Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Vụ cưỡng chế Văn Giang, xét từ chức năng quản lý nhà nước

Nhà văn: Đắc Trung
Thứ bẩy ngày 12 tháng 5 năm 2012 10:08 PM

        1.  Những đối tác:
         Có ba đối tác chính. Một là: Nông dân được giao quyền sử dụng đất hợp pháp (có đất); hai là: Chính quyền chủ thể quản lý, điều hành xã hội (có quyền); ba là: Chủ đầu tư (có tiền).
      Mối quan hệ giữa các đối tác như sau:
      -  Giữa Chính quyền với Nông dân: Nông dân là lực lượng cơ bản, nòng cốt, bằng xương máu, công lao nhiều thế hệ góp phần quyết định chiến thắng của Cách mạng, lập nên Chính quyền này và cũng là lực lượng chính làm nên thành công của cuộc đổi mới chấn hưng đất nước hiện tại và tương lai. Nông dân coi Chính quyền là chỗ dựa tin cậy của mình. Chính quyền là sản phẩm của Cách mạng do nhân dân (đặc biệt nông dân) làm nên, có nhiệm vụ quản lý điều hành xã hội bằng pháp luật được nhân dân giao phó với nguyên tắc "Chính quyền của dân, do dân và vì dân". Mối quan hệ giữa Nông dân và Chính quyền là máu thịt, là sự sống của nhau. Trong đó dân giữ vai trò quyết định. Dân như nước, Chính quyền như thuyền. "Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân" (Nguyễn Trãi); Dân như đất, Chính quyền như cây. Chính quyền muốn tồn tại, phát triển vững mạnh thì phải "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc" (Trần Hưng Đạo).
      -  Giữa Chính quyền với Chủ đầu tư: bằng chức năng quản lý nhà nước, Chính quyền yêu cầu, hướng dẫn và giám sát Chủ đầu tư thực thi dự án theo đúng pháp luật. Đồng thời Chủ đầu tư phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định của pháp luật. Sự gắn bó nhất thời này không thể so sánh được với mối quan hệ chiến lược giữa Chính quyền và Nông dân.
      -  Giữa Nông dân với Chủ đầu tư: thống nhất mục đích đặt quyền lợi Quốc gia lên trên hết; song về kinh tế hai bên bình đẳng thương thảo thỏa thuận mức đền bù trên nguyên tắc cùng có lợi, hỗ trợ nhau hoàn thành dự án do Chính quyền làm trọng tài.
      2.  Bản chất và biện pháp xử lý:
       Vì dự án này nhằm mục đích kinh doanh nên thực chất đây chỉ là quan hệ dân sự giữa Nông dân và Chủ đầu tư. Nếu xảy ra bất đồng tranh chấp thì phải giải quyết bằng "Luật dân sự". Lẽ ra với chức năng quản lý nhà nước, chính quyền Văn Giang cần phải bằng nhiều cách tuyên truyền, giải thích, vận động Nông dân để họ thấy rõ chủ trương CNH-HĐH đất nước là đúng và muốn thực hiện được thì phải cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhằm tạo sự đồng tâm nhất trí của toàn dân. Đồng thời Chính quyền làm trọng tài để Nông dân và Chủ đầu tư thỏa thuận với nhau mức đền bù. Nhưng rất tiếc chính quyền Văn Giang đã không nhận thức đầy đủ bản chất vụ việc, không làm đúng vai trò trọng tài của mình. Hơn thế lại biến mối quan hệ từ dân sự thành hình sự, nghiêm trọng hơn còn dùng cả bộ máy quyền lực đàn áp Nông dân bất chấp pháp luật và đạo lý gây bất bình sâu sắc trong xã hội dẫn đến hậu quả nặng nề lợi bất cập hại.
      3.   Lợi, hại sau cưỡng chế:
      Thiệt hại nặng nề nhất là Nông dân: mất đất, đền bù không thỏa đáng, đời sống gặp khó khăn, danh dự nhân phẩm bị chà đạp, thậm chí bị bắt giam, bị hành hung (trong đó có cả các nhà báo đang tác nghiệp) bởi chính những người nhân danh "Chính quyền của dân, do dân và vì dân" (!); thứ hai là Chính quyền: do cách hành sử không đúng khiến mất lòng tin của dân. Đó là mất rất lớn khó lấy lại được. Có lợi nhất là Nhà đầu tư: họ bỏ ra chút tiền rồi "Tọa sơn quan hổ đấu" múa tay trong túi, cười khẩy nhìn Chính quyền huy động bộ máy bạo lực đàn áp Nông dân, lạnh lùng trước nỗi đau ai oán của Nông dân. Chỉ mấy tiếng đồng hồ thôi cả cánh đồng bằng phẳng trù phú vào tay và vài ngày sau họ phát giá bán gấp hàng trăm lần giá đền bù. (Bọn chiếm lời lớn ở đây không chỉ Chủ đầu tư mà  gắn liền có cả "nhóm lợi ích" cùng những kẻ cơ hội nhân "đục nước béo cò" bằng mọi thủ đoạn kiếm chác từ việc cưỡng chế này).
      Trận chiến kết thúc. Thất bại thuộc về Nông dân; mất tín nhiệm thuộc về Chính quyền và thắng lợi mỹ mãn thuộc Chủ đầu tư.
      4.   Bài học kinh nghiệm:
         Từ vụ cưỡng chế ở Văn Giang rút ra:
      -   Cần sửa đổi, bổ sung "Luật đất đai" càng sớm càng tốt.
      -  Mở rộng tuyên truyền, giải thích để nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ chủ trương CNH - HĐH đất nước tạo sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội.
      -   Chính quyền các cấp cần xác định đúng vai trò, chức năng của mình về quản lý nhà nước trên nền tảng pháp luật và đạo lý, thực sự là "Chính quyền của dân, do dân và vì dân".
      -   Không được đẩy vụ việc từ dân sự thành hình sự. Tuyệt đối không được sử dụng  bạo lực đàn áp dân. Tỉnh táo phát hiện loại trừ ngay mọi chi phối, can thiệp của những "nhóm lợi ích" hoặc những kẻ lợi dụng cơ hội tư túi kiếm lời.
      -   Quá trình thực hiện nếu thấy sai phải nhận, phải nghiêm túc sửa sai, không được bao che hoặc xuyên tạc bóp méo sự thật.
      Hy vọng sẽ không còn diễn ra những vụ tương tự như ở Văn Giang nữa.