Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hai tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ hai ngày 21 tháng 5 năm 2012 9:13 PM
 
1- TẢN MẠN QUANH CHỮ LỄ

           Từ ngày ta mở cửa hội nhập với thế giới, các cuộc viếng thăm giữa ta và các nước ngày càng tăng. Kể cả ta đi ra nước ngoài, cũng như khách nước ngoài đến nước ta.Là chủ nhà tiếp khách, ta đã rất chu đáo, trọng thị và mến khách. Song vẫn còn những chõ thiếu sót. Thiếu sót thứ nhất là: Trong lúc chào hỏi nhau, tay bắt mặt mừng, về phía khách, người ta đầu nghiêng mình cúi rất lịch sự lễ phép. Còn chủ nhà thì chỉ đứng chìa tay ra, thẳng đơ như tượng gỗ. Thậm chí có lúc, có vị còn ưỡn ngực, ngẩng cao đầu đầy vẻ kiêu hãnh nữa !Vì sao vậy ? Có phải vì nền văn hóa giao tiếp của ta không có tập quán nghiêng mình thi lễ chăng? Không, hoàn toàn không phải vậy. Mà từ xa xưa ta đá có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn” rồi. Nhân dân ta rất coi trọng chữ lễ. Bằng chứng là trước cửa Văn Miếu Quốc tử giám và rất nhiều đền chùa, miếu mạo khác, hiện vẫn còn những tấm bia đá khắc hai chữ “Hạ mã”. Đi qua cửa các nơi thờ tự tôn nghiêm (mặc dù là bên ngoài cổng) cũng phải xuống ngựa, xuông xe. Đi qua trước bàn thờ, trước bề trên như thây, cô giáo, ông bà, cha mẹ phải khép áo, cúi đầu…Cái lễ tiết ấy thật khiêm tốn, lịch lãm và đẹp đẽ. Cho dù nó có nguồn gốc từ chữ “Lễ” của Khổng giáo, thì cũng Việt hóa từ rât lâu rồi. Vả chăng, bản chất của cái chữ lễ ấy có phù hợp với thị hiếu, có đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của người Việt, thì mới Việt hóa được chứ.Triều Mãn Thanh Trung Quốc, có viên quan Phó Giám Viện Đô sát họ Tào, đã nói với nhà bác học Lê Quý Đôn, vị Phó sứ của nước Đại Việt rằng: ”Trung Hoa là nước lớn đứng giữa thiên hạ. Chung quanh là các nước nhỏ, như những cái cành của một cây đại thụ. Các ngài từ phương Nam sang đây hẳn cũng nghĩ rằng về chốn cội nguồn?. Và rằng: “Ngài nghĩ gì về việc phương Bắc phương Nam từ xưa cùng chung văn tự, chung một nền giáo hóa ?”. Và năm ngoái (2005) khi sang thăm nước ta, người đứng đầu nhà nước Trung Hoa cũng nói: “Trung Quốc và Việt Nam cùng có chung một nền văn hóa…”.Ô kìa, lạ nhỉ ! Một người cộng sản đứng đầu một nước Xã hội chủ nghĩa văn minh, và một viên quan lại phong kiến hủ lậu, họ sống cách xa nhau hàng trăm năm, mà sao suy nghĩ lại giống nhau đến thế? Chẳng lẽ họ không hiểu người Mỹ nói và viết bằng chữ Anh. Nhưng nước Mỹ vẫn là nước Mỹ, chứ có phải vì thế mà nước Mỹ chỉ là “cái cành” của “ cái gốc” là nước Anh đâu? Họ còn cố tình lờ đi không muốn thừa nhận răng, giữa các nền văn hóa bao giờ cũng có sự giao thoa với nhau. Và từ sự giao thoa đó, trên cơ sở chữ Hán, ông cha ta đã sáng tạo ra chữ nôm. Và “Bình Ngô Đại Cáo”, Nguyễn Trãi đã viết bằng chính thứ quốc ngữ đó.
