Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÊN CAO BẰNG

Họa sĩ Đỗ Đức
Chủ nhật ngày 19 tháng 2 năm 2012 12:22 PM

 ( bài viết này thực hiên vào năm 2005, nay post lại cho mọi người thêm một tư liệu sống về cuộc chiến tranh biên giới)
 
chụp tại thị xã Cao Bằng tan náT. Từ trái sang: Hữu Nên (nhiếp ảnh) và 3 họa sĩ: Doãn Tuân- doduc- Trịnh Phòng, ngày 21/3/1979. Ảnh Đào Việt >>>
 

21/3/1979.Chiến tranh biên giới. Phía Trung Quốc đã rút. Chuyến đi vào vùng bom đạn ấy không hiểu sao chiếc Gat 69 lại có thể nhồi được đến tám người cùng tư trang, cộng thêm phuy xăng 200 lít, cộng thêm xoong chảo, tạ gạo, nồi thức ăn kho mặn với ngổn ngang đũa bát! Thêm khẩu sten và trăm viên đạn. Ngồi lên lòng nhau, lèn như cá hộp. Họa sĩ, biên tập viên Nhà xuất bản Văn hóa đi vào vùng chiến tranh trang bị như lính hậu cần. Đi để nhận diện chiến tranh, đi để nhìn tận mắt cái tàn nhẫn do người anh em liền núi liền sông gây ra với đồng bào ta. Hôm nay 21/3, đã im tiếng súng nhưng chỉ gặp người tất tả đi xuôi. Cơ quan hành chính Tỉnh đã lui về Ngân Sơn từ sau ngày bị tấn công chớp nhoáng. Tháng Ba, trời khô ráo và lạnh giá. Từ Ngân Sơn đã ngửi thấy mùi chiến tranh tanh lợm. Dư chấn của những trận đánh như còn rung rinh trên khắp núi đồi và làng mạc. Chặng đèo Cao Bắc, những trận địa pháo mới tập kết, chốt trên những điểm cao, đất lật đỏ lòm. Qua Tài Hồ Sìn, nhìn bên đường thấy một xác người còng queo, đã rã hết thịt, chiếc sọ trắng mốc lăn lóc bên cạnh vỡ ra như vỏ dừa. Vẻ như dân thường. Mọi người ngoảnh mặt đi, rờn rợn. Không một chân hương rơi vãi, không một mảnh chiếu đắp điếm vì người sống cũng còn phải đang lo cho chính mình chưa xong. Xe lướt nhanh. Từ đây mùi khăn khẳn của thịt thối bao trùm không gian. Ruồi nhiều như muỗi, vo ve lao vào xe khi ngửi thấy hơi người. Đây đó vỏ hòm đạn, đồ quân trang lăn lóc. Căng thẳng hiện ra trên gương mặt tất cả các thành viên trong đoàn. Qua trạm gác dã chiến trình giấy tờ, chúng tôi vượt ngầm sông Bằng lao vào thị xã. Trước mặt chúng tôi là một thị xã đã bị hủy diệt trăm phần trăm. Nhà bị đánh sập toàn bộ. Những căn nhà mất mái, vách tường đứng mê dại, vỡ loang lổ trông như người chết đã bay mất đầu.
 
 
Chúng tôi xuống xe, lặng lẽ trôi trong hoang tàn. Những cột điện bên đường, cái nào cũng bị nổ mìn gẫy chân, quì sụp xuống, cốt thép trơ ra như gân gà, vẹo vọ. Đồ gia dụng bếp núc vung vãi khắp các góc phố. Chăn màn, đệm quần áo cháy rụi lẫn tro than mái gianh. Bên mép sông còn thấy cả chiếc tủ lạnh Saratop bị hất nghiêng kè với đá làm công sự. Một con lợn choai đang thối rữa mất hai đùi phía sau, trông còn rõ vết dao cắt. Tôi cùng họa sĩ Lưu Yên, họa sĩ Trịnh Phòng tản ra tìm góc ghi kí họa. Đào Việt, Hữu Nền lò dò bấm máy, Võ thị Hảo, Hoàng thị thiệu rón rén, mắt tròn xoe ngơ ngác mở sổ tay ra chẳng biết để làm gì khi bất chợt thấy một con lợn sống sót của trại lơn Mỏ Muối trong thị xã đang lúi húi gặm xác của một người lính đối phương ở những phần không có quần áo che phủ. Chưa có người thu dọn chiến trường. Chuyến đi thực tế vào một thị xã bị lính Trung Quốc tàn phá vừa rút để lại nhiều ấn tượng đau lòng khó quên. Đến hôm nay nhớ lại vẫn sôi lên căm giận,.
Lấy nước sông Bằng nấu cơm ngay bên vệ sông. Ăn trong nỗi ám ảnh của túm ruột lòng thòng mắc vào cành cây còn đang phập phều trên mặt nước. Nhưng không còn nguồn nước nào khác thì đành phải vậy. Trưởng ban quân quản đại diện chính quyền, phó chủ tịchthị xã Lâm Ngọc Thụ tiếp chúng tôi trong hầm, bên hông kè kè khẩu súng lục như một sĩ quan chính hiệu, nhắc nhở chúng tôi hãy nhìn kĩ trên lối đi mỗi khi thấy dây dợ. Thường là lựu đạn đã mở chốt móc dây vào nhau, sẽ phát nổ khi có ai vấp vướng. Đó là cách làm của đối phương khi rút chạy để sẵn sàng sát thương những ai vô ý. Trong thị xã còn đầy những quả mìn chống tăng chôn vội, trơ cái mặt thớt lì lợm dọa dẫm. Dưới hầm,chúng tôi vừa nói chuyện vừa giật mình vì tiến AK lẹt đẹt đứt quãng từ khoảng đồi phía xa, đôi lúc lại víu òa tiếng đạn pháo đơn lẻ hoảng hốt dội vào thinh không. Được nghe bao chuyện thương tâm và những hành động anh hùng. Lại gặp xe của Hội Nhà văn: Nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh. Chiến tranh dây dưa đến cả làng văn thơ nghệ thuật, chẳng ai thể ngồi yên. Ở Ngân Sơn trông ông Thuận dài cổ không nuốt nổi miếng cơn rang đãi khách của trạm đón tiếp mà còn thương mãi đến bây giờ.
 
 
Kỉ niệm cái đêm ở Ngân Sơn đến bây giờ chưa mờ phai khi cả đoàn ngửi áo của nhau đều phát hiện ra mùi gây thối sực đầy trong thị xã đã ướp vào từ hôm trước. Hẳn nào mà suốt dọc đường về cứ thấy lũ ruồi vo ve bám riết. Đêm ấy được giấc ngủ yên tĩnh. Một bác trung niên chạy loạn khi biết chúng tôi là đoàn cán bộ nhà xuất bản Văn Hóa thì bùi ngùi tâm sự: “ Nhà tôi sập rồi, cháy hết cả. Thế là bức ảnh in cảnh hồ Ba Bề có bãi lau trắng cũng bị cháy theo, tiếc quá”. Đó là bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng chụp vào mùa thu năm 1967 trong lần đầu ông lên Ba Bể...
Lên Cao Bằng lần ấy thế mà đã trên một phần tư thế kỉ. 3-2005