chúng ta chỉ đặt súng xuống khi kẻ thù đầu hàng”.
                                                       -   Tổ quốc bắt đầu từ đâu?
                                                    Từ bức tranh ta được xem ngày nhỏ  
                                                    Từ những người bạn tốt vẫn cùng ta
                                                    Thường đi học và chơi chung một phố.      
                                                   (Matuxovxki-Tổ quốc bắt đầu từ đâu-Thái Bá Tân dịch)
        Và thế là ngày mai xông vào trận chiến giáp là cà, những ng­êi con của Tổ
quốc sẵn sàng hiến dâng tất cả, không chút chần chừ:
                                                     Trận đánh ngày mai- đánh giáp la cà
                                                     Lần cuối cùng hiến dâng cho Tổ quốc.
                                                     Cái chết không làm ta khiếp  nhược
                                                     Về nước Nga, vÉn hy vọng trở về.
                                                         (Noskin-Trận đánh cuối cùng.ĐoànAnhTuấn dịch)
      Điều thiêng liêng nhất, đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ dân tộc Nga - một dân tộc từng đánh thắng đội quân xâm lược Pháp hùng hậu nhất do chính hoàng  đế Napoléon chỉ huy (1812- 1814) - chắc chắn sẽ chiến thắng quân thù ở thế kỷ XX:       
                                                - Anh cầm súng lên đường đi chiến đấu
                                                  Chính vì em, vì Tổ quốc - mẹ hiền.
                                                  Phản bội em, phản mẹ hiền yêu giấu?
                                                  Vậy  đời anh còn có gì chăng?
       Đối lập với bộ mặt đen tối của bọn phát xit, hình ảnh các nhân vật tích cực được khắc họa ngời sáng:
                                                Con người ấy như một mảnh mặt trời.
                                                 Con người ấy như ngọn lửa, như bài ca đẹp đẽ.
                                               Con người âý chỉ mong tốt cho đời.
                                               Mong ai khổ được sướng vui, chỉ thế.
                                                      (Amuxina-Bµi ca ng­êi lÝnh v« danhThái Bá Tân dịch)
       Niềm khát vọng chân chính giản dị mà đằm thẳm, họ chỉ mong một ngày im tiếng súng trở về cuộc sống êm đềm, ấm cúng bên mẹ hiền, trên quê hương bên dòng sông tuổi thơ, chứ không hề nuôi tham vọng áp bức bóc lột những người khác. Đó chính là ngọn nguồn chủ yếu dẫn đến thắng lợi cuối cùng:
                                                     Con sẽ trở về với Mẹ, ơi nước Nga,
                                              Để lại được nghe những cánh rừng reo hát,
                                              Để lại ngắm nhìn những dòng sông xanh mát.
                                              Để lại được đi trên con đường nhỏ ông cha...   
                                                                                                     (Khuyết danh-Thuý Toàn dịch)
       Song song với  những vần thơ trữ tình cháy bỏng, không thể không nói đến hình ảnh người chiến sĩ hồng quân trong tác phẩm nổi tiếng Số phận con người (1956) của văn hào  Mikhain Sôlôkhov (1905-1984-giải Nobel). Tính cách của nhân vật trung tâm Xôkôlov tiêu biểu cho phẩm chất kiên cường và cảnh ngộ bi tráng của nhân dân Liên Xô trên con đường quyết chiến thắng kẻ thù. Xôkôlov từng lập bao chiến công ngoài mặt trận, từng bị địch bắt, nhưng đã khôn khéo  thoát khỏi vòng vây địch trở về với đội ngũ. Trong khi đó nơi quê anh, vợ con, nhà cửa đã bị bọn phát xít đốt sạch, giết sạch. Hơn thế nữa, cậu con trai-đại uý pháo binh trẻ - hẹn gặp lại bố ngày khải hoàn trở về bên mẹ sum họp gia đình lại   bị giặc bắn chết đúng vào ngày đầu hòa bình. Trở về hậu phương, Xôkôlov sống cô đơn một mình, ngày ngày chăm lo việc lái xe cho cửa hàng mậu dịch. Bỗng một hôm, bé Vania, mồ côi bố mẹ đang bơ vơ giữa phố sà vào lòng anh, tự coi anh là bố mình. Không chút ngại ngần, anh dang rộng vòng tay ấm áp đón cậu bé Vania về nuôi như chính giọt máu của mình. Hình tượng Xôkôlov xuyên suốt tác phẩm đậm nét hiện thực nghiệt ngã, vừa dồi dào tình cảm nhân đạo cách mạng cao đẹp của con người Xô viết.
       Mặt khác, cốt truyện tuy ngắn gọn, nhưng lại mang dung lượng rộng lớn,  đồ sộ của loại truyện sử thi, thể hiện tình huống lịch sử đầy kịch tính, vừa khắc nghiệt, bi tráng giữa một không gian chiến trường bao la giữa hai thế lực đầy mâu thuẫn gay gắt.
       Năm 1959, cuốn truyện này đã được dựng thành bộ phim lớn, vang dội rộng rãi khắp thế giới. Điểm đặc sắc là ở chỗ nhà văn mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật nghiêt ngã của chiến tranh phi nghĩa, không hề né tránh máu me chết chóc, mở ra tầm nhìn mới đầy ngạc nhiên đối với giới văn nghệ đương thời, không chỉ ở Liên Xô, mà còn ở nhều nước khác .
      Truyền thống kiên cường bất khuất được hun đúc qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau tạo thành sức mạnh phi thường đánh tan bè lũ phát xít, nước Nga và toàn Liên bang Xô viết đã có đến 27 triệu người phải ngã xuống, trong đó có ngàn vạn  hhình tượng nhân vật tích cực bước vào văn thơ nhạc, họa, điện ảnh..dựng nên vô số bức tranh hoành tráng làm rạng rỡ nền văn nghệ Xô viết lan tỏa khắp năm châu bốn biển…/.    
                                                           ***                                                  
    NTL-Khoa Văn -ĐHQGHN