Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Xung quanh Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải

Cao Minh tực hiện
Thứ năm ngày 11 tháng 10 năm 2012 7:32 PM

         Cuối tháng 9 vừa qua ( 21-9 ), tại Trường đại học Harvard, Mỹ, Học viện Trần Nhân Tông đã long trọng tổ chức lễ trao Giải thưởng quốc tế mang tên Trần Nhân Tông.
Đây là lần đầu tiên một giải thưởng tầm vóc quốc tế được mang tên một nhân vật lịch sử Việt Nam độc đáo, đại diện cho tính minh triết và lòng nhân ái ( vốn là một vị Hoàng đế kiệt xuất sau được tôn vinh là Phật Hoàng của Việt Nam) được trao công khai trong một môi trường quốc tế tập trung các nhân sĩ trí thức danh giá của Hoa Kỳ và thế giới. Chúng tôi đã cuộc trò chuyện cùng nhà thơ Bằng Việt- Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, Phó Chủ tịch UB toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam, khách mời chính thức của Đại học Harvard tham dự Hội thảo quốc tế Trần Nhân Tông và dự lễ trao Giải thưởng
.

          - Thưa nhà thơ Bằng Việt, nhiều người Việt Nam chưa thông tỏ lắm về sự kiện quốc tế rất tự hào qua việc trao Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông. Nhà thơ có thể cho biết khởi nguồn từ đâu có Viện Trần Nhân Tông và Giải thưởng mang tên Người?
          - Nhà thơ Bằng Việt:  Tôi nghĩ rằng khởi nguồn của việc này đã có từ  lâu, đó là ý thức luôn muốn phát huy tinh thần tự tôn dân tộc và niềm tự hào chính đáng về giá trị tinh thần của người Việt Nam, những giá trị này vốn là mạch chảy không ngừng từ bao thế kỷ nay. Điểm nhấn đặc biệt có lẽ xuất phát từ năm 2008, khi chúng ta tổ chức kỷ niệm 750 năm ngày sinh Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Sau sự kiện đó, những nhân sĩ, trí thức, học giả Việt Nam luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao có thể tôn vinh được xứng tầm hơn nữa nhân vật kiệt xuất trong lịch sử dân tộc là vị vua anh hùng, Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông với những tư tưởng minh triết, lòng yêu thương, hòa giải đi trước thời đại của ông; có ảnh hưởng không chỉ đối với trong nước...

          Và một nhóm nhân sĩ trí thức như:  PGS-TS Trần Ngọc Vương ở Đại học quốc gia, TS Phan Hồng Giang- nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, bản thân tôi cùng một số anh em bạn bè quen biết khác nữa như nhạc sĩ Dương Thụ, GS Dương Trung Quốc, GS Chu Hảo…, kết hợp cùng  ông Nguyễn Anh Tuấn- nguyên Tổng biên tập báo điện tử Vietnam Net, tất cả cùng tâm đắc hưởng ứng ý tưởng lớn mang tính tập hợp của nhà thơ Việt Phương, tác giả của tập thơ “ Cửa mở”, nguyên là thư ký từ nhiều năm trước của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, để cùng tự nguyện suy nghĩ và bàn định những định hướng tích cực và thiết thực cho vấn đề này.

        Ông Nguyễn Anh Tuấn hiện đang là trợ giảng của Học viện Chính trị và Hành chính quốc tế Kennedy, nằm trong đại học Harvard, đã trực tiếp trao đổi với GS-TS Thomas Patterson, giảng viên chính của Khoa Chính trị quốc tế đại học Harvard. Ông này thời trẻ đã từng là quân nhân Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Khi biết những thông tin này, ông Thomas đã cùng vợ sang Việt Nam tham dự hội nghị về Trần Nhân Tông tổ chức tháng 2-2012 tại Hà Nội, và đi thăm Yên Tử, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông trụ trì, lập ra Thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng... Từ Việt Nam về, GS Thomas Patterson vô cùng ngưỡng mộ tài năng, đức độ, tư tưởng cùng triết lý nhân văn của vị vua anh hùng và uyên bác - Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Trong cuộc hội nghị về Trần Nhân Tông tháng 2 – 2012 ở Hà Nội, GS Patterson đã nhất trí cùng các nhà khoa học Việt Nam đồng quan điểm về việc xây dựng Viện Trần Nhân Tông tại Mỹ, do ông làm Viện trưởng. Tại Việt Nam, các nhà trí thức cũng tích cực vận động thành lập Viện Trần Nhân Tông, do PGS-TS Trần Ngọc Vương là trưởng ban vận động thành lập.
