Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KỶ NIỆM NHỎ VỚI NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH

Nhà văn Đắc Trung
Chủ nhật ngày 5 tháng 4 năm 2009 6:08 AM

       Hồi đó ở Ty Văn hoá Nam Định,tôi sinh hoạt trong tổ văn xuôi. Tổ văn xuôi do anh Chu Văn, trưởng ty phụ trách luôn. Phụ trách tổ thơ là anh Nguyễn Bính. Anh Nguyễn Bính người nhỏ bé,gầy,lưng hơi còng,răng hơi phô lại ít nói,có nói cũng thủ thỉ,nhỏ nhẹ. Công bằng nhận xét thì anh không thuộc loại đẹp trai. Vậy mà thơ tình anh làm sao hay thế. Các bài trong tập : Lỡ bước sang ngang (Xuất bản năm 1954) của anh tôi thuộc gần hết. Đọc thơ anh tôi mê anh lắm.
      Dạo chiến tranh phá hoại,cơ quan sơ tán về Nhân Hậu (Lý Nhân),gần sông Châu Giang nước trong mát. Anh Nguyễn Bính vốn rất lười ...tắm. Mùa hè cũng thế chứ chẳng cứ mùa đông. Một lần họp Công đoàn,anh Kim Ngọc Diệu vừa cười vừa nói vui:
      -   Hôm nay họp,tôi đề nghị chúng ta ra nghị quyết đưa anh Nguyễn Bính xuống sông Châu Giang tắm.
      Anh Chu Văn thủng thẳng thêm vào:
      -   Tôi sợ tắm xong thì anh Nguyễn Bính chết mất.
      Mặc mọi người nói,anh Nguyễn Bính vẫn tỉnh bơ,tay khư khư cái điếu cày,vật bất ly thân,thong thả tra thuốc vào,châm lửa,nhấp từng hơi rồi ngửa cổ,hõm má rít thật dài khiến cái điếu rú lên xoe xoé,khoan khoái thả hết khói rồi cũng thủng thẳng đáp lại :
      -   Chẳng cần phải đợi đến lúc tắm xong,mà chỉ nghe các ông đọc nghị quyết xong tôi đã chết.
       Mọi người cười xoà.
      Bà con trong vùng rất nhiều người biết nhà thơ Nguyễn Bính. Gặp ông ai cũng niềm nở,quý ông lắm. Bến đò Nhân Hậu lúc nào cũng đông khách. Cô lái trẻ,xinh,mắt đen láy như hai hạt nhãn,má bên phải lũm đồng tiền nhìn đến duyên (hình như) tên cô là Thoa. Cô Thoa đặc biệt quý bác Nguyễn Bính. Cũng dễ hiểu thôi,bởi đã có mấy ai làm bài thơ Cô lái đò hay như bác Bính...Xuân đã đem mong nhớ trở về. Lòng cô lái ở bến sông kia. Cô hồi tưởng lại ba xuân trước. Trên bến cùng ai đã nặng thề.... Cô Thoa rất thích hát bài ấy. Có những hôm đò chở đầy khách đã ra đến giữa sông,nhìn lại thấy bác Bính dáng hom hem,đang dơ cao chiếc mũ cát lên vẫy,cô Thoa vội quay thuyền về đón. Có lẽ chỉ mình bác Nguyễn Bính được cô Thoa dành sự ưu ái ấy và được tất cả mọi người trên đò đồng tình hưởng ứng. Hôm nghe tin bác Bính bị cảm nặng rồi đột ngột qua đời, cô khóc sưng hai mắt. Giọng ngẹn ngào cô nói với bác Chu Văn : Giá mà cháu chết thay được cho bác Bính sống để bác ấy làm thơ . Không chỉ một cô Thoa,mà đó chính là tình cảm và sự mến mộ của quần chúng bạn đọc đối với nhà thơ.
      Một lần được ngồi hầu chuyện anh Nguyễn Bính,thấy anh vui,tôi nói :
      -   Thưa anh,em rất thích bài: Cô hái mơ của anh.
      -   Chú có thuộc không ?
      Thay vì câu trả lời,tôi đọc liền một mạch:
                  
                        Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
                         Say nhìn ra rặng núi xanh lơ
                         Khi trời lặng lẽ  và trong trẻo
                         Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ
               
