Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÔI ĐIỀU VỚI NGƯỜI BẠN LỚN TRUNG HOA *

Phạm Gia Văn
Chủ nhật ngày 5 tháng 4 năm 2009 6:09 AM

Tôi vừa đọc được trên trang web của hội nhà văn Việt Nam (
http://vanvn.net/) một tiêu đề khá bắt mắt: Vì sao người Việt Nam không thân thiện với người Trung Quốc? (1).
Lúc đầu cứ tưởng tác giả người Việt nào, chưa biết sợ vụ rồng đá hay sao mà dám cả gan chạm vào cái đề tài mang tính nhạy cảm như thế. Hoá ra đó là một cây bút người Hoa. Khá quan tâm tới mối quan hệ Trung - Việt. Nên có thể đã không bị soi kỹ như người Việt ở đề tài gai góc này.
Nhân ngày 17 tháng 2, tròn 30 năm, kỷ niệm “Cuộc chiến tự vệ phản kích” (như cách nói của người viết), văn nhân Trung Hoa thân thiện của chúng ta đã khá cởi mở, thành thật khi nêu ra 4 nguyên nhân khiến người Việt Nam không thân thiện với người Trung Quốc.
Theo tác giả bài viết: Thứ nhất, đa số người Trung Quốc chưa hiểu tình hình Việt Nam; Thứ hai, tâm trạng ưu việt cao ngạo của người Trung Quốc; Thứ ba, Nhà đầu tư Trung Quốc đến Việt Nam rất bị nghi ngờ về chữ tín và thứ tư, các thương gia Trung Quốc phán đoán sai lầm về thị trường tiêu dùng Việt Nam, đã chuyển sang Việt Nam những dây chuyền sản xuất lạc hậu bị đào thải trong nước, và những sản phẩm “chất lượng xấu” ...làm cho người Việt Nam khinh thường (bỉ thị) người Trung Quốc.
Sau khi có các lý giải khá thuyết phục, kết thúc bài viết tác giả chân thành bày tỏ: Trung Quốc và Việt Nam núi liền núi sông liền sông, có hơn 2000 năm tiếp xúc văn hóa, thế nhưng sự hiểu biết của chúng ta về Việt Nam lại dừng ở hồi ức trong quá khứ, thiếu con mắt tỉnh táo và thận trọng để nhìn nhận người hàng xóm này, khiến cho giữa nhân dân hai nước hình thành một vết thương khó có thể vượt qua... Người Việt Nam không hữu hảo với người Trung Quốc tuyệt nhiên không chỉ là do cuộc chiến tranh 30 năm trước mà còn nhiều cái nữa đáng để tất cả người Trung Quốc suy ngẫm!
Là con dân nước Việt, cũng bức xúc chẳng kém cây bút chân thực người Hoa, tôi chỉ xin chắp nhặt bổ sung một chút trong nhiều cái nữa mà tác giả còn bỏ ngỏ, để những ai quan tâm tới đề tài này cùng nhau suy ngẫm thêm!
