TNc: Nghiêm Lương Thành lá cán bộ khoa học tại Bộ NN & PTNT nhưng viết truyện ngắn vào loại có nghề. Từ bạn đọc của TNc rồi trở thành bạn bầu. Anh gửi bài viết này khiến chủ web rưng rưng và nghĩ ngợi cho lên thì bạn đọc bảo lại PR cho mình, không cho lên thì bất nhã. Thôi thì cứ cho lên để tôn trọng ý kiến riêng của NLT...
NHÂN DỊP trannhuong.com ĐẠT MỐC 11 TRIỆU LƯỢT NGƯỜI TRUY CẬP
Khi một doanh nghiệp làm ăn phát đạt, được bạn hàng và người tiêu dùng tín nhiệm, tin yêu; khi một tờ báo luôn được bạn nghề nể trọng, được đông đảo bạn đọc hào hứng tiếp nhận, tin tưởng và cổ vũ, thậm chí có cả sự lo lắng phấp phỏng khi nó gặp những trục trặc không mong đợi ... người ta thường có nhận định: Người chủ của nó có duyên với nghề. Đúng là cái duyên, nhưng, gần như chắc chắn, đa số chúng ta đều không hề hiểu cái duyên nghề ở đây theo cái nghĩa mang màu sắc thần bí.
Nghe và đọc chuyện đời, chuyện làm ăn của các thế hệ trước và bằng sự quan sát thực tế trong chính thời của chúng ta, tôi nhận ra có một số điểm chung ở tất cả các doanh nghiệp và các tờ báo thành công thực sự, đó là: Sự trung thực, lòng bao dung và tâm nghề. Riêng với nghề văn, nghề báo, sự trung thực và tâm nghề ở đây là đối với con người, đối với tổ quốc; còn lòng bao dung là đối với đồng bào, đồng nghiệp, bạn hữu và các học trò của mình. Xin đừng trách người viết bài này đã “khách sáo” khi nghĩ mình chỉ thuộc hàng nghiệp dư, chỉ là học trò của những người đi trước trong nghề dù trong số đó có không ít những người, xét về tuổi đời còn ít hơn cả một số học trò của họ. Một chữ cũng là thày; đạo lý xưa nay vẫn là vậy. Thày có thể là một con người cụ thể, cũng có thể là những trang viết mà ta may mắn đọc được.
Ngày ấy, do tình cờ, qua một trang web, thấy có nhắc đến và khen ngợi về một trang văn có tên trannhuong.com , tôi liền nhờ anh “gúc gồ” tìm kiếm giúp. Và, đúng là cái duyên (duyên trong chữ cơ duyên), tôi mê ngay cái trannhuong.com, khi đấy vẫn còn là phiên bản được trang trí bằng một màu xanh dịu. Dạo ấy, đã ghét là ghét, yêu là yêu; yêu thì cứ ào ào như gió thổi nước cuốn, chứ không hề tự hỏi tại sao. Bây giờ, trưởng thành rồi, nếu có ghét thì chỉ chơi kiểu “im lặng đáng sợ”; còn yêu thì ưa kiểu đưa ngay lên bàn giải phẫu. Như thế, chưa hẳn đã là tốt, nhưng riêng đối với trannhuong.com, bằng cách ấy, tôi có thể tỉnh táo để không quẳng vèo cái điện thoại xuống hồ Đại Lải rồi chui tọt vào một cái tàu bay bay liên lục địa như cái nhà cô combui.com lãng mạn và trẻ trung kia.
Nếu bảo trannhuong.com như một cỗ xe chạy trên xa lộ thì ông chủ của cỗ xe đó, quả thực, ngang phè phè, chẳng giống ai. Người ta thì, hoặc đi theo lề phải, hoặc đi theo lề trái, hoặc - không ít người khôn ngoan chín chắn chơi kiểu hầu bao giăng đó, khăn áo gió đưa - lúc ỏn ẻn lề phải, khi thẽ thọt lề trái. Còn ông chủ cỗ xe này, cứ hồn nhiên nghễu nghện giữa đường mà đi, làm sao có thể thuận mắt cho được. Ấy vậy mà, lạ, sao thiên hạ vẫn cứ phải trố mắt; xe đã đi qua rồi mà, nào có ai khiến, vẫn phải quay đầu, ngoảnh cổ dõi theo. Thậm chí, có không ít những người ngày nào cũng ra chầu chực nơi rìa đường để mong được gặp lại. Một ngày không gặp được vài lần là y như rằng đốc chứng cáu bẳn. Mối tơ mành này đố ai gỡ được. Cũng là cái lạ.
Đã nghễu nghện giữa đường, trên xe còn chuyên chở đủ thứ. Điều thú vị là chẳng có thứ nào quá khổ, quá tải. Những thứ đó là gì?
Này là thơ, cái thứ thơ gì mà khiến người ta lúc phải ứa nước mắt, khi thì ôm bụng cười đến muốn đứt hơi.
