Có lần nhà thơ Lâm Quang Mỹ đã kể với tôi rằng, ngay từ cuối năm học cấp 2, cậu học trò Nguyễn Đình Dũng ( tên thật của nhà thơ) đã từng bị kỷ luật bởi một bài thơ đăng trên tờ báo tường của lớp. Ấy là những năm mà nhà Thơ Tố Hữu từng viết bài thơ mở đầu thập kỷ: “ Chào sáu mốt đỉnh cao muôn trượng/ Ta đứng đây mắt nhìn tám hướng/ trông lại ngàn xưa trông tới mai sau/ Trông bắc trông nam trông cả địa cầu…”. Khi ấy Việt Nam đang là tâm điểm của thế giới. Vậy mà cậu học trò Nguyễn Đình Dũng dám sáng tác bài thơ “Hoàng hôn” đầy u ám, biểu tượng nhiều mặt:
“ Mặt trời trăng trối với ráng hồng
Dòng nước xanh xẫm lại
Nỗi nhớ trào thinh không
Bên kia rừng tiếng ai vọng lên tha thiết
Như chất đầy cả thế kỷ chờ mong
Trên sườn núi vài ánh vàng sót lại
Lạc tiếng chim khắc khoải gọi đàn
Lũ cò trắng sải cánh bay uể oải
Xa mờ dần giữa thế giới màu than
Và gượng gạo núi bò thấp xuống
Im lặng trùm lên
Chờ đêm tan”.
( Hoàng hôn).
Bài thơ bị vu lên là có ý ám chỉ, tư tưởng có vấn đề. Cái án văn chương đã suýt cắt ngang con đường học vấn của Dũng, nếu cuối năm học ấy anh không cố gắng vươn lên đoạt hầu hết các điểm chín, mười trong các môn học.
Tưởng sẽ vĩnh viễn chia tay với nàng thơ, khi Nguyễn Đình Dũng bước vào giảng đường đại học, chọn một ngành học hoàn toàn ngược hướng véc- tơ với văn chương: ngành vật lý. Rồi anh được gửi đi tu nghiệp tiếp ở Đông Âu, vươn tới đỉnh cao khoa học với học vị Tiến sĩ vật lý Viện hàn lâm khoa học Ba Lan.
Nhưng nhà khoa học, cuối cùng cũng không trốn được Nàng Thơ. Với bút danh Lâm Quang Mỹ - Khu rừng sáng đẹp, ông đã khiến độc giả yêu thơ kinh ngạc, ông đã biến những người yêu thơ cả trên xứ sở Bạch dương cũng thành những người tình.
“ Nhiều khi ta là lá cỏ
Dập dờn xanh mặt nước hồ
Nhiều khi ta là lá cỏ
Nổi chìm bao đợt sóng xô
…
Nhiều khi ta là lá cỏ
Đung đưa dưới ngọn gió trời
Nhiều khi ta là lá cỏ
Nát nhàu dưới dấu chân người”
.( Lá cỏ)
Đó không chỉ là thơ về cỏ, mà còn là lời thú nhận khiêm nhường mà cay đắng của một tha nhân. Phải từng trải lắm, trầm luân lắm mới nhận chân ra mình như thế… Bỗng nhớ câu thơ của Ức Trai : “ Hoa thường hay héo/ Cỏ thường tươi”. Thì ra Lâm Quang Mỹ rất thấm nhuần triết học phương Đông, khiêm cung đấy mà ngạo đời, đầy bản ngã.
Dễ nhận ra nỗi niềm, tâm trạng, day dứt, trăn trở của một tha nhân. Tha hương trên chính quê hương mình, tha hương, khắc khoải trên xứ người.
Tín hiệu đầu tiên cuả tha nhân là sự cô đơn, niềm hoang hoải, vô định:
“ Sáng đi có trăm đường
Chiều chỉ về một lối
Có lúc nào tự hỏi
Đêm nay mình nơi đâu?”
( Sáng, chiều và tối);
Là niềm vô vọng trong nỗi đau xa cách:
“ Thẳm sâu đáy mắt thuyền không đậu
Một chút buồn gieo bóng mây qua
Còn gì chờ ta
Bên trời nẻo xa”
( Tháng ngày).
Và cũng có khi là nỗi mỏi mòn, hoang vắng trong cuộc mưu sinh:
“ Ngựa đã chồn chân dừng lối cũ
Đường chiều hoang nắng, trắng chân mây”
( Không đề).
Thấp thoáng bóng dáng một Hồ Dzếnh trong bài thơ “Lữ thứ” :
“ Mây xám về đâu chim mỏi cánh
Bóng nhỏ liêu xiêu, chiều ven sông
Trời thu không tiếc cơn gió lạnh
Ơi những lá vàng có đau không?”.
