Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Vài suy nhẫm nhân mẫu tượng đài Thánh Gióng bị phá hủy

Trịnh Anh Đạt
Thứ hai ngày 2 tháng 7 năm 2012 2:46 PM
 
   Bee.net.vn. đưa tin (30/ 03/ 2012): Mẫu tượng đài Thánh Gióng bị phá hủy
(Kienthuc.net.vn) ngày 29/ 03, họa sĩ Nguyễn Kim Xuân, tác giả thiết kế tượng đài Thánh Gióng đã có đơn kiến nghị gửi UBND thành phố Hà Nội, đề nghị làm rõ việc mẫu gốc tượng đài Thánh Gióng, tại xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn, đã bị một nhóm người phá hủy.
    Theo họa sĩ Kim Xuân đây là mẫu tượng gốc làm bằng chất liệu thạch cao mà tác giả đã dày công sáng tạo trong vòng 6 năm (2003- 2009) đã được hội đồng nghệ thuật quốc gia chọn để phóng thành tượng Thánh Gióng hoành tráng ngự trên đỉnh núi Sóc Sơn.
      Ông chia sẻ:-“ Từ những ý kiến đóng góp quý báu của nhiều người, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, tôi đã chỉnh sửa đôi chút để mẫu tượng đài hoàn hảo hơn như trên đỉnh núi Sóc hiện nay”
          Tác giả bài viết được biết, từ khi thành phố Hà Nội khởi xướng ý tưởng dựng tượng đài Thánh Gióng trên núi Sóc (Nhân đại lễ nghìn năm Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội) đã thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước lẫn Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài, từ việc tổ chức các cuộc thi sáng tác mẫu tượng, đến việc các hội đồng thẩm định thành phố đến trung ương.tham kiến, tư vấn... Góp ý chi tiết từ “bờm ngựa” đến “cơ bắp ngựa”  (Hanoimoi online 8/ 4/ 2012) của lãnh đạo thành phố; và có một thời gian dài trưng bày mẫu tượng tại đền Phúc Khánh Hà Nội, nhằm lấy ý kiến các phật tử. Việc đầu tư rất nhiều công sức và tiền của ấy, liệu có đáp ứng kỳ vọng mẫu tượng Thánh Gióng trong trí tưởng tưởng của mỗi con dân đất Việt? 
     Dân số nước ta có khoảng 87 triệu người, cộng với khoảng 3 triệu người Việt ở nước ngoài ~ 90 triệu người, thì cũng có bấy nhiêu hình tượng Thánh Gióng, ngựa Gióng trong đầu của mỗi người.
      Hồi nhỏ, nghe mẹ kể chuyện Thánh Gióng, trong trí tưởng tưởng của tôi con ngựa của Thánh, là một cỗ máy vô cùng tối tân hiện đại, được dấu trong vỏ bọc là mô hình con ngựa. (Nó giống cỗ xe vận tải quân lương bằng gỗ của  Khổng Minh trong truyện “Tam quốc chí” mà hình thức bên ngoài là con trâu gỗ) Ngựa của Thánh chuyển động bằng động học, cơ học,  các bộ phận bên ngoài  được liên kết bằng đinh tán rive chứ chẳng có lông lá,
 