Này là họa, cái thứ họa gì đã tươi còn mát, khiến ngay cả những bậc hiền nhân quân tử, một khi đã chót xem thì đâm ra cứ ngẩn ngơ bồi hồi mãi không thôi. Thậm chí có một gã, rất có thể bị dở hơi, cả đời lêu lổng nhạt phèo, chưa bao giờ làm nổi một câu thơ, bỗng dưng một lúc tuôn ra cả bốn câu lận; mà lại thất ngôn tứ tuyệt mới liều chứ. Một thứ nữa, không thể không kể đến, là loại tranh “Thì vưỡn”, loại tranh mà đã một thời gian tôi không dám xem. Không dám xem vì, thú thực, sợ bị đứt ruột khi cười; mà viện phí cho việc nối “măng sông” ruột bây giờ luôn cao hơn nhiều so với mức thu nhập. Thế nhưng, nghĩ đi tính lại, đắn đo giằng xé, tự thấy không đủ nghị lực gang thép để cai được cái món tranh “Thì vưỡn” ấy, tôi đành phải gồng mình, mua bằng được cái bảo hiểm cho riêng bộ ruột vẫn còn sáng choang của mình. Sau vụ sắm được cái bảo hiểm đó thì, dù ông chủ trannhuong.com có cho ra bao nhiêu cái “Thì vưỡn”, điềm đạm mà nói, tôi cũng cân được tất! Cứ việc xả láng mà cười.
Mải liệt kê hai thứ thi họa, xuýt nữa quên mất các khoản khác: Này là bài viết, kia là truyện ngắn, kia nữa lại là tản văn ... rồi văn học sử, tin văn, tin thời sự, rồi lý luận, tranh luận ... thôi, tạm thế, không nhớ hết được. Điều quan trọng hơn cả là qua tất cả các thứ đó, bạn đọc luôn cảm thấy hơi thở và nhịp đập của cuộc sống với đủ niềm vui, nỗi buồn của nó. Điều vui mừng là cỗ xe trannhuong.com đã tạo ra được những tác động tích cực đối với nhưng nhà quản trị xã hội. Những tác động tích cực này như những liều thuốc Nam, khó thấy hiệu quả nhưng tác dụng lại bền lâu; cũng có cái thấy được ngay bằng trực giác, trực thính; thật chẳng kém gì thuốc tây tốc trị.
Có những người hát chuyên nghiệp, kỹ thuật, kỹ năng âm nhạc không chê vào đâu được, vậy mà chẳng gây được ấn tượng gì ở người nghe. Lại có những người hát, tuy giọng kém, thậm chí còn lệch lạc cả về nhạc, thế mà nghe vẫn thích, vẫn đọng lại một điều gì đó trong người nghe. Tại sao vậy? Do tâm nhạc chăng? – Có thể, người ta yêu mến trannhuong.com một phần cũng bởi trên đó có cả những bài viết vẫn còn thô vụng nhưng lại hàm chứa nhiều tình người?
Mà cũng khác người: Bỏ tiền ra xắm xe, bỏ công sức ra để bảo dưỡng bảo trì, nâng cấp kỹ thuật và vận hành cỗ xe đó mà cho mình thì ít, cho thiên hạ thì nhiều. Cỗ xe trannhuong.com luôn mở rộng cửa chào đón tất cả những người say mê sự thênh thang của tuyến tâm đường. Những người đi nhờ xe này có nhiều cung bậc. Có loại đã quen với tốc độ; có loại chưa từng đi, nay khao khát được đi nhưng chưa đủ kỹ năng thích ứng, sợ say, sợ ổ gà sóc nẩy ... Ông chủ vẫn rộng lòng, khà khà đón tất; thậm chí còn bảo ban, nâng đỡ, khuyến khích để không ít trong số do dự đó thực sự thích ứng và tiến bộ. Cỗ xe càng đi càng lớn. Con đường nó đi cũng trở nên ngày càng lớn hơn. Lắm lúc lúng túng, tôi đã phải tự hỏi: Con đường lớn dần lên là do những cỗ xe chạy trên đó càng đi càng lớn, hay bởi vì những cỗ xe càng đi càng lớn mà con đường buộc phải trở nên lớn hơn?
*
Cỗ xe trannhuong.com không đánh bóng mà vẫn lấp lánh, không châm lửa mà vẫn tỏa sáng, không đại ngôn mà khiến bạn đọc không thể không suy nghĩ, không nói lời có cánh mà khiến người đọc và những ai đó luôn phải tự soi lại mình. Nhân dịp trannhuong.com đạt mốc Mười một triệu lượt người truy cập, người viết bài này xin được hớn hở chia vui và xin được gửi tới Nhà văn Trần Nhương lòng tri ân cùng những lời cầu chúc tốt đẹp nhất.
NLT – 01/07/2012