Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI NHƯ SƯƠNG KHÓI

Vũ Từ Trang
Chủ nhật ngày 19 tháng 2 năm 2012 3:42 PM
 
                    Một họa sỹ đôn hậu, tài hoa, thủy chung với nghệ thuật sơn mài. Anh ôm ấp dự định tái tạo vẻ đẹp trữ tình và lãng mạn của quan họ qua các tác phẩm sơn mài sang trọng và trầm lắng của mình. Ấy vậy, anh phải ra đi sớm vì bạo bệnh. Cuộc triển lãm các tác phẩm sơn mài của anh, ( năm 1992) được tổ chức sau mười năm  anh mất, gây ấn tượng sửng sốt, ngỡ ngàng và vẫn còn để lại nhiều  dư âm với giới mỹ thuật và bạn bè.

        Tình cờ trong buổi về thăm quê, ngồi chuyện trò cùng nghệ nhân sơn mài Phan Đình Bính, hai anh em có nhắc đến họa sỹ Vũ Kim Hàm, người từng gắn bó và có nhiều đóng góp với công nghệ sơn mài quê tôi, tôi bỗng nhớ anh vô chừng.
        Con người đôn hậu, ấy mà trời bắt đi quá sớm. Anh mất đã gần ba mươi năm rồi. Chị Vượng, vợ anh, cũng mất đã tròn năm.
        Ngay buổi chiều ấy, tôi sang Phù Lưu tìm thăm nhà anh. Làng Phù Lưu nằm sát chợ Giầu sầm uất. Làng nay đã chuyển thành một phường của thị xã Từ Sơn. Giữa cơn lốc đô thị hóa tăng tốc tới mức chóng mặt ở vùng quê này, tôi vẫn nhận ra ngay chiếc cổng gạch cũ càng ngôi nhà của anh Hàm chị Vượng.
         Người con trai ra mở cổng. Tôi bất chợt gặp ánh mắt quen thuộc như ánh mắt anh Hàm thưở nào. Thì ra là cháu Việt. Con trai út của anh chị. Một cháu bé chừng chục tuổi từ trong nhà chạy ra, Việt bảo “ Con chào ông đi con !” Cháu bé khoanh tay chào tôi. Việt nói, chú xưng tên, cháu nhớ ngay, ngày cháu theo bố cháu sang thăm quê chú, cháu còn bé bằng thằng con cháu bây giờ.
          Tôi ngẩn ngơ trong ngôi nhà quen thuộc thưở nào. Cái cổng nhà cũ càng vẫn như xưa. Mái ngói thâm u không còn nữa, thay bằng nếp nhà khác, mà  nay cũng đã cũ càng. Cây ổi góc sân không còn. Cái cây một thời xòe tán lòa xòa che bóng nắng cho chúng tôi thường ngồi đàm đạo về văn chương nghệ thuật. Anh Hàm luôn có nụ cười rất tươi, cho dù thời ấy chúng tôi sống còn kham khổ lắm.
          Hàm quê ở Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Học trường mỹ thuật ra trường, anh được phân công về Trạm thủ công mỹ nghệ Từ Sơn, Bắc Ninh. Ngày ấy, Từ Sơn là một trong những trung tâm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nức tiếng trong tỉnh, ngoài tỉnh. Nào nghề sơn then, sơn mài, nghề song mây, nghề làm mành trúc, mành tăm, nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ...Những ai quan tâm tới nghề thủ công cổ truyền thì hẳn biết tiếng nghề sơn then, sơn mài Đình Bảng, Phù Lưu, Trang Liệt. Đấy là thời kỳ trăm hoa đua nở của ngành thủ công. Vũ Kim Hàm được về sống và làm việc giữa vùng quê trù phú và tưng bừng ngành nghề thủ công truyền thống như vậy, làm bao bạn bè học cùng khóa với anh phải phát thèm. Những kiến thức mỹ thuật ứng dụng của anh được có đất dựng võ. Anh hăm hở đi xuống từng xóm nghề, làng nghề để thâm nhập thực tế. Anh hỗ trợ kiến thức, thẩm mỹ cho người thợ. Anh phát hiện những vướng mắc trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các đơn vị sản xuất. Anh cũng học hỏi được bao kinh nghiệm thực tế của người thợ. Ngoài những giây phút quản lý, nghiệm thu hàng hóa xuất khẩu cho các đơn vị sản xuất thủ công mỹ nghệ, anh ghi chép, ký họa, phác thảo nhiều tiên đề cho các tác phẩm hội họa của anh sau này. Kiến thức học sơn mài ở nhà trường, được anh thực hành, ứng dụng giữa vùng nghề sơn mài nổi tiếng. Anh thỏa sức làm vóc sơn mài, khổ to, khổ nhỏ đủ kiểu, để phục vụ những ý tưởng sáng tạo mà anh hằng ao ước.