hay cơ bắp nào cả... Trong bụng ngựa chứa đầy chất gây cháy bằng nhựa thông, nhựa trám? Ngựa không điều khiển bằng dây cương mà bằng hệ
thống cần gạt,  nút bấm(Giống với bảng điều khiển trên tàu vũ trụ của các phi hành gia ngày nay) Cần ngựa khạc lửa thiêu sống bọn giặc Ân, chỉ bấm nút là: OK! Khi giặc tan. Ấn nút! Thế là buồng động lực phía sau phun lửa tạo ra lực đẩy đưa người, ngựa về trời...
       Thực ra không phải chờ đến cuộc thi được thành phố Hà Nội phát động, các họa sĩ, nhà điêu khắc, mới vẽ và đắp tượng Thánh Gióng. Hầu như nhà điêu khắc già hay trẻ, họa sĩ gái hay trai, nghiệp dư hay chuyên nghiệp, bằng nhỏ hay bằng to, bằng thật hay bằng rởm... Thánh Gióng là đề tài được họ quan tâm và thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau. Nhưng nhìn vào tác phẩm của họ thì không nhịn được cười. Đặc biệt là hình tượng Thánh Gióng cầm cây tre đằng ngà. Mô tuýp Thánh Gióng cầm trong tay cây tre đằng ngà đều hao hao giống nhau, kiểu như “Con kiến càng, tha sợi rơm vàng”.  Tư duy ấy còn được thể hiện trên “Con đường gốm sứ” giữa thủ đô nữa!
      Trong truyện, khi đánh giặc Ân, gậy sắt gãy, Thánh Gióng phải nhổ cả bụi tre đằng ngà thay gậy sắt truy quét giặc. Việc Thánh Gióng nhổ bụi tre còn nguyên cả gốc rễ là hợp lẽ, và hợp với tỷ lệ hình họa,  chứ không phải chỉ có một khúc tre hay một cây tre theo kiểu “Con kiến càng, tha sợi rơm vàng”. 
         Trên đường truy quét giặc, vó ngựa Gióng đã tạo nên những chiếc ao, mỗi bên vó ngựa sắt cũng phải đạp lên xác vài chục tên giặc. Theo tỷ lệ này ngựa sắt cao lớn bằng căn nhà xây 8, 9 tầng, và để cưỡi được ngựa sắt này Gióng cũng phải to lớn theo. Rõ ràng chiều cao của bụi tre đằng ngà chỉ đến tầm ngang ngực Thánh Gióng là cùng. Cho nên việc nhổ cả bụi tre đối với Gióng, đơn giản như người nông dân nhổ lên khóm mạ, và Gióng tay cầm cả bụi tre còn nguyên gốc, rễ, cúi xuống đập lên đám giặc như ta đập gián, đập ruồi...Cả bụi tre nằm gọn trong tay Gióng là vật so sánh quan trọng nhất để Gióng trở thành Thánh, thành người khổng lồ đúng với truyền thuyết.
     Nếu trong tay Thánh Gióng có mỗi một khúc tre vát nhọn (như bức tượng đặt trên núi Sóc Sơn hiện nay) thì chỉ như một người trần mắt thịt cưỡi ngựa tay cầm đoạn tre được phóng to mà thôi (Chẳng khác nào anh du kích Nam Bộ cầm cây gậy tầm vông của thế kỷ trước!) Thứ nữa, vóc dáng, gương mặt Gióng thánh thiện quá, thư sinh quá, không có dáng vẻ là một chàng trai vừa lăn lộn trong trận mạc đầy cam go, lửa khói. Phải chăng tác giả chưa khai thác đến cùng các hình ảnh đã và đang diễn ra xung quanh sự kiện này. Theo chúng tôi, để có sức thuyết phục và gây được ấn tượng, cần thay một khúc
 
 
tre vát nhọn, bằng một bụi tre nguyên gốc, rễ trong tay Gióng, và trên mái tóc, gương măt, cơ thể Gióng còn vương những lá tre lẫn khói bụi...
     Ý kiến nhỏ này nhằm vớt vát cái việc đã rồi với một lối tư duy thiếu sáng tạo, hay nói cách khác là  “Tư duy có định hướng”, “Tư duy theo chỉ đạo”(?)
   Lại nữa đề tài khắc họa là thời điểm Thánh Gióng cùng ngựa thăng về trời; để “thăng” được theo nguyên lý khí động học, đầu ngựa, chân trước, chân sau, đuôi ngựa, phải tạo thành một đường thẳng gần truyệt đối với thân ngựa (duỗi thẳng) Còn người cưỡi trên mình ngựa cũng phải trong tư thế nằm rạp trên mình ngựa, gần như tạo nên một khối liên kết vững chắc... Khối tượng hiện nay: Đầu ngựa co, chân ngựa coắp, cùng dáng người cưỡi,  là tư thế của ngựa phi nước đại!
     Lao động sáng tạo là một thứ lao động đặc biệt: Lao động độc lập!  người nghệ sĩ một khi bị tước bỏ cái quyền tư duy sáng tạo độc lập, sẽ phụ thuộc vào định hướng của nhà đầu tư, phụ thuộc vào cái gọi là ý kiến đóng góp của giới lãnh đạo. Mà họ là những người rất lơ mơ về chuyên môn (Nếu như không muốn nói là mù tịt)  nhưng lại có quyền sinh, quyền sát, và người nghệ sĩ cũng vì miếng cơm manh áo, phải nghe theo lời “phán chỉ” ấy. dẫn tới phá hỏng công trình nghệ thuật. Mà cũng lạ, từ xưa tới nay, người nghệ sĩ, lẫn người dân  xứ ta có thói quen đón nhận những lời giáo huấn của giới lãnh đạo chẳng khác gì “Thánh chỉ” của vua chúa thời phong kiến. Người nghệ sĩ,  chỉ biết “Tuân chỉ”, nhưng trong dạ thì không tâm phục, khẩu phục!
      
