Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Vài cảm nghĩ về tập thơ "Đi tìm vàng" của Lê Tuấn Lộc

Nguyễn Anh Nông
Thứ tư ngày 16 tháng 5 năm 2012 10:23 PM
 
Bài tham luận của nhà thơ Nguyễn Anh Nông gửi giới thiệu trên trang Trannhuong.com
 
Tôi có hân hạnh được quen biết Lê Tuấn Lộc và thơ anh gần 40 năm. Đến nay, anh đã  cho xuất bản nhiều tập thơ (Hát lúc trăng lên, Đường xa, Dưới bóng đa Tân Trào, Thợ mỏ gặp nhau, Như thuở ban đầu, Thân phận, Người núi - người phố, Tôi người xứ Thanh, Không tin về Hà Nội mà coi, Mùa xuân đi viếng cảnh chùa).Tập thơ gần nhất của anh có tên:  ĐI TÌM VÀNG. Đây là một tập hợp khá ấn tượng, người đọc dễ liên tưởng tới công việc, nghề nghiệp mà anh gắn bó, say mê, cống hiến.
Cuối năm 1972, tại khu mỏ Crômit  Cổ Định, Triệu Sơn, Thanh Hóa xuất hiện một kỹ sư mỏ làm thơ. Thơ anh liên tiếp được in báo Thanh Hóa, tạp chí Văn nghệ Thanh Hóa (tạp chí Văn nghệ xứ Thanh ngày nay) và một số báo Trung ương. Cảm nhận về  thơ anh ngày ấy mộc mạc, hồn nhiên, trong trẻo và anh vẫn giữ được sức sống thơ mình bền bỉ, đồng thời những yếu tố thơ ban đầu đó đi suốt chặng thơ của mình. Những bài thơ như: Ca ba thợ mỏ, Đi trên đường ống, Nhớ mỏ, Biển nghiêng…được anh viết từ thời kỳ đầu làm thơ bộc lộ một cách cảm trực diện, gần gũi, nồng ấm và nhiều suy tưởng.
Mỗi người làm thơ đều có sở trường và sở đoản. Mỗi người biết khai thác vào cái vùng, khu vực mà “trời phú” cho anh ta, chỉ anh ta thôi, chứ không phải là người khác- thì may ra mới có được một cái gì đó của thơ ca.Và nếu anh đi “lạc đất” sang “lãnh địa” của người khác, rất dễ trắng tay? Lê Tuấn Lộc cũng không ngoại lệ. Theo tôi, đến tập thơ ĐI TÌM VÀNG này, anh đã tìm được cái tứ cho thơ mình trú ngụ. Gia tài thơ anh nhiều hay ít? qua thời gian , bạn đọc sẽ nhìn nhận, đánh giá đúng với những gì mà anh đóng góp, tôi tin điều đó.
Cũng từ những ngày ấy trên đất mỏ, với nhiều cảm tình với thơ anh, lại được anh động viên, chia sẻ và thú thực anh có một cách nhìn - như một dự báo về thơ tôi (Nguyễn Anh Nông) mặc dù ngày ấy đơn vị tôi có mang những bài thơ “cây nhà lá vườn”của tôi đi dự Hội diễn văn nghệ quần chúng của Mỏ Crômit và Lê Tuấn Lộc cũng có thơ dự trong các cuộc Hội diễn văn nghệ quần chúng của Mỏ, nhưng đến bây giờ những bài thơ của tôi viết từ ngày đó đã thất tán, tôi chẳng còn nhớ được câu nào; còn thơ Lê Tuấn Lộc viết từ cái ngày gian khó, chuân chuyên  đó thì tôi vẫn còn nhớ như in và nhiều bài thuộc lòng. Nói thế để biết, cái còn lại của thơ cũng là cái sự lạ lùng khó lý giải, nhưng có một thực tế, vùng đất mỏ và môi trường công nhân, người thợ đã cho anh nhiều những câu thơ hay, những bài thơ đọc lên thấy xúc động và chính môi trường đó đã làm nên một Lê Tuấn Lộc thơ. Môi trường, hoàn cảnh ấy như là cá nước, như mây gió quấn quyện, hòa đồng và anh là người có duyên nợ từ đó đến tận bây giờ.
