Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lạm bàn về tham nhũng, suy thoái

Hồ Anh Hải
Thứ sáu ngày 12 tháng 10 năm 2012 6:10 PM


Nhiều năm qua, tham nhũng trở thành quốc nạn làm khổ dân ta và kìm hãm tốc độ phát triển đất nước, nhưng ta lại chưa ngăn chặn được. Đầu năm nay, Hội nghị Trung ương IV khóa XI đã công khai vạch ra nguyên nhân của tình trạng đó : “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.
Rõ ràng, chừng nào đội ngũ tiên phong của dân tộc, lực lượng lãnh đạo đất nước mà còn như vậy thì dĩ nhiên chưa thể chống được tham nhũng. Vì thế toàn dân vô cùng phấn khởi và nhiệt liệt hoan nghênh công cuộc chỉnh đốn Đảng do Trung ương Đảng khóa XI sáng suốt khởi xướng và kiên quyết thực thi cho dù hết sức khó khăn.
Có bạn hỏi : vì sao đảng viên cộng sản cũng tham nhũng, vì sao tham nhũng kéo dài như vậy ? 
Đó là do đảng viên cộng sản cũng là con người chứ không phải thánh thần, mà con người thì có bản tính tham. Nhà khoa học nổi tiếng đương đại Stephen Hawking nói: mã di truyền của loài người chúng ta « có chứa các bản năng ích kỷ và xâm lấn » (our genetic code « carries selfish and aggressive instincts »). Nghĩa là chúng ta đều có bản tính trời cho là tham lam, ích kỷ. Tham là động lực thúc đẩy con người vươn lên giành lấy phần hơn trong cuộc đấu tranh vì sự sống còn của mình. Nó chỉ xấu khi làm hại tới quyền lợi của người khác, của tập thể, của cộng đồng. Tham nhũng là « sự lạm dụng quyền lực để mưu lợi riêng », rất có hại cho lợi ích của nhân dân,  thuộc dạng tham cần được tuyệt đối loại trừ.
Trong thực tế rất khó ngăn chặn được tham nhũng, bởi lẽ người có quyền lực thì mới tham nhũng và do nắm quyền lực nên họ có điều kiện che giấu tội trạng. Bạc Hy Lai chức vụ cao tới Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CS Trung Quốc, mặc dù Bộ Chính trị năm nào cũng nghiêm túc kiểm điểm, xem xét kỹ tư cách từng người thế mà cuối cùng bất ngờ họ Bạc bị lộ ra là kẻ tham nhũng đã mấy chục năm nay; tội nặng tới mức bị khai trừ Đảng và đưa ra tòa. Ở ta chưa phát hiện trường hợp tương tự, nhưng chưa thể nói tuyệt đối không có.
Người có chức quyền thì dễ tham nhũng. Cho nên chống tham nhũng phải tiến hành trong giới có chức quyền, tức trong Đảng, vì cán bộ ta đều là đảng viên. 
Quyền lực là mảnh đất màu mỡ làm người ta biến chất, tham nhũng, suy thoái, đồi bại. Tổng kết lịch sử của tất cả các loại quyền lực trên thế giới, sử gia người Anh John Emerich Acton (1834-1902) rút ra một kết luận bất hủ : Quyền lực thì có xu hướng suy đồi và quyền lực tuyệt đối thì suy đồi tuyệt đối [Power tends to corrupt and absolut power corrupts absolutely].    
Nói cách khác, các nhà cầm quyền dù tư sản hay vô sản đều có xu hướng suy thoái biến chất, quyền lực càng tập trung thì suy thoái càng nhanh và không tránh khỏi. Vì thế để hạn chế suy thoái biến chất, các nhà cầm quyền cần tránh tập trung quyền lực mà cần có biện pháp phân quyền, thiết lập cơ chế kiểm tra giám sát từ bên ngoài đối với bộ máy quyền lực, cơ chế kiểm tra ngăn chặn chế ước lẫn nhau bên trong bộ máy quyền lực, và nhất là phải thực sự để nhân dân làm chủ đất nước, tức phải xây dựng được một nhà nước của dân, do dân, vì dân, như Điều 2 Hiến pháp 2001 nước CHXHCN Việt Nam đã quy định.
