Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHẤT NHÂN VĂN TRONG TRUYỆN NGẮN XUÂN THIỀU VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH

Nguyễn Huy Thông
Thứ tư ngày 8 tháng 4 năm 2009 8:43 PM

Có thể nói Xuân Thiều (1930-2007) là một trong những nhà văn xuất sắc viết về đề tài chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Đề tài này chiếm một tỷ lệ khá lớn trong các sáng tác văn học của Xuân Thiều, bao gồm nhiều thể loại, nhất là tiểu thuyết, truyện ngắn. Mới đây, Nhà xuất bản Thanh Niên đã cho ra mắt bạn đọc tập sách 10 truyện ngắn chọn lọc của ông. Hầu hết các truyện ngắn đó đều hay, hấp dẫn bạn đọc, vì nó đề cập một cách sâu sắc, rất thực về tâm trạng, số phận của bao con người trong chiến tranh, từ anh “bộ đội Cụ Hồ”, o giao liên, o du kích, cô thanh niên xung phong…đến những người dân thuộc nhiều tầng lớp khác nhau ở hậu phương lớn miền Bắc cũng như trong vùng địch tạm chiếm ở miền Nam trước đây. Một số khía cạnh phức tạp của cuộc sống thời “hậu chiến” cũng được nhà văn khắc họa. Ông không ngại ngần, dám dấn sâu đến tận cùng sự thật, dẫu là sự thật đắng cay khi miêu tả những mặt trái của cuộc chiến tranh, đó là các mất mát, đau thương, kể cả bi kịch của người lính cách mạng. Bằng tiếng nói của hình tượng nghệ thuật, khi cần thiết, nhà văn còn thẳng thắn phê phán những quan điểm cực đoan, thô thiển và cách nghĩ, cách nhìn thiển cận, cứng nhắc, giản đơn của một số cán bộ, chiến sĩ. Với chỗ đứng và tầm nhìn đúng đắn, Xuân Thiều đã “mạnh dạn xới sâu vào những điều trong chiến tranh chưa tiện viết” (chữ dùng của nhà văn).
Trong “Gió từ miền cát”, thông qua việc mô tả khá sắc xảo diễn biến trạng thái tâm lý, tình cảm trong những cảnh ngộ, tình huống xung đột gay cấn, nhà văn đã làm bật lên tính cách, số phận của hai người phụ nữ cùng quê rất dũng cảm và đều rất đáng thương. Từ hai nhân vật này, tác giả đã giúp bạn đọc hình dung được cuộc chiến đấu hết sức khốc liệt, hy sinh to lớn của quân, dân Quảng Trị cũng như những vết thương lòng của người trong cuộc phải vượt qua. Nụ là vợ của Dương, bí thư chi bộ, xã đội trưởng. Khi chồng đi chiến đấu thoát ly, chị đã thay anh đảm nhận chức bí thư chi bộ và kiên cường lãnh đạo bà con xã Gio Hải chống lại ách kìm kẹp của kẻ địch. Còn Thắm, cô học sinh trung học, dám bỏ học để theo vợ chồng Nụ, Dương làm “Việt cộng”. Và rồi trong hoàn cảnh “cái sống, cái chết cách nhau có một sợi tóc”, Thắm đã đem lòng yêu Dương “một mối tình điên dại, không cưỡng lại được”. Mặt trận thắng lợi, nhưng Dương đã ngã xuống khi anh luồn sâu vào tuyến phòng ngự của địch bên kia bờ sông Thạch Hãn, để lại giọt máu thiêng liêng của mình cho Thắm. Cô đã phải chịu đựng bao nỗi ê chề, tủi nhục thị phi của dư luận, chứ nhất quyết không chịu phá thai, một mực không nói sự thật có con với Dương. Thắm đành chịu nhận kỷ luật cảnh cáo trước chi bộ và âm thầm nuôi thằng Quý khôn lớn. Tác giả đã để cho Thắm nói rõ với Nụ về lý do mình phải làm như vậy để tổ chức khỏi xử sự sai đối với một cán bộ có năng lực, khi hai người phụ nữ ấy gặp lại nhau ở quê nhà sau ngày đất nước thanh bình: “…Thà em chịu tai tiếng, chịu kỷ luật…Nếu hồi đó mà dính tý kỷ luật trai gái có khi hỏng cả cuộc đời cũng nên. Hồi đó, tổ chức còn nặng thành kiến lắm…” Nhà văn còn ca ngợi cuộc sống hạnh phúc “yêu quý nhau lắm, tin nhau lắm” của vợ chồng Thắm, Hùng. Trước đây, Hùng là trinh sát đặc công hải quân hoạt động nhiều ở Cửa Việt, rồi khi hòa bình, anh trở thành thuyền phó một tàu viễn dương. Anh đã khuyên vợ nói rõ sự thật với Nụ để chị rộng lòng nhận làm mẹ già cho thằng Quý. Còn Thắm, cô muốn giảm bớt nỗi đau cho ông Thống đã ngoài 70 tuổi, vợ chết, 1 con gái và 3 con trai (trong đó có anh Dương)  hy sinh trong chiến tranh. Mỗi lần về quê, cô không cầm được nước mắt khi thấy ông già vò võ, đau đớn, vì không còn người nối dõi. Chính điều ấy đã góp phần thôi thúc Thắm chủ động đưa con về quê hương, tìm đến Nụ. Bằng lối kể chuyện tự nhiên, giàu chi tiết đời thường, Xuân Thiều đã khiến người đọc thực sự cảm động trước cuộc gặp gỡ của Thắm, Nụ tưởng là hết sức căng thẳng,  không dễ gì nói chuyện được với nhau ấy lại trở nên êm thấm, thương nhau vô cùng.
