Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cảm thức thời gian trong thi pháp thơ Dương Kiều Minh

Đỗ Ngọc Yên
Thứ năm ngày 17 tháng 5 năm 2012 9:03 PM

(Trích tham luận đọc tại buổi  Tọa đàm: “Dương Kiều Minh trong diễn trình đổi mới thơ đương đại” do Khoa Viết văn- Báo chí, Trường Đại học Văn hóa tổ chức ngày 16/5/2012 tại Hà Nội)

I. Dẫn nhập
I.1.
Đối với quá trình sáng tạo văn chương- nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, thời gian là một đại lượng mang đầy tính chất chủ quan và rất khó xác định. Nó vừa cụ thể, sáng tỏ, đến từng giây, từng phút, hoàn toàn có thể cân đo đong đếm được, lại vừa vô cùng, vô tận, vô thủy, vô chung, không có khởi đầu cũng không có kết thúc, rất mơ hồ, hỗn độn, thậm chí “lộn tùng phèo”, khiến nhiều khi người ta chỉ có thể nắm bắt được nó bằng cảm thức, nên đã gây không ít khó khăn làm ách tắc quá trình tiếp nhận văn bản thơ đối với người đọc. Tuy nhiên, ai cảm thức được thời gian chắc chắn sẽ có trong tay một thứ “vũ khí” lợi hại trong quá trình sáng tạo cũng như tiếp nhận văn bản thơ của mình. 

Cảm thức được thời gian thực/ vật chất trong các hoạt động sống hàng ngày đã là một việc khó, thậm chí là rất khó đối với không ít người. Cảm thức được thời gian không có thực/ ảo trong quá trình vận động của tâm lý sáng tạo còn muôn vàn lần khó, nhiều khi tưởng như không thể. Với hầu hết chúng ta, có lẽ ông Trời chỉ phú cho một số ít người nào đấy khả dĩ cảm thức được một cách tương đối thời gian tâm lý sáng tạo, để họ có thể đem đến cho người và cho đời một trong những báu vật mà chúng ta quen gọi là thơ.
Phải chăng Dương Kiều Minh là một trong số ít những người được ông Trời ban cho bảo bối “cảm thức thời gian” để tạo nên những mặc khải thi ca linh diệu (!?)
I.2.
Dương Kiều Minh thuộc thế hệ nhà thơ hậu đánh Mỹ. Bởi lẽ, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước kết thúc (1975) anh mới 15 tuổi. Vì thế, so với các nhà thơ thuộc thế hệ chống Pháp và chống Mỹ, thơ Dương Kiều Minh khá mới ở cả hai phương diện: cảm quan thế giới, cuộc đời và con người và thể hiện bằng giọng điệu, ngôn từ, vần nhịp,...mới. Cùng thế hệ với Dương Kiều Minh còn có các nhà thơ như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Mai Văn Phấn, Ngô Tự Lập,... Hầu hết trong số họ đều được đánh giá là những nhà thơ có xu hướng “cách tân” và là những người đại diện cho xu hướng này.
Đối với các nhà thơ bước ra từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đổi mới là một cơn vật lộn hóa sinh đầy gian nan và cực nhọc, là sự nỗ lực cá nhân phi thường của chủ thể sáng tạo, thì các nhà thơ thế hệ hậu đánh Pháp và đánh Mỹ, những người được coi là “ngoài cuộc”, đổi mới là nhu cầu đến từ cả hai phía chủ quan và khách quan. Lịch sử cần các người thơ thời hậu chiến nói lên một cách thẳng thắn, chân thật nhất những vấn đề mà xã hội thời hậu chiến quan tâm, cùng tâm tư, nguyện vọng cá nhân của những con người đang sống và dựng xây đất nước hôm nay. Do vậy, đổi mới thơ trở thành lẽ đương nhiên, khó có thể cưỡng lại được với hầu hết các nhà thơ hậu chiến. Vấn đề là đổi mới cái gì và đổi mới như thế nào để thơ vẫn mãi là món ăn tinh thần thường trực của công chúng dân tộc Việt, góp phần bồi đắp cho tâm hồn người Việt ngày càng trong sáng và thánh thiện hơn lại là một câu chuyện dài khiến không ít người nhầm tưởng, thậm chí là không hề biết đến.
