Dân còn sung sướng ở chỗ suốt đời là Dân. Khi còn trẻ là Dân, về già vẫn là Dân, đến lúc chết vẫn là Dân. Hiện tại là Dân, quá khứ cũng là Dân. Cho nên không bao giờ phải dùng kèm chữ NGUYÊN hay CỰU đằng trước chữ Dân. Thế là cuộc đời luôn thảnh thơi. Điều ấy thì Quan không thể có!
Học làm Quan khó. Học làm Dân khó hơn. Không tin điều đó, chỉ có người sinh ra chưa hề làm Dân – Họ là những con Vua, con Chúa, con Quan, từ tấm bé chỉ biết sống trong môi trường Vua – Quan.
LÀM DÂN khó, vì đấy là tầng lớp có đẳng cấp thấp nhất trong xã hội – một tầng lớp bị cai trị chứ không cai trị ai; một tầng lớp chỉ biết chấp hành và đề đạt nguyện vọng, chứ không bao giờ được ra lệnh. Nguyện vọng cũng không mấy khi được đề đạt trực tiếp mà thường phải thông qua người đại diện (Đại biểu Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân). Thông qua “người đại diện” cũng không phải chuyện dễ, mặc dù người đó do chính họ lựa chọn bầu lên – bởi họ chỉ có thực quyền với “người đại diện” trong mỗi lần duy nhất là khi cầm lá phiếu bầu, bỏ vào thùng phiếu, còn sau đó, ngay cả chuyện muốn được dự các cuộc “tiếp xúc cử tri” của “người đại diện” ấy cũng đâu có dễ? Vậy cho nên thi thoảng lại có chuyện “Dân phải đội đơn” kêu cầu, đội đơn dâng lên chính người trước kia họ tin tưởng bỏ phiếu bầu làm đại diện quyền lợi cho mình!
LÀM DÂN khó, vì đấy là tầng lớp có thu nhập thấp nhất nhưng lại là lực lượng chủ yếu sản xuất ra của cải vật chất cho xả hội, từ hạt thóc, củ khoai, mớ rau… đến những đồ dùng thường nhật và công cụ sản xuất trong mọi lĩnh vực – mặc dù Quan từng nói “Khổ trước Dân và sướng sau Dân”, nhưng thực tế chưa mấy khi Dân được “sướng trước Quan và khổ sau Quan” cả, kể cả trong mơ!
LÀM DÂN khó, vì DÂN LÀ GỐC, mà đã là “gốc” thì, lao động âm thầm hút chất dinh dưỡng từ trong lòng đất lên nuôi ngọn, là hoạt động đặc trưng chứ không phải hưởng thụ. Lao động là hành vi hoàn toàn mang tính tự giác, tự nguyện đối với Dân. Lao động không ngơi nghỉ, không bó hẹp trong 8 giờ một ngày, không phân biệt đêm hay ngày, ngày thường hay ngày chủ nhật… Thời gian của Dân quy ra lượng mồ hôi, quy ra lực cơ bắp, quy ra đồng tiền họ nhận được để nuôi sống gia đình. Với Quan thì bất cứ thời gian nào cũng là “vàng ngọc” – vàng ngọc theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen!
LÀM DÂN khó, vì Dân mà sống lươn lẹo, trác táng… thì sẽ bi chính cộng đồng dân xa lánh, hắt hủi – kể cả khi anh ta trác táng bằng gia sản nhà anh ta. Còn nếu dân làm việc phi pháp sẽ bị quan cho đi tù, thậm chí tước mạng sống. Ngược lại, Quan thì không. Quan trác táng bằng “tiền chùa”, mà ít ai phê bình được Quan. Quan làm thất thoát công quỹ “tiền tấn”, nếu bị dân phanh phui, chỉ cần tuyên bố “rút kinh nghiệm sâu sắc” hoặc “nghiêm khắc kiểm điểm”, là xong… Dân ăn trộm một con chó, bị chính dân bao vậy đập chết. Quan tham ô bạc tỉ, chưa thấy quan nào phải treo cổ?
LÀM DÂN khó, nên con em Dân chỉ chăm chăm tìm cách thoát khỏi kiếp làm Dân để leo lên cuộc đời làm Quan – không hề có trường hợp ngược lai!
LÀM DÂN khó, nên nhiều Quan cứ phải lắng nghe dân, phải “ba cùng – cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để hiểu Dân, để điều chỉnh chính sách, công việc của mình. Đáng tiếc, cũng không có trường hợp ngược lại: Dân “ba cùng” với Quan!
LÀM DÂN khó, khó nhất là những ai đã nhiều năm làm Quan, nay hết thời, trở về làm Dân. Khó đến mức nhiều Quan, nghỉ hưu lâu rồi, vẫn không sao hòa nhập được vào cuộc sống người Dân, không nói được tiếng nói của Dân, không nghĩ được điều Dân suy nghĩ; không sống đúng cuộc sống của người đã nghỉ hưu, vẫn sống như kẻ mộng du trong cái thời đương chức đầy vàng son, vẫn sống xa hoa trong các “tháp ngà” cách bức với dân; vẫn hàng ngày mơ màng nhấm nháp cái vị vinh quang ngọt ngào của một thời đã qua.
Nói thế không có ý phủ nhận thực trạng vẫn có những “Quan”, khi đang chức vì lý do này lý do khác, đã không thấy, không hiểu cuộc sống, suy nghĩ, nguyện vọng của Dân; nhưng khi về hưu tỉnh ngộ ra, nhận thức ra. Dẫn đến tình trạng, khi đang chức không nói, hoặc nói khác, nhưng khi về hưu lại nói hoặc nói hoàn toàn ngược lại. Sự thay đổi cách nói này không đáng trách, không nên trách, trừ phi sự thay đổi đó không do thay đổi nhận thức, mà do lối sống cơ hội – Loại người này chỉ bắt chước tiếng nói của dân.
Họ bắt chước tiếng nói của dân chỉ để tiếp tục lợi dụng dân, chỉ vì quyền lợi bản thân họ!
Nhưng, suy cho cùng, Dân cũng có cái sung sướng của Dân. Ví như về chuyện chơi bời, thăm viếng nhau, hoàn toàn tự do, muốn đi lúc nào thì đi, muốn tụ bạ lúc nào thì tụ bạ. Rượu vào rồi thì cái gan to bằng cái trống cái treo đình làng, ăn nói văng mạng… đến Quan đôi khi cũng ngại. Quan thì không, bởi vì Quan vướng chuyện “bề trên trông xuống, người ta trông vào”!
Dân còn sung sướng ở chỗ suốt đời là Dân. Khi còn trẻ là Dân, về già vẫn là Dân, đến lúc chết vẫn là Dân. Hiện tại là Dân, quá khứ cũng là Dân. Cho nên không bao giờ phải dùng kèm chữ NGUYÊN hay CỰU đằng trước chữ Dân. Thế là cuộc đời luôn thảnh thơi. Điều ấy thì Quan không thể có!
Chả thế mà nhà thơ Nguyên Long đã phải thốt lên “VÔ TƯ MẤY KIẾP MỚI THÀNH THƯỜNG DÂN”!