               
                         Hỡi cô con gái hái mơ già
                         Cô chửa về ư ? Đường thì xa
                         Mà ánh chiều hôm dần một tắt
                         Hay cô ở lại về cùng ta ?
                         Nhà ta ở dưới gốc cây dương
                         Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
                         Có suối nước trong tuôn róc rách
                         Có hoa bên suối ngát đưa hương .
                         Cô hái mơ ơi, cô gái ơi !
                         Chẳng trả lời nhau lấy một lời
                         Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng
                         Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi...
      Anh nheo nheo mắt nhìn tôi hỏi :
      -   Vì sao chú thích ?
      -   Trong bài có từ già anh dùng rất tài.
      -   Chú hiểu nó như thế nào mà cho là tài ?
      -   Anh cho phép em hiểu thế nào thì bộc bạch như thế, được không ạ ? (Anh gật đầu). “Hỡi cô con gái hái mơ già ,em cứ băn khoăn cái từ già này, là anh ám chỉ cô gái già,cây mơ già hay quả mơ già ?
      -   Chú thử đoán xem ?
            -  Theo em,ý anh muốn ám chỉ cô gái già. Tức là cái cô hái mơ ấy ạ. Chắc cô ta đã gần ba chục xuân xanh rồi,quỹ thời gian để cô kén cá chọn canh sắp hết rồi,cái tuổi đang đuổi xuân đi...rồi . Sau khi đã cảnh tỉnh cô gái như thế,nhắc đừng có mà làm cao nữa cô ơi,trong khi phía trước cô đường thì xa , mà ánh chiều hôm dần một tắt ... cô nên nghĩ kỹ. Xem chừng cô gái đã thấm,bởi thấy cô im lặng,anh liền tấn công bằng cách khoe “ Nhà ta ở dưới gốc cây dương. Cách động Hương Sơn nửa dặm đường. Có suối nước trong tuôn róc rách. Có hoa thiên lý ngát đưa hương”. Cô gái vẫn im lặng. Tưởng chắc ăn, anh ướm hỏi liền: Hay cô ở lại về cùng ta ?. Đã đi rất bài bản như thế rồi,tưởng đã làm xiêu lòng người đẹp. Tưởng người đẹp sẽ e lệ bẽn lẽn cắp nón ngập ngừng bước theo nhà thơ. Nhà thơ đã khấp khởi mừng.ấy thế mà không.Cô gái vẫn rất kiêu kỳ,làm cao,chẳng thèm trả lời nhà thơ lấy một lời”,” cứ lặng rồi đi,rồi khuất bóng . ái chà chà,ghê thật. Thất vọng,nhưng nhà thơ vốn mát tính,không hề tự ái,cũng chẳng tiếc. Tuy nhiên nhà thơ vẫn nhìn theo và nói với cô ta rằng : cô không ở lại về cùng ta ư ? Cũng chẳng trả lời nhau lấy một lời ư ? Thôi được. Nhưng thưa cô,phía trước cô là một tương lai màu xám u ám lắm. Bóng cô sẽ khuất,sẽ chìm lặng đi rồi chẳng còn ai biết đến cô nữa đâu. Mà phía trước cô là gì ? Là rừng mơ hiu hắt,lá mơ rơi ,là mùa đông ảm đạm,sương muối,mưa rừng,gió may lạnh buốt. Đọc bài thơ này của anh,em chắc không chỉ mấy cô gái  sắp ở tuổi lỡ thì hoảng lên,mà ngay đến những tiểu thư còn đang độ xuân xanh mơn mởn cũng phải suy nghĩ .
Lại rít thuốc lào thở khói mù mịt,đôi mắt lơ mơ say nhìn tôi,anh cười :
-   Chú mày còn trẻ mà khéo tán thế .     
     Đó là lần cuối cùng tôi được gặp anh . Đầu năm 1966,vào dịp Tết Nguyên đán,đang ở Đèo 15,một cao điểm trên đường Trường Sơn,tình cờ mở Radio,tôi bỗng sửng sốt khi nghe tin nhà thơ Nguyễn Bính đột ngột qua đời. Trong chiếc hầm chữ A còn khét mùi khói bom giặc Mỹ,tôi ngồi lặng đi vì tiếc thương anh,một tài năng mà tôi vô cùng ngưỡng mộ.