II. Cảm thức thời gian thực/ vật chất
II.1
Dương Kiều Minh được ghi nhận như một trong những nhà thơ có nhiều đóng góp trong quá trình cách tân thơ Việt từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước. Các tác phẩm thơ của ông gồm: “Củi lửa”, “Dâng mẹ”, “Những thời đại thanh xuân”, “Tựa cửa”, đã in trong “Thơ Dương Kiều Minh”, “Tôi ngắm mãi những ngày thu tận”, “Khúc chuyển mùa” đã in trong “Thơ Dương Kiều Minh”. Đây là cuốn sách tập hợp đầy đủ nhất các tác phẩm thơ của ông từ trước đến nay.
Có lẽ Dương Kiều Minh là một trong những người hiếm hoi thuộc thế hệ các nhà thơ hậu đánh Mỹ đã dành trọn cả cuộc đời mình cho sáng tạo thi ca, đặc biệt là quá trình đổi mới thi pháp thơ. Còn những công việc khác đối với ông chẳng qua chỉ là “áng mây sà buổi mai”. Điều quan trọng là, dường như đã biết trước được mệnh Trời, nên ông đã lĩnh trọn “trách nhiệm” cao cả ấy với một tinh thần tự giác cao và thỏa nguyện, để rồi ứng xử với nó một cách hết sức tự nhiên, nghiêm túc và có văn.
Tôi chọn ngẫu nhiên 52 bài thơ, ứng với số tuổi thọ của Dương Kiều Minh,   thuộc tất cả các tập đã và chưa xuất bản của ông để đọc. Cảm nhận đầu tiên và cũng
là ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG THI PHÁP THƠ
của ông ở tất cả các thi phẩm mà tôi đã đọc.
Có 4/52 bài tác giả nhắc tới thời gian một lần: “Bông loa kèn nở ngang tàng mùa hạ...”; Tiếng đầu tiên mẹ gọi giữa trưa nồng; Dâng rực tím vòm bằng lăng nước/ em về dãy phố mùa hè; Điềm non nước/ hung khí này tụ phát/ nửa đêm choàng thức,... 
Và có 1/52 bài nhiều nhất, 45 lần Dương Kiều Minh nhắc tới thời gian. Đấy là bài “Niềm vọng niệm”
Trong số 52 bài thơ mà tôi khảo sát có tới 437 lần Dương Kiều Minh sử dụng các từ/cụm từ chỉ về hoặc liên quan đến thời gian, trung bình mỗi bài có tới hơn 8,4 lần. Vấn đề ở đây là tại sao người thơ lại quan tâm nhiều đến thời gian như vậy. Và
cảm thức thời gian đã chi phối quá trình sáng tạo các thi phẩm của ông, nhất là về khía cạnh thi pháp như thế nào?
Trong số 45 lần nhắc tới thời gian ở bài “Nềm vọng niệm”, có 37 từ/cụm từ biểu thị thời gian thực/ vật chất, còn lại 8 từ/ cụm từ biểu thị thời gian không có thực/ ảo mà tôi tạm gọi là thời gian tâm lý sáng tạo. Các từ/ cụm từ chỉ thời gian ảo nằm ở các câu thơ: hơi lạnh đầy đầy vẻ thu chừng mãn; rũ lớp bụi thời gian, trở lại; có lẽ lòng mình đã  thời gian bụi phủ; Ô con thuyền không mui từ bao giờ lặng lẽ; nhắc mình thời vận; thời vận; thời vận; thời vận,... trong bài thơ nói trên.
Riêng bài “Niềm vọng niệm” có tới 37 từ/ cụm từ như vậy. Quan sát những câu thơ trên, mọi người dễ dàng có thể nhận ra các từ/ cụm từ chỉ hoặc liên quan đến thời gian thực trong bài thơ: đầu hạ, mùng 8 tháng tư, hôm qua, mùa lũ,  tuần đông chí, hôm sau, sáu năm,...
Điều khiến tôi quan tâm ở đây không phải là số lượng từ/ cụm từ chỉ thời gian có tần xuất cao hay thấp và sự phân loại “thực” hay “ảo” trong thơ Dương Kiều Minh chính xác đến mức nào. Quan trọng hơn là vì sao ông lại sử dụng nhiều từ/ cụm từ chỉ thời gian như thế nhằm mục đích gì, liệu có gây nhàm chán bởi sự lặp lại? Ở đây không thể nói rằng, nhà thơ thích thì dùng. Rõ ràng có một sự vận động không ngừng bên trong tâm lý sáng tạo- dòng ý thức của ông, nên những từ/ cụm chỉ thời gian luôn ám ảnh chi phối quá trình sáng tạo đến mức Dương Kiều Minh không thể nào cưỡng lại được.