Không biết nhà thơ Lê Tuấn Lộc còn nhớ không, nhưng tôi còn nhớ như in ngày tôi rời đất mỏ nhập ngũ-đi bộ đội- khi đó đất nước ta đang gồng mình lên để tăng Quân bảo vệ biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc- tháng 12 năm 1980, tôi chia tay đất mỏ Crômit lên đường nhập ngũ,  nhà thơ Lê Tuấn Lộc gặp tôi động viên: “Biết đâu môi trường người lính, chiến tranh, rừng núi… lại phù hợp với Nguyễn Anh Nông, chứ đứng gần những cây đa, cây đề rất dễ bị cớm nắng…” đại ý anh nói với tôi vậy, và tôi nhớ mãi điều anh nói.
Gắn bó với môi trường thợ mỏ -văn học công nhân và dân tộc thiểu số bền bỉ khoảng 40 năm nay, Lê Tuấn Lộc đã gặt hái được nhiều bài thơ mang hơi thở cuộc sống, núi non, công trường- của hoa thơm cỏ lạ và các sắc thái tình cảm của nhiều vùng đất. Từ đất mỏ ở Cổ Định, Triệu Sơn, Thanh Hóa, đến vùng núi Tuyên Quang; anh đi đó đi đây: ngang dọc Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Cạn, Nghệ An, Huế, Trung Quốc và các vùng đất khác, đi tới đâu anh cũng để lại dấu ấn thơ mình. Và dường như đến đâu, anh đều nhớ về mỏ, nghĩ suy về những người thợ với nhiều công việc, ngành nghề của họ, cũng là của anh. Trong bài Tiễn bạn về quê, anh viết: “…Nghề làm mỏ thật lao đao/ Nay còn mai hết nay hao mai gầy/ Về quê thì chẳng biết cày/ Bán buôn chạy chợ lâu ngày không quen/ Về hưu còn chút lực điền/ Cái nghề làm mỏ biết truyền cho ai”, nghe thật xót xa và thấm thía.
Một bài thơ của Lê Tuấn Lộc(không in trong tập ĐI TÌM VÀNG) anh viết về cô gái thợ mỏ đen đúa vì nắng và gió, không ai lấy làm vợ và chị cố kiếm đứa con để an ủi và đành mang tiếng chửa hoang, bị kỷ luật, về quê, anh viết: “ Nghe em kể lể nao lòng/ Mai về làng cũ lấy chồng được không”( Cô thợ mỏ). Chứng kiến nỗi đau của số phận một người phụ nữ, lỡ thì, khao khát hạnh phúc, lỡ làng duyên phận, “cố đấm ăn xôi”nhưng hoàn cảnh ấy, thời ấy, với cách ứng xử ấy của người “đương thời”, anh cũng bất lực, ngậm ngùi cho số phận, và thơ anh bật ra như tiếng nấc.
Chiêm Hóa là đâu? Sông Gâm là đâu? Và Tuyên nữa?( Hà Tuyên). Đọc bài thơ Đi tìm vàng của Lê Tuấn Lộc tôi thấy hiện lên những miên man được mất, rủi may cho những số phận con người:  những người đi đào đãi vàng với những thực tế xót xa: “ Vàng còn mãi tận chân mây/ Cửu vạn kẻ đói, kẻ gầy trơ xương” và : “ Tìm vàng chưa thấy vàng đâu/ Sông Gâm thăm thẳm một màu xanh xanh”. Một loạt bài thơ của Lê Tuấn Lộc viết về những số phận những người lao động: Cô Phó Mộc, Bác Thực về hưu, Chị Sàng, Đám cưới trong làng mỏ, Uống rượu ở mỏ thiếc Sơn Dương, Ở bản người Dao, Vợ chồng thợ mỏ, Xuân ở mỏ, Làng thợ mỏ, Nếu ở đây không có Crôm, Mai em đi Đài Loan, Ba người chết điện, Bác mù - thương binh, Thăm người Nùng bị nạn, Tiễn bạn về quê, Cái chết của người Cao Lan, Uống rượu với người đào huyệt, Về lại vùng than…trong mỗi bài thơ đó, ta thấy nỗi lòng anh đã trang trải với những vui buồn, được mất của đối tượng mà anh chia sẻ. Phải là người đa cảm, tinh tế, anh mới có những câu thơ mà khi đọc nó,  người ta không  khỏi xốn xang: “Tôi về lại vùng than/ không ai đón tôi/ bạn bè đồng môn bây giờ đâu nhỉ/ tôi vẩn vơ một mình…” Và anh tự nhận: “ Tôi lơ ngơ như bò đội nón/ Vùng than đang mùa than…” và cái điều ngỡ như cũ càng nhưng được anh viết thành thơ: “Tôi lang thang trên bờ  Hạ Long/ Người chơi cứ chơi người làm cứ làm”(Trở lại vùng than)
Nếu ví Lê Tuấn Lộc như một nghệ sĩ nhiếp ảnh, thì phải nói người nghệ sĩ nhiếp ảnh ấy gặp may mắn được sống trong môi trường công trường, nhà máy và anh đã lưu giữ được nhiều khoảng khắc sinh động của những người thợ, công nhân vừa thoát khỏi ruộng vườn, đang ngơ ngác, xoay sở trong cái không gian của núi rừng còn nhiều hoang sơ ấy.