Trong “Truyền thuyết về Quán Tiên”, bên cạnh việc khẳng định những mặt tốt đẹp của thiếu tá, binh trạm trưởng Lâm, Xuân Thiều còn vạch ra những thói xấu đang ẩn náu trong con người ông. “Bởi muốn bộc lộ uy quyền của mình, nên ông coi nơi gian khổ ác liệt là nơi trừng phạt con người, một nơi để thi hành bản án khổ sai, thậm chí cả bản án tử hình nữa”. Theo nhận xét của Phượng, một trong ba cô gái ở Quán Tiên phục vụ các chiến sĩ trên đường ra trận thì “chẳng có quan hệ trai gái nào ông coi là chính đáng cả” và “…xa vợ con hàng mười mấy năm nay, tình thế buộc ông phải ép xác như người tu hành nên ông ghen ghét với hạnh phúc người khác”.
Trung tá Thể trong “Tháng ngày đã qua” điển hình cho một loại cán bộ của một “thời xa vắng”, tự đánh lừa mình, sống không thật, hoài nghi anh em đồng đội, thậm chí đến mức lạnh lùng, lên gân cả với người vợ dám vượt tuyến ra thăm anh ở miền Bắc. Mãi đến khi về hưu ở quê nhà, Thể mới sám hối, nên “…có cái nhìn khác trước, cái nhìn độ lượng và ưu ái hơn. Dường như anh có đôi chút hối hận là cả một quãng đường dài anh đã tạo cho mình một thứ sắt đá huyễn hoặc, một sự cứng nhắc khuôn sáo…” Gần hết cuộc đời rồi, vợ hy sinh trong chiến đấu, một mình sống với vợ chồng con gái, anh càng ngộ ra lỗi lầm do chính mình gây, mình phải trả giá, phải chịu hậu quả đắt. Câu nói của Thể: “Được sống như chính mình cũng chẳng hề dễ dàng gì” như một chân lý rút ra qua sự thể nghiệm của chính cuộc đời anh.
Điều đáng chú ý là Xuân Thiều đã rất có ý thức khi ông dụng công miêu tả những tình cảm, khát vọng cháy bỏng, chính đáng của một số nhân vật khi bước vào cuộc chiến đấu sống mái với quân thù. Ngay khi họ nhất thời mắc lỗi lầm vì nhẹ dạ, cả tin và do hoàn cảnh đưa đẩy, ngòi bút của nhà văn vẫn tỏ ra thấm đậm lòng nhân hậu, biết lý giải sự việc một cách có lý có tình. Tác giả rất cảm thông với các nhân vật nữ trong “Truyền thuyết về Quán Tiên”. Mùi, người chị cả của mấy chị em ở Quán Tiên “chỉ vì thói quen của người luôn nắm cương vị phụ trách đã khéo che giấu cái nỗi khát khao của con người”. Vất vả, nguy hiểm giữa khói lửa đạn bom ở chiến trường, các cô coi như không đáng kể bằng sợ sự cô đơn, trống trải, buồn hiu cũng như sự nổi loạn ngay trong bản thân mỗi người. Chính vì vậy mà ta càng thấu hiểu cho hoàn cảnh của Mùi, vì sao trong đêm khuya thanh vắng, cô đã khóc tức tưởi, bất thần muốn tung hê tất cả mọi thứ giả trá che đậy rồi ôm chầm, thì thào: “Hôn chị đi” với cậu lính trẻ măng bị thương, hai tai điếc đặc mới được điều về trạm để bảo vệ các chị.
Lương trong “Mười ngày cho một đời” có hoàn cảnh thật éo le, trớ trêu. Chị lăn lộn, đảm đang lo tròn việc nhà, việc làng nước, với cương vị chủ nhiệm hợp tác xã kiêm trung đội trưởng nữ dân quân. Về làm dâu nhà cụ Nghĩa, chồng đi bộ đội biền biệt bao năm trời, Lương vẫn cắn răng chịu đựng nỗi buồn đau tê tái. Nết ăn, nết ở của chị khiến mẹ chồng và bà con xóm giềng quý mến. Vậy mà đùng một cái chị có con hoang. Chị cam chịu kỷ luật và không hề hé răng kể tên người sĩ quan pháo cao xạ đã ân ái với mình, một tháng sau thì anh hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc. Tác giả đã rất có lý khi viết: “Khát vọng làm mẹ của thím đã  đến độ nẫu chín khiến thím phải chịu tiếng không chung thủy với chồng”. Ông ca ngợi hành vi cao thượng, tốt đẹp vô cùng của cụ Nghĩa đã hết lòng thông cảm, thương quý Lương “đàn bà con gái sinh nở có thì”, khi thấy tuổi xuân của con dâu đang vùn vụt trôi qua và lại nghe tin con trai đã hy sinh ở mặt trận Phước Long. Cụ sẵn sàng chịu tội thay cho con dâu, rộng lượng chấp nhận việc làm đó của chị: “Tôi cho phép, tôi xin chịu…”Gà nhà ai đẻ vào ổ nhà mình là trứng nhà mình”.
