Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cái duyên đáo để của Cụ Thỉnh

Trần Huyền Nhung
Thứ tư ngày 16 tháng 5 năm 2012 2:27 PM
 TNc: Bạn viết trẻ Trần Huyền Nhung trong Sài Gòn vừa gửi cho trang nhà bài viết này. Với giọng văn hài hước nói lên cái duyên của Hữu Thỉnh-một người rất đáng yêu. Đây là một cách nhìn của cô gái trẻ vừa vui vừa vẽ được nét đáo để của HT nên trang nhà đưa bài lên cho nhiều chiều chiêm ngưỡng...
 

Cụ Hữu Thỉnh nhà mình phải nói là duyên đáo để! Năm nay Cụ đã ngoài 70 tuổi, nhưng nhìn Cụ cười cứ hơ hớ…, mắt thì tít đi, miệng thì  dẻo quẹo khi nói chuyện. Cụ Thỉnh có mụn nốt ruồi duyên ở gần cánh mũi, nhìn cứ điêu điêu mà lại thích thích. Nói thật là tớ thích ngắm Cụ hoài mà không biết chán mắt. Thích nghe Cụ nói chuyện và khen “ tuyệt vời!” đến sướng cả tai, dù biết rằng văn chương của tớ ở dưới mức trung bình. Thế mà tớ lại cứ sướng rên lên khi hiểu được rằng, giữa lời nói với thực hành của Cụ còn xa lắm.
     Chả biết thế nào, cứ sướng cái đã khi tiếp xúc với cụ Thỉnh. Càng sướng, tớ càng thấy được cái “duyên đáo để” của Cụ. Duyên từ khuôn mặt đến phong cách và tâm hồn… Bởi thế, hình ảnh cụ Thỉnh đọng lại trong tớ chẳng phải là cái tài của Cụ, mà là cái duyên “chết người”. Nụ cười của Cụ có cái gì đó nhạt nhạt như kiểu đãi bôi, nhưng cách thể hiện lại rất tình cảm. Dù người lạ, người quen, Cụ cũng đều tay bắt mặt mừng. Cái bắt tay của Cụ cũng duyên đáo để! Lành lạnh mà cũng thật khó quên! Eo ôi! Bán cái duyên đáo để của Cụ Thỉnh đi, có mà mấy đời nhà tớ cũng không ăn hết! Lạy Cụ, tớ bái phục lắm!
      Cũng bởi cái “duyên đáo để” đã làm nên một Cụ Thỉnh có một không hai. Nhiều lúc tớ nghĩ thương Cụ lắm cơ! Lẽ ra, cái tuổi của Cụ giờ đã an nhàn và vui vầy với con cháu, với cỏ cây, chim muông… ung dung tự tại với nhân thế…Vậy mà…, Cụ lại khổ vô cùng có ai biết đấy là đâu. Cụ muốn ôm cả đất, Cụ muốn ôm cả trời… Mà sao Cụ ơi…, không ôm nổi trái tim một con người… Cụ làm sao mà phải khổ thế? Một mình Cụ, nắm giữ đến hai ghế chủ tịch. Cụ ngồi chưa nóng ghế này, Cụ lại phải chạy sang ghế khác. Rõ là khổ thân! Bởi Cụ lắm duyên quá đấy! Tớ thì nghĩ Cụ khổ thân, nhưng chả biết Cụ có thấy khổ không nữa. Nhìn nụ cười của Cụ có vẻ mãn nguyện lắm với nỗi khổ mà Cụ đang ôm.
     Hì…hì… Thời gian mà Cụ còn “thương lượng” nữa là chuyện khác… Cụ càng “thương lượng” thì càng thấy được cái duyên phải biết! Cụ quá khéo với thời gian…. Có lẽ thời gian đã chịu sự “thương lượng” của Cụ, để cho cái duyên của Cụ ngời sáng hơn… Và càng “thương lượng” thì hai cái ghế vàng của Cụ càng theo Cụ lâu hơn…  Cái “duyên đáo để” của Cụ liệu có ai sánh bằng? Hờ… hờ… là thế hệ con cháu Cụ, tớ chỉ còn biết sướng và mừng cho Cụ. Nhiều lúc, tớ thích nhắm mắt mơ màng và ước mình được một chút duyên đáo để của Cụ Thỉnh. Tớ cứ học mãi cách “thương lượng với thời gian” của Cụ, mà chả vào đầu tẹo nào. Chắc tớ đang ảo tưởng chăng? Mà có khi ảo tưởng thật! Chợt.. cái bụng tớ đang òng ọc kêu to… Tớ giật mình… rồi đi tìm miếng cơm ăn cái đã cho bớt đói. Huyễn hoặc, ảo tưởng làm gì? Chỉ có một cụ Thỉnh mới “thương lượng” được với thời gian thôi. Tớ chịu! Hè…hè, tớ no bụng rồi… Lại thương đồng tiền làm ra từ mồ hôi nước mắt của mình để có được miếng cơm vào cái bụng đói vừa kêu òng ọc. Bây giờ tha hồ mà ngồi tấm tắc với cái “ duyên đáo để” của cụ Thỉnh, để rồi bắt chước được tí nào hay tí đấy.
