Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"Dư âm" và nỗi lòng tác giả

Nhà văn: Đắc Trung
Thứ năm ngày 17 tháng 5 năm 2012 3:16 PM

        Quê gốc xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội; bố nổi tiếng là ca sĩ đồng quê có giọng ca vàng hát văn, hát chèo, ca trù rất giỏi và chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ cổ: đàn bầu, đàn tranh, đàn đáy, nhị, sáo trúc; nhưng sau đi làm thợ máy ngành hỏa xa nên Nguyễn Văn Tý được sinh ra ở Vinh, Nghệ An vào ngày 5 - 3 - 1925.
      Từ nhỏ Nguyễn Văn Tý được một giáo viên người Pháp dạy tân nhạc; khi tham gia hướng đạo sinh một cố đạo người Tây Ban Nha cho vào giàn nhạc nhà thờ hát Thánh ca; ở đấy còn được học nhạc lý cơ bản; rồi sau đó được nhạc sĩ Mạnh Hinh, người Hoa dạy chơi đàn Guitar Hawaii.
      Năm 1945 Nguyễn Văn Tý tham gia Việt Minh, làm trưởng Phòng Thông tin - Tuyên truyền huyện Thanh Chương. Năm 1949 vào bộ đội làm trưởng Đoàn Văn công Sư đoàn 304.
     Trước đó hai năm, bất hạnh giáng xuống, người vợ xinh đẹp mà Nguyễn Văn Tý vô cùng yêu thương đột ngột qua đời để lại cho ông một con gái bé bỏng. Ông gần như suy sụp. Rồi nỗi đau cũng nguôi ngoai dần. Năm 1950 người bạn cùng đơn vị cảm thương mai mối cho Nguyễn Văn Tý cô gái 22 tuổi con nhà khá giả quê Quỳnh Lưu, Nghệ An. Cô gái không xấu, sắc sảo, nhưng nói nhiều và rất vô duyên; chỉ tiếp xúc mấy lần anh chàng to cao đẹp trai và tài hoa Nguyễn Văn Tý đã thấy ngán!
     Nhưng rồi một hôm, khi đang trò chuyện thì bỗng cô em chừng 17 tuổi xuất hiện, lén đến sau lưng chị tỳ cằm vào thành ghế, đăm đắm nhìn Nguyễn Văn Tý bằng đôi mắt đen láy long lanh. Nguyễn Văn Tý ngây người bàng hoàng như bị hút hồn bởi đôi mắt biết nói ấy. Thấy vậy cô chị đuổi ngay em vào trong, nhưng ngọn lửa tình yêu rất mơ hồ mà vô cùng mãnh liệt đã đốt cháy trái tim Nguyễn Văn Tý. Rồi từ đó mọi sự quan tâm Nguyễn Văn Tý đều hướng về cô em. Cô tên là Hằng, có vẻ đẹp rất hồn nhiên nhưng vô cùng quyến rũ và cô Hằng cũng rất cảm mến chàng văn công đẹp trai này.
      Mọi việc tưởng suôn sẻ, thuận lợi, nhưng không. Bố mẹ cô gái chỉ có thể chấp nhận gả cô chị cho anh chàng vệ quốc đoàn nghèo rớt, còn cô em đã có nơi dạm hỏi. Đó là chàng trai người làng bên, con nhà giầu, vừa tốt nghiệp tú tài toàn phần tương lai đầy hứa hẹn. Họ bóng gió để Nguyễn Văn Tý biết điều đó và cấm vận thật khéo bằng cách mỗi lần Nguyễn Văn Tý đến chơi đều được ông bố tiếp bằng trà ngon, cốt giữ chân không cho gặp gỡ với cô gái. Dù họ đã rất tế nhị, nhưng Nguyễn Văn Tý vẫn cảm thấy gợn lên sự tổn thương lòng tự trọng.
