Khoãng năm 1965 – 1966 (lúc đó tôi học đệ ngũ hay đệ tứ lâu quá nhớ không rõ) tôi có đọc 1 loạt bài của tuần san Tiểu Thuyết Thứ Tư, xuất bản ở Sài Gòn viết về Tiếu Lâm Tây và Tiếu Lâm Ta.
Chi tiết thì không nhớ được, chỉ nhớ tác giả bài viết phân tích sự khác biệt của Tiếu Lâm Tây và Tiếu Lâm Ta như sau :
Tiếu Lâm Tây : đọc lên, hoặc nghe kể vui, cười thoải mái, xong là quên, không có hậu ý châm chọc ai.
Tiếu Lâm Ta : đọc lên hoặc nghe kể vui, cười thoải mái, nhưng phải dè chừng vì có 1 số chuyện, người kể chuyện có ý châm chọc 1 trong số người đang ngồi nghe, có thể nghe xong cười xòa, nhưng suy nghĩ lại thì nó xỏ xiên mình đấy, có khi vì một câu chuyện tiếu lâm vui lại gây nên sự oán hận lâu ngày với nhau nữa.
Dân uống rượu (dân nhậu) có lẽ ai cũng biết chuyện tiếu lâm nầy :
Trong bữa tiệc (tiệc giỗ hay cưới gì đó) tình cờ khách ngồi trong bàn có 9 người nhậu, 1 người không. 9 tay uống rượu thì lai rai, nhâm nhi chuyện mưa nắng, mùa màng …. Còn tay kia không uống lại ăn mồi dữ quá , thức ăn trên bàn bốc hơi nhanh quá làm 9 anh ngó nhau … điệu nầy chắc thiếu mồi quá . Một tay bắt đầu kể chuyện :
Ngọc Hoàng Thượng Đế rất ghét mấy thằng uống rượu, vì uống rượu vào là xay xỉn, phá làng, phá xóm, đánh vợ, chưởi con … Hôm nọ, ngài ngồi trên Thiên đình nhìn xuống hạ giới thấy có 1 bàn nhậu, sai Thiên Lôi mang búa xuống trần gian đánh chết mấy thằng uống rượu đó (nghe kể đến đây anh không uống rượu nghe cũng hơi khoái ). Thiên Lôi đi 1 lát quay về.
Ngọc Hoàng hỏi : Dẹp xong mấy thằng uống rượu đó chưa ?
Thiên Lôi trả lời : Bẩm Ngọc Hoàng con dẹp không được ạ !
Ngọc Hoàng : Tại sao ?
Thiên Lôi : Bẩm , tại vì bàn nhậu đó có 9 thằng uống rượu, có 1 thằng không uống , nó chỉ gắp mồi ăn thôi mà nó ăn dữ quá, con đánh 9 thằng kia, sợ lạc búa chết luôn thằng không uống rượu ạ !
Ngọc Hoàng : Thì mày đánh chết mẹ nó luôn đi, chỗ người ta uống rượu mà nó chen vô ngồi ăn thì ráng chịu.
Nghe kễ, anh chàng không uống rượu biết thằng nầy nó nói móc mình, nhìn đi nhìn lại, tụi nó 9, còn mình có 1 , đánh lộn đánh không lại, chửi lộn cũng không lại, đành nuốt giận vào bụng, bỏ bửa tiệc đi về … ( ĐM. Nó đương không nó kêu Thiên Lôi đánh chết mẹ mình chứ Ngọc Hoàng nào biểu ! ).
CHUYỆN CẦM CHẦU
Ca dao có câu : Trên đời có bốn cái ngu :
Làm mai, hỏi nợ, gác cu. cầm chầu .