 
Tâm trạng ưu việt cao ngạo chủng tộc (racial supremacy) của người Trung Quốc có lẽ khởi đầu từ bậc tiền bối Khổng Khâu. Ông chỉ thấy Trung Quốc như tâm điểm của một vũ trụ hình vuông, các dân tộc hay sắc dân khác ở ngoài cái khung hình vuông ấy là “mọi rợ”. Khổng Khâu sử dụng tới bốn tiếng Bắc địch, Nam man, Tây nhung, Ðông di để gọi các dân tộc “mọi rợ” lân bang.(2)
Chẳng hiểu dựa theo tài liệu nào, Khổng Khâu còn phán rằng các dân “Nam man” nằm ngủ “chân, đầu lộn ngược” (để chân người này lên đầu người kia). Văn gia Trung Quốc thì hoang tưởng ra những truyện đại loại như “Quỉ Môn Quan” mà Mã Viện từng dựng bia khi chiến thắng quân Hai Bà Trưng trở về. Trong Nam Việt Chí của Thẩm Hoài Viễn (thế kỷ V). Tác gia này viết về mảnh đất phương Nam như sau: Ðất Giao Chỉ rất màu mỡ, người ta di dân đến ở, chính họ là người đầu tiên khai khẩn đất này. Ðất đen và xổi, hơi xông lên mùi hùng. Vì vậy người ta gọi ruộng đó là hùng điền, dân đó là hùng dân. Còn An Nam Chí Nguyên của Cao Hùng Trưng (thế kỷ XVII) thì ghi: Ðất Giao Chỉ lúc chưa chia ra quận huyện, có Lạc điền, tùy nước triều lên xuống (mà làm ruộng); những người khai khẩn ruộng ấy gọi là Lạc dân, người cai trị dân ấy gọi là Lạc vương, những người phụ tá gọi là Lạc tướng, đều có ấn bằng đồng và dây xanh. Gọi là nước Văn Lang, lấy việc thuần hậu chất phác làm phong tục, dùng dây thắt nút để cai trị, truyền mười tám đời.(3)
Nỗi khổ tâm của các nhà làm sử Việt Nam không chỉ giới hạn trong việc chống lại lối nhìn tiên thiên “mọi rợ” của các sử gia và giới trí thức Trung Quốc để viết lại về tổ tiên mình (tương tự như lối diễn tả ước lệ chậm tiến, thế giới thứ ba, hay các nước đang mở mang hiện nay). Họ còn phải tự trói trong khuôn khổ những “thánh ngôn” của Khổng Khâu và đệ tử mà họ đã bị nhồi sọ từ thuở để chỏm là thần thánh, vĩ đại, bậc thày hàng vạn đời của nhân loại.
Mãi đến hạ bán thế kỷ XVIII, Lê Quí Ðôn còn phải phản đối việc quan chức nhà Thanh gọi sứ đoàn Việt là “mọi” (di nam, di mục), nên nhà Thanh mới đồng ý đổi thành “An Nam cống sứ”. (4)
Nhưng nhà Thanh vẫn giữ nguyên tên “Trấn Nam Quan” cho cửa ải cuối cùng ở phương Nam, trong khi các văn gia Việt thời Pháp thuộc gọi “Ngưỡng Ðức Ðài” thành “ải Nam Quan”. Lại thêm, từ năm 1804 Ngung Diễm (Thanh Nhân Tông, 1796-1820, niên hiệu Gia Khánh) đã đổi quốc hiệu Đại Việt thành “Việt Nam” nhưng sách sử giáo khoa Trung Quốc vẫn ghi “An-Nam”, một thuộc quốc của “thiên triều”. (5)
 
Nỗi nhức đầu khác của các sử gia danh tiếng Đại Việt như Lê Văn Hưu hay Phan Phù Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, v.. v... là hầu hết các bộ chính sử Trung Quốc cung cấp rất ít dữ kiện về nước Việt cổ. Ngay trong số dữ kiện hiếm hoi được ghi lại thì không chỉ sai lạc, mà còn đứng trên quan điểm một thượng quốc hay thiên triều đối với một thuộc quốc. Chi tiết xa xưa nhất về nước Việt trong kinh sách Trung Quốc là việc sứ Việt Thường tới cống chim trĩ trắng thời Chu Thành Vương (1115-1079 TTL) của nhà Tây Chu (1122-771 TTL). Chuyện này được Phúc Thắng ghi trong Thượng thư đại truyện (đầu đời nhà Hán). Rồi được lập lại trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, và Hậu Hán Thư (6)
Bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên đời Hán chẳng nói gì nhiều về cổ Việt. Khi viết về Ngô Khởi và Triệu Ðà, Tư Mã Thiên chỉ mơ hồ nhắc đến Pai Yue (Bách Việt) ở phía Nam sông Dương Tử. Sở Ðiện vương sai Ngô Khởi đánh dẹp đất Bách Việt ở phương Nam. Nhà Tần lại sai Úy Ðà, Ðồ Thư đem quân Lâu thuyền xuống Nam đánh đất Bách Việt, sai Giám Lộc đào cừ chở lương để vào sâu đất Việt. Người Việt bỏ trốn. Quân Tần trì cứu lâu ngày. Lương thực bị tuyệt và thiếu. Người Việt ra đánh. Quân Tần đại bại. (7)
Vào thế kỷ thứ II, khi chú giải bộ Sử Ký trên (q. 31), Ứng Thiệu nói về tục vẽ mình của người Việt: “Vì ở trong nước nên người ta cạo tóc xâm mình để cho giống với giao long nên không bị giao long hại nữa”. (8)
Theo Kinh Thư, “Vua Nghiêu sai Hy Thúc sang Nam Giao lo việc làm ruộng mùa Hè ở phương Nam”. Nam Giao tức Giao Chỉ. Năm Mậu Thân, năm thứ năm đời vua Nghiêu, họ Việt Thường vào cống con rùa thần, trên lưng có chữ khoa đẩu ghi việc trời đất mới mở trở về sau. Vua Nghiêu sai người chép lại, gọi là “quy lịch” (lịch rùa).