    Tôi có anh bạn đồng hương là họa sĩ ở một tỉnh lẻ, được giao nhiệm vụ vẽ  tấm áp phích lớn chào mừng ngày phụ nữ quốc tế. Anh thể hiện nhân vật là năm gương mặt phụ nữ, năm màu da, đại diện cho phụ nữ năm châu, tay ôm hoa, miệng cười tươi roi rói, ánh mắt rạng ngời, trên nền phông pháo hoa rực rỡ khoe sắc, phô màu...Anh rất hài lòng với tác phẩm của mình. Hại thay, buổi sáng treo lên thì đến trưa có lệnh của lãnh đạo tỉnh phải hạ xuống. Gia đình anh cũng có năm người toàn đàn bà con gái: Vợ anh và bốn cô con gái ! Giữa ngày 8/ 3, mà không khí trong nhà như có đám!... Nghẹn ngào và uất ức, anh lặng lẽ làm cuộc điều tra nguyên nhân của cơ sự ấy. Té ra tội lỗi tại cái nền pháo hoa rực rỡ phía sau năm cô gái. Đường bút rất “công” khi anh thể hiện đường bay lên của những chùm pháo sáng, và đường ngoằn ngèo của những quả pháo hoa nở bung, đã hóa thành “những con tinh trùng” trong mắt các nhà tuyên giáo truyền sang suy luận của vị quan đầu tỉnh nọ!
        “-Vẽ phụ nữ trên nền “tinh trùng” thì rõ ràng là dâm ô, vô lại rồi, còn ta thán gì nữa” Tôi trêu bạn như vậy, rồi hai thằng chỉ biết cả cười, chào thua!
 