Lịch sử cho thấy chưa một bộ máy quyền lực chính trị nào tránh được nguy cơ suy đồi nếu không thiết kế sẵn một cơ chế ngăn chặn nguy cơ đó. Quyền lực của nhà nước XHCN Liên Xô suy đồi và tự tan rã chỉ sau hơn 70 năm tồn tại là thí dụ rõ nhất, cho dù nhà nước này có chế độ XHCN tiên tiến nhất thời đại, và thực tế đã tạo dựng được một bộ máy quyền lực hết sức hoàn chỉnh, giàu kinh nghiệm từng trải và đứng vững sau nhiều thử thách ác liệt, mạnh nhất nhì thế giới về mọi mặt kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định : Sự tan rã của Liên Xô là do nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân rất cơ bản chính là vì Đảng Cộng sản lúc đó đã suy thoái, biến chất do quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi; một số người lãnh đạo cấp cao của Đảng rơi vào chủ nghĩa xét lại, cơ hội hữu khuynh, mắc sai lầm về đường lối, thậm chí phản bội lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Đảng đông (21 triệu đảng viên) nhưng không mạnh, mất sức chiến đấu nên khi tình hình xấu xảy ra đã tan rã. Có thể nói, đây là bài học vô cùng sâu sắc và đắt giá mà mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần phải thấm thía, luôn luôn khắc sâu, ghi nhớ, đừng để đi vào "vết xe đổ" đau xót đó.
Đây là một nhận định khách quan, khác với ý kiến của một số người cho rằng Liên Xô tan rã là do phương Tây làm diễn biến hòa bình — một quan điểm nhằm bao che tệ tham nhũng, suy thoái trong Đảng mình, hậu quả chỉ dẫn đến tự sát về chính trị như Liên Xô cũ.
Có một sự thật là chính quyền dân chủ tư sản ở nhiều nước tuy cũng có xu hướng suy đồi nhưng lại không sụp đổ. Thí dụ hiện nay dân Hy Lạp, Bồ Đào Nha liên tục tự do biểu tình lớn chống chủ trương thắt chặt chi tiêu công của nhà nước ; kết quả cùng lắm là chính phủ từ chức chứ chế độ nhà nước vẫn như cũ.
Ở đây nguyên nhân chủ yếu là do các chế độ đó đều thiết kế sẵn cơ chế thường trực tự giám sát lẫn nhau,  ngăn chặn sự suy đồi của quyền lực phát triển tới mức nguy hiểm.
Đảng Cộng sản Liên Xô không chấp nhận đa nguyên chính trị và tam quyền phân lập, do đó không có cơ chế tự thân thường trực giám sát, chế ước các hoạt động của bộ máy quyền lực Đảng và Nhà nước. Trong điều kiện ấy, lẽ ra Đảng cần tự tạo dựng một cơ chế giám sát do quần chúng nhân dân thực thi ; nhưng muốn vậy cần phải để toàn dân được hưởng tất cả các quyền dân chủ tự do cơ bản ghi trong Hiến pháp, cho họ có quyền « đuổi chính phủ » khi chính phủ làm hại dân (lời CT Hồ Chí Minh). Nhờ thế mọi biểu hiện tham nhũng, suy thoái của bộ máy quyền lực nhà nước đều sớm bị phát hiện và ngăn chặn, không thể phát triển tới mức làm chế độ chính trị sụp đổ, mà trước đó nhân dân đã kịp thời thay người lãnh đạo.
Rốt cuộc do dân không được thực sự làm chủ, bộ máy quyền lực của Đảng và nhà nước không được giám sát từ bên ngoài, bộ máy ấy tự suy thoái biến chất trượt dài đến vực thẳm mà không bị ngăn chặn. Thấy rõ bài học này sẽ tránh đi theo vết xe đổ của Liên Xô.