II.2
Quan sát các từ/ cụm từ chỉ thời gian thực ở bài thơ trên, chúng ta không thể nào nhận ra bài thơ được viết vào lúc nào, nếu như không có sự ghi chú từ chủ nhân của nó ở cuối bài. Vì các từ/ cụm từ chỉ một quãng thời gian khá dài và rất khó xác định: “đầu hạ, mùng 8 tháng tư, hôm qua, vẻ thu chừng mãn, mùa lũ,  tuần đông chí, hôm sau, sáu năm,...”. Tuy các từ/ cum từ này khá cụ thể, nhưng phía sau những cái cụ thể ấy là một tâm trạng rối bời như canh hẹ của người thơ, đặc biệt khi ông nghĩ và liên tưởng đến những điều muôn thưở của cõi đời, kiếp người. Lúc ấy, những từ/ cụm từ chỉ thời gian thực, cụ thể bỗng dưng trở nên vô nghĩa và tan biến đi đâu mất, chỉ còn lại cảm thức về một “dòng thời gian bất định” với các từ/ cụm từ như: “bụi thời gian”, “thời gian bụi phủ”, “từ bao giờ”, “thời vận,...”.
Khởi xuất là những đại lượng thời gian thực và kết thúc là đại lượng thời gian ảo. Thậm chí ông đã 4 lần nhắc tới từ “thời vận” ở cuối bài thơ, một đại lượng thời gian không có khởi đầu, cũng không có kết thúc, vô thủy, vô chung, nhưng nó lại luôn hiện tồn trong tâm thức nhà thơ như một hằng số bất biến. Và quan trọng hơn nó còn tồn tại trong tâm thức của Dương Kiều Minh như một đại lượng xác tín.

III. Cảm thức thời gian ảo/ tâm lý sáng tạo
III.1

Tuy số lượng từ/ cụm từ chỉ thời gian ảo chỉ có 125 so với 312 trong tổng số 437 từ/ cụm từ cùng biểu thị về thời gian. Nhưng điều đáng nói ở đây là tuy sử dụng các từ/ cụm từ chỉ thời gian “đậm đặc” đến như thế, nhưng người đọc thơ ông vẫn không hề cảm thấy nhàm chán vì sự “vô lối” của các từ và cụm từ ấy. Ngược lại, càng làm cho người ta đi từ thích thú đến sự ngưỡng vọng thơ ông. Mới mà không lạ hoắc, nhiều mà không trùng lặp, ấy chính là tài năng sử dụng ngôn ngữ và cũng là một trong những đặc trưng thi pháp thơ của Dương Kiều Minh.
Những từ/ cụm từ chỉ thời gian thực, có thể xác định được như: “đầu hạ”, “mùng “8 tháng tư”, “hôm qua”,... và những từ/ cụm từ chỉ thời gian ảo như: “bụi thời gian”, “thời gian bụi phủ”, “từ bao giờ”, “thời vận”,...luôn đan xen lẫn nhau, chứng tỏ tâm thức của người thơ luôn ở trong trạng thái rối nhiễu, dùng dằng, chẳng thể nào “vượt thoát” được, vì sự “dan díu” với cuộc đời này. Để rồi cuối cùng thi sĩ đành mượn cách nói của tiền nhân là “thời vận” để tự giải thoát cho chính mình.
Trong thơ Dương Kiều Minh cảm thức thời gian được đặc trưng bởi hình tượng “mùa”. Với 52 bài thơ mà chúng tôi khảo sát có tới có tới 217 lần nhà thơ nhắc tới từ/cụm từ “mùa”, “mùa vụ”, “mùa màng”, “vẻ thu”, “hơi xuân”, “chiều đông”,... Tính trung bình mỗi bài có tới trên 4,17 lần ông nhắc đến các từ/cụm từ gắn liền với hình tượng này. Đặc biệt các từ/cụm từ chỉ thời gian ảo như: “cõi người”, “kiếp người”, “xưa cổ”, “thời vận”, “thiên thu”,... được nhà thơ tinh dùng vào những vị trí hết sức đắc địa: “...Đêm mênh mông san sát bầu tâm sự/ tiếng chim khuya nhắc mình thời vận/ thời vận/ thời vận/  thời vận...”
Trong các mùa của năm, dường như mùa thu có duyên nợ nhất đối với Dương Kiều Minh, nên nó có sức ám ảnh lạ thường. Trong số 52 bài thơ như tôi đã nói, có tới 37 lần tác giả nhắc tới từ/cụm từ chỉ/ liên quan đến “mùa thu”. Trung bình cứ khoảng 0,7 bài thơ ông lại nhắc đến “mùa thu” một lần.
