Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lên Tây Côn Lĩnh ngắm bậc thang hạnh phúc

Nguyễn Quang
Thứ sáu ngày 12 tháng 10 năm 2012 5:35 AM
       Bút ký

Đã lên Tây Côn Lĩnh đến cả trăm lần, đã giơ máy lên đến cả mấy vạn lượt, từ ngày xửa, ngày xưa, chụp máy “F” có lẽ đến cả thúng phim, vậy mà lần nào tôi cũng run lên khi bấm máy và quả tôi cũng chưa chụp được bức ảnh nào ưng ý với mình. Lần này thì không đơn giản chỉ là cảnh sắc thiên nhiên, là bậc thang ruộng, bậc thang vườn, bậc thang xóm làng mà có cả bậc thang “cảm xúc” mãnh liệt trong tôi. Đấy là  ngày 16.9. 2012 vừa qua Hoàng Su Phì, một huyện nằm trên Tây Côn Lĩnh, phía Tây của tỉnh Hà Giang đón nhận Bằng “Di tích Quốc gia ruộng bậc thang”.
Chộn rộn cho chuyến đi, một chuyến đi đến nơi “đất quen mà lạ”, bởi lần nào cũng vậy, không thể cưỡng lại tay máy, chỉ còn việc “bấm và bấm” rồi khi về lại tiếc ngẩn ngơ và cũng có muôn vạn cái “giá như”. Đây cũng là một trong hai di tích Quốc gia về ruộng bậc thang trong cả nước được bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Năm 2007, khu ruộng bậc thang long lanh đến mê hồn của ba xã, là La Pán Tần, xã Chế Cu Nha và Zế Xu Phình của huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái đã được đón nhận “Bằng di tích”. Để đã có lần tôi phải đi xe ôm lên tận nơi, rồi tận mắt chứng kiến mùa vàng hòa vào mây trời, hòa vào mưa nắng, hòa vào sắc phục người Mông mà say cái kiệt tác nằm trong cảm tác những người nông dân “cầm cuốc thay cầm bút vẽ”. Còn lần này, đi bằng cảm xúc của “người viết” và “người chụp” bằng niềm tự hào bởi tôi cũng là người Hà Giang, người ít nhiều đã chia mưa nắng với vùng Cao nguyên đá này.
 Cứ đi, đi theo tiếng gọi của lòng mình, theo tiếng gọi của thiên nhiên, một vùng biên cương đầy hào phóng, thật huy hoàng cho một nền văn minh lúa nước, được bắt nguồn từ châu thổ sông Hồng để cho vùng đất dốc trên Tây Côn Lĩnh có một bức tranh bậc thang đầy tự hào mà cũng đầy rực rỡ. Xem ra đó không hẳn là bức tranh riêng của nền nông nghiệp mà nó bắt nguồn từ ý tưởng nghệ thuật sống giữa thiên nhiên, cùng con người chia sẻ với núi rừng, với tiềm năng để xây lên cuộc sống đầy ắp lòng tự hào dân tộc.
Tiềm năng là vùng đất dốc, là con người với rừng núi, khí hậu nơi đây đã cho tôi một niềm say mê mà trong đó có Hoàng Su Phì, có Xín Mần là hai huyện trên đỉnh Tây Côn Lĩnh của Hà Giang luôn vẫy gọi, luôn thôi thúc. Để rồi khi đến, đứng trước thiên nhiên hùng vĩ ở xã Bản Luốc hay xã Sán Sả Hồ... nhìn những bậc thang hạnh phúc bám vào núi, vào làng, vào bản tôi lại được “run lên” mà tự hào, mà sung sướng về sức lao động, sáng tạo đến không cùng của đồng bào quê khó. Những bậc thang hạnh phúc ấy đâu dễ hình thành một sớm, một chiều mà có, nó đã xuyên suốt bao cuộc đời với những bản lý lịch: “canh nông vi bản” và cũng theo quy luật của tạo hóa để định hình lên một kiểu ruộng như “dán tranh thủy mạc vào vách núi”. Chẳng thế mà “ruộng bậc thang, những nấc thang hạnh phúc” của Việt Nam đã được nhiều tạp chí trên thế giới bình chọn, để ruộng bậc thang Sa Pa, tỉnh Lào Cai “lọt vào mắt xanh” đứng trong tốp bảy của những “Kỳ quan ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới”. Như ruộng bậc thang Banaue của Philippines; Yuangyang của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; Ubud của Bali, Indonesia; Annapurna của Nepal; Mae rim ở Chiềng Mai, Thái Lan và Long Ji ở Quế Lâm, Trung Quốc.

