Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn như thế nào?

Vân Long
Thứ bẩy ngày 19 tháng 5 năm 2012 9:32 PM

TNc: Nhà thơ Vân Long nguyên là diễn viên vĩ cầm của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ông đã được chứng kiến giay phút Bác Hồ cầm đũa chỉ huy dàn nhạc - Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Bài viết dưới đây, tác giả kể về giây phút gặp gỡ thật đẹp ấy cùng một số hồi ức các cuộc tiếp xúc của Bác Hồ với các văn nghệ sĩ và trí thức.    
 
Một ấn tượng không bao giờ tôi quên được: lần đầu được gặp Bác Hồ ở khu vườn Bách Thảo trong đêm liên hoan chào mừng Đại hội Đảng lần thứ III, vào năm 1961.
 Năm đó, tôi vừa được tiếp nhận vào dàn nhạc Giao hưởng mới thành lập. Từ một người chơi vĩ cầm tự do, nay được trở thành diễn viên nhạc, được tiếp xúc, trình diễn những bản giao hưởng kinh điển của thế giới đã là một niềm vui lớn. Đêm ấy, Dàn nhạc được ưu tiên chọn trước một bãi cỏ rộng, đẹp, chung quanh là những cây cổ thụ lớn giăng mắc những chùm đèn màu, hình thành một sân khấu thiên nhiên lộng lẫy. Được chọn “sân khấu” trước không phải vì chúng tôi là đơn vị nghệ thuật trình diễn nhạc cổ điển mà hiện đại, có tới 120 diễn viên, lần đầu xuất hiện (nghe nói không chỉ ở VN, mà) ở khu vực Đông Nam Á, mà còn vì một dàn hợp xướng sinh viên thủ đô với 800 ca sĩ từ các trường Đại học được tuyển chọn để phối hợp với dàn nhạc.
 Khoảng 8 giờ tối, khi chúng tôi đang tập lại vài đọan nhạc cho thuần  tay, các bạn hợp xướng đang thử lại giọng thì đầu kia Bách Thảo nổi lên tiếng reo hò, rồi tiếng vỗ tay cứ từng đợt, từng đợt nổi dậy như sóng cồn. Dường như tiếng vỗ tay không tùy thuộc ở ý muốn người vỗ mà lên xuống theo từng nhịp thở hồi hộp của cả một rừng người…Chúng tôi vui mừng lộ ra nét mặt. Đúng là Bác Hồ đến!
 Tiếng vỗ tay cứ gần lại rồi lại loang xa, kéo dài giây phút hồi hộp của chúng tôi.
 Nhưng kìa! Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nhớ ra lúc đó tôi và các bạn có reo lên không, có vỗ tay không. Tâm trí tôi tập trung ở nơi Bác, con đường ven hồ nước đang hiện ra một cảnh tượng như huyền thoại. Từ vòm lá cây lấp lánh đủ màu, Bác Hồ mặc bộ bà ba lụa trắng, tay áo rộng phất phơ. Râu tóc Bác cũng bạc trắng. Phong thái ung dung của Bác thật hài hòa với quang cảnh lúc đó. Đằng sau Bác cách một quãng là các vị khách nước ngoài, tiếp sau là một đoàn người khá đông…
 Ông trưởng Đoàn và ban tổ chức thấy Bác và đoàn khách đông quá,   đang cuống lên, tìm ghế cho Bác và đoàn tùy tùng. Nhưng mọi xoay xoả đều bất lực. Hàng nhạc công chơi kèn ở rìa dàn nhạc thì có thể đứng khi hòa tấu, chứ khối đàn dây thì không thể! Còn gì là đội hình một dàn nhạc mang tính hàn lâm!
Mới chỉ kiếm được hơn chục chiếc ghế thì Bác đã nhanh nhẹn bước tới. Hình như việc giải quyết linh hoạt các khó khăn lớn nhỏ đã thành thói quen với Bác. Bác âu yếm mỉm cười giơ tay chào chúng tôi, rồi ngồi xệp ngay xuống bãi cỏ phía trước dàn nhạc. Các khách nước ngoài theo sau đều nhất loạt ngồi cả xuống cỏ. Ban tổ chức thở phào, chỉ còn biết dọn đi số ghế ít ỏi vô duyên.
 Ông Nguyễn Hữu Hiếu chỉ huy chúng tôi trình bày một ca khúc về Bác như lời chào mừng. Lần đầu chúng tôi được hoà tấu trong khối âm lượng lớn của 800 ca sĩ với dàn nhạc đầy đủ mọi nhạc cụ, nhưng hình như vẫn nghe  được cả tiếng tim đập trong lồng ngực mỗi người. Hồi đó chúng tôi còn trẻ lắm! Lòng yêu tin trong ngời!
