Ông bố dắt đứa con tuổi tiểu học vào một trung tâm văn hóa xem triển lãm tranh tượng của những nhà điêu khắc và họa sĩ tài danh. Lần đầu tiên trong đời đứa trẻ được nhìn thấy những tác phẩm nghệ thuật độc đáo lạ mắt cứ luôn mồm đòi bố giải thích. Nhìn bức tranh có những hình khối đồ sộ như những quả núi, đứa con rất ngỡ ngàng. Người bố phân giải :
- Đó là các Kim Tự Tháp. Những tháp Kê-ốp, một trong những công trình vĩ đại thuộc nền văn minh cổ đại, biểu trưng văn hóa độc đáo của đất nước Ai Cập.
Trước bức tượng một nhà hiền triết có đôi mắt sáng dường như nhìn xuyên suốt mấy chục thế kỉ, tay cầm cuốn sách dày hàng gang tay, ông bố liền giải thích:
- Đây là đức Khổng Tử, một nhà triết học cổ điển, một nhà giáo lỗi lạc ở Trung Quốc thời Xuân Thu. Ông sinh 551 mất năm 497 trước công nguyên. Ông đã soạn thảo ra Ngũ kinh, một bộ sách giáo khoa trứ danh mà cho đến nay, sau hơn hai nghìn năm, Kinh Dịch vẫn được coi là sách kinh điển vạch ra hướng nghiên cứu cho rất nhiều ngành khoa học hiện đại.
Với bức tượng người khổng lồ đầu đội mũ cánh chuồn, quan chẳng ra quan, hề chẳng ra hề, cái mồm toang ngoác, cái lưỡi không xương thè dài ngoẵng uốn éo trăm đường, đôi mắt lấc láo gian giảo, tay phải cầm tờ giấy một mặt là bằng khen, một mặt vẽ hình cái phong bì, còn tay trái xách cái rọ lợn…thì người bố chẳng rõ là ai liền hỏi người bên cạnh. Những người xung quanh cũng xúm lại xem. Người bảo đây là kẻ chuyên chạy chọt, gian lận, hám danh, giả tạo thành tích. Người cho rằng hắn là đứa ăn không nói có, nói một đằng, làm một nẻo, làm thì láo mà báo cáo rất hay. Kẻ thì cho rằng đây là đứa lừa đảo, tráo trở, lá mặt lá trái, sẵn sàng lừa người hiền lành tử tế vào rọ rồi đem trênh sông. Chín người mười ý, cứ nháo hết cả lên, rất mất trật tự, khiến người trông coi phòng triển lãm phải giải thích
- Theo tôi, đây là Chú Cuội hiện đại, một biểu trưng của văn hóa đậm đà bản sắc nói dối và gian lận.
V Q T