Xin được trở lại với chữ “Lẽ” : Lễ phép là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa giao tiếp cổ truyền của nước ta. Vậy tại sao lễ nghi giao tiếp đương thời lại thô tháp như vậy? Có nhiều nguyên nhân. Một phần do hoàn cảnh lịch sử để lai. Những ngày đầu cách mạng tháng Tám, ta đã quan niệm một cách giản đơn, ấu trĩ rằng, cách mạng là bỏ cũ, thay mới. Chào nhau không cúi đàu nữa, mà thay bằng giơ nắm tay lên ngang thái dương. Bạn bè cùng trang lứa, không gọi nhau là anh là chị nữa, mà tất cả đều là “đồng chí”. Cho nên ta đã vội vàng bỏ cả cái tốt, cái quý không đáng bỏ. Sau ngày đổi mới, ta có sửa sai. Ngành giáo dục lại đề cao khẩu hiệu: “Tiên học lê, hậu học văn”. Nhưng “gạo đổ hót chảng đầy thưng”…
Một nguyên nhân nữa là khi mở cửa hội nhập, ta đã quá cảnh giác, sợ xa rời mất mục tiêu “Xã hội chủ nghĩa”, nên luôn luôn nêu cao quan điểm “Hòa nhập, không hòa tan”, “không tự đánh mất mình”. Cho nên khi giao tiếp với khách nước ngoài (nhất là với các nước tư bản), ta luôn luôn có tâm lý sợ “đánh mất mình”. Mà những cái cúi đầu, có thể sẽ bị coi là không đàng hoàng chững chạc, là khúm núm, thấp kém, mất thể diện quôc gia, mất lòng tự hào dân tộc. Nhưng có lẽ một lần nữa ta lại nhầm. Như người Nhật Bản đấy, khi giao tiếp họ cúi đầu rât thấp. Nhưng có ai dám bảo là họ thấp kém đâu?Thiếu sót thứ hai: Có lần tiếp nguyên thủ quốc gia một nước tư bản đến thăm nước ta. Vị khách ấy khen chủ nhà, từ một nước phải nhập khẩu lương thưc, nhưng do đổi mới nền kinh tế, giải tán Hợp tác xã nông nghiệp, nên đã trở thành một nước xuất khẩu lương thực thứ ba thế giới. Khách vừa dứt lòi thì vị chủ nhà liền phẩy tay lắc đầu bảo: “Không, không ! Chúng tôi không giải tán Hợp tác xã nông nghiệp…”.
Trên mặt trận quân sự, sách binh pháp đã chỉ ra răng: Biết địch là đã nắm chắc được một phần thắng lợi. Trên mắt trận ngoại giao cũng vậy. Trước khi đến thăm nước ta, vị khách ấy đã nghiên cứu rất kỹ về nước chủ nhà. Không chỉ đọc “Nhật ký trong tù”, mà khách còn đọc cả Truyện Kiều và Hồ Xuân Hương nữa kia.Khi người ta đã biết quá rõ về mình, mà mình lại không biết là người ta đã biết, thì mình là người thế nảo ?...
Vả chăng, khách đến nhà mình, người ta khen mình để làm thân, mà mình lại chối từ thiện chí của người ta, thì có phải tự mình đã làm tổn hại kêt quả của chuyến viếng thăm ? Chẳng những thế, cử chỉ ấy còn biểu hiện người tiếp khách khiếm nhã, không tế nhị, và không có đủ sự lịch  lãm trong nghi thức ngoại giao.Chẳng biết sau lần tiếp khách ấy, các vị chủ nhà có kiểm điểm rút kinh nghiệm không ?
 
2 - GIẤU NGHÈO

       Tối hôm qua, bản tin thời sự mười chín giờ của Đai truyên hình Việt Nam đưa tin: Một bộ phận không khí lạnh cực đoan, nhiều thập niên chưa từng xẩy ra đang tràn qua Châu Âu, khiến khí hậu nhiều nước, nhiều vùng thay đổi. Cả những vùng ôn đói nhiệt độ cũng xuống âm ba, bốn mươi. Thậm chí có nơi âm 48, 50 độ. Băng tuyết tràn ngập khắp nơi, khiến hàng nghìn người vô gia cư bị chết rét. Riêng ở Brút-xen, thủ đô nước Bỉ đã có hơn bẩy chục người chết. Một nửa trong số đó là người nhập cư bất hợp pháp, số còn lại là người bản địa .Các nước đã thành lập Đội cứu hộ khẩn cấp, đi tìm kiếm những người vô gia cư ẩn náu ở ngoài đường phố, đưa họ về nhà tránh rét, cấp thức ăn, nước nóng và quần áo ấm cho họ.Nhưng cũng có người thà chịu rét, ngủ trong hộp các-tông, chứ không chịu đi theo Đội cứu hộ. Vì họ xấu hổ. Họ không muốn nhận mình là người nghèo. Người Bỉ rất tự hào về đát nước giầu có của họ. Họ không muốn thừa nhận là nước Bỉ vẫn còn người nghèo.