Chuyện nầy, hồi nhỏ nghe mẹ tôi kể lại :
Ngày xửa, ngày xưa (cũng không xưa lắm ) các đình làng , hàng năm đều có cúng Kỳ Yên (gọi dễ hiểu là cúng đình) để tưởng nhớ các bậc danh thần, danh tướng, tiền hiền … có công với địa phương và cầu cho quốc thới, dân an, mưa thuận, gió hòa … Chương trình cúng lễ có 1 tiết mục không thể thiếu là HÁT BỘ (còn gọi là HÁT BỘI) , có phần nầy thì lễ Kỳ Yên mới vui vẽ …đủ cả : người già, người trẽ , nam thanh , nữ tú … Hợp đồng gánh hát về hát thì Ban Tế Tự đình thần ký giao kèo với gánh hát, giá cả thỏa thuận hai bên, nhưng có 1 khoản bất thành văn là : đoàn hát hát hay thì có thưởng, hát dở, hát cương thì phạt (trừ tiền), người chịu trách nhiệm thưởng hoặc phạt là vị có chức sắc lớn nhất trong làng, thường là ông Hương Cả.
Năm nọ, Đoàn hát bộ đến hát dịp cúng Kỳ Yên đình làng quê tôi, ông Hương Cả … là người cầm chầu (trong lúc hát, nếu diễn hay thì người cầm chầu đánh dùi vào giữa trống, thì ta nghe thùng, thùng … nếu diễn trật, diễn dỡ thì người cầm chầu đánh dùi vào tang trống thì ta nghe cắc, cắc …, tùy theo tiếng thùng hay cắc mà tính tiền thưởng hoặc phạt).
Ông Hương Cả … là người khó tính, đào kép trong đoàn hát đem hết tài nghệ ra diễn mà thỉnh thoãng chỉ nghe cắc, cắc chớ chả nghe tiếng thùng nào cả. Đến khoãng giữa màn 2 và 3 (suất diễn chỉ có 3 màn) có 2 anh hề ra giễu (bây giờ gọi là tấu hài đấy), 1 anh đóng vai ông chủ, 1 anh đóng vai đầy tớ chăn trâu. Anh đầy tớ buổi trưa ngủ quên, để trâu ăn lúa ruộng kế bên, bị mắng vốn, chiều về bị ông chủ rầy .
Ông chủ : Tý ! tại sao mầy để trâu qua phá lúa của người ta, mầy ngủ quên
Phải không ?
Đầy tớ : Dạ ! con đâu dám, con thức đó chớ, trâu nó tràn qua đám lúa kế
bên, con lùa nó về, nhưng tụi nó không chịu về.
Ông chủ : Tại sao mầy không đánh nó ? roi cặt bò mầy để đâu ?
Đầy tớ : Dạ ! trâu của ông chủ, ông chủ cưng, con đâu có dám đánh.
Ông chủ : Da trâu chứ có phải da ông nội mầy đâu mà mầy không dám đánh
Nghe, Xem 2 anh hề giễu đến đây, ông Hương Cả … giận quá … thùng, thùng, thùng …liên tục , giận quá đúng ra là cắc lại quên thùng . Nảy giờ tại vì mình không có thưởng cho chúng nó, nên tụi nó mới nói cái trống (bằng da trâu), chớ đâu có phải da ông nội mình đâu mà mình không chịu đánh … nó chửi .. đau quá ! Thì cũng tại ông Hương Cả thôi … phải không quí vị, khó tính quá mà chi ! tiếc gì dăm ba tiếng thùng ban cho đoàn hát sống kiếp cầm ca, rày đây mai đó, gạo chợ nước sông … còn 2 anh hề thì sợ gì chớ ! ngày mai đoàn hát đã dọn đi nơi khác rồi, chưỡi cho sướng cái miệng, cùng lắm năm tới, đoàn mình hát nơi khác , không trở lại đây thì thôi , kiếp bèo mây mà . . . . . . .
Có lẽ cái ngu của việc Cầm Chầu còn nhiều chuyện khác, tôi chỉ biết chuyện nầy, ai biết thì xin mời tiếp theo nhé !
TIẾU LÂM TA là vậy đó . Nếu ai vào trang Tran Nhuong.com thì Hà Nội Tiếu Lâm truyền kỳ là mục rất ư hấp dẫn. Cười thì cười, nhưng đau lắm đấy.
28/11/2012 TRỊNH KIM THUẤN