Khoảng giữa năm 1976, Phùng Khắc Bắc từ Quân đoàn Bốn; Trần Nhương từ Tổng cục Hậu cần; Đình Kính, Trần Đăng Khoa từ Hải quân; Khuất Quang Thụy từ Tây Nguyên; Chu Lai từ Đặc công Miền; Nguyễn Trọng Tạo từ Quân khu Bốn, Đào Thắng, Nguyễn Khắc Trường - Quân chủng Phòng không, tôi từ Quân đoàn Một, cùng với nhiều tác giả khác như Lê Lựu, Phạm Đình Trọng, Xuân Đức… từ khắp các mặt trận cùng được tập trung về Trại Viết văn Quân đội ở Hà Nội. “Trại” Hà Nội có lán trại ngay sát mép sông Tô Lịch nên có “tên nôm” là “Trại Tô Lịch, tồn tại đồng thời với “Trại Sông Hàn” ở Đà Nẵng với những “trại viên” khu vực Trung bộ: Nguyễn Trí Huân, Lưu Trùng Dương, Phan Tứ, Ngân Vịnh, Thái Bá Lợi…
Mục đích của hai “trại” này là tập trung các cây viết đã ít nhiêu có tác phẩm được chú ý để chuẩn bị cho một khóa đào tạo cơ bản, cụ thể, sẽ gửi vào một trường đại học viết văn có tên Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nam Cao… mà vào thời điểm đó vẫn chưa được xác định (sau này chính là Trường Viết văn Nguyễn Du).
Tập trung chán chê mà trường lớp vẫn chưa mở, các tác giả chia nhau đi thực tế ở khắp nơi. Nguyễn Khắc Trường (còn mang bút danh Thao Trường), Nguyễn Hoa và tôi đến Đoàn Ba xây dựng kinh tế ở Tây Nguyên để thâm nhập thực tế nhằm phản ánh “thành tích phá rừng hoang đại ngàn nguyên thủy để trồng lúa trồng sắn” nhằm tự túc lương thực (!?).
Toàn bộ “trại viên” đi thực tế Đà Lạt về, lán trại bên sông Tô Lịch đã bị giải tỏa nên chuyển đến ở nhờ nhà dân ở Khương Thượng, tiếp tục chờ… học. Tại đây, lễ cưới của Phùng Khắc Bắc được tổ chức. Tôi được phân công chụp ảnh đám cưới, máy ảnh ai đưa không nhớ nhưng cuộn phim thì xin được của tuyên huấn bên Tổng cục Hậu cần. Dạo ấy phim và giấy ảnh cực hiếm, trong quân đội đặc biệt lắm mới được dùng phim Orwo của Đức, còn phổ biến là dùng phim Cmena của Liên Xô. Cục Tuyên huấn cắt những cuộn phim lớn (dùng để quay phim) thành các cuộn phim nhỏ 36 kiểu phát cho…toàn quân. Loại phim này thường đã quá thời hạn sử dụng, chụp 2 cuộn thường được một, 36 kiểu được chục kiểu là may. Cuộn phim đám cưới của Phùng Khắc Bắc chỉ được dăm bảy kiểu mờ mờ, còn lại đều bị rỗ mốc. Đau xót quá!
“Trường viết văn chưa biết có mở hay không, nếu có mở thì cũng không biết đến bao giờ” , tiếp theo thông tin ấy là gợi ý của “Trại trưởng, Trại phó” Hồ Phương, Xuân Thiều “hoặc là ở lại trại tiếp tục chờ, hoặc tạm trở về đơn vị cũ, cũng có thể vào học ở các trường đại học khác (Tổng cục Chính trị sẽ làm mọi thủ tục). Phùng Khắc Bắc và tôi quyết định “tranh thủ” học khóa Đại học Văn hóa Quần chúng (Hệ Quân đội, học “nhờ” trong Trường sĩ quan Chính trị ở Thành cổ Bắc Ninh, mở song hành với Đại học Văn hóa Quần chúng ở đê La Thành của Bộ Văn hóa, cùng chương trình, giáo trình, giảng viên nhưng Hệ Quân đội được miễn học ba môn Triết học, Kinh tế Chính tri, Chủ nghĩa Mác vì trước đó đã học kỹ trong mấy năm ở các học viện, trường Sĩ quan Chính Trị. Phùng Khắc Bắc và tôi đều là Trung úy, là hai sinh viên có quân hàm cao nhất trong ”hệ” này nên phải chia ra học ở hai lớp - Bắc ở lớp Sân khấu, tôi ở lớp Âm nhạc.
Lớp Bắc đang tập các tiểu phẩm sân khấu, lớp tôi dàn dựng những ca khúc tự sáng tác (dưới sự chỉ đạo của các Nhạc sĩ Huy Du, Lương Ngọc Trác…) để chuẩn bị cho Lễ Tốt nghiệp thì nhận được lệnh từ Tổng cục Chính trị: Đi thực tế ở Quân khu Việt Bắc hai tháng trước khi tốt nghiệp. Ngay sau Tết Kỷ Mùi, chân ướt chân ráo đến Lạng Sơn, Phùng Khắc Bắc và tôi về hai tiểu đoàn khác nhau. Mọi người đang chuẩn bị về lại Bắc Ninh thì cái gọi là “phản kích tự vệ” của “giải phóng” quân Tầu xảy ra, “buộc chân” hơn trăm sinh viên ở lại biên giới phía Bắc. Gần hai chục sinh viên thương vong, giáo vụ của Hệ Quân đội - Thiếu tá Mộng Lục, cán bộ thuộc Cục Tuyên huấn - bị bắn chết trên một quả đồi, khi lính Tầu rút đi mới được tìm thấy, nhờ chiếc bút máy Kim Tinh cũng do Tầu chế tác có khắc tên anh còn bị “bỏ sót” trong túi áo.
Phùng Khắc Bắc cùng đồng đội bị lính Tầu vây chặt 7 ngày ở bản Sa, tôi bị thương ở bụng mổ đi mổ lại sáu lần, khi các nhà văn Đại Đồng, Đào Thái Tôn, Khuất Quang Thụy và mấy người nữa (tôi không còn nhớ, thật tệ) lên Quân y viện 105 Sơn Tây thăm, đến cổng nghe ai đó nói “NTS hả, chết rồi”, đã định mua vòng hoa tang. Trong thời gian ở Viện 105 trước khi về Viện 108 ở Hà Nội, Khuất Quang Thụy còn đến thăm hai lần nữa, và đã thành thực khuyên “thôi, anh đừng học Nguyễn Du nữa”. Đó là lời khuyên đúng. Phùng Khắc Bắc tiếp tục học Khóa II Trường Viết văn Nguyễn Du.
Mỗi lần gặp tôi, Chu Lai vẫn đọc câu thơ của chính mình: “Thái Sơn một khúc ruột lòi/ Hồn ma Khắc Bắc cọc còi Bản Sa”. Chắc hẳn Chu Lai viết khi chưa biết Phùng Khắc Bắc đã thoát sau 7 ngày bị lính Tầu vây hãm, sống thêm 12 năm nữa, kịp để lại tập thơ
Một Chấm Xanh.