      Lần ấy sau chuyến lưu diễn về, Nguyễn Văn Tý đến thăm và có ý định dù phải chịu đau khổ cũng sẽ chấm dứt mối tình vô vọng này. Đó là buổi tối đẹp trời. Nguyễn Văn Tý bị cột chặt bên bộ tràng kỷ bằng tre, thưởng thức trà ướp hoa nhài, miễn cưỡng hầu chuyện ông chủ ngoài hiên, dưới giàn hoa thiên lý. Biết không thể gặp gỡ, cô Hằng vừa gội đầu, tựa vai bên thành bể nước, tung làn tóc hong trước gió, rồi vào nhà mang cây đàn băng-giơ-lyn, xách chiếc ghế đẩu ra góc sân ngồi dạo một bản nhạc buồn. Không gian tràn ngập ánh trăng dội xuống suối tóc đen mượt đổ dài qua bờ vai tròn lẳn và đường cong thon thả tuyệt mỹ. Nguyễn Văn Tý như ngây dại, bàng hoàng ngắm vẻ đẹp kiều diễm của nàng như ngắm tượng Thần Vệ Nữ dưới trăng và bỗng dưng trong đầu chàng trai lãng mạn ấy dìu dặt đoạn ca từ Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn so muôn tiếng tơ... cùng với giai điệu trữ tình tha thiết. Nguyễn Văn Tý cáo từ ra về. Ngay đêm ấy, một mình với ngọn đèn dầu và cây guitar Nguyễn Văn Tý viết liền một mạch:
      Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn so muôn tiếng tơ/ Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ/ Mái tóc nhẹ rung/ Trăng vờn làn sóng/ Yêu ai em nắn cung đần đầy vơi đôi mắt xa vời/ Anh yêu tiếng hát em như lời nguyền đẹp bao giấc mơ/ Anh như lầu vắng/ Em như ánh trăng gieo muôn ý thơ/ Muốn nói cùng em/ Đôi lời trìu mến/ Tim anh băng giá đang ngại ngùng câu năm tháng mong chờ/ Hẹn em từ muôn kiếp trước/ Nhớ em mấy thuở bạc đầu/ Anh vẫn âu sầu vì đường tơ vương vấn/ Em để cung đàn/ Đưa anh về đâu/ Dư âm tiếng hát reo lên trong lòng thành bao nhớ nhung/ Đê mê lòng nhớ, đêm qua giấc mơ, môi em hé rung/ Anh muốn làm mây/ Nương nhờ làn gió/ Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên đàn và đặt tựa đề là Dư âm với hàm ý mọi mối tình trong sáng, cao đẹp đều để lại dư âm vĩnh cửu.
      Nguyễn Văn Tý rất tâm đắc với đứa con tinh thần của mình, nhưng biết rằng đề tài tình yêu đậm chất lãng mạn ủy mỵ này không thích hợp với không khí sục sôi chống Pháp nên ông chỉ cho mấy người bạn thân biết. Vậy mà không hiểu sao Dư âm được chuyền nhau và phổ biến rộng rãi rất nhanh, đến nỗi nó bị cấm trong vùng kháng chiến. Nhưng trong vùng địch tạm chiếm Dư âm được coi là bản tình ca tuyệt vời. Nhóm làm phim Kiếp hoa trong thành Hà Nội dùng Dư âm làm nhạc nền. Dư âm nổi tiếng và được truyền bá rộng rãi bao nhiêu thì số phận Nguyễn Văn Tý bất hạnh bấy nhiêu. Ông trở thành nạn nhân khốn khổ bị đem ra kiểm điểm, phê phán, lên án gay gắt trong những đợt chỉnh huấn, thậm chí có người quy kết ông là phản động. Danh dự và nhân cách bị xúc phạm và tổn thương nặng nề mà vẫn phải cắn răng chịu đựng.
      Năm 1957, nhóm Nhân văn giai phẩm hình thành, để tránh hệ lụy và bớt áp lực đồng thời tạo điều kiện để Nguyễn Văn Tý có vốn sống và cảm xúc sáng tác nhạc sĩ Lưu Hữu Phước khuyên ông chuyển ra ngoài quân đội đi nghiên cứu dân ca. Ông đồng ý. Đó là lời khuyên chân tình và quyết định sáng suốt. Sau này nhiều ca khúc của Nguyễn Văn Tý trở nên bất tử đều được sáng tác trên nền dân ca và âm nhạc truyền thống.
      Đặc biệt, nhờ những chuyến đi này mà tình cờ ông gặp lại người yêu trong mộng - nhân vật của Dư âm. Hôm ấy, đến Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), ghé thăm một đơn vị văn công quân đội, qua cổng bảo vệ đi vào, Nguyễn Văn Tý thấy một nữ quân nhân đi ra dáng rất đẹp. Tới gần, đối diện, cô gái nhìn lên. Nguyễn Văn Tý sửng sốt khi nhận ra đôi mắt biết nói năm nào đã làm ông say đắm. Cô gái cũng ngỡ ngàng khi nhận ra anh vệ quốc đoàn mà cô từng yêu vụng nhớ thầm. Cảm xúc rất khó tả tràn ngập trong lòng nhưng không hiểu sao cả hai chỉ chào hỏi, trao đổi vài ba câu rất xã giao rồi đi. Đó chính là cô Hằng. Thì ra Hằng nhập ngũ và được tuyển vào văn công đã mấy năm.
      Chỉ gặp nhau thoáng qua vậy thôi, cũng như trước đây tình yêu của họ rất mơ hồ huyền ảo như ánh trăng dội xuống làn tóc mượt vậy thôi, nhưng đã gây ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng Nguyễn Văn Tý. Ông luôn thầm cám ơn cô gái. Bởi nhờ cô ông mới có Dư âm. Dư âm đã đưa tên tuổi ông lừng lẫy. Dư âm bất tử trong dòng tình ca Việt Nam làm rung động hàng triệu con tim bao thế hệ.
