Sáng 30/6, mở Internet xem những bài biết về bố mình, tôi thấy ảnh ông, nước mắt lại trào ra. Ba vẫn mỉm cười trong ảnh. Tôi biết, ba rất thích chụp ảnh, nên những bức hình của ông rất đẹp. Cũng chính vì ba thích nên rất nhiều ảnh của ba để lại khiến cho chúng tôi càng nhớ da diết. Tôi đọc những bài viết về ba mà thấy, ba mình thật tài năng và quí giá. Tôi tự hào về điều đó. Tôi thì thầm với ba, ba hãy cho con một chút xíu tài năng của ba nhé, và nhất là sự minh mẫn của ba để con, về già không bị lú lẫn, để con nhìn đời vẫn phân biệt được Phải- Trái- Trắng –Đen, để cho con, khi nhắm mắt xuôi tay vẫn nhìn thấy và cảm nhận được sự yêu thương của con người giữa muôn ngàn trắc trở. Linh mục Hoàng Kim Toan- ở nhà Thờ Tân Hoà, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh đã từng ngưỡng mộ ba khi ba nói, tôi ra đi không ân hận một điều gì. Cha Toan viết trong bài Ba ngàn thế giới là, 90 tuổi như ông, cả cuộc đời dài như vậy mà không ân hận điều gì thì quả là siêu phàm. Bởi ba có tấm lòng nhân hậu, bao dung, đã tha thứ cho những người từng hại ông và vùi dập ông. Và nữa, ông, suốt đời yêu non sông, đất nước, gia đình và bè bạn của mình nên ra đi thanh thản.
Vẫn biết, Người mẹ và người Cha, người ruột thịt là vô giá của mỗi sinh linh được sinh ra ở cõi đời này. Làm cho Cha Mẹ buồn đã là bất hiếu, thế mà có kẻ phi nhân tính đã làm ác thủ giết cả Cha, Mẹ của mình- như báo chí mới đưa tin gần đây- thì thật kinh khủng. Ác thú cũng yêu con. Thế mà con người lại ác hơn cả ác thú. Tôi xem các tin mà bủn rủn chân tay. Vì sao mà con ngươi bất nhân đến vậy. Chắc họ bị điên, không còn là Người. Họ đã mất hết Nhân tính. Phải chăng cái đầu u minh, phải chăng cái tối đã làm khuất lấp tất cả. Chẳng thế mà, một trong những điều cần nhất Phật dạy là con người phải có Trí tuệ, bởi có nó mới hoàn thiện được Nhân cách, mới biết được Phải, Trái, Đúng, Sai và hành động đúng, mới có Nhân tính . Chúa cũng truyền dạy như vậy, Con Người phải được khai sáng mới thành Người. Những điều thiêng liêng ấy ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng làm được. Phải được dạy, phải tự học mới được làm Người, cho dù Con Người có bản tính Thiện ngay từ lúc được hoài thai, và có cả tính Ác nữa, vì thế vẫn tồn tại hai chữ Con- Người trong tự điển ngôn ngữ thế giới. Ba tôi mất đi, nỗi buồn không thể bù đắp. Bởi thế chúng tôi, trong tâm linh, vẫn thấy cha mình hiển hiện và tiếp tục dạy dỗ mình. Không bao giờ ba tôi ngừng khuyên bảo chúng tôi, những lời tế nhị và nhẹ nhàng nhất. Khi bệnh nặng, ông để lại trên giấy bút tích cuối cùng của mình những lời nhắn nhủ các con yêu, bởi lúc đó ông phải thở bằng máy không nói được. Ông minh mẫn cho đến lúc lìa cõi trần. Bởi thế chúng tôi mới mong ba phù hộ các con gặp những điều tốt lành.
Trong hồi ký của ông, ông có kể đến nhiều người muốn làm hại ông, nhưng không hiểu sao họ không làm được điều đó. Họ không thích ông, vùi dập ông bởi ông quá cương trực và thẳng thắn, ông bênh vực lẽ phải cho chính mình và cho những người đấu tranh cho chính nghĩa, bảo vệ chính kiến của mình. Ông căm ghét sự phi nhân tính. Trong Hồi ký ngắn ngủi để lại, ông kể, thời kháng chiến, có một đôi giáo viên yêu nhau,họ đều chưa vợ, chưa chồng, bị đồng nghiệp phát hiện cho là bất chính. Cả hai người đều bị lăng nhục, bị kiểm thảo, đến nỗi người đàn ông không chịu được sự kỳ thị đó đã phải tự tử, may mà không chết. Ấy thế mà lãnh đạo trường vẫn không tha. Họ triệu tập cuộc họp công đoàn, ông là Phó Chủ tịch Công đoàn phải đứng ra làm chủ toạ cuộc họp kiểm điểm họ. Nhưng khi cuộc họp bắt đầu, ông đã nói, các anh thật là bất nhân. Người ta yêu nhau đường hoàng, chân chính, khi người ta đang thập tử nhất sinh, cận kề cái chết mà các anh lại đưa họ ra kiểm điểm, các anh vô nhân đạo quá. Ông bỏ ra ngoài, và cuộc họp cũng giải tán theo.