         Quỹ Trần Nhân Tông ở Mỹ do ông Nguyễn Anh Tuấn đứng ra vận động tài trợ. Ở Việt Nam, Công ty Open Minds Vietnam do bà Nguyễn Thúy Hà là Giám đốc, cũng tích cực đứng ra vận động tài trợ. Công ty Open Minds Vietnam đã mời nhà thơ Việt Phương, nhà thơ Bằng Việt,TS Phan Hồng Giang cùng đóng góp công sức vào quá trình sáng lập Quỹ.
          Như vậy là từ quyết nghị chung của hội nghị về Phật Hoàng Trần Nhân Tông tổ chức ở Hà Nội tháng 2-2012, đã đi đến thống nhất thành lập 2 Viện Trần Nhân Tông tại Mỹ và Việt Nam. Đồng thời ý tưởng sáng lập Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông và trao giải hàng năm, nhân dịp ngày 9-9 là Ngày hòa giải và yêu thương quốc tế, cũng được những người sáng lập ra Quỹ và Viện Trần Nhân Tông nhất trí cao và tích cực vận động, thúc đẩy để thành hiện thực.Viện Trần Nhân Tông ở Mỹ có điều kiện gặp gỡ, vận động các nhà nhân sĩ, trí thức tên tuổi ở Mỹ và thế giới hưởng ứng và ủng hộ cho việc sáng lập Giải này. Trường Đại học danh tiếng Harvard đã làm mọi việc hậu thuẫn tích cực, tạo điều kiện cho Viện Trần Nhân Tông được trở thành một Học viện khoa học có tầm cỡ nằm trong Đại học Harvard, cũng như mời được nhiều nhân sĩ, trí thức, giáo sư …có uy tín quốc tế ghi danh tham gia vào Hội đồng khoa học và Hội đồng cố vấn cho Viện. Hội đồng Giải thưởng cũng được hình thành trong quá trình này. Với kinh nghiệm thành công mỹ mãn và có uy tín lớn của Giải thưởng Nobel ở Viện Hàn lâm Thụy Điển, trường Đại học Harvard cũng tổ chức Giải Trần Nhân Tông trên cơ sở xã hội hóa của một môi trường nhân sĩ trí thức cao, khách quan và theo các tiêu chí khoa học nghiêm ngặt, không  hành chính hóa nó nếu phải dựa vào bất kỳ một tổ chức chính trị hoặc thế lực quan phương từ một Nhà nước nào.
         - Thưa nhà thơ, trong lịch sử Việt Nam có nhiều những nhân vật kiệt xuất, tại sao lại chọn Trần Nhân Tông làm biểu tượng của Giải thưởng quốc tế này; trong khi ngay nhiều người Việt Nam cũng còn biết quá khiêm tốn về vị vua này?
         - Đúng thế.  Nhìn lại lịch sử dân tộc ta, có nhiều người xứng đáng để làm biểu tượng cho những giải như thế, như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... Tuy nhiên, trong tất cả các vị vừa nêu thì chỉ có Trần Nhân Tông ở cương vị cao nhất của đất nước, là minh chủ, và lại có cả một cuộc đời tác động mạnh mẽ đến toàn bộ lịch sử và giá trị tâm linh của dân tộc, điều mà cả các vị vua xuất chúng khác của nước ta như Lê Lợi, Quang Trung và cả Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông …cũng chưa làm được. Toàn bộ cuộc đời của Trần Nhân Tông là cả một mẫu mực của bậc anh hùng, nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo với một triết lý nhân văn có tầm nhân loại. Như những nghiên cứu và nhận định từ trước khi trao giải của một chính khách - bà Vaira Vike – Freiberga, cựu tổng thống Latvia, hiện cũng tham gia Hội đồng cố vấn của Giải: “ Điều ấn tượng với tôi nhất là bản lĩnh của một con người đã nắm giữ một quyền lực và quyền uy tuyệt đối và rồi cuối cùng lại sẵn sàng từ bỏ nó để sống cuộc đời của một vị tu hành...”. Và là một nhà tu hành với cái Tâm trong vắt: “ thanh bần, lạc đạo”.
        Trần Nhân Tông cũng là vị vua duy nhất vừa là vua của một quốc gia lại vừa được tôn là Phật Hoàng ( đạo Phật là quốc đạo của Việt Nam thời Lý- Trần, và một số quốc gia phương Đông ). Trần Nhân Tông như vậy là đã hai lần làm vua ( vua của trần thế và vua của đời sống tâm linh, tôn giáo).