      Để lại cho đời mối tình Dư âm, năm 1951, Nguyễn Văn Tý kết hôn với ca sĩ Bạch Lê (em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương) có vẻ đẹp đằm thắm, thanh cao, đôn hậu. Hòa bình lập lại họ về Hà Nội, sống rất hạnh phúc, ông đi nhiều, viết khỏe, nhiều ca khúc nổi tiếng ra đời. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, ông bà chuyển vào Sài Gòn công tác.
      Cuộc sống tưởng cứ êm ả trôi đi, nào ngờ cuối đời biết bao bất hạnh đổ xuống. Năm 2004 bà Bạch Lê qua đời, nỗi đau quá lớn. Tiếp đến hai lần tai biến mạch máu não khiến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý suy sụp hoàn toàn. Ông bị liệt nửa người phải thường xuyên dán mình trên chiếc giường cá nhân khung sắt hoặc xe lăn trong gian nhà hơn hai chục mét vuông, tường vôi tróc lở, chật chội, hầm hập hơi nóng của nắng hè Sài Gòn. Tài sản chẳng có gì đáng kể: vài chiếc ghế cũ kỹ, bộ ấm chén cọc cạch ố vàng, chiếc radio catset han rỉ, cây đàn ocgan bám bụi long phím... Nhiều năm rồi chân tay run ông không đàn được, không hát được, không viết được. Di chuyển trong nhà thôi phải vất vả tỳ trên hai chiếc nạng ba chân và phải có người dìu. Một cháu giúp việc rất kính trọng ông và được ông coi như con hàng ngày đến đỡ đần việc quét dọn, giặt giũ, cơm nước. Sắp bước sang tuổi 90 mà luôn sống trong nỗi cô đơn bao trùm. Ông nằm bất động, đôi mắt già nua đăm đắm nhìn lên ban thờ thầm thì tâm sự với di ảnh hai người vợ đã khuất. Ông rất muốn thắp cho họ nén hương để bớt phần lạnh lẽo mà cũng không làm được.
      Thỉnh thoảng có bạn hoặc những người ngưỡng mộ biết tìm đến thăm, ông mừng lắm. Được sẻ chia tâm sự ông thấy khỏe hẳn ra: Từ khi bà ấy mất, rồi bị liệt bác cô đơn và buồn lắm. Vợ chồng đứa ở Sài Gòn mỗi tháng đưa con đến thăm bác một lần. Đứa ở Hà Nội thì mấy năm mới vào được. Nhiều lúc mong gặp các con, các cháu lắm, nhưng bác biết chúng nó cũng bận bịu lại khó khăn đủ đường...Mỗi tháng bác được 3 triệu tiền lương hưu, nhưng phần lớn dành để mua thuốc trị bệnh. Bác phải uống nhiều thuốc mà toàn loại đắt tiền phải tự mua, thuốc được cấp dùng ít hiệu quả. Lâu lâu bác cũng được người ta đem đến trả cho một ít tiền bản quyền. Đó là những người tử tế nghĩ đến bác, chứ nhiều nơi họ sử dụng tác phẩm của bác, họ quên. Bác cũng chẳng trách họ. Bởi bác nghĩ rằng những bài hát của mình được người ta đem biểu diễn phục vụ cho nhân dân và bộ đội của mình nghe là rất vui rồi. Dù khó khăn thiếu thốn mà chẳng có cách nào kiếm ra tiền, bác cũng cố chịu...Đôi khi các cụ trong Hội người cao tuổi, mấy ông bạn tốt hoặc những người yêu mến bác tìm đến thăm, họ cảm thông tặng dăm ba trăm, có khi cả triệu, nhưng cũng chủ yếu dùng để mua thuốc chữa bệnh thôi.... Đó là những lời bộc bạch tâm sự rất chân tình mà người nhạc sĩ già khả kính Nguyễn Văn Tý, thần tượng của các thế hệ, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng, một trong số ít tên tuổi lớn có tầm ảnh hưởng sâu rộng của lịch sử âm nhạc nước nhà chia sẻ với mấy nhà báo trẻ bằng lòng ngưỡng mộ tìm đến thăm ông vào cuối năm 2011.
   
     Không biết trong chúng ta mỗi khi ngẫu hứng cất lên hoặc say sưa thưởng thức từng giai điệu, ca từ những nhạc phẩm tuyệt vời của Nguyễn Văn Tý: Dư âm, Mẹ thương con, Bài ca năm tấn, Em đi làm tín dụng, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Một khúc tâm tình của người Hà Tinh, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Dáng đứng Bến Tre... Nhất là những ca sĩ, các ông bầu mỗi xô diễn thu về nhiều triệu đồng có nghĩ tới nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã phải chịu biết bao đắng cay chua xót, phải đầu tư biết bao công sức trí tuệ để có những ca khúc bất hủ ấy và hiện ông đang phải sống cô đơn, bệnh tật, điều kiện vô cùng khó khăn thiếu thốn tại căn nhà nhỏ tồi tàn số 94/19 đường Trần Khát Chân, Quận 1 giữa Sài Gòn phồn hoa đô hội?

ĐẮC  TRUNG
ĐT:   0913236372 và 04.37220868