Ngòi bút tinh tế của Xuân Thiều còn phản ánh được một số vấn đề gai góc của cuộc sống thời “hậu chiến”, khi hòa bình trở lại. Ông phê phán mạnh mẽ thói hẹp hòi, nhẫn tâm của một số cá nhân đã vu cáo cho Thảo là con gái của tên ác ôn Lê Phán, bắt cháu phải trở về địa phương, không được học lớp trung cấp thương nghiệp của tinh, theo tiêu chuẩn con em liệt sĩ. Tác giả còn mượn lời đồng chí Liêm, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy bất bình về thái độ vô cảm, đùn đẩy trách nhiệm của Bí thư Đảng ủy xã Mai Thủy trước nỗi đau này: “Các anh thấy việc làm sai rành rành ra đấy mà cứ lờ đi” và “Đảng không nghiêm mình thì người tốt không muốn tốt nữa” (Người mẹ tội lỗi).
Nhà văn rất nghiêm khắc, chê trách thái độ lạnh lùng của đại tá Lê Hớn đã cố tình lảng tránh, không muốn tham gia giải quyết đến cùng nỗi oan khuất của trung tá Phan Nhân Hảo, vốn là một đại đội trưởng trinh sát gan dạ. Lê Hớn cho rằng “chuyện cũ bới lại làm gì, thôi dẹp” (Xin đừng gõ cửa). Thông qua câu chuyện có nhiều tình tiết xúc động này, nhà văn muốn nói rằng sau chiến tranh, trong cuộc sống của người lính có bao vấn đề phức tạp, hiểu lầm, không phải chuyện gì cũng rõ ràng, sòng phẳng. Nhưng rồi sự thật vẫn là sự thật, nhiều nỗi oan ức đã dần dần được sáng tỏ.
Qua những câu tâm sự rất tinh, tỏ ra “già dặn trước tuổi” của cháu Thắm, con gái của Trinh - người yêu của mình 20 năm trước, hiện đang sống ở Đà Lạt, thiếu tá Bích càng thấy ngổn ngang nhiều vấn đề mới mẻ của một thành phố mới được giải phóng, cần phải giải quyết đúng đắn, kịp thời. Anh ngộ ra một điều: “Không ít cán bộ ta vì hiểu chưa đúng sự đảm bảo công bằng xã hội nên đã gây trở ngại đến phát triển sản xuất. Họ dùng quyền lực và đầu óc manh mún ra để cản đường một nền sản xuất xã hội hóa…” (Thành phố thấp thoáng).
x
x                    x
Dung lượng hiện thực được phản ánh trong các truyện ngắn của Xuân Thiều về đề tài chiến tranh giữ nước thần thánh của dân tộc ta rất phong phú. Bên cạnh việc mô tả sinh động và chân thực về những tấm gương bất khuất, hy sinh cao cả; sự lạc quan cách mạng của các cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân tại những nơi khói lửa gian nguy, nhà văn còn chú ý khai thác những tâm trạng, số phận vinh quang và bi tráng, đắng cay của bao con người trong những hoàn cảnh cụ thể. Do bám sát thực tế, am hiểu cuộc sống của người chiến sĩ, nắm chắc phương châm chiến lược, chiến thuật, cách đánh của nhiều trận và chiến dịch quân sự, lại lao động sáng tạo một cách nghiêm túc, biết làm chủ ngòi bút tài hoa của mình nên ông đã tìm được một lối đi riêng, mang bản sắc và cốt cách riêng trong các truyện ngắn của mình. Truyện ngắn Xuân Thiều lấy chất liệu từ chính thực tế cuộc sống, không xuôi chèo mát mái, ca ngợi một chiều, không rơi vào sơ lược, khiên cưỡng mà gợi mở ra nhiều vấn đề bức thiết về nhân tình thế thái, về ý nghĩa cuộc sống để người đọc suy ngẫm. Nhìn chung các truyện ngắn đó đều giàu chi tiết sinh động, có kết cấu  chặt, cô đọng, văn phong trau chuốt, có hồn, có lửa, khi xây dựng hình tượng nhân vật, dễ gây được ấn tượng khó quên trong tâm khảm người đọc. Lòng nhân hậu bao la, chủ nghĩa nhân văn đậm đà là một trong những đặc trưng nổi bật trong các truyện ngắn về đề tài chiến tranh của Xuân Thiều. Đó cũng là một trong những nguyên nhân, góp phần làm cho các tác phẩm của ông có sức sống lâu bền, qua thử thách thời gian, lôi cuốn người đọc.
16-3-2009
    N.H.T