Âm hưởng bài hợp ca chưa dứt thì Bác đã đứng lên, tiến về phía chúng tôi. Chúng tôi sung sướng chờ nghe tiếng nói hồn hậu của Bác mà hầu hết chỉ được nghe qua loa truyền thanh. Nhưng không! Bác không nói chuyện với chúng tôi mà đến gần bục chỉ huy rồi bước hẳn lên bục. Cái bục gỗ thô sơ ấy mà chưa bao giờ chúng tôi dám bước lên, bởi đấy là “ngôi vị” của người chỉ huy dàn nhạc với kiến thức tài năng bậc thày của chúng tôi.   
 Và trước nỗi ngạc nhiên, vui thích đến muốn reo lên của chúng tôi, Bác ung dung cầm lấy chiếc đũa chỉ huy từ tay ông Nguyễn Hữu Hiếu. Chúng tôi càng thích thú khi thấy các vị khách nước ngoài xôn xao kinh ngạc. Nhiều vị đứng lên, rồi tất cả đứng lên để nhìn cho rõ Bác hơn.
 Mọi người ngạc nhiên là phải, vì trong quá trình hoạt động của Bác,    mọi người chỉ biết Bác đã trải qua rất nhiều nghề, nhưng có ai nghe nói Bác chỉ huy dàn nhạc bao giờ đâu, mà đây lại là dàn nhạc giao hưởng hiện đại với cả khối hợp xướng ngót nghìn người.
 Bác thì vẫn điềm tĩnh, vui vẻ hỏi chúng tôi:
-- Các cháu hát được bài Kết đoàn chứ?
Không biết chúng tôi đã trả lời Bác hay mượn dịp này để reo hò cho hả nỗi vui đang chộn rộn trong lồng ngực, tình cảm của đàn con trước ông bố vui tính như không còn khoảng cách.
 Và chúng tôi đã đàn và hát bài Kết đoàn dưới sự chỉ huy của Bác.
Chưa có ai viết bè bối cho dàn giao hưởng về bài hát quần chúng này. Thì cứ đồng ca, đồng tấu…như niềm vui chẳng có cấp độ nào! 
Bác đứng trên bục cao, chúng tôi ngồi dưới nhìn lên. Hình Bác lồng    lộng in lên nền lá cây rực rỡ những chùm đèn. Tay áo lụa của Bác vung vào khoảng ánh sáng đó, hay chính từ Bác đã phát ra vầng sáng đó…
 Chúng tôi đang sống trong niềm vui nồng nhiệt được Bác Hồ bắt nhịp thì Bác đã vẫy ông Nguyễn Hữu Hiếu lại gần, trao lại đũa chỉ huy cho ông và đi vào cái vầng sáng mà từ đấy, Bác đã đi ra…
 Như nhiều cuộc tiếp xúc khác, bao giờ Bác Hồ cũng có cách rút lui gọn nhẹ để không vướng bận mọi người, mọi việc quanh Bác. Gần hết bài, khi thấy nhịp điệu giữa hát và nhạc đã bắt đầu chệch choạc, Bác mới vẫy tay gọi: “Chú Hiếu! Chú Hiếu!” và Bác trả lại đũa chỉ huy.
      Vậy là nhiệm vụ Bác giao chưa làm xong, bài hát đang hát dở,  chúng tôi dù muốn cũng không thể chạy à theo Bác, mà cứ “kết đoàn” cho  đến hết, trong khi Bác đã xuất hiện ở một khu vực khác.            
Sau đó là những lần tôi được “gặp” gián tiếp Bác,có nghĩa gặp qua lời kể,   bài viết của bạn văn, của các đàn anh.
Càng có tuổi, tôi càng xa dần khoái cảm về những lấp lánh ngoại hình thời trẻ, mà thấm thía nhiều hơn cách nói hóm hỉnh, có sự phát hiện và đúc kết, được khái quát từ những mâu thuẫn nho nhỏ trong đời sống thành những câu nói bất ngờ giản dị mà sâu sắc của Bác. Bác lại dùng chính những mâu thuẫn này để thuyết phục cán bộ: Đọc Thương nhớ vẫn còn của Phan Quang, biết được giờ phút vào nghề của nhà báo Quang Đạm trước khi thành nhà báo tên tuổi.  Bác Hồ hỏi “Trước đây chú làm gì? Có viết báo không?” “Thưa Bác, cháu chưa viết báo. Thời trước cháu làm hướng đạo sinh, thời kỳ ở Cục Thông tin Bộ Tổng tham mưu, cháu chuyên làm mật mã.” Bác Hồ bảo:
         --Trước chú làm mật mã tức là chú viết một cái gì mà ai không nắm được luật thì không hiểu được, không đọc được. Bây giờ làm báo Sự Thật thì chú phải làm ngược lại. Chú phải viết thế nào cho ai cũng hiểu được.        