Cũng như những người làm công ăn lương ở các nước phương Tây khác, họ rất sợ bị mất việc làm. Vì mất việc họ sẽ phải lĩnh lương thất nghiệp. Mặc dù số lương ấy vẫn bảo đảm mữc sống tối thiểu cho họ. Mỗi ngày họ vẫn có đủ ba bữa ăn, và bữa sáng điểm tâm vẫn có cà phê. Nhưng thất nghiệp họ sẽ bị coi là người nghèo. Mà ở nước họ thì nghèo cũng là một sự đáng xấu hổ, cũng có thể bị coi là “xấu”.
Rõ thật là trái khoáy, ngược đời!Không phải làm mà vẫn có ăn là sướng quá, chứ sao lại phải xấu hổ? Họ khác chúng ta như mưa với nắng, như nước với lửa, như đêm với ngày. Họ giấu nghèo. Còn ta thì giấu giầu chứ chẳng ai giấu khó. Vì sao vậy? Có lẽ vì một thời người giầu ở nước ta đã bị coi là “xấu”, là kẻ “áp bức bóc lột”. Ngày Cải cách ruộng đất, Địa chủ bị đấu tố (tức là tập trung dân làng ra sân đình, giải địa chủ đến để nông dân tố cáo tội lỗi của y), rồi bị tịch thu ruộng đất và nhà cửa. Thành phần tư sản được đối xử nhẹ tay hơn, không bị đấu tố, chỉ bị quốc hữu hoá tư liệu sản xuất. Tư sản nhỏ thì bắt buộc phải hợp doanh với Nhà nước (gọi là công tư hợp doanh). Rồi dần dần trở thành quốc doanh. Tài sản của tư nhân thành ra tài sản của Nhà nước.
Cho nên người dân ai cũng sợ mình bị coi là người giầu, sợ cả sự liên quan với người giầu. Sợ đến mức phải từ bỏ, cắt đứt quan hệ và xa lánh cả những người họ hàng ruột thịt, nếu họ là địa chủ hay tư sản. Vì họ đã trở thành đối tượng đấu tranh của cách mạng. Con cái của họ không được vào trường đại học, không được đi bộ đội hay vào làm ở các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước. Thậm chí con gái của nhà địa chủ và tư sản cũng không được lấy chồng là cán bộ, lả đảng viên. Vì sự kỷ thị đẳng cấp đó mà biết bao đôi trai gái đang yêu đã phải chia tay nhau!
Và cả bản thân người đang viết những dòng này cũng cỏ một cuộc tình oan trái như vậy. Mà nào nàng có phải là con nhà giầu có gì cho cam. Cha nàng chỉ là một ông lính “khố đỏ” bị bắt sang Tây, khi mãn hạn về nước có cái hàm là đội hay cai sếp gì đó, được bà con xóm phố gọi là “ông Quản”. Thế mà nàng cũng không được phép làm vợ một anh cán sự bậc hai của cơ quan Nhà nước. Vì gia đình thuộc “thành phần có quan hệ với đế quốc phong kiến!...Còn người nghèo? Có lẽ đây cũng là một quy luật tất yếu của đời sống con người. Có nhục tất phải có vinh. Người nghèo được lên ngôi “VÔ SẢN”, được tôn vinh là “giai cấp tiền phong lãnh đạo cách mạng”, được tuyển dụng vào các cơ quan, được kết nạp vào đảng, Ai kém văn hoá và thiếu chuyên môn thì được cử đi học các lớp chuyên tu hoặc tại chức. Khi trở về họ được đề bạt, cất nhắc lên các chức vụ lãnh đạo, thay thế những cán bộ cũ có trình độ, nhưng không phải là thành phần cơ bản. Ở cơ quan cũ của tôi đã có trường hợp một ông bần nông, trình độ đọc thông viết thạo, nguyên là chủ tịch Mặt trân Việt minh xã (đảng viên), khi xã bị Tây chiếm mất đất, ông vào cơ quan rồi được cất nhắc lên thay ông trưởng ty cũ có bằng tú tài tây!.Còn tất cả các thành phần khác, từ trí thức đến tiểu tư sản, thợ thủ công và dân tiểu thương đều bị xếp chung vào một loại là “phi vô sản”. Loại người này vẫn được sử dụng, nhưng không được tin cậy. Vì họ không có lập trường kiên định, tư tưởng bấp bênh, hay hoang mang dao động.