           Hình như vùng đất Kinh Bắc ngập tràn âm thanh và màu sắc đã nạp cho anh bao năng lượng hữu ích với người sáng tạo nghệ thuật. Tôi nhớ quê tôi, những năm ấy, trống hội làng rền rĩ, cờ phướn, cờ đuôi nheo mở hội tưng bừng từ làng này sang làng kia suốt cả mùa xuân mưa bụi lay phay và hoa xoan rụng tơi bời ngõ xóm. Tiếng trống chèo, kèn tuồng và những làn điệu quan họ giăng mắc sân đình, bờ tre, bến nước làng này thôn kia. Những  vành nón quai thao chấp chới. Những vạt áo dài mớ ba mớ bảy líu ríu chân người... Dường như hội hè đình đám quê tôi đã mê hoặc, bỏ bùa hồn vía chàng trai tỉnh Đông khi nào không rõ. Anh đã sống, đã làm việc, đã vẽ, đã yêu và làm rể đất Phù Lưu từ đó. Kinh Bắc đã trở thành miền quê thứ hai của anh. Dạo đó, anh  vẽ rất nhiều. Anh trọn mình sống chết với thể loại nghệ thuật tạo hình sơn mài. Những hình tượng hội làng, chùa làng, những liền chị liền anh quan họ trở đi trở lại trong tranh của anh, mỗi lần lại thêm lần phát hiện vẻ đẹp mới mẻ và quyến rũ.
           Chị Vượng ngày ấy là cô xã viên trẻ đẹp và khéo tay của hợp tác xã sơn mài. Sau những giờ làm việc ở hợp tác xã, về nhà, chị lại mải mê làm vóc, mài sơn cho chồng vẽ tranh. Cháu Anh, cháu Vân, cháu Nam, cháu Việt lũn cũn giúp bố mẹ pha sơn, mài vóc. Một gia đình thấm đẫm không khí nghệ thuật. Đấy là thời cái đẹp của xã hội như chưa hề bị sức mạnh đồng tiền chi phối. Ngôi nhà nhỏ của anh Hàm chị Vượng ngỡ luôn đầy ắp tiếng cười. Bạn bè làm nghệ thuật hay tụ tập nơi đây. Nào nhà thơ Anh Vũ, nhà điêu khắc Lê Liên trên Bắc Giang xuống. Nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng ở Hà Nội về. Nhà văn người Phù Lưu chuyên viết về làng, về nông thôn với phong vị riêng, như nhà văn Kim Lân, nhà văn Nguyễn Địch Dũng mỗi khi về quê lại ghé vào thăm anh. Một loạt họa sỹ bậc thầy của Vũ Kim Hàm cũng thường về thăm ngôi nhà làm tranh sơn mài của anh. Đấy là các bậc mét, như: họa sỹ Trần Văn Cẩn, nhạc sỹ Văn Cao, họa sỹ Lê Quốc Lộc, họa sỹ Kim Đồng, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân... Hồi ấy, tôi đang làm phóng viên cho một tờ báo ngoài Hà Nội, chủ nhật về thăm quê, là thế nào tôi cũng đảo sang thăm anh. Tôi đã chứng kiến cuộc hội ngộ tương phùng đầy ắp không khí nghệ thuật thưở ấy tại nếp nhà anh. Những chén rượu quê, những hạt lạc mùa rang khéo, những chiếc bánh đa tráng đầy vừng rất đặc trưng Kinh Bắc. Tranh sơn mài đã hoàn chỉnh, cả những bức tranh khổ lớn còn đang rát vàng, đang phủ sơn và mài dang dở dựng quanh sân, mỗi người tán thưởng và góp ý chân tình cho nhau. Những cây đa cổ thụ, mái chùa rêu phủ, những đao đình đắp dẻo khéo như búp tay cô diễn viên chèo, những vành nón quai thao e ấp che ngang mặt người, những vạt áo mớ ba mớ bảy, như run rảy, chập chờn xê dịch, những đám mây vàng rực rỡ, mà đằm thắm , khi ẩn khi hiện trong tranh.  