Thời hoà bình, năm 1955 ông về dạy học ở tỉnh Bắc Giang, là thày dạy giỏi môn văn, bao thế hệ học sinh yêu quí nhưng ty Giáo dục Bắc Giang 19 năm mới tăng cho ông một bậc lương. Bởi ông đã dám viết trên Báo Người Giáo viên nhân dân( nay là báo Giáo dục và Thời đại) và phát biểu ở các cuộc họp giáo viên toàn tỉnh, nếu ngành giáo dục còn để những người làm quản lý ngành Giáo dục của tỉnh mới học qua lớp 4 chính qui như bà Phó Ty Giáo Bắc Giang hiện nay ( bà Phó Ty Giáo dục tên là Kiến chắc sau này có học thêm bổ túc mới có thể lên chức được- tác giả bài này nghĩ thế, còn hồi ký của ông Hoàng Hữu Đản nói rõ bà ấy mới chỉ học lớp 4 ) thì ngành Giáo dục không thế tiến lên được. Người ta không thích nói thật nên chắc ông mắc vạ vì quá thẳng thắn. Còn bao nhiêu thứ họ qui chụp cho ông trong khi ông thật thà như đếm, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục và học sinh thân yêu, yêu thương Con người và chẳng để tâm đến việc ai hại mình. Ông vẫn cần mẫn dạy học, say sưa giảng Kiều, đau với nỗi đau của thân phận cô Kiều qua những áng thơ tuyệt vời của Nguyễn Du. Ông vẫn giảng Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi và đau đáu với nỗi oan bị chu di tam tộc của Nguyễn Trãi ( sau này ông viết vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi để tri ân với Nguyễn Trãi, được giải thưởng kịch bản sân khấu năm1981).
Ông về hưu khi mới 53 tuổi để miệt mài làm việc, dịch sách, sáng tác thơ, văn, viết kịch bản sân khấu. Theo dòng đời, hết lòng vì sự nghiệp văn chương, ông sống vui vẻ, thanh thản với gia đình, bè bạn. Những người hại ông đã ra đi trước ông hàng chục năm rồi. Mà họ, ông có nhắc đến nhưng ông chẳng mảy may thù oán, chỉ tiếc là họ chưa đọc được những tác phẩm của ông xuất bản rất nhiều sau năm 1986, khi ông định cư ở Thành Phố Hồ Chí Minh.
Hình như “đất lành chim đậu ”thì phải. Khi ông chưa có hộ khẩu chính thức ở Thành phố Hồ Chí Mình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trần Hồng Quân đã trực tiếp giúp ông làm Visa sang Pháp dự một lớp học về dịch thuật quốc tế do nước Cộng hoà Pháp tổ chức tại Paris do Bộ Văn hoá Pháp mời trực tiếp (theo qui định, phải có hộ khẩu chính thức mới được cấp Visa) Thành phố Hồ Chí Minh đón ông đến định cư, và rồi, lại tiễn ông về cõi vĩnh hằng với trên 300 vòng hoa hồng và phong lan rất đẹp, sang trọng, hai loài hoa mà ông ưa thích.
Nay thì ông đã yên nghỉ ngàn thu. Sống giản dị, hết lòng với gia đình, bè bạn, với sự nghiệp văn chương. Chết đi, gia đình, họ hàng, bạn bè đưa tiễn, tiếc thương, nước mắt dâng tràn nhưng họ thấy, ông, đã được Chúa đón thẳng lên Thiên đàng, với tấm lòng và tâm hồn thánh thiện, không vương vấn nợ đời.
Các nhà xuất bản đã in hầu hết sách ông dịch và sáng tác, một gia tài dịch đồ sộ trong dịch thuật với hai bản Trường ca hơn ba vạn câu thơ của Homère được dịch sang thơ Việt Nam( ILIADE và ODYSSEE), Bi kịch Hy Lạp, Hài kịch Aristophane, Ngụ ngôn La Fontaine …Ông dịch từ ngôn ngữ Pháp sang Việt và Việt sang Pháp, làm cả sách song ngữ…khoảng 50 tác phẩm được bạn bè trong và ngoài nước mến mộ.
Sắp sửa 100 ngày ông mất- ngày rằm tháng 5 âm lịch tức là ngày 3.7.2012, Nhà Thờ Tân Hoà sẽ làm lễ cho ông, bởi ông theo Công giáo. Ông sẽ siêu thoát về đất Chúa vĩnh viễn. Mọi người tiếc thương, nhưng yên lòng khi ông được siêu thoát, bay về xứ sở của Chúa, thanh thản vui cùng Homère, Aristophane,V. Hugo, Flaubert…hoặc tranh luận thơ với Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh …trong thế giới của những nhà văn, nhà thơ tâm huyết, đau đáu yêu quê hương, đất nước và Con Người./.
|