Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN LÊ LỰU;: KHÔNG BỎ ĐƯỢC NGHIỆP CẦM BÚT

Kim Sen
Thứ ba ngày 7 tháng 4 năm 2009 7:08 AM

Sau 8 năm gác bút, nhà văn Lê Lựu lại chuẩn bị cho ra mắt một tiểu thuyết mới. Ông tâm sự, “đôi lúc tưởng rằng đã bỏ nghề văn rồi, và thành thực viết cũng không còn được như xưa, nhưng hình như viết lách vẫn là cái nghiệp đeo đuổi tôi đến cuối cuộc đời”. Gặp nhà văn khi ông đang điều trị tại bệnh viện 108 vào những ngày hoa loa kèn đang rộ, ông dành cho Đất Việt một buổi trò chuyện.

@ Sau những Thời xa vắng, Bến không chồng…văn học viết về nông thôn ngày càng trở nên thưa thớt. Theo nhà văn, tại sao lại có hiện tượng này?
Lê Lựu: Nông thôn đang vỡ ra theo hai hướng: lớn lên và phá ra. Cái tích cực (lớn lên) theo hướng tốt đẹp, thay da đổi thịt ai cũng nhìn thấy, ai cũng vội mừng. Còn những nền nếp, tập tục của người xưa mất đi, những cái lố lăng du nhập vào lại không mấy người quan tâm, lo lắng. Bản thân cuộc sống luôn có cái hay, cái dở. Và nhà văn chưa bắt kịp được cả hai cái được và mất ấy.
Viết văn khác viết báo. Báo chỉ cần chớp lấy cái hiện tượng, phản ánh cái hiện tượng ấy là thành công. Còn người viết văn phải bắt được những biến động dưới tầng sâu của hiện tượng để phản ánh, truy tìm nguồn gốc vấn đề. Muốn hiểu được cái tầng sâu ấy phải dành thời gian quan sát, lắng nghe. Thế nhưng nhà văn hiện nay, nhiều người đang mải mê viết những thứ để trưng trổ, khoe mẽ mình nhiều hơn là viết nhưng thứ bạn đọc cần, cuộc sống đặt hàng.
Tôi thấy gần đây Hội nhà văn tổ chức hội thảo về vấn đề văn học nông thôn, Bộ VHTTDL cũng tổ chức một cuộc sáng tác về vấn đề này. Thực tế, hội thảo, cuộc thi không giải quyết được vấn đề. Điều cốt lõi là làm thế nào để những người có năng lực dành thời gian suy nghĩ và quan tâm thực sự đến đời sống nông thôn mới có thể có tác phẩm.
@ Theo nhà văn, một đất nước có đến hơn 70% dân số sống bằng nông nghiệp lại thiếu những tác phẩm viết về chính họ có đáng quan ngại hay không?
Lê lựu: Đó là điều rất đáng hổ thẹn. Trung Quốc, đất nước láng giềng của chúng ta có nhiều tác phẩm rất hay viết về nông dân, tại sao chúng ta không làm được. Các nhà văn nên cùng nhau suy nghĩ về điều này.
Trung Quốc thời đại nào cũng có được những tác phẩm văn học tầm cỡ vì nhà văn Trung Quốc dám viết, dám nhìn thẳng vào những sai lầm để vượt lên. Chúng ta thì chưa có ai dám làm như thế. Vấn đề này, lỗi của cơ chế chỉ một phần, chúng ta phải thừa nhận, các nhà văn Việt Nam nhiều người thiếu sự quyết liệt, chưa dám viết đến cùng.
 