 Đã nhiều chuyến đi, cũng đã đến nhiều vùng, nhưng để có được một vùng ruộng bậc thang đẹp như mơ của Bản Luốc, Sán Sả Hồ trên Tây Côn Lĩnh thì khó ở vùng núi nào sánh được. Đó là độ chia cắt mạnh, độ dốc lớn, có những ánh nắng le lói như thốt lên lời tâm tình, bản “nhạc núi” và mây sương giăng đủ bốn mùa xuân-hạ-thu-đông. Lần đi với anh Nhân, hồi ấy anh còn làm Phó Văn phòng Huyện ủy Hoàng Su Phì, anh bảo tôi: “Lạ, rất lạ chú ạ, sáng đến chụp ảnh một khác, trưa đến chụp một khác, chiều chụp lại một khác... và lúc nào cũng đẹp, thậm chí là rất đẹp. Có lẽ cháu phải mua máy ảnh để đi chụp thôi, chụp bằng máy điện thoại không “đã” đâu, về nhìn tấm ảnh sót ruột lắm...”. Rồi khi sang làm Trưởng phòng Văn hóa huyện, Nhân lại say, rất say với ruộng bậc thang, với bậc thang hạnh phúc. Mà nghĩ cho cùng, ai không say sao được, đến cụ bà Hoàng Thị Chín, năm nay 83 tuổi, chính tông người dân tộc Nùng, sinh ra lớn lên trên vùng đất này và đã tự tay mình phạt núi, đắp bờ, thau nước... góp mồ hôi công sức và những năm tháng cuộc đời vào ruộng bậc thang hạnh phúc còn đứng tựa lưng vào cây rừng xem tôi chụp ảnh. Đến khi chụp xong mời cụ xem ảnh, cụ cười để lộ cả “hai hàm nguyên lợi, không răng”: “Tẹp, tẹp quá cháu nhỉ. Nhìn cả cái quả núi thế này không hết, cháu cho nó vào cái ảnh, nó tẹp, tẹp quá. Muốn cháu cho bà một cái bằng giấy bà xem, bà teo lên vách nhà cho tẹp và có nhiều người đến xem cái tẹp nhé...”.
 Tôi bất chợt kêu lên:
Bậc thang là bậc thang ơi!
    Nở bung hoa đất, đầy vơi tháng ngày.
Tháng sáu sóng mượt đường cày
    Tháng bảy nước lại đong đầy bậc thang.
     Tháng chín, xanh bản, xanh làng
    Để tháng mười, đón mùa vàng đưa hương...
 Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì được công nhận đợt này nằm ở thôn Nậm Lỳ của xã Bản Luốc và thôn Lủng Dăm của xã Sán Sả Hồ, đây là hai khu ruộng của người dân tộc Nùng và người Dao Áo Dài. Trung tâm di tích cách ủy ban nhân dân xã Bản Luốc gần 2 cây số, qua hai thôn bản, chạy dài xuống bờ Suối Thầu Hai. Nơi đây cách thành phố Hà Giang 122 ki lô mét và cách huyện lỵ Hoàng Su Phì 12 ki lô mét. Nếu đi từ Hà Nội lên theo đường quốc lộ 2, qua thành phố Tuyên Quang, qua huyện Hàm Yên, qua thị trấn Bắc Quang đến ngã ba thị trấn Tân Quang rẽ trái,  cứ theo đường tỉnh lộ 178, con đường được ví là “vòng ôm tình yêu” mà vượt núi. Bạn sẽ thả hồn vào những cua, những dốc giữa núi rừng, mây giăng, gió thổi mà vượt Cổng Trời Hai, rồi sau đó vượt Cổng Trời Một. Đừng quên ghé thăm nhà giới thiệu sản vật của rừng và về huyện Hoàng Su Phì trên Cổng Trời Hai lộng gió, đẫm mưa mà cũng chan nắng mỗi mùa. Để được ngồi trên bộ bàn ghế gỗ lũa đầy ấn tượng qua phong hóa của thời gian, bằng sự tinh tế của núi rừng trong cái vô cùng quí hiếm của gốc rễ một loài ngọc am đầy sắc thái, một loại gỗ ngàn xưa chỉ có thể tồn tại và được tôn kính ở “chốn quan trường”.
