Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lại chuyện “cậu lào mà lịnh ác thế”

Hồng Chu
Chủ nhật ngày 20 tháng 5 năm 2012 9:16 PM
 
 
Rảnh rỗi, được ông bạn VT cho đọc cuốn tạp chí Sông Lam (do Nguyễn Thị Phước làm TBT) số 110/2012. Đến bài bình thơ Phương Việt của nhà thơ Lê Quốc Hán và Bùi Thanh Tường thì muốn ói quá. Vì sao muốn ói mấy dòng sau bà con sẽ hiểu. Còn bây giờ xin  kể lại câu chuyện mà Lê Xuân Quang đã kể về “đa sỹ” Nguyễn Đình Thi, một người rất đáng kính. Thế mà vẫn bị những người cần lao rủa là nịnh đấy. Số là, Đại hội Hội nhà văn lần thứ 3 được nhóm họp năm 1983. Nguyễn Đình Thi, con người đa tài ấy lại được trên chỉ định làm Tổng thư ký. Hôm bế mạc đại hội, được cấp kinh phí để truyền hình trực tiếp. Nguyễn Đình Thi lên bục giõng dạc đọc diễn văn bế mạc đại hội, có đoạn: “Chúng ta là những nhà văn, nhưng là những hạt bụi lấp lánh của Đảng…”
Lúc này, ở chợ Bắc Qua, có một chị buôn gà từ Bắc Ninh sang, rãnh rỗi chị ta ghé qua cửa sổ một nhà giáo để xem ti vi. Nghe Nguyễn Đình Thi đọc đến đoạn này, chị buôn gà liền nổ: “Cậu đéo lào (nào) mà lịnh (nịnh) ác thế”.
Thế mới biết, nhân dân chả cần biết ông là ai, tài giỏi đến độ nào, nếu nghe giọng điệu “lịnh lọt” là nổ ngay.
Trở lại với Tạp chí Sông Lam và nhà thơ Lê Quốc Hán qua bài “Đọc thơ Phương Việt”. Mở đầu bài viết, ông Lê Quốc Hán viết: “Vài chục năm gần đây, trên thi đàn xứ Nghệ xuất hiện khá nhiều bài thơ, tập thơ khá hay của các cán bộ lãnh đạo, vì vậy khi nhận được tập thơ Ta vẫn là ta thôi của tác giả Phương Việt tôi không lấy làm ngạc nhiên”.
Vậy, Phương Việt là ai? Xin thưa, đó là bút danh của ông Trần Hồng Châu – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Nghệ An. Ông Châu có nổi hứng, in một tập thơ có tên như trên (NXB Văn học). Ông Lê Quốc Hán “mượn” tạp chí Sông Lam để bình về tập thơ này. Biết Phương Việt là ai rồi, chắc bà con cũng biết nhà thơ Lê Quốc Hán là người thế nào.
Tiếp đến là phần bình, mà nói cho chính xác là phần “lịnh lọt” của ông Hán. “Hình như anh làm thơ là để tự răn mình, biết yêu quý nâng niu những gì thuộc về mình và đã tạo ra mình” – ông Hán viết về ông Châu như thế. Khổ lắm, người không làm thơ, hoặc người viết vè cũng biết tự răn mình, cũng biết yêu quý nâng niu những gì thuộc về mình và đã sinh ra mình, đúng không, nhẩy. Người không biết yêu những gì thuộc về mình và đã sinh ra mình chỉ có hai thứ: Một là tâm thần, hai là bất hiếu. Mà có khi ông Hán nói bóng gió gì đây chăng, khi cho rằng: “Anh hằng tự hỏi, Ta là ai?”. Ô hay, thế  Phương Việt không biết ông ta là là ai à, mà phải hằng tự hỏi như vậy?
Cao trào của bài “lịnh lọt” này là lúc nhà thơ Lê Quốc Hán bốc ông Châu lên mây xanh, khi “hát” về bài Hồ và đập, mà theo ông là một bài thơ “hàm ngôn”: Thủa trước nơi đây chưa có hồ/ Hồ chỉ có khi xây xong con đập/ Hồ mênh mông, xanh ngắt/ Đập sừng sững uy nghi/ Rồi chim cá tìm về/ Rồi du khách tấp nập”.
Tôi rất ưng lời anh bạn tôi nói về lãnh đạo làm thơ, rằng: “họ làm thơ cũng như cái vươn vai, để sảng khoái hơn mà cống hiến. Nhưng làm cho vui, đọc khi rãnh rồi, xem chừng không ra thơ thì đừng in. Mà đã lỡ in rồi thì thôi đừng bình loạn gì nữa, ôi lắm. Tôi trách là trách cái thằng nịnh thối, bốc thơm”.
Tôi đồng tình với bạn tôi bằng những câu thơ nghe đâu là cũng của một vị lãnh đạo tỉnh:
Đà Nẵng thành phố trung ương/ Vinh là thành phố quê hương Bác Hồ/ Tôi đi công tác ghé vô/ Các bạn đóng tiếp rất chi ân tình/ Mời bạn có dịp về Vinh/ Ta sẽ thiết kế chương trình giao lưu”.
Hoặc là, có bác trên đường đi làm, thấy thành phố Vinh quê mình đổi mới, cao hứng: Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai/ Thể nào cũng có một vài ô tô…
Những câu vần vè ấy, các bác đọc cho nhau nghe, cùng lắm là sai văn thư đánh máy rồi potocopy hàng chục tập phát cho anh em đọc chơi. Và, “thơ” loại này chỉ được bình loạn bằng miệng, rồi cười cho sướng mà thôi, chẳng ai lên báo chí bình bầu gì cả.
Rồi, có lẽ là “tiên tri” cho nền văn học được đại, ông Lê Quốc Hán lại “hót”: “Ta vẫn là ta thôi là kết quả của những chiêm nghiệm của một người sống có trách nhiệm với mình và với đời. Thế thái nhân tình được đặt ra sau những con chữ ngắn gọn bằng một thủ pháp tuy không mới nhưng rất phù hợp với giọng thơ Phương Việt: Thủ pháp đối lập. Điều này khiến cho thơ Phương Việt kiệm lời…” Thủ pháp mà ông Hán cho là phù hợp ấy được chứng minh bằng những câu:
Còn mẹ ru em/ Đung đưa vành nôi với bài ca Trường Sơn
Hoặc: Phòng điều hòa/ Xe nôi Nhật/ Lời ca từ điện thoại 3G…
Kính thưa nhà thơ Lê Quốc Hán, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam! Đó là giọng thơ riêng ư? Thưa ông, tôi không phải là chị bán gà chợ Bắc Qua, nhưng khi nghe nhận định xanh rờn của ông, tôi lấy làm lo ngại cho tương lai của nền thi ca đương đại Việt Nam.
Và, đỉnh cao của sự “lịnh lọt” là Lê Quốc Hán “bố cáo” với thiên hạ rằng, “thi đàn xứ Nghệ có thêm một giọng thơ riêng, xa lạ mà gần gũi”.

 Hồng Chu
• Lý do vì sao Lê Quốc Hán “lịnh lọt” Phương Việt, chúng tôi sẽ giải đáp vào số sau.