Từ đời Ðường (618-917), các văn gia Trung Quốc mới bàn nhiều về cổ Việt. Khổng An Quốc, khi chú thích Kinh Thư, diễn giải “Nam Giao” trong thiên Ðế điển thành Giao Chỉ. Qua đời Tống (960-1279), Thái (Sái) Trầm cũng lập lại luận cứ “Nam Giao” là “Giao Chỉ” trong Thư Kinh Tập Truyện.(9)
Sử liệu Trung Quốc về Việt Nam luôn mang giọng trịch thượng của thiên quốc đối với chư hầu. Trung Quốc tự hào là mặt trời soi sáng tứ phương; ân sủng vua Trung Quốc tắm gội vua quan Việt và các chư hầu khác.
Vua quan Hán ngang ngược muốn vua Việt phải chấp nhận thứ quan hệ thông hiếu “cha-con, giữ gìn nhau như môi với răng” (“do tử dữ phụ mẫu chi tương thân,” “phụ tử chi quốc, thần xỉ chi bang”), “thuận trời thì sống, nghịch trời thì diệt” (thuận thiên giả xương, nghịch thiên giả vong).(10) 
Như Triệu Quang Nghĩa (Tống Thái Tông, 976-997, em Khuông Dẫn) sai Vương Vũ Xứng viết thư cho Lê Hoàn vào tháng 9-10/980. Lời lẽ trong thư rất nghịch nhĩ: “Trung quốc đối với các nước mọi rợ như mình với tứ chi, khi vận động co ruỗi là tùy tâm, cho nên nói bậc đế vương là trái tim. Một người có chân hay tay đau, mạch máu không thông, thì phải uống thuốc để trị lành bệnh. Nếu uống thuốc không hết thì dùng châm cứu vào chỗ đau. Không phải không biết rằng thuốc uống thì đắng miệng, châm cứu thì tổn hại ngoài da, nhưng sự thiệt hại chỉ ít thôi mà sự ích lợi thì nhiều hơn. Ở một đoạn khác: Chức vi đế vương như ông thày chữa bệnh, trông thấy mọi rợ nào có chứng đau, thì tìm thuốc chữa... cho nên luyện đơn thuốc nhân nghĩa, sửa soạn cái kim và mũi đá đạo đức, chữa bệnh nơi gần cho thật mạnh, rồi điều trị cả chín châu, bốn biển, chẳng còn đau ốm gì. Xứ Giao Châu so với Trung Hoa chỉ như ngón tay, nhưng thánh nhân vẫn phải chữa. Vì lòng nhân từ trùm muôn nước, phải chữa trị cho (Giao Châu) khỏi đau, sớm thấm nhuần thánh giáo, bỏ thói “cắt tóc ngắn”, “uống nước bằng lỗ mũi”, “nói líu lo như chim”.... Nếu theo thì tha tội, nghịch lại thì ta đánh (hướng hóa ngã kỳ xá, nghịch mạng ngã kỳ phạt). (11)
Cả đoạn này nữa: Ðất (Nam) Việt ở ngoài địa phương Trung Quốc, dân họ đều cắt tóc vẽ mình, không thể dùng pháp độ của nước mặc mũ áo mà cai trị.... Nam Việt không có thành quách, làng xóm, chỉ ở trong khe suối, hang đá và vườn tre, từ xưa tập luyện thủy chiến; đất đai ở sâu xa, tối tăm mà nhiều khe suối rất hiểm, sông núi cách trở gay go, cây cối rậm rạp, lui tới khó khăn không kể xiết. Mới trông qua như tuồng là dễ, mà muốn tới thì khó khăn.(12)
Theo Lê Quí Ðôn, một sử gia phương bắc qúi danh Lưu An còn viết: Khí núi sinh nhiều con trai; khí đầm sinh nhiều con gái; khí nước sinh nhiều người câm; khí gió sinh nhiều người điếc; khí rừng sinh nhiều người yếu ớt; khí cây sinh nhiều người còng . . . (13)
Qua những loại văn chương, thơ phú thư lại thường rất hoang tưởng [exotic] này chúng ta mới biết được những đặc thù, đặc sản của cổ Việt, dưới cặp mắt của người cổ Trung Quốc. Nào là Giao chỉ với nghĩa hai ngón chân cái nghiêng cong vào nhau của người cổ Việt; và câu thơ của Liễu Tư Hậu “Cộng lai Bách Việt văn thân địa” nghĩa là, cùng đi tới đất Bách Việt là xứ người vẽ mình. (14)