Sau đó hãy từ từ thả phanh xuống dốc, qua xã Nậm Ty, Nậm Dịch khi còn cách thị trấn Hoàng Su Phì 3 ki lô mét là rẽ trái để được thưởng ngoạn dòng sông Cốc hay thượng  nguồn sông Chảy, qua cầu Lâm Trường, vượt sáu ki lô mét nữa là tới trung tâm Bản Luốc. Bạn sẽ đi trong “lâm li, kỳ trận bậc thang”, ngắm tím, vàng, xanh, đỏ... của các loại cây trồng trong những “thang hạnh phúc” trải dài hơn ba cây số đang dâng lên tận trời, để tới trung tâm di tích bậc thang quê núi.
 Hai xã Bản Luốc và Sán Sả Hồ đều nằm ở phía Nam và Tây-Nam huyện nên hầu như ruộng bậc thang quay theo hướng Bắc-Nam nhiều hơn các hướng khác. Cũng tại nơi ấy có nguồn nước dồi dào, có thế đất đỡ dốc hơn các hướng còn lại nên ruộng vườn cũng mượn “thế núi, hướng sông” mà định hướng cho mình. Với tổng diện tích tự nhiên của hai xã cộng lại là gần bốn nghìn héc ta, thì ruộng bậc thang của hai thôn trung tâm di tích  là 25,9 héc ta. Thôn Nậm Lỳ nằm bên bờ phải, thôn Lủng Dăm nằm bên bờ trái con suối Thầu Hau, xuôi theo dòng chảy để cho ra hình hài một di tích ruộng bậc thanh vừa kỳ vĩ, vừa phong cảnh hữu tình. Điểm tô trong ấy là bản làng bình yên với tiếng chim rừng, tiếng suối chảy và tiếng mõ trâu thả vào bầu trời hoang sơ một âm thanh cho ta chộn rộn mỗi sáng, mỗi chiều.
 Đứng tựa lưng vào tả ly dương của con đường liên thôn trên sườn đồi Nậm Lỳ, thả tầm nhìn xuống những nét vẽ bậc thang cho ta thấy rõ bốn mùa với những sắc thái, hình hài như trong huyền thoại. Bạn tha hồ mà tưởng tượng ra những gì mình thích, mình muốn. Kia là trảng ruộng có hình “cánh chim bay” ngang trời, kia là “bàn chân của đất”, bên này là “bộ xương cá voi” khổng lồ, bên kia là “bàn tay tạo hóa”...
 Với độ cao trung bình trên bảy trăm mét so với mực nước biển, thiên nhiên nơi đây đã ban phát cho đồng bào Nùng, đồng bào Dao Áo Dài một cảnh sắc có một không hai. Nghe chuyện làm ruộng bậc thang, mở đất “chôn đá” thật mà như bịa, vậy mà cụ bà Hoàng Thị Chín bảo chính cụ cũng tham gia cùng anh em trong bản “chôn” nhiều đá lắm rồi. Lên Cao nguyên đá, xem cạy đá đắp bờ giữ mùn đất, giữ chút nước sương trời nuôi cây. Còn bây giờ lên Cao nguyên đất trên Tây Côn Lĩnh xem đồng bào “chôn đá” giữ ruộng, giữ núi, mà giữ luôn cả cuộc sống xanh cho bao đời. Tựa vào sườn đất mát mà thở, mà hít khí trời, mà đưa vào con mắt thèm khát cái hình hài thô mộc, rồi cũng màu mỡ mỗi mùa mà mường tưởng ra cảnh “chôn sâu đá” vào lòng đất núi.