Nhưng cái thời ấy đã qua rồi!
Bây giờ ngoái nhìn trở lại, người ta gọi đó là thời “quan liêu bao cấp”. Hay còn gọi là thời “chế độ xin cho”. Cái gì cũng phải xin. Xin việc làm, xin vào Hợp tác xã, xin đất làm nhà, xin nhà ở, xin tem phiếu mua hàng…Vì tất cả mọi thứ đều do Nhà nước cấp cho.Đổi mới nền kinh tế “quan liêu bao cấp”, sang “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghiã”. Tất cả mọi người (kể cả đảng viên) đều được quyền sở hữu tài sản riêng. Và tất cả các thành phần kinh tế từ quốc doanh, liên doanh nhiều thành phần, đến tư nhân đều được quyền tồn tại. Dĩ nhiên thành phần kinh tế quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo. Người giầu không bị coi là “xấu”, là kẻ “áp bức bóc lột” nữa. Ngày xưa chủ xí nghiệp gọi là giai cấp “tư sản”. Khi bắt đầu xây dựng nền kinh tế mà bây giờ gọi là “quan liêu bao cấp”, thì giai cấp tư sản đã bị tiêu diệt. Nay lại được hồi sinh và đổi tên, gọi là “doanh nhân”. Và, vì không bị coi là “bóc lột” nữa, cho nên các công ty, xí nghiệp của họ càng thu hút được nhiều nhân công bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Địa chủ cũng được sống lại và được đổi tên thành “chủ trang trại”. Ruộng đát họ được phép thuê của Nhà nước, hoặc đấu thầu của nông dân để kinh doanh
Thế là hàng loạt doanh nhân và chủ trang trại mọc lên như nấm sau mưa. Nhiều người đã trở thành giầu có. Trong đó không ít các “đại gia” vốn là con cháu của các vị thời xưa chỉ nhờ có thành phần cơ bản mà trở thành quan chức có chức có quyền, họ đã giầu lên một cách quá nhanh chóng, khiến dư luận xôn xao bàn tán nghi ngờ?...
Còn người nghèo?Vì ta chỉ đổi mới kinh tế, chứ không đổi mới chính tri, cho nên về danh nghĩa vai trò và vị trí của người nghèo vẫn y nguyên như cũ. Giai cấp vô sản vẫn là đội quân tiền phong lãnh đạo cách mạng. Chỉ có điều hơi khác trước một chút là trong các cuộc họp hành, hội thảo, và trên các báo chí thông tin đại chúng, người ta chỉ nhắc đến vai trò quan trọng đó khi nào thật sự cần thiết.
Rồi để cải thiện đời sống cho người nghèo, Nhà nước đã lập quỹ xoá đói giảm nghèo. Ngân sách đã chi hàng nghìn tỉ đồng để giúp người nghèo thoát nghèo. Công tác này tiến hành rất thuận lơi, thu được nhiều kết quả khả quan, đã được bạn bè quốc tế công nhận Việt Nam là nước xoá đói giảm nghèo nhanh hơn một số nứơc trong khu vực.
Song lại chính vì cái quỹ có nhiều tỉ đồng đó mà trong bản “mục lục” động từ “chạy” dài dằng dặc của ngôn ngữ người Việt ta như: Chạy việc, chạy chức, chạy bằng, chạy dự án, chạy tội…Giờ đây lại thêm một danh xưng nữa là “chạy nghèo”!
Một số người không nghèo, thậm chí còn có thể gọi là giầu, nhưng còn muốn giầu hơn mà chẳng phải làm gì, nên họ đã bỏ tiền ra “chạy” để tên mình được ghi vào danh sách những người nghèo./.
TH Đ