Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thuyền nghiêng hay lòng người mắc cạn

Phạm Xuân Trường
Thứ năm ngày 17 tháng 5 năm 2012 2:45 PM

(Đọc Tiểu thuyết Thuyền nghiêng của Dương Thị Nhụn - NXB Quân đội 2011)

Với 286 trang, tiểu thuyết Thuyền nghiêng của nhà văn Dương Thị Nhụn đã làm người đọc không khỏi ám ảnh, bâng khuâng, Dương Thị Nhụn đã làm sống lại bối cảnh của một làng quê Đông Phong đầy ma mị. Cái nét cổ hủ, phong kiến vẫn trùm lên một xã hội hiện đại. Những nhân vật ngây ngô, đần độn, dốt nát, manh động, vụ lợi chỉ vì đói khát (nhân vật Vớ) là bóng dáng của Chí Phèo thời hiện đại. Và một ông Hình với hai thằng con vô học lộng hành, tị hiềm, đố kị, lưu manh, mưu mẹo, tàn nhẫn hoành hành giữa làng quê. Tự hào về cái họ Hoàng của dòng tộc từng có cụ tổ (Hoàng Sang - là tiến sĩ thời phong kiến).
Bức tranh làng quê được nhà văn với ngòi bút sắc sảo như dao lá lúa, lách vào từng thớ thịt của xã hội mà lật ra từng mảng, phơi bày cái bối cảnh nhộn nhạo, những tâm địa độc ác, trả thù vặt như thời trung cổ. Cái cảnh “phản phong diệt đế” được đám lực điền hùa nhau đập phá đình, chùa, miếu mạo, thật tàn nhẫn và mông muội. “Những tay lực điền bất chấp ánh mắt căm hờn của người già trong làng, lao vào bê các ông tượng, La Hán, Di Lặc, Hộ Pháp, Bồ Tát, Đức Ông... to lớn như người thật vất xuống cái hố nhầy nhụa bùn nước” [tr9]. Những đám người này vốn là những người nông dân không có học, thường là hiền lành. Tại sao họ lại hành xử như vậy? Chẳng lẽ bố mẹ, ông bà của họ lại xúi bẩy họ làm cái việc thất đức ấy hay sao. Ai? Câu hỏi ấy chúng ta đều biết nhưng không thấy kẻ đứng sau đám lực điền kia lộ mặt bao giờ...
Tác giả đã thu nhỏ xã hội trong một ngôi làng. Những cảnh éo le của nhân vật như chị Hãn từng đi lao động ở nước ngoài về làng. Cái cảnh rình rập của lũ đàn ông có máu mặt, trai lơ và đểu cáng với chị xem ra chẳng khác gì Nghêu, Sò, Ốc, Hến ngày xưa cộng với loạn luân nữa. Một ông Vấn cán bộ quân đội về hưu sặc mùi dạy bảo. Một ông Húng tiến sĩ giấy, mắc bệnh trầm cảm, hoang tưởng, khoe khoang đầy ngớ ngẩn. Một anh chàng Tố giầu có từ phố về làng đầy quyền uy và hợm hĩnh, khôn khéo và láu cá.
Càng về cuối tiểu thuyết Thuyền nghiêng dẫn người đọc như chạy gằn về tới đích. Tác giả đưa những chuyện tâm linh đầy kỳ bí, huyễn hoặc mà độc giả cảm thấy như thước phim sống động hiện ra trên màn hình ngay trước mặt. Phải chăng đấy là dụng công của tác giả muốn nhắc nhở con người không được nghĩ rằng chết là hết. Cái chết chỉ là bước chuyển giao cho một kiếp khác khi sống hãy cố làm một điều gì đó tốt cho mọi người. Tác giả đã mượn lời tâm sự của nhân vật để gửi gắm suy nghĩ của mình “Những gì đã trải trong thời gian qua, ông mong muốn có kiếp sau và có thế giới tâm linh. Có kiếp luân hồi người ta sẽ không dám lừa lọc, giả dối, đố kị và độc ác. Người đời sẽ không phải ân hận, phải “Giá... Nếu... Ước gì...” v.v... [tr274].
Nút cởi của tiểu thuyết làm người đọc phải suy ngẫm. Tác giả nhắc nhở người trần mắt thịt phải biết sợ trước một thế lực vô ảnh, vô hình. Tốt, xấu, lừa đảo, thiện ác có trời biết cả...
Tiểu thuyết Thuyền nghiêng với đầy hình ảnh lớp lang cuộn xoắn vào nhau, lời thoại ngắn, đanh và suy tư nội tâm của các nhân vật được thể hiện bằng ngôn ngữ mộc mạc. Những đoạn tả “Nude” hấp dẫn sắc sảo đến đỏ mặt. Nhưng vẫn tinh tế, nhẹ nhàng và cuốn hút. Một nhà văn nữ đầy nam tính.
Thuyền nghiêng là tiểu thuyết đáng đọc. Dẫu đề tài này đã được các nhà văn tên tuổi khai thác và mổ xẻ nhiều rồi. Nhưng ở Dương Thị Nhụn vẫn có góc nhìn khác, vừa tố cáo, vừa lên án, vừa dữ dội và tâm linh. Thật và ảo đan xen làm độc giả bị lôi cuốn đến khi gấp sách lại mà vẫn bâng khuâng. Văng vẳng bên tai lời nhắc nhở: Khi còn sống đừng làm điều ác, nhỏ nhất là đố kị, tị hiềm, lớn hơn là lừa đảo và vô ơn.

Hải Phòng, ngày 08 tháng 5 năm 2012
Phạm Xuân Trường