Đảng ta cần tổ chức để nhân dân tham gia công cuộc chấn chỉnh Đảng, góp ý rộng rãi vào việc phê bình và tự phê của đảng viên và cấp ủy.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói : Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển… Bên cạnh việc bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân… Hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có… là một trong những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội.
GS Hoàng Chí Bảo Ủy viên thư ký thường trực Hội đồng Lý luận trung ương nói : Chỉ có thực hành dân chủ rộng rãi, dựa hẳn vào sức mạnh, ý chí của dân mới có thể chống được tham nhũng. Ðó là sự phát huy tốt nhất vai trò động lực của dân chủ trong tình hình hiện nay ở nước ta.
Nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương nói : Trong cuộc đời tôi làm công tác ở ban Tổ chức Trung ương nửa thế kỷ, ít ai tự nhận lỗi của mình, khó lắm. Rất nhiều vụ đổ vỡ thì mới bị phanh phui ra, chứ ai tự nhận lỗi đâu. Ông đề nghị : Chúng ta phải phát động một cuộc vận động toàn Đảng toàn dân tham gia chỉnh đốn Đảng. Người dân sẽ chỉ cho cho Đảng những con sâu con mọt bằng nhiều hình thức, nhiều kênh. Khi phát động cuộc vận động thì người dân sẽ có ý thức giám sát Đảng.
Có ý kiến cho rằng nếu thực hiện không tốt phê bình và tự phê thì có thể có hai khả năng xấu : hoặc là làm qua loa chiếu lệ, rốt cuộc không tìm ra đâu là « một bộ phận không nhỏ những con sâu làm rầu nồi canh » để loại ra khỏi « nồi canh » ; hoặc là gây mất đoàn kết nội bộ. Khả năng đầu tiên có lẽ nhiều hơn, như một số người đã nói. Nhưng nếu để nhân dân tham gia góp ý kiến cho đảng viên và cấp ủy thì sẽ có thể tránh được cả hai khả năng này. 
Dĩ nhiên, tổ chức cho nhân dân tham gia chấn chỉnh Đảng như thế nào là việc không đơn giản, cần có nghiên cứu trước và nên đưa ra công luận bàn thảo, kẻo không lại đánh trống bỏ dùi.
Chống tham nhũng và chỉnh đốn Đảng là sự kiện chính trị quan trọng nhất, lớn nhất nước ta hiện nay, nhưng thật kỳ lạ là các cơ quan truyền thông lại nói rất ít về sự kiện này. Đài truyền hình có thể dành cả chục phút để nói những chuyện như gây giống đàn voi ; các báo điện tử hàng ngày đầy rẫy những tin, ảnh về các vụ xì-căng-đan, trộm cướp, ngoại tình, chuyện sex, nhưng hầu như chẳng thấy ai nói viết gì về sự kiện quan trọng hơn nghìn lần, là phong trào chống tham nhũng và chỉnh đốn Đảng.
Dĩ nhiên khi « lề phải » không nói thì « lề trái » sẽ lấn sân, rốt cuộc càng lắm người tìm đọc báo « lề trái » và lắm thông tin nhiễu.
Phải chăng các báo đài đều nên mở chuyên mục « Chỉnh đốn Đảng » và « Chống tham nhũng », hàng ngày hàng giờ cập nhật tình hình Đảng và dân ta đấu tranh trên mặt trận cực kỳ hệ trọng liên quan tới vận mệnh chế độ và vô cùng cam go này. Cần nêu lên các thành tựu, tiến bộ, cần tổ chức cho dân góp ý kiến về các biện pháp chống tham nhũng và chấn chỉnh Đảng. Đây là cách thiết thực góp phần thực hiện chủ trương của Hội nghị TƯ 4.

Hồ Anh Hải