Đối với Dương Kiều Minh, dường như trong ông đã hội đủ các yếu tố đặc trưng của mùa, nên đã tạo ra được những thi phẩm da diết và thẳm sâu về mùa thu với đủ các cung bậc, sắc thái, xa gần, sâu rộng khác nhau. Dù cho đôi khi điều ấy có làm cho người đọc cảm giác thơ ông đượm một vẻ buồn mang mác, hắt hiu, nhưng không hề sầu não, bi lụy. Trái lại chính điều ấy càng dễ xoáy sâu vào lòng người.  
III.2
Chúng ta hãy xem xét một bài thơ cụ thể về mùa thu, bài “Vừa giấc mơ dịu dàng đậu xuống” sau đây của Dương Kiều Minh được viết vào ngày 24- 8- 2011, tức là cách ngày ông ra đi 28- 3- 2012, đúng 7 tháng 4 ngày, để thấy khả năng khai triển thi pháp của ông một cách bài bản, nhưng không kém phần táo bạo và đã đem lại hiệu quả khả quan cả về mặt ý tưởng lẫn giá trị thẩm mỹ cho thi phẩm:
“Vừa giấc mơ dịu dàng đậu xuống
vươn dậy đồng loạt bông tiểu li lan mùa thu
Cơn mưa đêm để lại vệt nước trên tán lá khóm đại hồng môn
bài ca đuổi theo bước chân trẻ thơ con đường ô tô chạy men đồng bãi
ai như tiếng mẹ gọi ngôi làng khói tỏa xa xa
...
 Mẹ ạ,
giấc mơ con đã đủ đầy cơn gió lành đồng nội
mương nước ngập tràn cánh đồng đổ ải
những đám mây đã đợi con thênh thang trời rộng
những đám mây đã chở con qua dâu bể cuộc đời
con nhận thấy giấc mơ dịu dàng vừa đậu xuống
đồng loạt vươn bông tiểu li lan
theo bài ca dài bước chân trẻ thơ vang vang đầu thu con đường sương khói.
*
Ồ, trên tán khóm đại hồng môn còn để lại vệt mưa đêm trước”.
Bài thơ viết về một mùa thu trong giấc mơ dịu dàng, hay nói cách khác đây là một “mùa thu ảo” có những cơn mưa đêm bất chợt để lại những giọt nước trên khóm lá, với những bàn chân trẻ thơ đón chào một ngày mới đang đến. Chính lúc này nhà thơ thấy mình như trở về ngày thơ dại, lon ton những bước chân chạy ùa tìm gặp mẹ nơi chín suối trong tiếng chuông của những bông tiểu li lan nhỏ xíu, khóm đại hồng môn cùng những đám mây lang thang bay về phía cánh đồng nơi mẹ yên nằm.
Thật nhẹ nhàng, không ồn ào, không có những từ, những câu gây cảm giác mạnh, trái lại rất gần gũi thân quen, đặc biệt là đối với những ai đã sinh ra và có quãng đời tuổi thơ gắn bó với vùng quê trung du nghèo, mới cảm nhận hết được nỗi niềm của Dương Kiều Minh khi viết những câu thơ này.
Bài thơ mới và lạ về ý tưởng, cảm quan về con người, cuộc đời và thế giới tự nhiên. Nó là kẻ mang trên mình thông điệp nối đôi bờ giữa hai thế giới hư và thực, sống và chết, giữa cái hữu hạn của đời người với cái vô hạn của đất trời, vũ trụ. Và đối với Dương Kiều Minh, dường như chỉ có thơ mới đủ năng lực đảm trách sứ mệnh ấy. Dù vậy, bà thơ đã được thể hiện dưới hình thức ngôn từ hết sức mộc mạc, chân thành, đúng với bản chất của vùng quê nghèo, với tình mẫu tử, nghĩa sinh thành và với cõi vô biên. Điều ấy đã tạo nên một bức tranh quê thật sự hiền hòa, với hình tượng trung tâm là người mẹ thân thương đã quá cố, vừa lung linh huyền ảo, thơ ngây, vừa đủ da diết để níu kéo tâm tưởng người đọc can dự vào mối tình cốt nhục của thi nhân.
Có lẽ, điểm nhấn rõ nhất trong sự vận động của thi tứ là cảm thức về thời gian. Bài thơ chỉ có 26 câu mà Dương Kiều Minh đã 12 lần sử dụng các từ/ cụm từ chỉ thời gian. Như vậy, trung bình cứ hơn 2 câu, ông lại nhắc đến thời gian một lần, mà chủ yếu là thời gian của mùa thu, mùa của sự bắt đầu từ cái hữu hạn chuyển dần sang cái vô hạn của muôn thưở kiếp người.