Hay cảnh Thái hậu Cù Thị, vợ Triệu Minh Vương (124-113 TTL) và mẹ Ai Vương (113-112 TTL), buồn bã gõ trống đồng ở đất Nam Việt (Cẩm tán cao trương, kích đồng cổ), nên vừa gặp người tình cũ là đã âm mưu xin nhập Nam Việt vào cương thổ nhà Hán. (15)
 
Khí hậu ở Ðại Việt độc thì được sách Tàu ghi chép, hại đến độ diều hâu đang bay trên trời bỗng rơi xuống đầm lầy (hạ lạo thượng vụ, độc khí huân chưng, ngưỡng thị phi diên, thiếp thiếp trụy thủy chung). Ðó là chưa nói đến thái độ tự tôn chủng tộc của các văn gia như Ðỗ Phủ, Tô Ðông Pha, v.. v... qua những lời ca tụng “công đức” Mã Viện ở Giao Châu.(16)
“Mềm nắn, rắn buông” như Phan Phu Tiên ghi nhận, là một thông lệ hơn biệt lệ. Khi hùng mạnh, vua quan Trung Hoa lập tức đưa quân sang xâm chiếm lân bang. Nêu đủ thứ lý do có thể viện dẫn (pretext), từ không chịu đích thân qua chầu, không cho mượn đường đánh Chân Lạp, hay phò trợ một dòng họ chính thống... chỉ là những biện pháp lấn đất giành dân. Vua quan Trung Hoa không bỏ qua bất cứ cơ hội rối loạn chính trị, hay tranh chấp quyền lực nào trong nội địa Việt Nam để mở rộng bờ cõi. Khi mạnh thì xâm lăng, chiếm đóng, chia đặt quận huyện, lúc yếu thì lên giọng giả đạo đức như chẳng xá gì một thôn động trong núi, hay ví thử có vàng mọc trên mặt đất cũng chẳng tham...
Mỗi lần xuất quân xâm lăng Ðại Việt, Trung Quốc đều tự xưng là “chinh phạt”, hầu đưa vua quan và quốc dân Việt trở về vòng giáo hóa. Hễ thua trận rút về thì đổ tội cho thời tiết khó chịu, đau ốm, vua nước Việt xin tha tội.
 Năm 1407, dưới danh nghĩa “phù Trần, diệt Hồ” Chu Lệ (Yên vương Lệ, Minh Thành Tông, 1403-1424) xâm lăng và cướp đoạt chủ quyền Việt Nam, đặt ra “Giao Chỉ” rồi “An Nam đô hộ”.
Như để thiên hạ quên đi hành động giết cháu cướp ngôi, Minh Đế còn bày trò làm lễ dâng tù binh, sai ghi chép trong sử sách số chiến lợi phẩm khổng lồ cùng hơn 3 triệu hộ dân. Sau đó, thi hành chính sách thiến hoạn các thiếu nhi Việt. May mắn, sau hơn 20 năm kháng chiến, do con cháu nhà Trần cầm đầu, hay những lãnh tụ kháng chiến quân, đặc biệt là Lê Lợi. Quân Minh phải triệt thoái khỏi nước Nam. “Bình Ngô Ðại Cáo” do Nguyễn Trãi soạn thảo, là tuyên ngôn độc lập hùng hồn nhất của người Việt với cường quốc phía Bắc. Tuy nhiên, thực tế chính trị, trong thế giới luật kẻ mạnh, khiến Ðại Việt phải chấp nhận hệ thống quan hệ ngoại giao thông hiếu qui tâm về Yên Kinh. Nhận sắc phong và triều cống định kỳ vua Trung Hoa. Hệ thống “thông hiếu” (tributory network) này khiến có thể ngộ nhận về chủ quyền chính trị thực sự ở Ðại Việt. Thực tế, vua Việt luôn tự giữ một khoảng cách vừa phải theo luật kẻ yếu. Mềm dẻo, uốn cong mà không gãy. Hoàng Lịch là vua Trung Hoa cuối cùng nếm mùi thất bại trong tham vọng xâm chiếm Ðại Việt bằng võ lực năm 1788-1789.