        Trong suy nghĩ hiện nay của các học giả thế giới thì tính minh triết, biết gỡ được mọi việc bằng tinh thần nhân ái, yêu thương và hòa giải sau khi chiến thắng quân Nguyên của Trần Nhân Tông, chính là tiêu chí cần tôn vinh trong thế giới hiện đại rối ren và phức tạp hôm nay. Tư tưởng  của Trần Nhân Tông phù hợp với suy nghĩ, xu hướng của thế giới hiện đại nhằm góp phần hóa giải các xung đột xã hội, tín ngưỡng, sắc tộc, tôn giáo... Từ những tiêu chí nhân văn và bác ái trên, Viện Trần Nhân Tông của đại học Harvard đã quyết định chọn Trần Nhân Tông làm biểu tượng cho Giải thưởng Hòa giải quốc tế mang tên Người. Đã đưa “ lên bàn cân ” để cân nhắc các nhân vật chính trị, lịch sử…của nhiều quốc gia khác cho biểu tượng này, nhưng khó có người nào hội đủ các tiêu chí như Trần Nhân Tông của chúng ta.
         - Là người tích cực hưởng ứng việc sáng lập Quỹ Trần Nhân Tông ở Việt Nam, cũng là thành viên sang dự hội thảo quốc tế và trao Giải thưởng Trần Nhân Tông tại Mỹ vừa qua, nhà thơ có thể cho biết đôi nét chính việc tổ chức và tiến hành trao giải?
         - Theo tinh thần hội nghị tháng 2- 2012 tại Hà Nội, được sự đồng thuận của lãnh đạo Đại học Harvard và Trung tâm đào tạo Chính trị và Hành chính quốc tế Kennedy, GS-TS Thomas Patterson- Chủ tịch Viện Trần Nhân Tông tại Mỹ đã đứng ra tổ chức cuộc hội thảo quốc tế tại Câu lạc bộ của Đại học Harvard. Khách mời gồm nhiều nhà trí thức, học giả, lãnh đạo quốc gia và các cơ quan truyền thông có uy tín trên thế giới. Hội thảo diễn ra  trọn một ngày, buổi tối là tiệc chiêu đãi lớn và công bố trao giải thưởng Trần Nhân Tông.
         Tại diễn đàn quốc tế này đã quy tụ nhiều nhân vật như: Ông Michael Dukakis, ứng viên tổng thống Mỹ khóa trước, nguyên là thống đốc bang Massachusetts; bà Vaira Vike – Freiberga, cựu tổng thống Latvia; bà Ann McDaniel, phó chủ tịch tập đoàn báo chí Washington Post, thành viên Hội đồng cố vấn viện Trần Nhân Tông tại Mỹ; bà Swanee Hunt, nguyên Đại sứ Cộng hòa Áo ở LHQ, thành viên Hội đồng cố vấn Viện Trần Nhân Tông, ông Philip Balboni, chủ tịch tập đoàn Bưu chính toàn cầu, người sáng lập ra Tập đoàn viễn thông cáp toàn cầu, thành viên Hội đồng cố vấn Viện Trần Nhân Tông; ông Alex Jones, Giám đốc Trung tâm Shorenstein về chính trị, truyền thông và chính sách công của Đại học Harvard, thành viên Hội đồng Giải thưởng, GS triết họcThomas Scanlon của Đại học Harvard, thành viên Hội đồng Giải thưởng…, nhiều giáo sư, học giả Mỹ và nhiều nước nghiên cứu về Phật học, quan hệ quốc tế, chính trị quốc tế....Đặc biệt, nhạc trưởng danh tiếng  người Công gô Armand  Diangienda đã trực tiếp chỉ huy dàn nhạc chơi trong buổi lễ. Ông xúc động phát biểu: “ Những gì các bạn đang làm thật tuyệt vời và chúng tôi rất ngưỡng mộ Trần Nhân Tông. Chúng ta có thể đưa ý tưởng hòa giải ấy đến châu Phi và những quốc gia khác trên thế giới ”. Về phía Việt Nam, có ông Nguyễn Anh Tuấn, PGS Trần Ngọc Vương, nhà thơ Bằng Việt, các GS Ngô Ngọc Vĩnh Long và Nguyễn Nam, thiền sư Lê Mạnh Thát, một số giáo sư, trí thức Việt Nam đang sống ở Mỹ.