 Hồi Hà Nội mới giải phóng, tôi tham gia phong trào diệt dốt ở Thủ đô, được ông Hồ Đắc Điềm phó Chủ tịch UBND Thành phố trao bằng khen. Ông nguyên là Tổng đốc, Tiến sĩ Luật thời Pháp. Được nghe nói cách Bác Hồ trao nhiệm vụ cho ông thế này:
-- Chú là Tiến sĩ Luật, chắc là nhiều chữ lắm?
Ông Điềm bị hỏi bất ngờ, lúng túng thưa:
-- Thưa Bác…cũng đủ dùng ạ!
-- Thế thì dân thiếu, chú phải chia cho dân.
Thế là chỉ sau một năm, ông Tiến sĩ Luật thời Tây đã chỉ đạo xoá được nạn mù     chữ  cho dân nghèo thủ đô Hà Nội!
 Còn một chuyện nữa của dòng họ Hồ Đắc cũng được truyền tụng lại.
Chả là hồi đầu kháng chiến chống Pháp, cố vấn Vĩnh Thụy (Bảo Đại) ở Hồng Kông đang bị giới chức Pháp dụ dỗ để thành lập chính phủ bù nhìn chống lại Kháng chiến. Cụ Hồ cử ông Hồ Đắc Liên, kỹ sư Mỏ Địa chất thời Pháp, vừa danh nghĩa đại diện chính phủ Cách mạng, vừa với tư cách cậu ruột Bảo Đại, sang Hồng Kông thuyết phục Bảo Đại giữ vững lập trường “ làm dân một nước Độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ” như ông ta từng tuyên bố. Ông Liên còn được mang theo một số vàng sang cấp cho Bảo Đại đang lâm vào cảnh khó khăn khi làm nhiệm vụ đại diện cho ta ở nước ngoài. Một số cán bộ của ta không tránh khỏi nghi ngại: “Thế là cụ Hồ thả hổ về rừng! Làm sao tin được ông Liên còn quay trở lại nơi núi rừng gian khổ này mà không bị Bảo Đại cùng phe cánh thân Pháp thuyết phục ở lại!” Thế mà mấy tháng sau, Hồ Đắc Liên vẫn tìm về An toàn khu Việt Bắc báo cáo tình hình với Bác Hồ. Câu nói của cụ Hồ khen ông Liên làm hởi dạ cả dòng họ Hồ Đắc (trong đó có Hồ Đắc Di, Hồ Đắc Điềm…và sau đó là Hồ Đắc Hoài, cháu ruột ông Liên, viện trưởng Viện Dầu Khí VN về sau) “Un vrai Hồ Đắc ne trahit pas!”  (Một người họ Hồ Đắc chân chính (đích thực) thì không phản bội!).
Với văn nghệ sĩ thế hệ chống Pháp thường có khá nhiều kỷ niệm quý giá khi được gần gũi cụ Hồ. Không chỉ nhiều câu nói hàm xúc,thông minh, sâu sắc có thể dẫn như trên mà cả những ý tưởng, việc làm hữu ích cho giới nghệ sĩ cũng luôn được Bác nêu ra, thực hiện. Ý tưởng bột phát tưởng như giản đơn, có khi lại thành sự kiện. Thí dụ câu chuyện họa sĩ Phan Kế An kể: hồi đầu kháng chiến chống Pháp, được phân công lên ATK Việt Bắc hàng tháng trời, sinh hoạt cùng với cơ quan đầu não của chính phủ, để nghiên cứu mọi thế, dáng, hình nét, phong cách của vị Chủ tịch nước, phác  họa, tốc họa nhiều bức, rồi thâm họa một số bức…Đến ngày cuối, họa sĩ xin phép được mang toàn bộ tác phẩm của mình đến để Bác xem và cho ý kiến.  Bác Hồ bảo: “Không! Ngày mai, chú phải cho treo tất cả lên tường phòng họp của cơ quan, mọi người cùng xem tranh với bác!”
Và thế là diễn ra Cuộc triển lãm tranh đầu tiên của thủ đô kháng chiến Việt Bắc do Chủ tịch nước tổ chức (chưa thấy ghi trong lịch sử hội họa VN). Chỉ một ý tưởng ấy đã bao hàm nhiều ý nghĩa: Việc Phan Kế An   vẽ Bác không còn là việc của một cá thể họa sĩ với nhân vật mẫu. Sự việc Bác đồng ý làm người mẫu cũng không phải là ý thích cá nhân. Vậy số tranh ấy vừa là sở hữu riêng của họa sĩ vừa là sở hữu tinh thần của Cách mạng, của cuộc kháng chiến nơi rừng núi này. Mọi người cùng có quyền thưởng thức và phê bình.

Vân Long
(nguồn: Lao động xã hội Chủ nhật ngày 20/5/2012)