Đấy là những bữa tiệc nghệ thuật tuy đơn sơ mà giầu có, ấm áp không dễ quên cho mỗi người làm nghệ thuật. Tôi nghĩ, có lẽ chỉ ở thời điểm ấy, không gian ấy, mới có được và không thể lặp lại được. Ôi, thời đó, nghệ thuật mới thuần khiết làm sao!
            Hồi ấy, Vũ Kim Hàm dành hết tâm lực cho mảng tranh quan họ. Anh vẽ như lên đồng, như mê sảng. Đề tài quan họ, nhiều họa sỹ thể hiện, nhưng riêng tranh quan họ của họa sỹ Vũ Kim Hàm thì không thể lẫn tranh người khác được. Anh vẽ theo sự đam mê của chính mình. Hồi ấy, chưa có trào lưu quảng cáo, lăng xê ầm ĩ như ngày nay. Hồi ấy, họa sỹ vẽ tranh rất ít bán, hầu như chỉ đem tặng nhau. Công việc sưu tập của bảo tàng và các ga-ra-ly chưa rộ lên như ngày nay. Không biết bao bức tranh sơn mài của họa sỹ Vũ Kim Hàm dạo ấy, nay lưu lạc ở đâu? Tôi còn nhớ  kỳ anh đang hoàn thành bức tranh quan họ khổ khá lớn, đoàn nhà văn ở báo Văn Nghệ ngoài Hà Nội về thăm, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Khi thể hiện xong bức tranh, anh thuê thợ đóng khung, rồi thuê xe chở ra Hà Nội kính tặng báo. Bức tranh sơn mài của Vũ Kim Hàm được treo trang trọng giữa phòng khách của báo Văn Nghệ. Thời gian đã lâu rồi, qua bao kỳ xây dựng cải tạo trụ sở báo, chả biết bức tranh sơn mài ấy của Vũ Kim Hàm còn được lưu giữ không?
          Say mê vẽ, say mê đi thăm các ngôi chùa, ngôi đình cổ kính quanh vùng. Anh ghi chép bằng các ký họa trên giấy. Tôi nhớ anh nhiều lần ngẩn ngơ trước những ngõ nhỏ lát gạch nghiêng, những bức tường gạch xây bắt mạch trần đã ngả màu mốc thếch của làng quê tôi. Anh xuýt xoa trước những con chó đá đẽo thô chôn trước cổng mỗi ngôi nhà. Anh mê mẩn trước chum sành vại sành hứng nước mưa bên gốc cau. Anh tần ngần trước những trạm trổ tinh vi trên vì kèo, bức cốn, bức bẩy của nếp nhà gỗ cổ. Với chiếc xe đạp Phượng Hoàng màu cánh chả đã tróc sơn, với chiếc mũ lá rộng vành, cứ thế, anh đi điền dã thôn trên xóm dưới quê tôi. Hồn vía, tinh túy của các họa tiết dân gian đã cuốn hút anh. Anh ghi chép, rồi phác thảo. Rồi nó nhập vào hồn anh, nó hiện lên trong tranh của anh theo phong cách riêng biệt của anh khi nào không rõ. Bạn bè bảo anh thâm canh kỹ lưỡng một vùng đất văn hiến, vì thế, tranh của anh ngập tràn hình ảnh làng quê vùng Kinh Bắc. Vũ Kim Hàm đã chọn miền Kinh Bắc làm không gian nghệ thuật của mình.