Lê Tuấn Lộc  viết thơ như người ghi nhật ký. Cái tài của anh là tuy ghi nhật ký nhưng chất thơ từ đó bật ra, tỏa hương sắc, để lại dư vị. Những lát cắt cuộc sống, những khúc quanh đời người đầy tâm trạng được anh thể hiện trong thơ mình rất tự nhiên, không điệu đàng, chân mộc mà vẫn đằm thắm, nồng nàn.
Anh đã phát hiện những nghịch lý của cuộc đời vẫn có cái thuận lý của nó. Và từ đó, anh là người phản biện, hùng biện nữa thành công trong những trường hợp cụ thể như trong bài: Hoa cứt lợn, Bãi thải… qua những bài thơ này, ta được biết một Lê Tuấn Lộc thơ không xuôi chiều, không phó mặc mà thơ anh đã có những tri ngộ với những trớ trêu , trái khoáy  của đời và sau đó là gì  thì ai cũng hiểu…
Thiên nhiên, cảnh sắc trong thơ Lê Tuấn Lộc cũng mang nhiều tâm trạng: Hát lúc trăng lên, Rừng thông… đọc những bài này, ta như thấy một Lê Tuấn Lộc trong trẻo, trầm lắng  và từ đó vút lên những câu thơ lay động hồn người: “…/…/ Nhưng mấy ai hiểu được điều này/ Khi cây thông đã cành khô lá úa/ Khi yên phận làm mồi cho ngọn lửa/ Như hóa trầm, chút khói cũng thơm hương” (Rừng thông). Và: “ Nằm viện buồn, ngày lại thâu đêm/ Tiếng chim hót, tiếng còi xe cũng nhớ/ Cứ chiều chiều bên ô cửa sổ/ Vẳng tiếng đàn ghi ta trầm vang…/…/…/ Em ở đâu rồi, tôi chưa biết tên/ Chàng trai nào đón em đi rồi đấy/ Để mình tôi và trăng đơn chiếc vậy/ Tôi hát một mình câu hát của em// Tôi hát một mình trong lúc trăng lên” ( Hát lúc trăng lên)
Trong những bài Người núi- người phố, Canh đắng…ta thấy một Lê Tuấn Lộc phân thân, tinh tế. “ Người núi thích về phố…/ Người phố thích lên rừng…// Về rừng/Bí rì rì/Trở đi mắc núi/Trở lại mắc sông/ Có tiền cũng không mua được gì/ Người phố lại muốn về phố”(Người núi- người phố). “ Em đãi tôi món canh đắng/ Đắng đến chảy nước mắt” đó là lần đầu anh trai Kinh được cô gái Tày mời món đặc sản quê em.Và sau đó thì: “ Canh đắng/ Chỉ người Tày mới có/ Càng ăn càng thích/ Càng ăn càng nghiện…/ /Tôi nghiệm ra/ Người Tày giống người Kinh/ Nghiện cay đắng”(Canh đắng). Người Tày hay Kinh, hay Nùng, Dao, Mông …hay người gì gì đó cũng thế thôi, họ đều “ nghiện đắng cay” cả thôi nhà thơ ạ; nhưng, mỗi anh- dân tộc- họ - nguyện cay đắng theo kiểu/ cách riêng . Ở đây, hai bài thơ tiêu biểu theo một góc nhìn khác của Lê Tuấn Lộc cho ta thấy khả năng quan sát mà chỉ có được ở người đi nhiều, từng trải, thì mới có tư duy thơ ấy.