Sau khi đại bại ở Ðại Việt, Ái Tân Giác La Hoàng Lịch (1736-1796) là Càn Long hay Cao Tông, vẫn vui vẻ đón nhận một “Nguyễn Quang Bình” giả mạo tới Bắc Kinh làm lễ “bảo tất” (ôm đầu gối) để tỏ lòng trung hiếu. (17)
Việc phong tước hiệu cho vua Việt cũng phản ảnh thái độ trịch thượng phách lối. Thoạt tiên, vua Trung Quốc chỉ phong cho vua Việt chức Tiết độ sứ, Tiết chế. Sau đó mới phong làm quận vương, hay Nam Bình vương. Mãi tới năm 1164, lúc đó nhà Nam Tống đã suy vi lắm rồi, vua Tống mới phong cho Lý Anh Tông (1138-1175) chức An Nam Quốc Vương, nhìn nhận quốc hiệu Ðại Việt, là một nước chư hầu, mà không phải một phủ hay quận nữa.
Mặc dù trong nước các vua Việt tự xưng làm vua, đặt các chức vương, hầu, khanh, tướng, với vua Trung Quốc, trên lý thuyết chỉ coi các vua Việt đã chỉ “tiếm đặt” các chức trên. Vì, với triều đình Trung Quốc, vua Việt đã tự nhận làm thuộc quốc vương, và dân Việt chỉ là một thứ “phục di, nhuộm răng, xâm mình”. Mã tới năm 1720, nhà Thanh dựng một bia đá phân chia ranh giới, với hai chữ An Nam.(18)
Trong cái thói ngông ngạo truyền kiếp ấy của người Trung Hoa, cũng có phần lầm lỗi không nhỏ của các trí thức người Việt. Qua nhiều văn thư của vua quan Việt gửi triều đình Trung Quốc. Khiến người đời sau không khỏi ngậm ngùi cho thái độ khúm núm quá mức của các nho gia Việt. Dù lối diễn tả của họ chỉ gồm những sáo ngữ ước lệ trích dẫn từ các kinh điển Khổng giáo, nhưng những sáo ngữ này tự hạ mình quá đáng, ví việc vua Việt thờ kính vua Trung Hoa như con với cha, “khúm núm” “run sợ” tâu trình, v.. v... Ngay cả việc sợ Quang Trung như cọp, Càn Long vẫn còn muốn “Nguyễn Quang Bình” sớm qua Bắc Kinh làm lễ “bảo tất,” tức ôm đầu gối vua Thanh nhân dịp thượng thọ bát tuần (80 tuổi) hầu bày tỏ lòng trung hiếu! (19)
Cho đến thế kỷ XIX, XX người Trung Quốc vẫn chưa sạch lòng cao ngạo chủng tộc (racial supremacy) này. Họ thường gọi người Tây phương, người Âu châu là “Bạch quỉ” hay rợ Tây (Tây di). Những bạch quỉ hay Tây di này chỉ ỷ vào vũ lực hùng mạnh, ăn hiếp một dân tộc văn minh duy nhất trên thế giới. Nhà Thanh khinh bỉ bạch qủi qua việc cho quân sĩ xếp hàng dài theo biên giới Nga, tụt quần, chổng mông....  (20)
Các chiếu, hịch của vua quan Trung Quốc từ đời nhà Hán đến nhà Nguyên trích in trong An Nam Chí Lược còn cho thấy bản chất giả nhân, giả nghĩa của vua quan các triều đại quân chủ, phong kiến Trung Quốc. Hễ gặp cơ hội là vua quan Trung Quốc đánh chiếm đất nước ta làm quận huyện. Nhưng sách sử, văn thư thì lúc nào cũng trang trọng những lời nhân nghĩa như khai hóa, phụ thuộc, phên dậu, nước nhỏ phụng thờ nước lớn để che đậy dã tâm luật kẻ mạnh (kiểu Ðặng Tiểu Bình tuyên bố tại Tokyo vào đầu năm 1979 là sẽ “dạy Việt Nam” một bài học, rồi Giang Trạch Dân ban tặng dân Việt 16 chữ vàng và mong muốn giao hảo 4 tốt với đất nước Việt Nam).