           Ngày ấy, anh chơi rất thân với nhà nghiên cứu dân ca quan họ Hồng Thao. Anh Hồng Thao công tác trên Ty văn hóa tỉnh Hà Bắc, hình như hơn Vũ Kim Hàm dăm tuổi, nhưng họ tri âm tri kỷ với nhau lắm. Phải chăng cả hai  cùng mê đắm miền đất Kinh Bắc trữ tình và đầy mộng mơ? Trong giới nghiên cứu âm nhạc đánh giá rất cao những công trình khảo cứu, nghiên cứu dân ca quan họ của anh Hồng Thao. Theo tôi, sự hiểu biết và những sưu tập về quan họ, thì hông ai bằng anh Hoàng Thao. Qua một số hội thảo khoa học về quan họ, những tham luận của nhà nghiên cứu âm nhạc Hồng Thao luôn được đồng nghiệp đánh giá cao vì luôn phát hiện và nêu ra những tiên kiến mới. Cuối năm 1978, Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho ra mắt tập nghiên cứu “ Quan họ, nguồn gốc và phát triển” của ba tác giả Đặng Văn Lung, Hồng Thao và Trần Linh Quý. Phần viết của anh Hồng Thao thật sâu sắc, khoa học. Anh  giải mã các làn điệu quan họ bằng các ký tự. Một buổi chiều chủ nhật, hai anh sang thăm và tặng sách tôi. Vẫn hai dáng người gày mảnh, vẫn hai chiếc mũ lá đội đầu, vẫn hai chiếc xe đạp cũ càng mà xích líp còn quấn đầy rơm rạ, dấu tích sự rong ruổi trên con đường quê ngày mùa, làm tôi cảm động vô cùng. Tập sách tôi giữ mãi, dù trải qua bao cuộc thuyên chuyển chỗ ở. Trên  chiếu ghế góc nhà hôm ấy ở ngôi nhà quê tôi, Vũ Kim Hàm giở cho tôi xem phác thảo bức tranh sơn mài khổ lớn về Đền Hùng do Tỉnh ủy Hà Bắc đặt hàng. Cảnh đám người rước tế lễ, cảnh cây đu, xới vật quyện giữa núi sông trùng điệp, ngỡ đầy ắp âm thanh hội hè của đất nước hưng thịnh, thanh bình. Tôi biết, anh đã dốc sức gần nửa năm trời để thể hiện thành công bức tranh hoành tráng đó. Đấy là bức tranh sơn mài khổ lớn rất đẹp của Vũ Kim Hàm. Tôi cũng không rõ, số phận bức tranh ấy, bây giờ ở đâu?
         Người họa sỹ mải mê vẽ, dốc hết tiền của vào những bức tranh của mình, đã thể hiện thành công hàng trăm bức tranh sơn mài lớn nhỏ, vậy mà mà luôn khiêm nhường trước anh em làm nghệ thuật. Anh vốn kiệm lời trước đám đông và thường nở nụ cười e ngại. Tôi thấy anh chỉ quen trò chuyện bên những người bạn thật thân hữu. Mỗi khi nói tới dự định sẽ mở triển lãm riêng, khuôn mặt anh sáng bừng niềm kiêu hãnh và ngượng ngùng. Nó như một sự kiện quá lớn đối với người họa sỹ, nó có gì thiêng liêng  đền đài khó tả. Những năm tháng ấy, tình yêu nghệ thuật, nỗi niềm thiêng liêng với nghệ thuật thật sang trọng. Mà không riêng gì địa hạt  hội họa, ngay cả anh em làm văn chương, có in được bài thơ, chùm thơ trên báo là sung sướng lắm rồi, chứ đâu đã dám mơ in tập nọ, tập kia như ngày nay.