                                                           *
                                                       *       *
      Cũng có ý kiến đã được đề xuất, chúng ta có thể dựng một quần thể tượng đài trên đỉnh núi Sóc Sơn đồ sộ, hoành tráng gấp nhiều lần khối tượng hiện tại, mà không tốn kém tiền thuế của dân đến vậy. Nhưng  ý nghĩa quan trọng hơn là bảo toàn được “tượng đài” vị đức Thánh cùng ngựa Gióng đã ngự trong trí tưởng tượng của 90 triệu con dân đất Việt, từ ngàn xưa cho đến thời đại ngày nay. Hãy thay vào bức tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa, bằng hai vết lõm (to như cái ao) miêu tả hai vó sau ông ngựa sắt khi “thăng” đưa đức Thánh về trời. (Chất liệu có thể bằng đá hoa cương, đá granis, hoặc bê tông) Đây cũng là hình thức bảo tồn dấu chân (vó) ngựa sắt dọc hai bên vệ đường chinh chiến của đức Thánh, đang bị lấp dần ở một vùng quê trong làn sóng đô thị hóa. Làm được như vây, chúng ta đã kế thừa ý tưởng của tổ tiên người Việt một cách có hệ thống. Kết nối truyền thuyết với hiện tại.
      Hình ảnh khắc họa ấn tượng nhất trong truyền thuyết Thánh Gióng chính là những dấu chân.       
       Dấu chân đầu tiên xuất hiện trong truyền thuyết là một dấu chân người khổng lồ, vì tò mò, người phụ nữ luống tuổi đi rừng đã ướm chân thử, rồi thụ thai sinh con, chính là thân mẫu của Gióng. Khi nước nhà lâm nguy vì giặc ngoại xâm, xuất hiện dấu “chân” thứ hai, đây chính là những vó ngựa sắt nhấn lõm tạo thành ao dọc đường đánh đuổi giặc Ân, và dấu chân thứ ba xuất hiện ở thế kỷ XXI, bằng chất liệu hiện đại, ấy là dấu vó ngựa sắt để lại trên đỉnh núi Sóc khi ngựa đưa đức Thánh “thăng” về trời.  Tại sao không? Sẽ có người phản biện rằng: Nếu thực hiện phương án này thì biến đỉnh núi Sóc thành hai cái ao chứa nước mưa à? Vâng, hai cái ao chứa nước Trời! Nhưng theo quan niệm dân gian thì múc thứ nước Trời về, có thể chữa được bách bệnh đấy! Đọc đến đây,  rất có thể có người bữu môi mà rằng: “Chỉ được cái mê tín dị đoan”. Nhưng hãy khoan! Cái đáng phải bàn hơn là ở nước ta từ ngày khai sinh ra nền “dân chủ, cộng hòa” đã có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa tượng thờ với tượng đài!
       Tượng thờ được đặt trong nhà có mái che mưa, nắng, có bát hương đặt dưới bệ thờ. Còn tượng đài là loại tượng dựng ở ngoài trời không có mái che, chất liệu làm tượng là loại vật liệu chịu được sự phong hóa của thiên nhiên... Tượng đài xuất hiện sớm nhất ở nước ta, có lẽ là bức tượng “Bà đầm xòe” (Tượng nữ thần tự do) được chính phủ Pháp đem sang xứ ta từ những năm 1887...
 

Rõ ràng tượng đài là loại hình nghệ thuật nhập ngoại nhưng  khivào nước ta đã bị biến tướng: Tượng đài nào dựng lên cũng được đặt một bát nhang, hay lư hương to tướng dưới chân. Chẳng khác gì một số ngôi đền, chùa có đắp bức phù điêu ông ác ông thiện đứng canh, bị những người làm dịch vụ tín ngưỡng sửa sang, tô son trát phấn lòe loẹt, rồi cho đeo cái biển một bên là quan văn, một bên là quan võ rồi đặt uỵch cái hòm công đức phía dưới.
       
        Tôi từng nghe lời ta thán của một vị giám đốc làm trong ngành du lịch rằng-“: Khổ nhất là dẫn các đoàn du khách trong nước hay nước ngoài đến thăm các khu di tích có tượng đài. Khi chụp ảnh các vị trưởng đoàn dâng hương, hành lễ, chỉ đặc tả được nửa người đang vái lạy cái đầu gối pho tượng, khá lắm thì cũng lấy được đến thắt lưng tượng là cùng...Không biết đem những bức ảnh ấy về, họ giải thích thế nào với người thân... Những ngày nắng ráo còn đỡ, gặp phải ngày mưa, thì thôi rồi, bát nhang không được che đậy, nước mưa xối xả, tàn nhang trong bát tràn cả ra ngoài, trông ô uế không chịu được!”
       
     Trên đây là một vài suy ngẫm của một người “ngoại đạo”; tôi không phải là họa sĩ, cũng chẳng phải nhà điêu khắc, tạc tượng. Tôi có nhà, nhưng chẳng làm “nhà” nào cả; chỉ đơn thuần đưa ra quan điểm riêng của mình, để mọi người tham khảo và có một góc nhìn khoáng đạt hơn về việc chọn phương án cũng như việc xây dựng các tượng đài ở nước ta hiện nay. Hãy thấm thía lời nhắn gửi của tiền nhân:
 “- Mồ mả của ông cha an táng không đúng chỗ, đến đời con cháu, chúng  cũng đào lên!” 
TAĐ