@ Nhưng ngay Lê Lựu, một người từng được nông thôn, được văn chương ưu ái rất nhiều cuối cùng vẫn rẽ sang một con đường khác. Nếu hậu thế trách cứ ông như thế, ông có ý kiến thế nào?
Lê Lựu: Tôi nhận lời trách cứ của hậu thế. Tôi tự biết, thành công chỉ là cái ăn may của cuộc đời mình. Về sự rẽ ngang, tôi chỉ thấy như là số phận, không tránh được.
@ Thành thực, nếu Lê Lựu cứ đường văn mà đi thì ông sẽ mãi mãi lung linh trong lòng độc giả. Nhưng Lê Lựu lại rẽ sang một con đường khác, nặng mùi cơm áo hơn, ông có bao giờ nuối tiếc cái quyết định của 8 năm về trước?
Lê Lựu: Tôi nhớ, khi viết xong Hai nhà, tôi bị người ta gọi là kẻ phá hoại. Vì thế tôi nghĩ, không có gì mãi mãi đúng, cũng không có gì là sai hoàn toàn.
@ Cái vùng quê nghèo nơi Lê Lựu được sinh thành và cũng là nơi đã cho ông những thành công trong sự nghiệp, bây giờ nhìn về nó ông có cảm giác ra sao?
Lê Lựu: Thành thực tôi rất đau đớn khi nhìn về những vùng quê, nơi những khóm tre làng dần biến mất, những hàng cau không còn vương bóng, tôi cũng không tìm thấy không gian cũ trong làng quê yên ả ngày xưa. Nhưng điều tôi lo lắng hơn cả, con người sẽ sống như thế nào trong một không gian sống nham nhở, đầy tỳ vết nhưng lại chưa thành cái gì cụ thể như thế. Tôi đau lắm.
@ Còn mộng văn chương của Lê Lựu thì sao?
Lê Lựu: Hình như tôi đã đánh rơi nó khỏi tay mình. Dù mỗi ngày tôi đều viết, viết chỉ để thỏa mãn bản thân. Nhưng có lẽ vì không có nhiều thời gian dành cho nó nên tự nhận thấy những điều mình viết ra kém hay, kém hấp dẫn rồi. Nhưng điều tôi viết hiện nay đều xoay quanh thói vô đạo đức, sự tan rã những nếp sống, và hiện tượng con người coi thường luân lý đang ngày một nhiều thêm.
@ Biết là không hay nhưng Lê Lựu vẫn viết, vẫn in. Tại sao vậy?
Lê Lựu: Không viết ra không chịu được. Nó là cái nghiệp của mình rồi hay sao. Viết xong thấy không in thì tiếc. Đôi khi cũng giật mình, cái phần “tham sân si” trong mình còn nhiều quá. Cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của tôi có tên là “Thời loạn”. Mỏng thôi, chỉ hơn 100 trang. Tác phẩm của tôi chưa thể là tiếng nói đại diện phản ánh những vấn đề xã hội thời điểm này, nhưng nó cũng báo động một cách sống của một số bộ phận loạn về đạo đức, loạn về luật lệ. Tôi hy vọng vào những người viết có tâm, họ sẽ dành thời gian, sẽ phản ánh được điều cần thiết đó trong văn chương.
@ Nhìn vào đội ngũ những người viết hiện nay, ông tin ai, yêu ai?
Lê Lựu; Nếu ngày xưa tôi coi Kim Lân, Nam Cao là thầy. Thời của tôi, tôi phục Ma Văn Kháng, cuối thế kỷ XX tôi ngạc nhiên vì Nguyễn Huy Thiệp thì lúc này tôi hy vọng rất nhiều vào những người viết như Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Tư.
Tôi cho rằng Nguyễn Huy Thiệp là người mở ra một dòng văn chương mới mà tôi đặt tên cho nó là: văn chương hạ bệ. Còn thế hệ Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư.. lại bắt đầu một chặng mới, chặng báo động cho một cuộc sống bất chấp mọi thứ hiện nay. Tất nhiên, khuynh hướng này cũng có người học đòi, chạy theo, cũng có người đã thất bại thảm hại.
@ Theo nhà văn, lớp văn nghệ sĩ bây giờ có khác thời các ông nhiều không?
Lê Lựu: Anh nghệ sĩ ngày nay kém anh nghệ sĩ ngày xưa một tý khổ, một ít trải nghiệm. Và thành ra, nghệ sĩ ngày nay hình như bớt khao khát hơn, văn phong vì thế bớt da diết hơn. Con người trong văn chương, con người ngoài văn chương cứ hơn hớn cả ra. Vui mừng thì tốt, lạc quan cũng rất tốt, nhưng con người cũng cần có chiều sâu. Bởi bản chất của văn chương là những rung cảm sâu sa của con người.
Tôi bỗng hiểu ra tại sao, sau rất nhiều trận thiên tai, lụt lội vừa qua chúng ta chưa có một tác phẩm nào viết về những nỗi đau, sự thua thiệt đó. Một lần như thế chỉ có vài bài báo phản ánh mang tính thời sự rồi lại chìm xuống. Không ai muốn tìm hiểu, không ai dành thời gian để truy tìm căn nguyên, lý giải nỗi đau của con người.
@ Lê Lựu từng cho rằng, Giang Minh Sài trong Thời xa vắng phản ánh một thời chúng ta sống không có nhân cách. Vậy nhìn vào đời sống hiện nay, ông thấy chúng ta đang sống trong một thời đại như thế nào?
Lê Lựu: Tôi thấy xã hội chúng ta đang sống hiện rất loạn lạc. Đó là cuộc
loạn lạc không gươm súng nhưng rất đáng sợ
Con người ngày hôm nay là những con người vô luật lệ. Thực tế chúng ta đang sông trong một xã hội mà luật chưa nghiêm, đạo đức xuống cấp. Gần như không ngày nào trên các phương tiện thông tin đại chúng không đưa những tin về bắn giết, hãm hiếp. Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận xã hội đang loạn về nhân cách. Tất nhiên, đây là hệ quả của thời kỳ đầu Việt Nam gia nhập vào nền kinh tế thị trường. Thực trạng có thể thay đổi nếu chúng ta đồng lòng tìm một con đường để vượt qua thay vì phó mặc.
@ Tại sao ông lại muốn giấu mọi người về việc mình đang nằm viện và chữa bệnh?
Lê Lựu: Tôi không sợ tuột mất cái chức giám đốc trung tâm văn hóa doanh nhân như phỏng đoán của nhiều người. Từ nhiều năm nay tôi đã tìm kiếm một người thay thế tôi làm công việc này. Người có khả năng thì rất nhiều nhưng người có tâm huyết lại rất ít. Nếu có người sẵn sàng, tôi nguyện xin làm nhân viên hoặc xin về nghỉ hẳn. Miễn là cái trung tâm này còn.
Việc tôi không muốn cho bạn bè biết đang nằm viện là do tôi không muốn phiền mọi người, không muốn phiền các bác sĩ và bệnh nhân ở xung quanh khu vực tôi đang điều trị. Chỉ đơn giản thế.
@ Điều mà Lê Lựu mong muốn làm nhất bây giờ?
Lê Lựu: Có thời gian để viết một cái gì đó mình tâm huyết. Dù ngay lúc này chưa thể gọi cụ thể cái mình muốn viết là cái gì. Tuy nhiên, mình là thằng nhà quê, chắc mình không thoát khỏi ruộng lúa, cánh đồng, không thoát khỏi sự ám ảnh về một anh nhà quê nào đó. Có điều, nếu viết, có thể tôi sẽ viết về những vùng nông thôn rộng lớn, viết về anh nhà quê nào đó đã vươn vai đứng dậy, ra đi…Tôi tin cái gì của con người cũng sẽ trở về với phần người nguyên bản nhất. Và điều duy nhất ấy chung cho cả nhân loại.

Nguồn: lethieunhon.com