         Cái “duyên đáo để” của cụ Thỉnh, người ghét- kẻ ưa cũng nhiều lắm cơ! Tớ thì thích Cụ lắm lắm. Đôi lúc cũng ghét ghét vì ghen với cái duyên đáo để của Cụ. Lời nói của Cụ vô cùng có trọng lượng! Duyên quá cơ! Cường điệu, nhịp nhàng và lả lướt y như thơ Cụ. Có khi Cụ Thỉnh không bao giờ đội mũ bảo hiểm, nhưng Cụ “chụp mũ bảo hiểm” lên đầu các nhà văn cũng rất duyên. Để cẩn thận hơn, Cụ còn dán băng keo vào miệng họ cho an toàn. Lái xe đi “đúng đường”, lề phải, càng an toàn càng tốt. Hay quá! Nguyên tắc quá!
      Đúng ra, là tớ chỉ thích cái “duyên đáo để” của Cụ Thỉnh, còn thơ của Cụ, tớ chỉ nhớ mỗi bài “ Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Nhờ nhạc sĩ Doãn Nho, tớ mới nhớ đấy, bởi cái đầu của tớ, ngoài nhớ về duyên của Cụ ra, tớ hầu như chả nhớ gì đến sự nghiệp sáng tác của Cụ cả. Vĩ đại thế! Đồ sộ thế! Vậy mà tớ chỉ nhớ đến hạt cát của Cụ. Nốt ruồi điêu điêu và nụ cười duyên của cụ, tớ cứ mê tít…, chả còn nghĩ được gì nữa. Hờ…hờ…
         Trưa qua ngồi nhậu với một người bạn Nhà văn, Nhạc sĩ, đề tài về Cụ Thỉnh cứ xoay quanh câu chuyện của bọn tớ. Cái duyên đáo để của Cụ, càng làm cho cuộc nhậu của bọn tớ vui hơn. Trời Sài Gòn mưa, hình ảnh cụ Thỉnh cứ như thấp thoáng trong mưa. Chả biết lúc nào Cụ ẩn hay cụ hiện nữa. Chả biết lúc nào là thật, là giả….Nhưng tớ cứ thấy hài hài, vui vui mà lại ấn tượng khi nhắc tới Cụ. Cái duyên đáo để của Cụ Thỉnh quả là có sức hút với tớ! Thơ của cụ cầu kỳ ngôn ngữ, mà phải làm cho hoa lệ câu thơ, khối Nàng thơ chết vì cái duyên đáo để của Cụ không chỉ trong thơ, mà trong cả giao tiếp. Mà đại diện cho cái chết ấy là Tớ. He…he…
      Tớ nhìn Cụ Thỉnh chả giống một văn nghệ sĩ gì cả. Từ trên xuống dưới, Cụ đều rất tươm tất, chỉnh tề, điệu đà…Mùi nước hoa Pháp thơm nức của Cụ, làm tớ ngất ngây. Nghĩ bụng: Cụ ngoài 70 tuổi, nhìn vẫn trai tráng, duyên đáo để thế này cơ! Lúc này, cái bẩn bẩn, cái mùi khét khét từ thuốc lá của một văn nghệ sĩ, loại bỏ ngay khỏi đầu tớ khi được ngắm nhìn cụ Thỉnh. Tớ suy nghĩ tới lối sống của một văn sĩ Hoàng khác với văn sĩ Độ trong “Đôi mắt” của nhà văn Nam Cao. “ Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư thằng Tào Tháo” ( Lời văn sĩ Hoàng khi đọc Tam quốc). Hè…hè.., Cụ Thỉnh nhà tớ vừa “duyên đáo để”, vừa tài tình… Yêu quá cơ!
       Cụ Thỉnh của tớ vẫn tôn trọng “ văn hóa truyền miệng”, nên thời đại công nghệ thông tin, Cụ cũng chẳng buồn theo dõi tình hình thế giới mạng. Bởi bên cạnh Cụ luôn có những vị quân sư đắc lực như ông Văn Chinh chẳng hạn. Tớ không nhớ nhầm thì có lần ông Vũ Ngọc Tiến có bài : “ Trang Web của Văn Chinh hay của hội Nhà văn Việt Nam?”. Những thông tin đến đươc tai cụ Thỉnh thành ra đã “Tam sao thất bản” mất rồi. Nhưng nhờ “cái duyên đáo để” của Cụ, vẫn được người tin và nghe theo.
       Trong mắt tớ, cụ Thỉnh là một hình tượng nghệ thuật, không gì có thể so sánh nổi. Cái “duyên đáo để” của Cụ, có thể có người thích, người không. Nhưng cái duyên ấy, cũng chưa thể nói lên được bản chất của một con người. Có câu “Nhân vô thập toàn”, nhìn nhận ở một góc độ nào đấy, tớ vẫn nhận ra nét hài hòa, dễ mến của cụ Thỉnh. Cái “ duyên đáo để” của cụ Thỉnh dễ dàng đi vào lòng người, dễ dàng hòa nhập với công chúng. Bởi Cụ Thỉnh là con người của công chúng, cái duyên đáo để ấy rất cần trong mỗi bước đi…
 
Ngày 13/5/2012
Trần Huyền Nhung.
Ảnh: Cụ Thỉnh (trái) và cô gái tác giả Trần Huyền Nhung (phải)