Câu chuyện “chôn” đá kể lại rằng, khi bắt đầu làm lễ cắm “phạt” khai địa, mở sườn đất núi lúc gặp nhiều đá “mồ côi” trong lòng ruộng thì biết bỏ đi đâu? Thế là đồng bào tôi nghĩ ra cách “chôn đá”. Cái cách làm khôn ngoan nhất, hiệu quả nhất chỉ còn “chôn” đá đi mà “đổi đá lấy đất” làm cho nền ruộng vững chắc hơn, sườn dốc vững chãi hơn. Một cuộc “hiếu hỉ” đồng bào tôi chia vui cùng với đá, cùng với đất núi ra đời. Cứ gặp hòn đá nào là đào hố chôn xuống nền ruộng, phủ đất lên trên, sao cho đất đủ sâu để khỏi làm gẫy lưỡi cày là được. Và thế nào những hố đá trên thửa ruộng mới khai, trong vụ lúa đầu tiên cũng nhận được những lời khẩn cầu, chia bát thơm cơm mới của người chủ ruộng, chủ làng.
Đi, đi trong cái nắng ganh mưa để đắm mình vào một miền quê chuẩn bị đón mùa vàng, lúa đã bắt đầu chuyển sắc ấm no. Ông trưởng thôn Nậm Lỳ quay lại bảo tôi: “Nền ruộng bậc thang trông thì phẳng đất, phẳng bùn thế thôi, chứ ít nhất mỗi thửa ruộng ôm vào sườn núi kia cũng phải có vài ba chục hố chôn đá. Đó cũng là cách thoát nước cho núi, cũng là cách làm chắc cho sườn dốc, cho những mảnh ruộng chồng tiếp lên cao mãi...”. À ra thế, đó là cái cách “đối nhân, xử thế” với thiên nhiên, cách giữ lại nguồn nước, chút mỡ màu trên sườn núi, sườn đồi, để rồi hằng năm những “vòng tay tình yêu” lại nhân lên, nhân lên mãi hết đời này qua đời khác. Gộp cả trăm năm để đón một ngày làm rạng danh đất núi, rạng danh sơn thôn, rạng danh một vùng lúa nước, gắn chặt vào thịt, vào da Tây Côn Lĩnh.
Có thể nói ruộng bậc thang ở Nậm Lỳ và ở Lủng Dăm không có độ dốc cao lắm như ở Nậm Ty, như trong Bản Péo và nhiều vùng khác. Không có những ruộng bậc thang ôm trọn quả núi, quả đồi, không vươn lên cao vút như nhiều xã trong huyện nhưng bù lại bậc thang trong di tích lại trải dài ôm sóng núi, ôm lấy con suối Thầu Hai, mặt ruộng rộng tạo ra một hình ảnh đầy ấn tượng. Những vòng tay ôm khi vàng, khi xanh, khi trắng nước, một “công trình tự sáng tạo” của nông dân như một trang sách mở trước gió, được lật hết trang này sang trang khác. Chưa ai biết rõ và khẳng định thời gian “khai địa” của ruộng bậc thang nơi đây có từ khi nào, chỉ biết rằng trong báo cáo của thời Pháp thuộc cách đây chín mươi bảy năm có ghi: “Những năm gần đây người dân sống trên Tây Côn Lĩnh, Hoàng Su Phì, Việt Nam có khai thác sườn núi, sườn đồi làm ruộng bậc thang chuyển sang trồng lúa nước. Diện tích được khai phá đến vài trăm ki lô mét vuông, bởi việc làm nương rẫy khó khăn, cây trồng kém phát triển không đủ lương thực để sống...”.