Những người cộng sản Trung Hoa có chung ý thức hệ với chế độ đương thời tại Việt Nam cũng chả khác gì vua quan phong Kiến trước kia. Ngay cả phía Quốc Gia (Trung Hoa Dân Quốc) cũng vậy. Vụ Bộ trưởng Văn Hóa Trương Công Cừu của VNCH trong một chuyến đi thăm Ðài Bắc, do sức ép liên minh chống cộng từ Đài Loan, đã có chủ trương sửa lại sách giáo khoa lịch sử hầu cải thiện và phát huy liên hệ giữa hai nước trong tuyên bố vào ngày 26/1/1960, cũng còn làm nhức nhối giới sử gia miền Nam thời trước 1975. Tưởng Quân Chương ngay lập tức hưởng ứng Trương Công Cừu bằng một bài trên tờ Trung Ương Nhật Báo ở Ðài Bắc: các vua Việt phần đông gốc từ miền Hoa Nam; các triều đại phong kiến Trung Quốc chẳng hề xâm lăng nước Việt, mà chỉ ra tay trượng nghĩa, cứu giúp con cháu những dòng họ bị lật đổ hay cướp ngôi; năm 40, hai bà Trưng nổi dậy không do tinh thần độc lập mà chỉ vì muốn báo thù riêng, lại toan xâm phạm thiên quốc nên mới bị Mã Viện mang quân qua chinh phạt; năm 1788, Tôn Sĩ Nghị chỉ mang có “8.000 quân” đưa Lê Mẫn Ðế (Chiêu Thống, 1786-1789) về nước, trong khi “Nguyễn Văn Nhạc” sử dụng tới “100 ngàn quân” nên Nghị bị đại bại; người Pháp muốn chia rẽ hai dân tộc Trung Quốc và Việt Nam, nên đã khuyến khích tinh thần bài Hoa và sửa đổi lịch sử, v. v.. .
 Nhiều tác giả Việt, kể cả các ông Nguyễn Hiến Lê; Nguyễn Ngu Í và Lê Phục Thiện, chuyên viên Hán ngữ của Viện Khảo Cổ Sài Gòn, đã mượn tờ bán nguyệt san Bách Khoa trả lời ông Chương. Quí vị này nêu ra được một số lỗi lầm của ông Chương, nhưng phần lớn chỉ là tiểu tiết như không phải “8.000” mà tới “200.000” quân Thanh đã xâm chiếm Việt Nam; vua Quang Trung Nguyễn Huệ mà không phải Nguyễn Văn Nhạc đã đánh trận Kỷ Dậu (1789), v.. v...