Tuy nhiên, người đọc lại không hề cảm thấy nhàm chán hay tắc tị, khó hiểu về cái sự có vẻ như cố ý “lặp lại” quá nhiều về thời gian ấy. Trái lại, nó càng làm cho  người đọc cảm thông, chia sẻ với ông, khi mà dường như ông đã cảm thức được thời gian vật chất đối với đời một con người không phải là vô hạn.
Bài thơ với nhiều biểu tượng khá đắt được đặt ở những vị trí đắc địa của nó, khiến cho sức lay động càng sâu, càng xa mãi vào cõi vô thường. Có thể coi đây là một trong những bài thơ viết về mẹ và mùa thu hay nhất của Dương Kiều Minh. Bài thơ đã đạt đến độ chín về cảm xúc, chiều sâu về suy tưởng, lung linh về hình ảnh ngôn từ.
Nhìn từ một góc độ nào đấy, đây có thể coi là lời báo hiếu hay là bài thơ tuyệt mệnh của ông đối với người mẹ quá cố của mình. Chẳng ai có thể nói rằng bài thơ này không “đổi mới” hay “cách tân” so với truyền thống thi ca Việt trong thời kỳ đánh Pháp và đánh Mỹ trước đây, cũng như thi ca Việt đương đại, xét trên mọi phương diện.

VI. Thay lời kết
 
Ý thức về thời gian trong cảm quan quay về với quá khứ kỷ niệm, vượt ra  khỏi những ràng buộc của đời sống thường nhật, tiến gần sát đến độ nghiệm sinh thời vận, siêu thoát khỏi cõi phàm trần, đấy chính là sự biến thiên của thời gian tâm lý sáng tạo thường thấy trong nhiều bài thơ của Dương Kiều Minh.
Ông tuyên chiến với đời sống thực tại, vốn đầy rẫy những nhiễu nhương luôn làm phiền lòng người thơ chân chính bằng cách làm cho đời sống thực tại ấy tốt đẹp hơn, đáng sống hơn với những vần thơ da diết tình người, nghĩa đời, tình đồng loại, nghĩa chúng sinh. Như vậy cũng có nghĩa là ông đã và đang tuyên chiến với thứ thơ quá dễ dãi, tắc tị, hũ nút, quay lưng lại với con người, cuộc đời vốn được du nhập từ các nhà thơ tượng trưng Pháp cuối thế kỷ XIX, ở vào giai đoạn thoái trào của nó, mà không ít người nhầm tưởng rằng đấy là “Thơ Mới”, “Thơ cách tân”.
Cái làm nên phong cách thi pháp thơ Dương Kiều Minh chính là tính nhạc bắt nguồn từ cuộc sống mà ông không bao giờ có thể chối bỏ hoặc vô cảm với nó được. Trái lại, ông chấp nhận và dung nạp tất cả vào đời sống tâm tưởng cá nhân, để rồi nhào nặn thành một “thực tại khác” bằng ngôn ngữ thi ca của riêng mình ở một cấp độ cao hơn, đẹp hơn cái thực tại như nó vốn có. Đấy chính là năng lực phóng sinh trong tâm lý sáng tạo ở những tài năng thơ ca đích thực của Dương Kiều Minh.
Thời gian với Dương Kiều Minh không chỉ là thước đo hiệu quả hoạt động sống của con người, mà hơn thế nó còn để đo chiều sâu của lòng người, cõi đời, cũng tức là để đo tầm vóc tư duy sáng tạo nghệ thuật của chính ông. Thời gian trong mắt ông, thực đấy, mà ảo đấy, hữu hình đấy, mà vô hình đấy, hữu hạn đấy, mà cũng vô hạn đấy. Nếu chỉ căn cứ vào các từ/cụm từ chỉ thời gian đến mức “đậm đặc” trong các thi phẩm của ông mà bảo Dương Kiều Minh “cố tình” lập lại, tức là chưa hiểu được ngôn ngữ thơ ông nằm ở phía sau văn bản. Ngược lại chính sự có vẻ như “cố tình” ấy không những giúp ông thỏa nguyện trong cuộc rong ruổi của suy tư sáng tạo thi ca của mình, như một cuộc rượt đuổi không bao giờ có hồi kết. Điều đó đã tạo nên nét khu biệt độc đáo về thi pháp thơ Dương Kiều Minh so với các nhà thơ cùng thời và các thế hệ nhà thơ đi trước, giống như một “lực sĩ” luôn vắt kiệt sức lực của mình ra để chiến đấu đến cùng cho diễn trình đổi mới thi ca đương đại Việt. 
Và tôi chỉ có thể nói như vậy về ông./.