          Trong hội thảo, ngoài các bài phát biểu về Đức vua Trần Nhân Tông, tiêu biểu là các bài tham luận của PGS Trần Ngọc Vương, GS Thomas Patterson, thì có nhiều tham luận cũng nói về sự phát triển của tư tưởng Phật giáo, những bài học kinh nghiệm lịch sử về hòa giải và yêu thương của Việt Nam. Cũng đồng thời, một số tham luận của các học giả còn đề cập đến việc giải quyết những mâu thuẫn, xung đột về xã hội, sắc tộc, tôn giáo…hiện nay trên thế giới... Bà cựu tổng thống Latvia đã phát biểu: “ Tôi thực sự lấy làm vinh dự được tham dự hội thảo đặc biệt này nhằm vinh danh Trần Nhân Tông, một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam. Sự nghiệp và di sản tinh thần của Trần Nhân Tông chưa được quảng bá rộng rãi như ông xứng đáng được nhận, nhưng tôi tin tưởng rằng những công việc bắt đầu từ hôm nay, từ hội thảo này sẽ giúp sửa chữa tình hình. Tôi sẽ đồng hành và cống hiến nhiều hơn nữa cho giải thưởng và Viện Trần Nhân Tông ”.
  Biểu tượng của Giải Trần Nhân Tông năm 2012, làm bằng vàng thật 18cara, đúc hình Đức vua Trần Nhân Tông  ngồi trên tòa sen đã được trao cho hai nhân vật rất nổi tiếng trong năm, có những hành động phù hợp với mục đích, tiêu chí của Giải là: Tổng thống U Thein Sein của Myanmar và bà San Suu Kyi- nhà hoạt động xã hội, dân chủ đối lập nổi tiếng của Myanmar, đã từng ở tù và bị quản chế dưới chế độ độc tài quân sự của Myanmar suốt 15 năm. Nói như GS Patterson: Hòa giải là phải từ 2 phía có thiện chí, nên Giải này cần thiết phải trao đồng thời cho 2 người đại diện cho 2 phía. Đợt này, lần đầu tiên Tổng thống U Thein Sein có mặt tại Mỹ và đã đến phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, còn bà San Suu Kyi đến Mỹ trước, còn tới nhận phần thưởng của Quốc hội Mỹ trao tặng về tinh thần đấu tranh kiên trì về dân chủ, đồng thời cũng nhận lời đến nói chuyện tại Đại học Harvard về quá trình dân chủ hóa ở Myanmar, ngoài việc nhận Giải Trần Nhân Tông. Trước khi Tổng thống Myanmar đến Mỹ, ông có cử nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Than Lwin, từng tốt nghiệp Trường Quan hệ quốc tế Geneve, Thụy Sỹ, đến Harvard trước để tham dự lễ trao Giải.
          - Thưa nhà thơ Bằng Việt, thật tự hào khi Việt Nam chúng ta có một con người kiệt xuất như Đức vua- Phật Hoàng Trần Nhân Tông, trở thành biểu tượng thế giới về Hòa giải. Và, câu hỏi cuối cùng, với tư cách là một trí thức của Việt Nam, suy nghĩ và cảm tưởng của nhà thơ về sự kiện này?
          - Việc các nhân sĩ, trí thức của Việt Nam đồng lòng tôn vinh và tìm cách thuyết phục các nhân sĩ trí thức thế giới đưa được Trần Nhân Tông trở thành một biểu tượng quốc tế với tư cách là một nhà tư tưởng, nhà triết học ... ở tầm cao, đại diện cho tinh thần giải quyết hòa bình và khôn khéo các vấn đề xung đột phức tạp và tế nhị trên thế giới hiện nay là hết sức thành công, Với sự ra đời và dần khẳng định ý nghĩa quốc tế tích cực của Giải này, Phật Hoàng Trần Nhân Tông thực sự đã trở thành một nhân vật có tầm cỡ thế giới, một giá trị tinh thần của nhân loại.
        Sự tôn trọng những giá trị tư tưởng và đạo đức của Đức vua- Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng thể hiện sự kính trọng đất nước, con người Việt Nam của bạn bè quốc tế trên bình diện khoa học và thực chứng.
        Tuy là năm đầu tiên được tổ chức, nhưng Giải thưởng Trần Nhân Tông đã có tiếng vang và ảnh hưởng rất tốt với thế giới.
        Khái niệm quyền lực mềm ( tức là quyền lực thứ tư, quyền lực phi chính phủ ) đã được vận dụng một cách tự nhiên trong việc tổ chức Giải này. Có lẽ đây cũng là một hình thức thích hợp với cách làm ngoại giao nhân dân, đúng với chủ trương tôn vinh và quảng bá vẻ đẹp và những ưu việt của đất nước, con người Việt Nam ra toàn thế giới của Đảng, Nhà nước.

      - Trân trọng cảm ơn nhà thơ Bằng Việt.