Kiến thức sử học của Tưởng Quân Chương, quá nông cạn. Bài viết về lịch sử Việt Nam của ông Chương cũng chẳng có gì mới lạ, ngoài những lập luận cảm tính đầy rẫy trong các tập sử phổ thông Ðài Loan (dành cho các lớp tiểu học, trung học). Sự thiếu hiểu biết và chứng bệnh hàm hồ tương lân ấy, không chỉ là các chi tiết, còn cả phương pháp sử. Khi đặt bút viết rằng hầu hết các vua Việt đều có nguồn gốc từ các tỉnh phía Nam Trung Quốc, ông Chương đã lẫn lộn và mù lạc, không phân biệt nổi giữa Trung Quốc, với biên giới chính trị năm 1960, và các tiểu quốc với những nền văn hóa cổ Việt phía Nam sông Dương Tử khoảng hai ngàn năm trước. Tổ tiên một số vua quan Việt (như nhà Trần) ở Khúc Giang, vùng Lưỡng Quảng thật, nhưng cách đây khoảng 2000 năm, đó không phải là lãnh thổ chính trị Trung Quốc. Các vùng đất này chỉ bị nhà Tần (221-206 TTL), nhà Hán (206 TTL-220 STL) chiếm đóng bằng vũ lực, rồi dần dần sát nhập vào biên cương chính trị Trung Quốc. Ngay đến cuối thế kỷ XX, qua bao nỗ lực Hán-hóa phương Nam, các chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đồng hóa nổi tất cả những sắc dân Lolo (Vân Nam), Mân Việt, Ðiền Việt, v.. v... Trong đời sống thường nhật, các sắc dân trên vẫn sử dụng tiếng nói riêng, có sinh hoạt văn hóa khác biệt với các tỉnh ở phía Bắc sông Dương Tử (văn hóa lúa mì). Ngay đến thổ dân Ðài Loan, nơi Tưởng Giới Thạch chạy từ Hoa lục ra chiếm cứ từ năm 1949, cũng không phải gốc người Hán, và không muốn bị coi là một tỉnh của Trung Quốc. Nói chi những xứ Nội Mông, Mãn Châu, hay Tây Tạng (Tibet) mà CHND Trung Hoa đang nỗ lực đồng hóa. Chỉ cần có một kiến thức sơ đẳng về di truyền học và hội nhập văn hóa (acculturation) thôi, cũng có thể hiểu được khá rõ sư liên hệ giữa cổ Việt cùng Mân Việt, Ðiền Việt còn mở rộng cho những cuộc tra cứu trong tương lai. Giả thuyết về một hạt nhân văn hóa (cultural core) miền Nam (bao gồm các nước Việt, trải rộng tới miền Ðông Thái Lan hiện nay) không chỉ thuần là một giả thuyết. Nếu nghiên cứu kỹ các tài liệu khảo cổ khai quật tại vùng Lưỡng Quảng hay Thái Lan mới đây, và có kiến thức vững về phương pháp sử học hoặc cổ sử học, hẳn nhà khoa học Đài Bắc Tưởng Huân Chương đã không cẩu thả hạ bút viết các vua Việt vốn gốc người Trung Quốc như thế. (Một số nhà khảo cổ học hiện nay còn lý luận rằng cuộc giao lưu văn hóa giữa hạt nhân Hoàng Hà và phía Nam đi theo chiều từ Nam lên Bắc mạnh hơn từ Bắc xuống Nam như nhiều người lầm tưởng).
Với một dân tộc như dân tộc Việt, một dân tộc kiên cường bảo vệ sự sinh tồn của mình bằng máu và nước mắt từ nhiều ngàn năm qua! Bài học dĩ vãng luôn luôn là tấm gương soi tỏ ngàn năm. Nhờ vậy, dù không so sánh được với các quốc gia hùng mạnh tiên tiến, tổ tiên đất Việt  đã để lại cho con cháu một giải giang sơn gấm vóc làm vốn liếng. Những ai cố tình bẻ cong hay tàn phá những tư liệu khách quan của lịch sử, là tội ác văn hóa khó tha thứ.
 
Kể từ thời Khổng Khâu, người đưa ra lý thuyết trái đất vuông, trời tròn, và chỉ khoảng 2.000 năm sau ngày ông ta chết, thuyết trên đã bị phá sản. Tới hôm nay, khi thế giới đã bước vào thời kỳ hội nhập, không còn có thể áp đặt mớ lý thuyết  lạc hậu cũ kỹ như thời phong kiến được nữa. Nhưng các bậc hậu duệ của Không Khâu dù bất kể chính kiến nào vẫn còn mang nặng trong mình những tham vọng quá mức về lãnh thổ, lãnh hải. Đó chính là nguyên nhân lớn nhất khiến người Việt Nam, dù sống ở trong hay ngoài nước vẫn không thân thiện được với người Trung Hoa!