Chẳng ngày nào trong cuộc hành trình của tha nhân, là một ngày yên ả, vì nó không phải là những ngày bình thường, mà là tích hợp những cảm xúc, những ái, ố, hỷ , nộ của thi nhân :
“ Ngày đi trong thanh bình
Đêm ngược chiều bão tố
Ngày như đứa trẻ nhỏ?
Đêm đã ngoài sáu mươi”
( Già).
Tín hiệu thứ hai của tha nhân là nhà thơ luôn sống trong trường hoài niệm, hoài cố, đau đáu nhớ về quê hương xứ sở. Hầu như gần hết tập thơ “ Chiều rơi trên sóng”ôm trùm cảm xúc ấy.
Ít có một bức tranh nào về quê hương xứ Nghệ với những mảng màu xù xì,gai góc, chói gắt, khốc liệt, nhưng xa xót, mến thương như bức tranh này:
“ Cái chảo quê rang bằng lửa gió Lào
Tấm phản gỗ nóng quăn vỏ đỗ
Đòn gánh bỏng vai tan buổi chợ
Mồ hôi lưng mẹ áo khô dòn
Giếng làng chắt một nửa gầu là cát
Phần đục Mẹ uống rồi, phần trong để cho con.”
(Mẹ và quê)
Và bức tranh này nữa:
“ Nắng cắt đất quê thành triệu mảnh
Lũ xoáy lòng con ngàn trái bom
Hạn hán đốt cháy khô mắt mẹ
Lũ lụt tuôn trào nước mắt con”
(Hạn hán và lũ lụt).
Thơ có thể làm cho người đọc rơi nước mắt. Và cũng làm nhiều người không còn nước mắt để khóc.
Hình ảnh Mẹ và quê hương trở đi trở lại nhiều lần trong mỗi bước tha hương của tha nhân (Các bài Trăng vỡ, Nỗi niềm, Nghe em hát Quan họ, Tiếng gọi, Gửi bạn, Em đi, Em về, Bước chân Mẹ, Em và anh, Hoa trắng, Vườn trăng, Tím, Quê ngoại…) Càng đi xa, Lâm Quang Mỹ càng khắc khoải , đau đáu với quê hương, với những kỷ niệm tuổi thơ, những con đường hoa trắng:
“Nhớ chăng những chùm hoa nhỏ ấy
Nở trắng bên đường, trắng tuổi thơ”
và:
“ Nhặt cánh hoa khô mùa trước
Lấp đầy nỗi nhớ hôm nay”
những bến nước quê nhà:
“Sóng xua bóng núi về phương cũ
Một tiếng hò xa nhớ nguôi ngoai”
Và đây là buổi tiễn biệt nhớ đời:
“ Và chỉ một chiều thu tiễn biệt
Để lá vàng rơi ba mươi năm”.
Rồi những mối tình vương vấn thuở đầu đời:
“Nhớ buổi tiễn đưa, con đò trong nắng
Cơn bão tan trong bảy sắc cầu vồng
Đợi dấu chân ai, cát dài bờ sông…”
Và chợt khi, nửa đêm thức dậy bỗng hoảng hốt:
“Nửa đêm choàng thức dậy
Ào ào gió bốn bề
Dường như trong bão tố
Tiếng gọi từ miền quê”.
( Tiếng gọi)
Cho nên tôi rất tin, nhiều đêm Lâm Quang Mỹ khóc. Như cái đêm giao thừa này, giữa thủ đô Vacsawa băng tuyết, trong làn khói hương Liêu trai đầy tâm linh, tha nhân đã nức nở gọi Mẹ:
“ Chớp xé đêm đen – tiếng pháo
Xua hết lạnh ra ngoài trời
Khói hương kéo tuổi thơ trở lại
Ngọn lửa bập bùng hai tiếng : Mẹ ơi!”
( Đêm giao thừa)
Nếu chỉ đơn thuần là một thi sỹ, thơ không thể đau đáu nỗi thế thái nhân tình, không day trở, thổn thức và da diết đến thế. Phải là một nhà thơ xa xứ , một tha nhân mới khiến người đọc có những giây phút chênh chao như chính mình đang nhập cuộc. Và, một phẩm chất nữa trong tập “ Chiều rơi trên sóng” của nhà thơ Lâm Quang Mỹ là, nếu không có một tâm hồn xứ Nghệ gió Lào cát trắng thì thơ ông không thể thổi lửa, sát muối vào lòng người như thế.
Hà Nội,1h45, rạng 18.2,2012
HMT