Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN TRÃI XIN LÀM BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN?

Vũ Bình Lục
Thứ sáu ngày 17 tháng 2 năm 2012 8:44 PM

(Về bài thơ TỰ THÁN- số 25 của Nguyễn Trãi)
Xin làm mấy bộ quản giang san,
Có biết đâu là sự thế gian!
Củi hái mây dầu trúc bó,
Cầm đưa gió, mặc thông đàn.
Ngày xem hoa rụng chăng cài cửa,
Tối rước chim về mựa lạc ngàn.
Gửi tính ngư tiều hai đứa lẩn,
Của ai non nước khiến ta bàn!

Ở bài Tự thán số 24, có nói về tâm sự buồn lo của Nguyễn Trãi khi bị thất sủng, muốn về quê ở ẩn. Sau đó, Nguyễn Trãi cáo quan về thật. Bài Tự thán số 25 này chính là tâm sự của Ức Trai khi đã về Côn Sơn, xa lánh nơi cửa son nhiều hiểm hóc. Hai câu đầu, tác giả viết:
 Xin làm mấy bộ quản giang san,
 Có biết đâu là sự thế gian!
Nguyễn Trãi làm thượng thư bộ Lại thời Thái tổ Lê Lợi, sau vụ án Trần Nguyễn Hãn và Phạm Văn Xảo, ông bị Lê Lợi ruồng bỏ. Mặc dù được tha, nhưng nhận thấy “ngồi chơi xơi nước” mãi cũng không xong, Nguyễn Trãi cáo quan về. Giờ đây, sống ở ngoài thế tục, nhưng ông lại muốn xin làm việc với cái bộ nào quản lý cả núi sông này (tức non nước Côn Sơn quê nhà). Không làm thượng thư bộ Lại nữa, thì về làm thượng thư quản lý núi sông ở quê nhà vậy! Câu thơ mở đầu đã có ý mỉa mai. Thế nên, Có biết đâu là sự thế gian? Ta chẳng biết gì về chuyện thế gian đâu, làm sao mà làm quan ở triều đình? Thế là Tiên sinh trách giận lắm đấy!
 Quản cái giang sơn Chí Linh này thì ắt là giàu của cải bổng lộc rồi. Này nhá:
 Củi hái mây dầu trúc bó,
Cầm đưa gió, mặc thông đàn.
Củi hái trong mây (củi hái mây), trúc rừng vô tận, muốn bó bao nhiêu thì bó (dầu trúc bó). Đàn nhạc ư? Thì bát ngát gió trời vi vu (cầm đưa gió) không bao giờ dứt. Tiếng thông reo vi vút chính là tiếng đàn muôn điệu (mặc thông đàn). Đó chính là tài sản bất tận mà ta quản lý, là bổng lộc trời cho, ai bì kịp?
 Ngày xem hoa rụng chăng cài cửa,
 Tối rước chim về mựa lạc ngàn.
Đêm ngắm trăng, Ngày xem hoa rụng, cửa nẻo chẳng cần phải cài (chăng cài cửa), chẳng cần phải đóng làm gì. Chiều tối thì lo rước chim về, vì chúng đi kiếm ăn xa, chơi nhởi ở nơi xa, nên phải lo đưa đón, lo rước chúng về, kẻo rồi chúng lạc đàn (mựa lạc ngàn), phải tội! Chim rừng là bầu là bạn, là con là cái trong nhà cả, nên quý hóa yêu thương như thế, cũng là chuyện hi hữu trong cõi đời này. Tiên sinh Nguyễn Trãi quản cả mây khói, gió trăng, tre trúc, thông (tùng), chim muông, vượn hạc, suối khe, núi non sơn thủy (Núi láng giềng, chim bầu bạn ? Mây khách khứa, nguyệt anh tam), thì còn có gì là không thể? Thật là thỏa thuê ung dung và giàu có nhất rồi!
 Gửi tính ngư tiều hai đứa lẩn,
 Của ai non nước khiến ta bàn!
Ở với núi rừng sông suối, làm bạn với tiều phu và ngư phủ, thì tính tình của ta là gửi ở việc câu cá như anh chài, hái củi như anh tiều. Còn như đất nước này chẳng phải là của riêng ai (của ai non nước), là của chung thiên hạ, ta không được bàn bạc, hoặc không cho ta bàn bạc (khiến ta bàn), thì có sao đâu?
 Hai câu kết hàm chứa nhiều ý tưởng sâu sắc. Sau khi kháng Minh thành công, chính Lê Lợi đã mắc nhiều sai lầm, nghe theo lời sàm tấu của bọn gian thần, thu vén quyền lợi cho dòng họ mà giết hại công thần. Nguyễn Trãi cho rằng đất nước này là của chung thiên hạ, chứ chẳng phải của riêng ai. Máu xương trăm họ đổ xuống tưới xanh đất nước này, thì đất nước này là của trăm họ. Đó là minh triết của thánh hiền, không ai có quyền thu vén, cắt xẻo vì lợi ích của riêng mình, dòng họ mình, phe phái mình. Đó là tuyên ngôn của Nguyễn Trãi, cách nay những sáu trăm năm, vẫn còn hôi hổi tinh thần nhân văn đẹp đẽ!
    Hà Nội-Xuân 2012
     V.B.L