Nếu ví Lê Tuấn Lộc là họa sĩ thì những bức tranh của anh được phác thảo nhanh, nhưng đã toát lên thần thái của từng tâm trạng, nhân vật, cảnh sắc  và ta thấy hằn lên đây đó những nét vẽ còn dang dở, ngổn ngang…
Bài thơ Đi trên đường ống của anh gồm bốn khổ. Tôi nhớ ngày đầu được trích giới thiệu trên báo, khổ đầu của bài thơ này như sau: “Ngày ngày đi trên đường ống/ khó đi, đi mãi thành quen/ cần gì vào trong rạp xiếc/ bọn anh làm xiếc em xem…”, bây giờ, anh đưa vào tập ĐI TÌM VÀNG vẫn khổ thơ đầu nhưng được anh biên tập câu thơ đầu là: “ Đi làm, đi trên đường ống…” xin miễn bàn  hai chữ ngày ngày… hay hơn, hay đi làm…hay hơn; nhưng tôi thấy bài thơ được anh viết tiếp sau khổ thơ đầu còn thêm 3 khổ nữa, thì hóa ra thừa. Chữ nghĩa thơ nó lạ lùng lắm, có khi viết thêm thì hay, nhưng có khi bớt đi cả mấy khổ thì thơ lại hay hơn, vì còn để đất cho bạn đọc tưởng tượng, suy ngẫm… thế mới là thơ.
Hầu hết 72 bài thơ trong tập thơ ĐI TÌM VÀNG là những ứng tác kịp thời của nhà thơ trước những khoảnh khắc của cuộc sống đang và đã xảy ra. Gom nhặt những tâm trạng của mình trong suốt mấy chục năm và tập hợp thành tập thơ này, Lê Tuấn Lộc mong muốn  lưu giữ nó như những kỷ niệm đẹp, mong muốn được xẻ chia, giãi bày và cũng là mong đón nhận những góp ý chân thành từ bạn bè, thi hữu.
Tôi cũng có 5 năm gắn bó hết mình với vùng mỏ Crômit và cũng có niềm đam mê văn chương như anh Lê Tuấn Lộc, nhưng thú thực, tôi chưa có bài thơ nào về mỏ, về công trường, nhà máy… chân thành, xúc động như thơ anh, mặc dù, cho tới bây giờ, sau hơn 30 năm làm thơ, tôi đã có hơn chục tập thơ, tập trường ca đã xuất bản (Bàn tay lá cỏ-tập I & II, Kỵ sỹ ngựa gỗ, Mây Bay, Những tháng năm ở rừng, Lững thững xanh, Hà Nội và em, Trường Sơn, Gửi Bill Gates và trời xanh, Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn, Lập Thành) và  hình như cái vùng đề tài đó- đề tài thợ mỏ và công nhân-anh viết- tôi không có duyên với nó? Mà chỉ có/còn “duyên” với anh và một số bạn bè - tôi- còn liên lạc đến bây giờ? Và qua anh, qua thơ anh, tôi bâng khuâng như được trở lại cái vùng đất mà tôi và anh từng gắn bó - cái vùng mỏ thân yêu dưới chân núi Nưa- cái ngọn núi đá sừng sững phất phơ lau lách, ngan ngát sim mua mà Bà Triệu ngày xưa đã luyện quân và từ đó, làm bàn đạp đánh cho quân xâm lược phương Bắc  kinh hồn bạt vía?
 Trong những người cầm bút tâm huyết sinh ra từ mảnh đất xứ Thanh và trưởng thành trong đội ngũ những người thợ mỏ- những  người công nhân - những người viết về đề tài dân tộc - miền núi - có một nhà thơ hào hển, say mê - thơ anh phảng phất hương đồng cỏ nội và ánh sáng của tình yêu thương con người - vâng, đó là anh - tiến sĩ, nhà thơ Lê Tuấn Lộc./.
 
13/5/2012
Nguyễn Anh Nông