           Tôi đã được xem nhiều tranh của nhiều họa sỹ vẽ về quan họ, nhưng tôi nhận thấy tranh quan họ của Vũ Kim Hàm có sức sống riêng biệt mà không họa sỹ nào có. Những đường nét run rảy như bước chân liền chị liền anh dùng dằng vừa ở vừa đi. Màu sắc khi chìm khi hiện, như những làn ca lúc nao nức bay bổng, lúc da diết trầm lắng, quặn thắt. Tiếc cho Vũ Kim Hàm quá, tài năng nghệ  thuật trong anh đang độ rực rỡ, thì anh phải ra đi. Căn bệnh hiểm nghèo đã cắt ngang con đường sáng tạo của một họa sỹ chân chất, đôn hậu. Người nghệ sỹ, như luôn phải chấp nhận những số phận trớ trêu. Sau mười năm ngày mất, Hội nghệ sỹ tạo hình Việt Nam cùng gia đình mới tổ chức được triển lãm riêng của anh tại Nhà triển lãm 16 Tràng Tiền, Hà Nội. Rất nhiều tác phẩm sơn mài lớn nhỏ của anh được trưng bày. Cuộc triển lãm muộn mằn, nhưng rất đông đảo anh em văn nghệ sỹ tới dự. Ai cũng đánh giá anh là một họa sỹ sơn mài tài năng thực thụ, người có phong cách riêng biệt trong sự sáng tạo nghệ thuật của mình. Anh như một người cuối cùng của dòng tranh sơn mài cổ điển mà tôi quen biết. Cho dù, ngày nay, vẫn rất nhiều họa sỹ đeo đuổi chất liệu sơn mài, nhưng cách làm tranh sơn mài của họ đã cải, đã khác đi rất nhiều.
          Nhớ  họa sỹ Vũ Kim Hàm, tôi lại  nhớ về anh Hồng Thao. Anh Hồng Thao cũng đã đi sau anh Hàm một độ. Hai con người,  hai tấm lòng sống chết với nghệ thuật quan họ, cả hai đã đi xa, nhưng để trong tôi nỗi niềm cảm phục. Nếu nói rộng ra nữa, phải nói đến nhà nghiên cứu  Trần Linh Quý và ông Lê Hồng Dương, giám đốc Sở Văn Hóa Hà Bắc một thời. Đấy là một kíp người dám sống chết với quan họ. Vẻ đẹp quan họ, với họ, đã được thêm một lần khẳng định, thêm một lần phát sáng dưới lăng kính riêng của họ. Họ đã đi xa cả rồi. Nhưng trong tâm thức tôi vẫn nhớ, một thời, họ dám hết mình với cái đẹp theo lối của họ.
           Mưa xuân lại giăng giăng trên miền quê Kinh Bắc. Tiếng trống hội làng lại tưng bừng thôn trên xóm dưới. Con đường làng Phù Lưu lại mịt mờ sương khói. Những ngôi nhà cao tầng cửa gương sáng loáng vẫn đua nhau mọc lên trên miền quê trù phú. Cánh cửa gỗ bạc màu nhà họa sỹ Vũ Kim Hàm vẫn thường khép kín.  Sau cánh cửa gỗ cũ càng, sau trụ cổng màu vôi vàng đã loang lổ, tôi vẫn hình dung ra  người họa sỹ tài hoa một thời đã sống, đã làm việc hết mình ở đây. Có thể nhiều người xung quanh hôm nay không nhớ, không biết về anh. Nhưng  điều đó cũng không sao. Tôi nghĩ, sống ở đời, chỉ cần những người bạn, những người cần biết, hiểu biết đúng về con người đó, thì cũng đủ là hạnh phúc rồi. Vì kiếp người, vốn như sương khói mà thôi. 
 
( Nguồn: Văn Nghệ Công An)
Tháng 12 năm 2011
  Tranh Hội làng củ Vũ Kim Hàm