 
Cách nay ngót 8 thế kỷ, ở Việt Nam nẩy nòi ra một sử gia như Lê Tắc, một người Việt từng làm quan dưới triều nhà Trần (1226-1400), sau đầu hàng nhà Nguyên, hai ba lần dẫn đường cho quân Mông Cổ qua xâm lược giầy xéo quê quê hương. Đã viết An Nam Chí Lược (1333) đã nhắc và dẫn ở trên, vào thập niên 1930, khi một nhà xuất bản ở Thượng Hải in lại tập ANCL, có người gay gắt chê trách nội dung ANCL và lên án Lê Tắc là phản quốc. Nhưng những cái mũ chính trị trên chẳng giúp gì cho việc đánh giá sử liệu chứa trong ANCL. Vì, tác phẩm của Lê Tắc, ngoài những sao chép phụ hoạ theo thiên kiến sử liệu Trung Hoa, chắc chắn đã bị “chấm câu”, sửa chữa, hiệu đính nhiều lần dưới tay các văn gia Trung Quốc trước khi được một nhà xuất bản Nhật ấn hành đã phản ảnh trung thực quan điểm thiếu khách quan của văn gia Trung Quốc về Việt Nam! (21)
Ngày nay những hậu duệ của Lê Tắc, và các sự việc tương tự, không phải đã kết thúc. Như hiện tượng đào xới các di tích, và bê các bảo vật khảo cổ quốc gia về làm của riêng. Đem bán đổ cổ hay đồng vụn, sắt vụn... Chỉ vì một chút tài lợi cỏn con mà ngụy tạo lịch sử, trắng đổi thay đen.
Một dân tộc thiếu sự lương thiện trí thức hẳn khó thoát cảnh nô lệ ngoại bang. Còn phía ngoại bang hưởng lợi cũng chẳng thể dùng các thủ đoạn, mánh lới như vậy mà chinh phục được trái tim của người dân khốn khổ ở các xứ sở mà họ đang nuôi tham vọng vô bờ!
Nguồn: Gocomay Blog (
http://vn.myblog.yahoo.com/vanph_vanpham )
________________
* Nguồn tham khảo chính từ nhà nghiên cứu Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu
Tài liệu trích dẫn:
(1) Nguồn: “越南人为何对中国人不友好”
Link:
http://blog.ifeng.com/article/2206238.html
Nguyễn Hải Hoành lược dịch và giới thiệu.
(2) Seraphin Couvreur, Li Ki: Mémoires sur les bienseances et les cérémonies, 2 tập (Paris: 1913), I:295
(3)[Yo Chih (Nhạc Sử, 930-1007) đời Song (Tống, 960-1279), trong cuốn [Thái Bình] Hoàn Vũ Ký, viết: Ðời Tần muốn tới đất Giao Chỉ phải qua Quỉ Môn Quan; mười người qua, chín người không trở lại. (Dẫn trong Lê Quí Ðôn, Vân Ðài Luận Ngữ [1772], bản dịch Phạm Vũ, Lê Hiền (Sài Gòn: 1972), tr. 145)]
(4) (Lê Quí Ðôn, VÐLN, tr. 9)(CM, TB (Sài-Gòn: 1965), I:16-17)
(5) Xem “An Nam chinh vũ ký” của Ngụy Nguyên (1842)
(6) Nam Man Truyện, q. 116.
(7) Toàn Thư (Giu 1967), I:313 chú 4 và chú 27
(8) Toàn Thư (Giu]), I:314 chú 15
(9) CM,TB (Sài Gòn: 1965), II:27.
(10) Thư Trương Lập Ðạo gửi Trần Nhân Tông năm 1291; ANCL, q. 5, 1961:102-103
(11) Thư Vương Vũ Xương gửi Lê Hoàn (980); ANCL, q. 5, 1961:115-116 (Trích Tống Sử); ÐVSKTT, 1967, I:162-163. Người đưa thư là Lư Ða Tốn; CM, CB I:16, (Huế), 1998, I:250-251
(12) Lê Tắc, ANCL, q. 5, 1961:107
(13)  Lê Quí Ðôn, VÐLN, tr. 41
(14) Lê Tắc, ANCL, q. 1, tr. 45.
(15) (ANCL, q. 17, tr. 189
(16) ANCL, q. 1, tr. 24-25 (Hán ngữ), 39-41 (Việt ngữ)
(17) Ðại Việt Quốc Thư.
(18) Lê Quí Ðôn, VÐLN, tr. 160-165
(19) Xem Ðại Việt Quốc Thư
(20) KÐVSTGCM, Tiền Biên (Sài Gòn: 1970), III:6A.
(21) xem phần cuối sách, q. 19