Như vậy có thể khẳng định ruộng bậc thang nơi đây đã ra đời trên dưới một trăm năm, hình thành những kinh nghiệm rút đúc trong việc đào sườn dốc, đắp bờ, san mặt ruộng, khai dòng nước để phát triển cây trồng dựa theo từng mùa vụ. Những khu ruộng bậc thang trên Hoàng Su Phì nói riêng và trong cả nước nói chung là sự sáng tạo đến phi thường của những người nông dân trong sự chia sẻ với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để cùng tồn tại. Một biểu tượng văn hóa, một sự thích ứng, ứng xử đầy trách nhiệm với núi rừng, với những vùng đất dốc. Cũng nhờ có ruộng bậc thang để việc “du canh, du cư” không còn tồn tại, giữ rừng, giữ đất, xây dựng cuộc sống cộng đồng, hình thành những khu dân cư một cách bền vững. Một hình thức canh tác phù hợp, thu được nhiều kết quả, hiệu quả từ điều kiện tự nhiên, Hoàng Su Phì - Nậm Lỳ – Lủng Dăm là một điểm nhấn điển hình cho ruộng bậc thang và cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người vùng núi đất. Như  ruộng bậc thang của đồng bào La Chí ở Bản Phùng, ruộng bậc thang ở Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên của người Dao Áo Đỏ, ruộng bậc thang ở Bản Máy, Bản Luốc, Chiến Phố, Sán Sả Hồ... của người Nùng...
Người Nùng và người Dao đã quần cư trên vùng đất Bản Luốc, Sán Sả Hồ này từ bảy đến chín thế hệ và ruộng bậc thang đã trở thành sự gắn kết máu thịt giữa con người và thiên nhiên, giữa sự sống và rừng núi. Một sự trao đổi đầy tính lịch sử để tạo ra vùng đất vùng người, vùng văn hóa như nhà thơ Nguyễn Bính từng nói: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn...”.
Còn tôi không thể không rung cảm, dù chưa phải là thơ:
Bao đời cha đắp, mẹ san
   Đổi mồ hôi, vẽ màu vàng vào mây.
    Nuôi con khôn lớn tháng ngày
   Bậc thang hạnh phúc trên tay mọi người.
Bậc thang núi, bậc thang đồi
   Một miền quê, giữa đất trời...bậc thang.
Vậy là khu ruộng bậc thang, khu quần cư của hai cộng đồng người Nùng và người Dao Áo Dài trong trung tâm di tích ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, Hà Giang qua những kinh nghiệm xây dựng ruộng bậc thang để cho ra đời một nền văn hóa sản xuất truyền thống. Đó cũng là sự giao thoa dân tộc trong phát triển sản xuất nông nghiệp trên vùng rừng núi và tương tác ảnh hưởng lẫn nhau để cùng song hành tồn tại trên một vùng đất khó nhưng cũng đầy huyền thoại của nghệ thuật trồng lúa nước.
Qua giá trị kinh tế, giá trị văn hóa, giá trị lịch sử... ruộng bậc thang của đồng bào Nùng, đồng bào Dao Áo Dài ở Bản Luốc, ở Sán Sả Hồ còn là tâm điểm cho bức tranh đầy sắc màu trên Tây Côn Lĩnh, như ruộng bâc thang ở Nậm Ty, Nậm Dịch, Bản Phùng, Bản Díu... Bằng sức lao động không mệt mỏi, bằng sự sáng tạo có cả chiều dài thế kỷ, người họa sĩ “nông dân” đã cho ra đời một kiệt tác đầy màu sắc, một công trình kiến trúc vĩ đại. Công trình ấy đã trả công đồng bào quê tôi bằng những mùa vàng ngọt ngào, bằng những mùa thả tiếng mõ trâu vào không gian thanh bình, bằng những mùa hoa đào đỏ rừng, để ánh mắt em gái Nùng Inh, em gái Dao lúng liếng, trao quả còn bay qua vòng đỏ, trao quả pao qua bàn tay dệt vải se lanh...
Hãy đến với “Di tích Quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì”, hãy bấm máy, cảm nhận và sáng tạo trong sự sáng tạo đến “ngột thở”của đồng bào quê núi.

     Nguyễn Quang
   Tổ 8- Ngọc Hà- TP. Hà Giang- T. Hà Giang
     ĐT: 0915395249